Nhà văn Triệu Xuân, tác giả của những cuốn tiểu thuyết được công chúng yêu thích như ‘Giấy trắng’, ‘Bụi đời’, ‘Cõi mê’… đã lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng vào lúc 12h30’ hôm nay 26/10, sau nhiều năm chống chọi với bạo bệnh. Trong tình hình Covid-19 vẫn còn nhiều căng thẳng, linh cữu của nhà văn Triệu Xuân được quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm, và được hỏa táng vào chiều mai tại Bình Dương.


Nhà văn Triệu Xuân tên thật là Triệu Xuân Điến, sinh ngày 4/9/1952 tại Ninh Giang, Hải Dương. Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhà văn Triệu Xuân tình nguyện vào chiến trường miền Nam để làm phóng viên mặt trận cho Đài Tiếng nói Việt Nam.

Sau năm 1975, nhà văn Triệu Xuân công tác qua nhiều cơ quan báo chí, và nghỉ hưu với tư cách Giám đốc Chi nhánh của Nhà xuất bản Văn Học tại TP.HCM.

Nhà văn Triệu Xuân là một người hoạt bát và quảng giao. Ông thích đọc thơ và ưa ngâm thơ trước đám đông, nhưng lại say mê viết tiểu thuyết. Ngoài cuốn sách đầu tay “Những người mở đất” in năm 1983 dưới dạng truyện vừa, thì sự nghiệp văn chương của nhà văn Triệu Xuân đều là những tiểu thuyết dàn dặn và gai góc.

Có lẽ nhờ trải nghiệm làm báo, nên tác phẩm của nhà văn Triệu Xuân luôn đề cập trực diện đến những vấn đề thời sự nóng bỏng. Nếu xếp 7 tiểu thuyết của nhà văn Triệu Xuân theo trình tự thời gian xuất bản: “Giấy trắng”, “Nổi chìm giữa dòng xoáy”, “Đây là lời phán xét cuối cùng”, “Trả giá”, “Sóng lừng” và “Cõi mê” thì có thể hình dung được cả bức tranh xã hội Việt Nam trải dài bốn thập niên sau ngày thống nhất đất nước.

Trong tiểu thuyết của nhà văn Triệu Xuân, những nhân vật dù có thân phận khác nhau phải ngụp lặn ở những hoàn cảnh khác nhau, thì đều đối mặt dai dẳng giữa thiện và ác. Nhà văn Triệu Xuân thao thức với những mảnh đời gắng gượng sinh tồn và vươn lên trước nghịch lý thị phi.  

Trong gia tài chữ nghĩa của nhà văn Triệu Xuân, có một tiểu thuyết khá dữ dội và nhiều trắc trở là “Sóng lừng”. Đây là tác phẩm đầu tiên viết về mô hình tội phạm kiểu mafia của Việt Nam. Nhà văn Triệu Xuân đã ôm bản thảo “Sóng lừng” gõ cửa hơn chục nhà xuất bản, nhưng đều bị lịch sự từ chối. Không cam tâm, nhà văn Triệu Xuân đã xin gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để trình bày ưu tư của mình.

Kết quả, từ sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, một hội đồng thẩm định quốc gia được thành lập do Phó Trưởng ban Tuyên giáo lúc ấy là ông Thái Ninh chủ trì, và tiểu thuyết “Sóng lừng” đã được ra mắt vào năm 1991. Phải thừa nhận, nhà văn Triệu Xuân đã nhận diện được góc khuất băng nhóm xưng hùng xưng bá trong bóng tối, từ rất sớm. Bởi lẽ, nhân vật Tám Đôn trong “Sóng lừng” gần như khá tương đồng với ông trùm Năm Cam sau này bị phanh phui trước ánh sáng pháp luật.

Miệt mài với những tiểu thuyết nhiều day dứt, nhưng nhà văn Triệu Xuân vẫn rất hăng hái với các hoạt động cộng đồng. Ông thành lập nhóm Văn Chương Hồn Việt, vận động quỹ học bổng dành cho học sinh giỏi văn, và quan trọng nhất là chăm chút một trang web tổng hợp được nhiều tư liệu văn chương quý giá.



Trong tiểu thuyết “Đâu là lời phán xét cuối cùng”, nhà văn Triệu Xuân có lời nói đầu thể hiện khá rõ ràng quan niệm cầm bút: “Con người và những mối quan hệ trong xã hội luôn luôn là vấn đề lớn nhất của văn học. Tôi suy nghĩ nhiều về mối quan hệ giữa con người sau chiến tranh, quan hệ cha con, quan hệ giữa hai thế hệ, cả hai đều nồng nàn yêu nước, giàu tâm huyết, nhưng cái cách yêu nước rất khác nhau. Tôi muốn thể hiện sự nhìn nhận con người khác hẳn với kiểu đánh giá con người một cách cứng nhắc, phiến diện, không nhân văn.

Hiện nay, chúng ta đang tập trung chống tham nhũng, giải quyết những vấn đề nhức nhối của xã hội, làm lành mạnh hóa xã hội, lập trật tự, kỷ cương, phép nước. Thiết nghĩ, chỉ có thực sự phát huy dân chủ, trân trọng, nâng niu nhân tài, tôn trọng và lắng nghe tâm nguyện của con người, mau chóng và kiên quyết loại thải những kẻ giá áo túi cơm, sâu mọt, bất tài, tà tâm... thì xã hội mới yên bình, nước mới giàu, dân mới mạnh”.

Những chia sẻ gan ruột ấy của nhà văn Triệu Xuân từ nhiều năm trước, bây giờ vẫn còn đáng để mọi người cùng ngẫm ngợi khi ông đã thanh thản trả “giấy trắng” cho “bụi đời” về “cõi mê”./.

                                         LÊ THIẾU NHƠN