Một lần anh có khách: “Cho tôi gặp chồng nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn…”. Thi Nhị tỏ ra không hài lòng. Anh bảo: “Thi Nhị nhà dân tộc học, nhà thơ đủ rồi, sao phải ngoằng vợ con vào đấy?”. Lại có lần, có sinh viên đến thực tập hỏi anh: thưa chú, chú là người dân tộc nào ạ? Anh thản nhiên: tớ người Thái! Lại hỏi: Thái trắng, hay Thái đen ạ?. Lại thản nhiên: Thái Bình!


QUA XÓM HÀ HỒI…

NGÔ VĨNH BÌNH

Tôi và nhà thơ Thi Nhị vốn cùng công tác với nhau, mà là cùng tổ chuyên môn (tổ Folkorre - Vện Dân tộc học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) chừng 4 năm (từ 1975 đến 1979). Thi Nhị làm nhiều thơ, nhưng tôi nhớ nhất là bài “Xóm Hà Hồi với những câu: “Thành phố nào chẳng có một xóm quê/ Như cái xóm êm ru này Hà Nội/ Và ai đó suốt cuộc đời dữ dội/ Chẳng một vùng yên tĩnh giữa lòng sâu”.

Một lần anh có khách, khách hỏi: “Cho tôi gặp chồng nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn…”. Thi Nhị tỏ ra không hài lòng. Anh bảo: “Thi Nhị nhà dân tộc học, nhà thơ đủ rồi, sao phải ngoằng vợ con vào đấy?”. Lại có lần, có sinh viên đến thực tập hỏi anh: thưa chú, chú là người dân tộc nào ạ? (chả là cơ quan tôi hồi ấy đa phần là người các dân tộc thiểu số). Anh thản nhiên: tớ người Thái! Lại hỏi: Thái trắng, hay Thái đen ạ?. Lại thản nhiên: Thái Bình!…

Tôi biết anh cũng là sinh viên khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội như tôi, nhưng học khóa trên, khóa đàn anh. Anh lại đã từng công tác tại Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng khu tự trị Tây Bắc (Thái - Mèo), đã từng biên soạn nhiều cuốn sách về văn nghệ dân gian, về lịch sử, lại có làm thơ. Anh nói vui: Khoa Sử nhà cậu có hai ông “thi”, Thi Sảnh và Thi Nhị, nhưng đáng lẽ chúng tôi phải lấy tên là “sử Thi”… Anh là người vui tính, hài hước và rộng rãi với mọi người, nhất là cánh đàn em chúng tôi. Hồi đó cuộc sống khó khăn, nhưng cứ đến tháng lĩnh lương là anh lại khao chúng tôi, khi thì miếng mít dưới đường Trần Xuân Soạn, lúc cốc chè đậu đen đường Phan Chu Trinh. Hôm nào sang thì Phở Thìn phố Lò Đúc…

Trở lại bài thơ “Xóm Hà Hồi của Thi Nhị. Xóm Hà Hồi thật yên tĩnh như câu thơ anh viết:

Là xóm, lại không là xóm đâu

Giữa lòng Hà Nội, ngõ chìm sâu

Mấy khuôn vườn nhỏ êm như thể

Lọc hết êm ru phố xá vào

Gọi là xóm, nhưng thực ra đó lại là một con ngõ dài, chạy vòng nối từ phố Trần Hưng Đạo sang phố Quang Trung, một ngách nữa ra đường Trần Quốc Toản, hai ngách cách nhau chưa đến trăm bước chân bên số chẵn đường Quang Trung. Trong xóm cũng có vài quán ăn hay tiệm cà phê nhỏ, nhưng chủ yếu là các hiệu sách hay điểm văn hoá. Nhà cửa trong ngõ kiểu nông thôn Pháp, thường một tầng hầm, một tầng nhà, vườn bao quanh…

Có lẽ vì nằm lọt thỏm giữa những đường phố đông đúc của Hà Nội, nên khi ai đó bước vào xóm Hà Hồi đều có cảm tưởng mọi sự vội vã dường như tan biến, mà thay vào đó là chút nhẩn nha, thong dong... Tuy nhiên, xóm Hà Hồi cũng đang dần đổi thay, những ngôi nhà cao tầng hiện đại cũng đang dần mọc lên đan xen với những căn nhà cổ kính vẫn như cố níu giữ chút kiến trúc xưa.

Trước tiên là tên “xóm” giữa bao tên đường, tên phố khác, sau còn có rất nhiều điểm đặc biệt nữa. Mọi ngôi nhà trong xóm đều ghi trước biển hiệu hay số nhà của mình là “Hạ Hồi”. “Mọi người ở đây đã quen thuộc với cái tên Hạ Hồi, tuy nhiên đến lúc lắp biển thì không hiểu vì sao người ta ghi là Hà Hồi. Không chỉ vậy, cả bên bưu điện đều chấp nhận cái tên Hạ Hồi, đồ đạc, thư từ có địa chỉ ghi là Hạ Hồi vẫn được chuyển tới đúng nơi” - bác Phúc, một cư dân nơi đây, cho biết.

Hà Hồi là tên một làng thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội, cạnh quốc lộ 1A. Nơi đây đã ghi dấu một chiến thắng của quân Tây Sơn trong chiến dịch Đống Đa lịch sử. Sau khi xâm lược nước ta, quân Thanh đã đóng một đồn binh tại đấy. Cuối năm Mậu Thân (1788) vua Quang Trung đưa quân từ Phú Xuân ra Bắc đánh giặc. Đêm 30 Tết quân ta vượt đèo Tam Điệp. Đêm mùng 3 Tết (29/1/1789) tiến tới Hà Hồi. Quang Trung dàn quân bao vây tứ phía rồi cho bắc loa gọi hàng giữa tiếng reo hò như sấm dậy của đại quân. Quân giặc hoảng sợ lũ lượt ra hàng. Ta thu được đồn binh cùng toàn bộ kho tàng vũ khí, lương thực mà không thiệt hại người nào.

Sử cũ cho biết: xóm Hà Hồi được lấy theo tên của một ngôi làng ở huyện Thường Tín, nơi gắn liền với chiến thắng đêm mùng 3 Tết năm Kỷ Dậu của Vua Quang Trung. Nơi đây nguyên là phần đất của một trại lính nhà Nguyễn. Đến thời Pháp thuộc, người Pháp đã cho mở các ngõ thông nhau, đặt tên là Giô-rê-ghi-be-ry (cité Jauréguiberry). Đến tháng 7/1945, Thị trưởng lúc bấy giờ của Hà Nội là Trần Văn Lai đã cho đổi tên các con phố Tây thành các tên, địa danh gắn liền với lịch sử dân tộc. Xóm Hà Hồi cũng được đặt tên từ đó (nhưng có nhiều người quen gọi là xóm Hạ Hồi, cho đến năm 2007, khi Thành phố tổ chức gắn biển tên và chính thức lấy lại tên cũ là xóm Hà Hồi).

Vợ chồng nhà thơ Thi Nhị - Phan Thị Thanh Nhàn


Tôi và anh Thi Nhị hay đến xóm Hà Hồi vì một lẽ như trên đã nói, chúng tôi cùng một tổ chuyên môn, mà tổ Văn nghệ Dân gian này do bà Từ Thị Cung (bút danh Hà Châu, vợ cố Giáo sư Cao Huy Đỉnh) là tổ trưởng. Bà thường hay triệu tập anh em chúng tôi đến nhà riêng của bà ở phố này. Xóm Hà Hồi bây giờ đã khác, nhưng thời bấy giờ thật như một xóm quê nghèo với đường đá, dăn ba bụi tre trúc và về đêm đèn đường vàng vọt…

Ở đây có thể nhớ bâng khuâng

Đá lạo xạo mở đường dép lốp

Điện đủ sáng cho trăng hồng thức

Trăng Trường Sơn vằng vặc đêm nao

Và rồi đi trên phố - xóm này, người ta như được lạc vào một thế giới của những liên tưởng đối lập: lặng yên và cồn cào, nhàn hạ và bận rộn, thực và mơ… để rồi tĩnh tâm lại, để rồi soi ngắm lại mình và yêu cuộc đời, yêu thành phố của mình hơn!

Cái êm ru sẽ hóa cồn cào

Cái yên tĩnh bỗng trở thành chộn rộn

Sợi rằng rịt vô tình ai cảm nhận

Còn nữa nơi này cũng sau trước gần xa

 

Thành phố nào chẳng có một xóm quê

Như cái xóm êm ru này Hà Nội

Và ai đó suốt cuộc đời dữ dội

Chẳng một vùng yên tĩnh giữa lòng sâu

 

Là Hạ Hồi của Hà Nội thân yêu…

Tác giả bài thơ “Xóm Hà Hồi tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Nhị (1937-1979); Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp năm 1963. Ông từng công tác nhiều năm tại Tây Băc và Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam Việt Nam (1973-1979). Tác phẩm: Tìm hiểu đời sống của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù đế quốc ở Sơn La qua thơ ca sáng tác trong tù - tạp chí Dân tộc học số 3/1975; Một số văn đề Văn học dân gian dân tộc Thái - tạp chí Dân tộc học số 1/1977; Thử phân loại dân ca Thái - tạp chí Dân tộc học số 2/ 1978 ; Việc sử dụng tài liệu Văn nghệ dân gian trong nghiên cứu Dân tộc học - tạp chí Dân tộc học số 4/1978; Một số sự kiện lịch sử và tiếp xúc văn hóa qua cuộc chuyển cư vào Tây Băc qua tài liệu Văn nghệ dân gian - tạp chí Dân tộc học số 3/1979…

Ngoài ra tôi được biết nhà thơ đang viết một trường ca về anh hùng Lò Văn Giá có tên là “Hoa toóng tay. Lò Văn Giá sinh năm 1919 tại bản Cọ, thị xã Sơn La, Tỉnh Sơn La trong một gia đình nông dân nghèo. Với lòng yêu nước, căm thù chế độ thực dân sâu sắc, thanh niên Lò Văn Giá sớm giác ngộ cách mạng. Hồi đó chi bộ Nhà tù Sơn La đã xây dựng được hai cơ sở bên ngoài nhà tù, trong đó Lò Văn Giá tham gia trong tổ chức Thanh niên cứu quốc Mường La. Tháng 8/1943, chi bộ Nhà tù quyết định tổ chức vượt ngục cho một số tù chính trị cốt cán để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Là người thông minh, dũng cảm, có lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng, lại rất thạo tiếng Mông và địa hình Tây Bắc, Lò Văn Giá đã được chọn làm người đưa đường cho cuộc vượt ngục của 4 đồng chí Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân và Lưu Đức Hiểu. Và Lò Văn Giá đã đưa được 4 đồng chí đến đích an toàn tại khu vực suối Rút, tỉnh Hòa Bình theo kế hoạch mà chi bộ đã đề ra.

Đồng chí Trần Đăng Ninh đã viết trong cuốn Hai lần vượt ngục có đoạn: “Anh thanh niên Thái đưa chúng tôi đến đây đã hết phận sự. Chúng tôi cùng anh từ biệt bùi ngùi cảm động. Thuyền xa, chúng tôi còn nhìn theo người thanh niên Thái và khắc tên Giá của anh vào lòng... ”. Khi quay lại Sơn La, Lò Văn Giá đã bị thực dân Pháp bắt. Mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng Lò Văn Giá vẫn nhất mực không khai. Sau thời gian bị giam cầm, không tìm được chứng cứ để kết án, nên chúng đã lén lút thủ tiêu ông. Lò Văn Giá đã được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân ngày 20/12/1994. Để nghi nhớ công lao của ông, nhiều con đường, trường học đã được mang tên Lò Văn Giá…

Nhà thơ Thi Nhị đã đã xa hơn 40 năm, nhớ anh, đọc lại thơ anh tôi lại tiếc cho anh, tiếc cho bông hoa toóng tay sớm nở chiều tàn!. Bây giờ không biết bản thảo trường ca mà anh dự định viết giờ phiêu dạt nơi đâu, hay cũng đã hoá vào lòng đất mẹ như anh.

Còn tôi, cho đến bây giờ cứ mỗi lần qua xóm Hà Hồi, lại bâng khuâng nhớ một nhà thơ…

 

Nguồn: Văn Nghệ