Tiến sĩ Trần Hoàng dù đã tiêm đủ 2 mũi vacxin vẫn bị nhiễm Covid-19, chia sẻ những trải nghiệm cách li tập trung tại Bệnh viện Dã chiến số 8 - TP.HCM. Tiến sĩ Trần Hoàng vừa nghỉ hưu, sau nhiều năm công tác tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Tiến sĩ Trần Hoàng cũng là hội viên chuyên ngành Lý luận Phê bình của Hội Nhà văn TP.HCM.


 

TÔI ĐI CÁCH LI

TRẦN HOÀNG

 

Đây là những trải nghiệm bất đắc dĩ của tôi, xin được chia sẻ với tư cách một người trong cuộc. Thật ra thì tôi chỉ bị nhiễm Covid-19 nhẹ, sau khi đã may mắn được tiêm 2 mũi vaccine của Mỹ hơn nửa tháng, có thể tự theo dõi điều trị ở nhà mà không phải tốn kém của công. Nhưng rồi tôi vẫn bị đưa đi cách li.

Nếu thống kê những gia đình phòng bị chống Covid-19 kĩ nhất, thì nhà tôi chắc phải nằm trong số đó. Suốt ngày cửa đóng then cài, mọi giao tiếp đều giữ khoảng cách, hàng hóa tiền bạc đều được cho vô rổ rồi dùng cây móc và khử khuẩn, luôn đeo khẩu trang, kính chống giọt bắn khi đi test, tiêm ngừa, mọi vật dụng đều thường xuyên lau chùi, phơi phóng, xịt cồn. Riêng tôi thì không tham gia vào việc giao nhận hàng hóa nên virus càng khó có cơ hội “dính”.

Ngày 6/8, tôi tiêm mũi 1 Moderna. Ngày 8/9, tôi tiêm mũi 2 Pfizer. Càng thấy yên tâm.

Sau hai lần tổ dân phố đưa kit test nhanh đến nhà cho dân test đại diện từng hộ, thì chuyển sang test tập trung toàn bộ dân c,ư theo chủ trương test 3 lần/tuần để “tách bóc F0 ra khỏi cộng đồng”. Ngày 21/8, cả nhà tôi đều ra test, và có kết quả âm tính.

Tối 22/8 và ngày 23/8, tôi hơi sổ mũi, phải uống Decolgen.

Ngày 24/8: lại test tập trung, kết quả là cả nhà chỉ mình tôi dương tính!

Từ đâu? Xâu chuỗi các sự kiện và bằng phép loại trừ, có thể suy ra là từ hôm test tập trung ba ngày trước, không thể khác! Điều bạn bè cảnh báo đã thành sự thật, tôi đã trở thành nạn nhân của một cách chống dịch phản khoa học!

 “Chú bao nhiêu tuổi? Có bệnh nền không? Thôi, chú về tự cách li, chuẩn bị mai phường sẽ xuống đưa đi cách li tập trung!”. Tôi vào nhà, thường trực khẩu trang, một mình một tầng, tách biệt với mọi người. Quần áo, vật dụng sinh hoạt, thuốc men đều cho sẵn vào vali, chuẩn bị “ngày mai anh lên đường!”.

Tình hình trong nhà có phần căng thẳng do không biết còn ai “dính” nữa! Thôi, cứ chờ vài ba hôm sẽ rõ! Dù sao thì tôi và bà xã đã tiêm ngừa đủ 2 mũi vacxin, có kháng thể tối đa rồi, số người còn lại đều cũng đã được tiêm 1 mũi hồi đầu tháng 8. Tội cho cháu nội cứ đeo khẩu trang thập thò ngoài cửa. Thường ngày ông cháu quấn quýt, bày trò chơi “theo lịch”, tối nó đòi ông kể chuyện rồi mới ngủ. Đêm, tôi vẫn sổ mũi, nghẹt mũi, hơi rát cổ họng và ớn lạnh. Triệu chứng rõ rồi đây.

                             Tiến sĩ Trần Hoàng

Trong cuộc họp báo chiều 21/9, lãnh đạo Sở Y tế TP HCM phát biểu “có sự hiểu nhầm việc bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng là đưa đi cách ly tập trung”. Chủ trương là F0 đủ điều kiện là cách li và điều trị tại nhà thông qua y tế cơ sở, chấn chỉnh trường hợp “gom” FO cách ly tập trung” (Nên như vậy, bản thân người ta, gia đình người ta, ai không lo. Còn lây cho cộng đồng sao được khi người ta đã nghiêm túc tự cách li?) , Thế nhưng đó là chuyện của Sở Y tế nói và báo đăng. Còn thực tế thì…

Ngày 25/9, tôi chờ hết buổi sáng vẫn chưa thấy y tế phường gọi. Hay họ cho mình cách li tại nhà, vì nhà mình có đủ chỗ để tự cách li, mình đã tiêm đủ hai mũi vacxin quá hai tuần? Giữa buổi, có hai thanh niên mặc đồ bảo hộ đến phát một túi thuốc gồm 2 gói A, B cùng một chai nước súc miệng, một chai nước sát khuẩn. Tiếp đến, có người mặc đồ bảo hộ đưa đến một bộ hồ sơ cách li tại nhà, bảo mình điền vào, kí tên và thu lại.

Vậy mà… 12g30, có điện thoại gọi báo chuẩn bị, 14g sẽ có xe đến đưa đi cách li tập trung. Tôi hỏi có cách li tại nhà được không, nhà tôi đủ điều kiện, tôi đã tiêm đủ vacxin hơn hai tuần. Trả lời: “Ở nhà làm gì, lây cho gia đình”. Vậy thì đi, không đi cũng đâu có được!

Một tiếng sau, xe đến. Lòng vòng đón thêm 6 người nữa rồi thẳng về điểm “thu dung” là Trường THCS Nguyễn Văn Tố. Ghi phiếu tiếp nhận; đo thân nhiệt, huyết áp, SpO2, nhịp tim; nhận một tờ giấy in quy định tại khu cách ly, chờ test nhanh xong lên phòng. Phòng mênh mông gồm mấy dãy giường 2 tầng của học sinh nhưng chỉ có vài người, do ai cũng chỉ ở tạm đây 2 ngày rồi được chuyển đi Bệnh viện Dã chiến.

Phần ăn chiều gồm cơm, thịt heo, vài miếng su xào và một bịch canh. Lát sau, lại một tốp đã vào đây hôm qua thu dọn đồ đạc lên đường đi Bệnh viện Dã chiến, trong đó có một cháu 10 tuổi. Căn phòng rộng thênh thang giờ chỉ còn lại 5 người, gần chỗ tôi là anh cựu binh người Cà Mau nhỏ hơn tôi 1 tuổi đang làm bảo vệ và một cậu sinh viên năm thứ 5 ngành Y.

Nửa đêm vẫn không sao ngủ được. Mặt giường là tấm ván, bao F0 đã lăn lóc trên đó, xoay trở cũng ớn! Hai mắt bỗng đỏ quạch, một triệu chứng khác của Covid-19, hơi khó chịu, tạm tra pomade Tetracyclin, rửa bằng Natri Clorid mang theo. Mũi lại nghẹt, đầu hơi đau và cơn ớn lạnh lại lên. Súc nước muối, nhỏ mũi rồi mặc thêm áo ấm và nghe nhạc dỗ giấc.

Ngày 26/9. Thức dậy theo thông lệ, vệ sinh xong tập thể dục và chờ ăn sáng. Dặn bà xã gửi thuốc nhỏ mắt, thịt chà bông và ít đồ dùng ngay trong sáng, sẵn sàng để đi Bệnh viện Dã chiến. Gần 10g, nhân viên y tế lên đo huyết áp, SpO2, nhiệt độ. Hôm nay thì huyết áp đã thấp dưới 140, hôm qua đến 165/97 chắc do cả ngày căng thẳng. Cháu nội gọi, nói đủ thứ chuyện.

12g30 có khẩu phần trưa: 1 hộp cơm, vài miếng thịt heo, mấy lát cà tím xào, một bịch canh bí đỏ. Thế nào mà cậu sinh viên Y khoa ra nhận sau cùng lại thiếu mất phần, gọi các số điện thoại đã cho thì chẳng ai cầm máy, tìm người liên hệ cũng không ra! Tôi áy náy, bảo nó ăn phần của tôi đi nhưng nó không chịu. Ra vào canh tìm thì bỗng thấy ở góc khuất tòa nhà đối diện có 2 tình nguyện viên đang đứng trò chuyện, tôi bèn gọi vói sang nhờ báo giúp. 13g20 cậu sinh viên có suất cơm. Còn may, không thì trưa nay thằng bé sẽ phải đói!

Gần 15g, có điện thoại báo mang hành lí xuống sảnh để đi Bệnh viện Dã chiến, xe đang đợi! Mọi người trong phòng, trừ cậu sinh viên ngành Y, đều được chuyển đi Bệnh viện Dã chiến số 8 ở Khu Tái định cư 38,4 ha thuộc phường An Khánh, Thủ Đức. Nghĩ cũng lạ, ai cũng được chuyển đi Bệnh viện Dã chiến cả, thì sao họ không đưa thẳng ra đó cho rồi mà còn giữ lại ở Trường Nguyễn Văn Tố gần 2 ngày 1 đêm để làm gì, vừa mất thời gian bệnh nhân lại vừa tốn người hao của nhà nước?

Sau một tiếng, đến nơi, khai báo, nhận phòng. Tôi ở chung với anh bảo vệ và một cậu thanh niên tại phòng 10.12 lô D3. Đây là một chung cư chưa người ở, chỉ có vỏ nhà và điện nước. Dĩ nhiên nội thất không có gì cả. Được cái hệ thống nhà vệ sinh khá tốt. Mỗi người một phòng. Tôi bắt tay lau sàn, dọn dẹp. Có ai đó bỏ lại phòng tôi một tấm chiếu nhựa, tôi xịt thuốc sát khuẩn rồi giặt sạch, phơi ngay để tối kịp dùng. Xong tập thể dục, tắm rửa, ăn tối, nghỉ ngơi. Lại thiếu một suất cơm, bù bằng mì tôm, cậu thanh niên tình nguyện ăn mì tôm. Sóng 4G chập chờn đến chán. Lại có kiến ba khoang, phải canh chừng!

Ngày 27/9/2021. Đêm qua không còn lên cơn ớn lạnh, cũng không còn sổ mũi. Nóng quá, không quen với tấm chiếu nhựa dính dáp, tôi đẩy nó ra lăn ngay trên sàn gỗ. Có tiếng muỗi vo ve. Sáng ra, được phát 1 viên vitamin C, một cái bánh bao. Xong có tình nguyện viên lên đo SpO2. Một lát có bác sĩ tên Long lên gặp hai người lớn tuổi là chú Bé và tôi bảo thuộc diện có nguy cơ cao, lấy thông tin, kí giấy đồng ý để tiêm 5 mũi Remdesivir. Mình và Bé báo đã tiêm 2 mũi hơn hai tuần rồi và thấy sức khỏe bình thường. Bác sĩ bảo vậy thì tốt rồi, mà nhìn hai chú đúng là khỏe, chưa cần tiêm, chỉ kí vào giấy là đồng ý sẽ tiêm khi có chuyển biến nặng.

Nghỉ trưa. Dậy, tập thể dục, lau phòng, chờ ăn tối. Xong lại đứng bên cửa sổ (may tôi được căn phòng có cửa sổ) nhìn trời, nhìn các khu Bệnh viện Dã chiến số 6, 12 vây quanh, biết bên ấy có cả học trò của mình qua Facebook. Ở tòa nhà đối diện, có một đứa bé trạc cháu nội tôi đang chơi đùa chạy ra chạy vào ở lô-gia, thương quá!

            Bữa cơm dành cho bệnh nhân Covid-19.

 Bữa tối hơi đói do cơm phát muộn nhưng mở ra thì hỡi ôi, món tôi không ăn được: cá! Không sao, đã có chà bông bà xã kịp chuyển vào hôm qua. Lấy cá cho bạn cùng phòng, còn lại cơm và mấy miếng cải thảo xào. Hôm nay tìm hiểu thông tin trên Group Zalo biết phải ở đây đúng 1 tuần mới được test lại. Vậy mà tôi đinh ninh sẽ được về sớm, sáng con gái gọi hỏi cần gì để tiếp tế thì gạt phéng! Giờ xác định phải tự cứu! Gọi điện cho bà xã để chuẩn bị ship thực phẩm bổ sung! Ăn ở kiểu này thì sức đâu mà chống virus corona! (Hôm sau ra nhận hàng gửi, có một chị Bến Tre than thở, chị không có người nhà ở thành phố, muốn nhờ mua đồ mà chẳng biết làm sao!)

Mấy hôm nay đều phải ngồi khom, cái lưng già với cột sống thoái hóa bắt đầu đau, giảm ngồi vậy.

4, 5, 6, 7, 8 ngày đêm trôi qua lặp đi lặp lại nhàm chán. Mỗi ngày được cấp 3 suất ăn, 1 viên vitamine C, đo SpO2 một lần (lượng oxy của tôi lúc nào cũng 99-100%). Vậy thôi. Hết nằm lại ngồi lại đứng lại tập thể dục lại nhìn ra cửa sổ… Cả ba người trong phòng chẳng ai thấy có gì là nguy cơ của Covid-19 nên chỉ mong cho đến ngày được test rồi về! Giao tiếp trong nội bộ đều thông qua group Zalo BN Lầu 10.D3. Thỉnh thoảng lên group đọc các trao đổi thấy khá nhiều chi tiết thú vị. Tinh thần tương trợ của bệnh nhân thật đáng trân trọng. Anh bạn già chung phòng được bệnh nhân xuất viện mang tặng nửa thùng mì và mấy hộp sữa. Tôi cũng nhờ kêu gọi trên group mà được cho một quạt giấy rồi một quạt điện nhỏ.

Ở đây ngày nào cũng có người về người vào, thường là về trưa vào chiều. Mỗi sáng đều thấy trên Zalo: “Xin thông báo: các quý bệnh nhân đã được thông báo ra viện hôm nay lúc … thu dọn hành lý gọn ghẽ, vệ sinh sach sẽ chỗ mình ở và để rác đúng nơi quy định phía cuối hành lang. Khi nào nhân viên y tế lên gọi là ra thang máy về liền. Chúc mọi người mạnh khỏe hạnh phúc. Cảm ơn”.

9g sáng 3/10, ngày thứ 9 đi cách li, ngày thứ tám vào Bệnh viện Dã chiến, ba bệnh nhân “bất đắc dĩ” của phòng tôi được test RT-PCR. Cả ngày đêm sau đó là khoảng thời gian hồi hộp chờ đợi: mai đã được về chưa?!

Và sáng hôm sau lại tiếp tục chờ đợi, từng phút. Qua 9g, vẫn chưa có tin tức gì trong khi những người khác chung tầng đã được báo tin chuẩn bị về trước đó. Chúng tôi than thở với nhau vậy là cả ba người mình vẫn còn dương tính rồi! Chuẩn bị tinh thần ở lại, thì bỗng ngay sau đó, chuông điện thoại vang lên: “Chú là chú Trần Hoàng ạ! Chú chuẩn bị 11g trưa nay xuất viện nha chú! Cả hai người chung phòng với chú nữa!”. Ôi! Quả mừng hết biết!

Nhìn lại 10 ngày bị đi cách li tập trung, tôi nhận thấy:

- Chính quyền cơ sở làm việc quá máy móc: Thứ nhất, test tập trung bất chấp có thể đây là nguồn lây nhiễm. Thứ hai, đưa đi cách li vô tội vạ, bất kể đối tượng có hay không có nguy cơ. Dù đã có chủ trương cho cách li tại nhà với sự hỗ trợ của y tế cơ sở để vừa giảm gánh nặng cho các điểm “thu dung” và Bệnh viện Dã chiến, vừa giúp người nhiễm thể nhẹ/ trung bình có điều kiện phục hồi tốt hơn (không phải tiếp xúc nguồn lây tại cơ sở “thu dung”, ăn uống đủ dưỡng chất, được tắm nước nóng, xông hơi, có người giúp đỡ… nếu ở nhà);

- Khâu tổ chức luộm thuộm, lãng phí: Đã đến nhà phát thuốc hỗ trợ F0, làm thủ tục cách li tại nhà mà lại còn đưa đi cách li tập trung. Thiếu sàng lọc những người dương tính (đã tiêm ngừa 1,2 mũi chưa, bao lâu, có hay không có triệu chứng bệnh nặng?); đã chuyển tất cả đi Bệnh viện Dã chiến mà vẫn phải mất 2 ngày chờ đợi ở nơi “thu dung” trung chuyển của quận.

- Điều kiện hỗ trợ người cách li nâng cao sức đề kháng còn hạn chế: Mặc dù lực lượng y tế và tình nguyện viên làm việc rất tận tụy, trách nhiệm; cơ sở vật chất ở những điểm cách li không quá đỗi tệ, nhưng việc ăn ở tại nơi cách li tập trung không giúp người bệnh nâng cao thể trạng mà ngược lại có thể làm họ suy yếu hơn, thậm chí stress. Nhất là với những ai không có sự trợ giúp từ bên ngoài. Bữa ăn chính chỉ là một hộp cơm với vài miếng thịt cá, một chút rau củ xào, canh hầu như họa hoằn; phải tắm nước lạnh; phòng ốc quá nóng nhưng thiếu quạt; phải nằm ngồi trên sàn nhà…. Nên dành công của để chăm lo đầy đủ hơn cho người bệnh nặng là những người thật sự cần đến sự chăm sóc y tế công cộng, chứ không nên cách li tràn lan như thế này.