Bài viết “Đại chúng hay tinh hoa” của nhà văn Nguyên Ngọc từng được hoan nghênh trên nhiều diễn đàn. Thế nhưng, ý kiến phản biện khá dông dài trên báo Văn Nghệ TPHCM lại cho rằng: “Ông Nguyên Ngọc đã đi quá xa, ông đã lạc lõng trong mớ lý thuyết của một số trường phái triết học không còn tác dụng, hữu ích cho cuộc sống hôm nay. Thậm chí ông đã tự mâu thuẫn với mình…”


PHẢN HỒI BÀI VIẾT CỦA ÔNG NGUYÊN NGỌC: “ĐẠI CHÚNG HAY TINH HOA”


CAO ĐỨC TRƯỜNG


Tôi đã đọc bài viết “Đại chúng hay tinh hoa” của ông Nguyên Ngọc trong quyển “Việt Nam hôm nay và ngày mai”, của NXB Đà Nẵng, từ trang 305 đến trang 314.

Ông Nguyên Ngọc mượn việc ở Pháp, trong một số kỳ thi trung học phổ thông có ra đề thi môn triết rồi sau đó đưa lên báo và đề nghị các học giả, chính khách bình luận.

Ông Nguyên Ngọc lý giải cách dạy và học đó nhằm: “… nhiệm vụ của bậc phổ thông là chuẩn bị cho con người chính thức trở thành người lớn, trở thành công dân xã hội, tức sẽ tự mình đối mặt với những câu hỏi hiện sinh và những câu hỏi xã hội (Tôi nhấn mạnh), ông Nguyên Ngọc cho rằng: “con người tự do là con người biết tự đặt ra cho mình những câu hỏi như thế đó và trăn trở chúng”. Và “người ta định làm ra những con người tự do, biết suy nghĩ độc lập và khác nhau (đã độc lập thì hẳn phải khác nhau, mỗi người tự đi tìm lẽ phải cho chính mình và chịu trách nhiệm về lựa chọn riêng đó) còn ta thì ra sức tạo nên những con người đồng phục, rất kiêng kỵ sự khác biệt, không đồng nhất…” (Tôi nhấn mạnh).

Cái tự do, độc lập theo cái kiểu ông Nguyễn Ngọc nói đúng là kiểu nhận thức theo chủ nghĩa hiện sinh – hay còn gọi là chủ nghĩa sinh tồn, được du nhập vào miền Nam Việt Nam trong khung cảnh thực dân kiểu mới. Trong khi, ở phương Tây, từ cuối những năm 50, nó đã bắt đầu lỗi thời, không còn được quan tâm nữa. Chủ nghĩa hiện sinh là trào lưu triết học tư sản, một hình thức của duy tâm chủ quan, do không có khả năng hiểu biết hiện thực bằng lý tính, bằng khoa học (bất khả tri) nên ảo tưởng trước thực tế xã hội bất công, bi quan và thường có thái độ đòi hỏi hưởng lạc, dễ dãi. Đặc biệt, nó chống lại chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.

Tôi không có ý tranh biện với ông Nguyên Ngọc về triết học bởi nó không thuộc sở trường, nó vượt quá sự hiểu biết “lõm bõm” có lẽ của cả ông Nguyên Ngọc và tôi, nhưng trong bài viết này ông Nguyên Ngọc có diễn giải một số ý liên quan đến triết học, trong một đoạn, ông Nguyên Ngọc viết: “tỉ như hỏi: “có cần chứng minh để biết?”, có thể trả lời: “có chứ, có chứng minh thì mới biết được chứ!”, mà cũng có thể trả lời: “không nhất thiết đâu, có những điều ta biết chắc chắn mà chẳng tự chứng minh được chút nào cho chính mình nữa là, chẳng hạn hỏi tôi có biết vì sao tôi yêu cô A mà không yêu cô B, có trời chứng minh! Tôi yêu, thế thôi, sét đánh mà!”. Thật là lẩn thẩn, cũng giống cái câu thời tiền chiến, trước Cách mạng tháng 8 mà mọi người hay đọc vì thấy ngồ ngộ: “Hôm nay trời nhẹ lên cao/ Tôi buồn chẳng hiểu vì sao tôi buồn!”, kiểu này là kiểu “bất khả tri đây”.

Chủ nghĩa hiện sinh cũng như trong triết học tư sản hiện đại cũng tích cực truyền bá thuyết bất khả tri vậy mà nay có cũng nhiễm vào ông Nguyên Ngọc nữa, vì ông đã tự xa rời “đất nước đứng lên” của ông rồi. Chuyện này tôi đành theo ý F. Engels dạy cách bác bỏ thủ thuật của loại triết học này, một cách triệt để nhất là dùng thực tiễn để chứng minh. Theo cách ví dụ của ông Nguyên Ngọc, tôi đem đến cho ông 2 cô gái, cô A tệ hơn Thị Nở một chút và cô B, không cần như Thúy Vân, Thúy Kiều, cỡ như cô diễn viên múa ở Đoàn văn công Liên khu 5 hồi trước thôi, nếu có ai hỏi ông chọn cô nào thì không cần ông Nguyên Ngọc trả lời tôi cũng BIẾT chắc là ông sẽ chọn ai, và tôi cũng sẽ bắt tại trận là ông Nguyên Ngọc rất BIẾT chứ không phải KHÔNG BIẾT như ông đã nói. Không cần chọn người yêu, chỉ cần chọn người nấu nước, pha trà cho ông hằng ngày thôi, tôi cũng BIẾT ông chọn cô B. Còn khi đã chọn người yêu, giả dụ 2 cô đẹp, xấu tương đương nhau, tôi ít tuổi hơn ông, nhưng tôi cũng biết, ngoài dáng vẻ bên ngoài, còn phải tìm hiểu đủ thứ như: quan điểm, tâm hồn, phong cách, lối sống, nết na, tính tình… nếu KHÔNG BIẾT thì khi thành vợ chồng dễ sinh cảnh đồng làng dị mộng, dễ sinh rắc rối trong cuộc sống vợ chồng. Tóm lại, chỉ có ông Nguyên Ngọc BIẾT thôi chứ trời ở đâu mà biết dùm cho ông Nguyên Ngọc chọn người yêu.

Còn một diễn giải nữa cũng rất xa lạ với chúng ta hiện nay, ông đặt câu hỏi: “Có phải một tác phẩm nghệ thuật lúc nào cũng có ý nghĩa?” hoặc “Nghệ sĩ đưa ra một điều gì để hiểu chăng?”. Từ hai câu hỏi trên dẫn đến việc ông Nguyên Ngọc hỏi tiếp: “… nhạc sĩ Beethoven với bản giao hưởng số 5 của ông có định đưa ra một điều gì để (cho ta) hiểu chăng?”.

Trước hết, viết về Beethoven mà ông Nguyên Ngọc gọi ông ấy là nhạc sĩ thì không sai nhưng thiếu chính xác bởi khi viết hay nói về Beethoven thì ai, ở đâu người ta cũng gọi ông ấy với danh xưng là nhà soạn nhạc. Beethoven là nhà soạn nhạc thiên tài người Đức, sáng tác của ông mang tinh thần dân chủ, cách mạng và chủ nghĩa anh hùng; ông là người thấm nhuần triết học cổ điển Đức, những tư tưởng của thế kỷ ánh sáng (tiêu biểu như Voltaire) và tư tưởng của cách mạng tư sản Pháp năm 1789. Ông đã thể hiện một cách sâu sắc và mãnh liệt bằng ngôn ngữ âm nhạc qua các tác phẩm của mình, nếu như Beethoven viết nhạc mà không nhằm thể hiện tư tưởng, nội dung, tình cảm của mình nhằm gửi gắm, truyền tải một thông điệp nào đó, một nội dung cần chia sẻ, mặc dù không phải ai nghe nhạc của ông cũng hiểu ông muốn nói gì, muốn chia sẻ điều gì với người thưởng thức nói chung và đặc biệt là với những người yêu thích âm nhạc của ông (nên nhớ, phải hiểu mới yêu thích được) thì chắc cả ông Nguyên Ngọc và tôi đều không biết Beethoven là ai, hoặc có biết chút ít thì cũng còn giới hạn của nhận thức bởi các từ như nhạc sĩ hay nhà soạn nhạc như tôi đã nói. Vậy mà ông Nguyên Ngọc lại đem cái “thuyết bất khả tri” gắn cho ông Beethoven mà không sợ tội hay sao?!

Việc có hay không ý nghĩa của một tác phẩm nghệ thuật, tôi không muốn sa đà vào tình trạng nhàm chán khi nói đi, nói lại chuyện mà thiên hạ đã biết cả rồi, tôi muốn gửi tới ông Nguyên Ngọc câu chuyện Phú ông và thằng Bờm xung quanh cái quạt mo. Câu chuyện được truyền tải bằng thơ lục bát có tính chất ngụ ngôn đặc sắc của Việt Nam. Bài thơ này ai cũng thuộc làu rồi nên tôi không cần chép lại. Qua bài thơ dân gian này, ông bà mình muốn gửi gắm đến con cháu những giá trị tinh thần rất cao quí, đó là: Bờm rất thông minh, Bờm không tham, Bờm sống có đạo lý, sòng phẳng. (Bờm thông minh nên không bị gạt để lấy không cái quạt mo – vì đó là bản chất của bọn địa chủ, phú ông; Bờm không tham vì tham là một tính xấu và có thể vì tham mà có thể bị thiệt, bị hại; cuối cùng là Bờm tôn trọng sự công bằng, sòng phẳng vì điều đó luôn đem lại sự hài lòng, vui vẻ cho đôi bên khi mặc cả với nhau).

 

Nếu Bờm kém thông minh, mờ mắt trước “ba bò, chín trâu” hoặc “ao sâu cá mè” thì sẽ bị mất không cái quạt mo, sau khi thỏa thuận, trao đổi kiểu đó thì trâu, bò, ao cá vẫn còn ở nhà của phú ông. Bờm đòi ông không trả thì sao? Thưa ra làng để phân xử, có khi Bờm còn bị đòn, bị coi là người gian dối nữa. Bờm không tham một món quá hời từ lời hứa của phú ông, Bờm từ chối tất cả những lời dụ dỗ, những lời hứa hão huyền và cuối cùng là có sự sòng phẳng, công bằng thì Bờm nhận, Bờm cười. Cái quạt mo giá trị chỉ bằng nắm xôi thôi, và có lẽ đó chính là thứ Bờm đang cần cũng như phú ông đang cần cái quạt mo trước cơn nắng gắt. Chuyện như vậy đó, nhưng lâu nay vẫn có nhiều người hiểu rằng, thằng Bờm sao có vẻ ngu ngơ, khù khờ quá, thậm chí còn đem cái ngu ngơ, khù khờ ra để giễu cợt thì quả là tội nghiệp cho Bờm quá, nhất là không chịu suy nghĩ cho thấu đáo để nhận thức đầy đủ, làm sai lệch ý nghĩa cao đẹp của người xưa. Từ đó để thấy rằng, không có một tác phẩm nghệ thuật nào khi trình ra trước công chúng mà không có ý nghĩa, trừ khi, nhìn một bức tranh vẽ người với cái đầu lộn ngược thì thú thật… tôi chịu thua. Điều đó xảy ra là do sự hiểu biết, cảm nhận của tôi kém cỏi chứ đâu phải tác giả không có ý tứ gì khi sáng tác.

Bây giờ trở lại chuyện giáo dục, ông Nguyên Ngọc nói: “Tôi, thì thèm và buồn”.

Hiện nay trong chương trình dạy và học ở bậc THPT không có môn triết. Ông cho rằng: “Giá như ta có thể dạy môn triết học cho học sinh cấp III, cứ đúng y như môn này đã được dạy ở cấp tú tài Sài Gòn trước 1975… Chắc khó lắm. Nhưng giải quyết được, thì có khi từ đấy có thể làm hay chuyển được nền giáo dục đang bí đường thường bây giờ… có dám không, tôi xin chính thức hỏi.

Ít ra, thôi thì xin cứ thử đưa ra một gợi ý, nhân nhìn thiên hạ mà cứ nghĩ lại mình. Hay cứ bình chân ta là Việt Nam, ta quyết một mực khác với toàn thế giới”.

Ông Nguyên Ngọc đặt câu hỏi mà còn: “có khi, có thể, xin cứ thử” thì làm sao người ta dám áp dụng. Thử thì chỉ còn nghiên cứu trong phòng thí nghiệm thôi. Ông Nguyên Ngọc đã quá lời khi cho rằng Việt Nam quyết một mực khác với toàn thế giới, ông quên rằng Việt Nam đang chủ trương hội nhập, đang vào thời kỳ cách mạng công nghiệp, khoa học 4.0. Ông cứ nhìn lại coi, Việt Nam đang ở đâu và đang làm gì trong lúc này.

Việc có dạy môn triết ở bậc THPT hay không thì tôi không dám lạm bàn vì những người có chuyên môn về giáo dục và các cơ quan có trách nhiệm sẽ tính toán việc này. Có lợi hay không có lợi.

Đúng là trước năm 1975 ở lớp cuối cấp III có dạy và học môn triết, còn bây giờ nếu có dạy và học “cứ đúng như môn này đã được dạy ở cấp tú tài Sài Gòn trước1975…”, theo tôi nghĩ, đâu có gì căng thẳng đến mức ông Nguyên Ngọc phải thách thức: “có dám không?”. Không có gì là “dám” hay “không dám” cả. Nếu có dạy và học cả hiện sinh, phi lý, bất khả tri hoặc như cả là Decarders, Platon, Sokrat, Aristoteles với mục tiêu là để các em biết khái quát một phần lịch sử của triết học thế giới, mà cũng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” thôi thì có gì đâu mà ngại, mà phải thách thức.

Nhân đây, tôi dẫn thêm một vài thực tiễn nữa để ông Nguyên Ngọc suy ngẫm:

Hồi trước 1975, bom rơi đạn nổ tứ tung đâu có ai ở đó mà “bất khả tri” như ông Nguyên Ngọc. Suy luận kiểu đó thì chết là cái chắc. Anh em ta ở chiến trường, khi nghe pháo địch bắn (nhất là loại pháo 105 ly), nghe đường đạn đi có tiếng xè xè là mau mau nhào xuống mương vườn vì chậm một giây thôi cũng có thể mất mạng như chơi. Cái tiếng xè xè đó báo hiệu pháo sẽ nổ rất gần, thậm chí ngay chỗ mình đang ngồi, còn khi nghe tiếng véo véo trên đầu thì cứ yên chí, rung đùi, uống trà cũng được vì đạn sẽ rớt rất xa, không hề gì. Đó là kinh nghiệm “thực tiễn” tránh pháo địch của anh em ta đó. Rất “biện chứng”.

Thậm chí, anh em ta bắn giặc Pháp bằng cung, nỏ, thấy thằng giặc chảy máu là biết thằng giặc có thể chết. Ta có thể giết được giặc. Cũng rất “biện chứng”.

Ông Nguyên Ngọc “thèm” cho học sinh THPT được học triết như ở Sài Gòn trước năm 1975. Ngoài việc học ở trường với triết học phương Tây, người ta còn tìm mua sách, đọc sách để tự nghiên cứu nữa. Dù vậy, mặt bằng hiểu biết về triết học cũng chừng mực ở mức “cưỡi ngựa xem hoa” thì khi vào cuộc sống, đặc biệt là ở chiến trường khi kết quả ra sao ta cũng biết cả rồi. Còn việc người ta định làm ra những con người “tự do”, biết suy nghĩ “độc lập” có đối lập với con người “đồng phục” hay không cũng còn tùy trường hợp. Ví như: “Năm anh em trên một chiếc xe tăng/ Như năm bông hoa nở cùng một cội/ Như năm ngón tay trên một bàn tay/ Đã xung trận thì năm người như một/ Vào lính xe tăng anh trước em sau/ Cái nết ở ăn mỗi người một tính/ Nhưng khi hát là hòa cùng một nhịp/ Một người đau là tất cả quên ăn/ Năm anh em mỗi đứa một quê/ Đã lên xe ấy là cùng một hướng/ Nổ máy lên ta một dạ xung phong/ Trước quân thù là chỉ có tiến công/ Năm anh em mang năm cái tên/ Ấy khi lên xe không còn tên riêng nữa/ Trên tháp pháo một ngôi sao màu lửa/ Năm quả tim chung nhịp đập rộn ràng”. Tôi chép lại một số đoạn trong bài hát trên để nói với ông Nguyên Ngọc rằng: “đồng phục” đấy, nhưng cũng đẹp, cũng “dễ thương” quá chứ. Tôi tin rằng một con người dày dạn, nhiều kinh nghiệm như ông Nguyên Ngọc khi đọc lại chắc chắn tim ông cũng “rung rinh” với bộ “đồng phục” của những chiến sĩ xe tăng trong bài hát này. Thậm chí, hôm nay chúng ta đang cùng chống dịch bệnh, không thể chấp nhận được cái thứ tự do, mỗi người một hướng, một cách được. Ví như, đơn giản nhất là việc đeo khẩu trang. Người thì cho rằng khi ra ngoài nhất định phải đeo khẩu trang, người nói như vậy là mất tự do cá nhân. Hệ quả của việc lộn xộn như vậy ra sao chắc ông Nguyên Ngọc cũng biết rồi.

Bây giờ trở lại vấn đề giáo dục, ông Nguyên Ngọc mượn lời của GS Hoàng Tụy: “không phải giáo dục của ta lạc hậu đâu, lạc hậu thì ráng đuổi theo may còn kịp. Nó lạc hướng”. Từ đó, ông Nguyên Ngọc viết: “Có lẽ giáo dục ở ta chưa rõ được điều này. Ta chưa giải quyết đúng bài toán có thật về mối quan hệ giữa yêu cầu số lượng và yêu cầu chất lượng theo hướng này. Chắc đó cũng là nguyên nhân khiến ta lúng túng, loay hoay như đang thấy”.

Tôi thắc mắc, bài toán có thật đó là bài toán gì, theo hướng này là hướng nào? Cũng như chệch hướng là chệch cái gì, ra sao?

Ai cũng thấy giáo dục của nước ta hiện nay còn nhiều bất cập, còn ngổn ngang lắm. Muốn nâng chất lượng, hiệu quả của giáo dục cần có cái nhìn toàn diện, cụ thể chứ không thể chỉ bằng việc dạy và học môn triết ở bậc THPT mà được. “Quốc gia đại sự” mà đơn giản vậy sao? Lâu nay đã có nhiều ý kiến, bài viết về giáo dục với những đề xuất cụ thể. Có những ý kiến, khi đọc ta thấy như bị xát muối ớt vào vết trầy xước trên da thịt mình, như bị kiến bù nhọt chích nhưng qua đó ta cũng thấy được thiện tâm, thiện ý của họ. Tôi dẫn ra đây vài ý trong bài viết của tác giả Lê Tự Hỷ (Mỹ) được đăng trên tạp chí Hồn Việt số 60 – tháng 7/2012, bài viết có nhan đề “Lối thoát nào cho giáo dục đại học nước ta?”. Tôi xin ghi lại tiêu đề của những nội dung mà tác giả đề cập trong bài viết:

1) Những học sinh ưu tú nhất của Việt Nam hầu như đều theo học tại các đại học nước ngoài theo diện học bổng.

2) Những học sinh ưu tú khác không được học bổng thì chê các ngành khoa học cơ bản, các ngành khoa học xã hội hướng tới nghiên cứu mà chỉ chọn những ngành học dễ kiếm ra tiền…

3) Những học sinh tuy không giỏi, không học khá nhưng con nhà giàu thì tìm đường đi du học tự túc.

4) Trình độ học lực của rất nhiều học sinh tốt nghiệp trung học của ta hiện nay quá kém.

5) Sau cùng, rất nguy cho giáo dục đại học là số trường đại học của nước ta tăng lên quá nhanh trong thời gian quá ngắn.

Ngoài 5 nguyên nhân dễ thấy nêu trên ông Hỷ còn nêu lên 3 nguy cơ tiềm ẩn kéo dài:

1) Quan niệm rằng giáo dục là dịch vụ mà người học phải trả tiền cho người cung cấp kiến thức, y như đi mua bất cứ món hàng hay dịch vụ khác.

2) Nhà nước không đầu tư đúng hướng cho sự phát triển của giáo dục.

3) Cơ chế thăng tiến trong ngành giáo dục và nghiên cứu nặng về chức vụ, về “danh” hơn là về thực học, thực tài.

Cuối cùng ông Hỷ đề xuất 4 giải pháp:

1) Củng cố các đại học Quốc Gia Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đại học vùng.

2) Giảm các trường đại học tại các tỉnh.

3) Giảm quy mô tuyển sinh để tăng cường chất lượng đào tạo.

4) Để đào tạo được nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng được yêu cầu của đất nước.

Tôi ghi lại cái sườn của bài viết để thấy tác giả có đầu tư công phu khi viết và tất nhiên trong mỗi đề mục đều có diễn giải nội dung cụ thể. Tôi chọn một vài mục có liên quan đến suy nghĩ của ông Nguyên Ngọc như:

Nhà nước không đầu tư đúng hướng cho sự phát triển của giáo dục. Ông Lê Tự Hỷ viết: “Đối với sự phát triển của giáo dục nói riêng và cho sự phát triển của ngành tạo thành cái nền tảng, cái khung, cái sườn, những máy cái cho sự phát triển của đất nước, mà lại thiếu về lớp sơn hào nhoáng bên ngoài. Rõ ràng nhất là lương chính thức của giới giáo dục và cán bộ nghiên cứu quá thấp. Một ví dụ điển hình là viện toán học Việt Nam với biên chế khoảng 100 con người, ngoài một số nhân viên hành chính, còn lại tuyệt đại đa số là người đã đỗ tiến sĩ, đã dấn thân vào con đường nghiên cứu và đã có ít nhiều kết quả ở tầm cỡ quốc tế, mà ngân sách nhà nước cấp hiện nay chỉ khoảng 7 tỷ đồng Việt Nam (chưa bằng 350.000 USD mỗi năm, dùng cho mọi chi phí từ cơ sở vật chất, chi phí hành chính và lương bổng. Trong khi đó chi phí toàn bộ để thuê một huấn luyện viên bóng đá nước ngoài cho đội tuyển Việt Nam thì mỗi năm cũng mất xấp xỉ 360.000 USD/năm, còn tổng số tiền thuê vận động viên bóng đá ngoại 6 triệu USD/năm, bóng chuyền 0,5 triệu USD/năm. Tất nhiên nước ta cũng cần phát triển bóng đá và tất cả các môn khác như các nước ngoài, nhưng người ta đã có các cơ sở nghiên cứu lớn mạnh với ngân sách hợp lý cho sự phát triển, trong khi ta còn nghèo, chưa đầu tư đúng mức cho các cơ sở máy cái mà cũng chạy đua theo những cái hào nhoáng bên ngoài, là sai lầm lớn”.

Một trong 4 giải pháp mà ông Hỷ đề xuất là giảm số lượng trường đại học, việc tăng nhanh số lượng trường đại học trong thời gian quá ngắn là một nguy cơ của giáo dục.

Ông Hỷ viết: “Hiện ở nước ta có 440 trường đại học và cao đẳng trong đó có 77 trường tư thục mà tốc độ tăng được thấy như sau:

Từ năm 1998 đến 2011, số trường mới được thành lập là 327 trường, đặc biệt chỉ trong 2006 – 2007, số trường mới là 39 trường, bình quân tăng 20 trường/năm, từ năm 2008 đến 2010, số trường mới là 45 trường và từ năm 2006 đến 2011, đã có 51 trường cao đẳng nâng lên thành đại học. Hiện có 62/63 tỉnh thành của cả nước ta đều có trường đại học, cao đẳng… Việc các tỉnh, thành, ngành đua nhau mở nhiều trường đại học, cao đẳng trong thời gian quá ngắn như nấm mọc sau mưa này là hiện tượng “độc nhất” của Việt Nam ta khiến thiên hạ phải “ngả mũ chào thua, cúi đầu bái phục”… trong điều kiện quá kém về chất lượng…, quá thiếu cán bộ giảng dạy có trình độ đáng gọi là dạy đại học”.

Chỉ cần so sánh với một nước chưa phát triển lắm như Thái Lan, họ bắt đầu xây dựng đại học theo hướng hiện đại trước ta khá lâu, như Đại học Mahachulalongkornra Javidyalaya University tại Bangkok, xây dựng năm 1887, đại học uy tín nhất của Thái Lan là Chulalongkorn University xây dựng năm 1917, và xã hội Thái Lan không bị chiến tranh như ta, dễ có điều kiện xây dựng đại học hơn ta, nhưng tới năm 2011, Thái Lan chỉ có 159 trường đại học và cao đẳng, kể cả những trường quốc tế có uy tín chỉ chuyên đào tạo cấp thạc sĩ và tiến sĩ như Asian Institute of Technology được thành lập từ năm 1957. Như vậy, về số lượng trường thì Việt Nam xấp xỉ gấp 3 lần Thái Lan. Còn chất lượng thì sao? Một trong những chỉ số quan trọng mà thế giới dựa vào đó để đánh giá trình độ giảng dạy và nghiên cứu của nền đại học một nước là tổng số các công trình nghiên cứu được công bố thành các bài báo trên các tạp chí quốc tế trong các chuyên ngành. Theo dữ liệu Web of Science của ISI (Institute for Scientific Information, tại Philadelphia, Mỹ) mà giáo dục sư phạm Duy Hiển đã trích dẫn thì trong thời gian 10 năm từ năm 1995 tới 2004, Việt Nam ta có tổng cộng 3.236 bài trung bình khoảng hơn 300 bài/năm, là quá nhỏ bé so với hơn 300.000 bài của Mỹ, 75.000 bài của Nhật, 66.000 bài của Đức, 59.000 bài của Anh, 57.000 bài của Trung Quốc, 47.000 bài của Pháp. Ngay với các nước Đông Nam Á ta cũng thua, tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn đã trích dẫn từ ISI, cho thấy trong 10 năm từ 1996 đến 2005, tổng số bài của Việt Nam là 3.456, Thái Lan 14.594, Malaysia 9.742, Indonesia 4.359, Philippines 3.901 và Singapore 45.633… Như thế, Việt Nam vẫn thua tất cả các nước ấy. Thái Lan là nước chưa phát triển lắm, nhưng tổng số bài báo của họ gấp hơn 4,2 lần của ta mà số trường đại học của ta gấp 3 lần của họ. Như vậy, có thể nói chất lượng đào tạo và nghiên cứu của đại học Việt Nam thua Thái Lan khoảng 15 lần.

Chỉ cần điểm lại việc chạy đua thành lập trường, việc dạy, việc học, việc nghiên cứu chúng ta đã thấy, chúng ta vận hành nền giáo dục Việt Nam ra sao rồi! Trong đó có việc thành lập trường Đại học Phan Chu Trinh ở Hội An – Quảng Nam, sau một thời gian hoạt động nay đã tự giải thể, trong đó, ông Nguyên Ngọc là người có một phần trách nhiệm. Nhược điểm từ ước muốn đến ngôn từ, lời nói, từ ý chí đến việc làm cụ thể thường có khoảng cách. Phê bình người khác bao giờ cũng dễ hơn tự phê bình mình. Tôi nghĩ, không thể lấy một vài đề thi môn triết ở bậc THPT của Pháp mà áp đặt vào việc xây dựng hệ thống tiêu chí cho nền giáo dục Việt Nam; nó không phải là chiếc đũa thần để ông Nguyên Ngọc cầm nó rồi hô biến là xong.

Vấn đề cuối cùng, đây mới là điều chính yếu trong tư duy của ông Nguyên Ngọc qua bài viết này. Ông Nguyên Ngọc đã phủ định tính đúng đắn của đề cương văn hóa 1943 của Đảng ta. Ông Nguyên Ngọc viết: “Tôi có quen với một người làm lý luận văn học đang ở nước ngoài, cách đây mấy năm anh ấy viết một bài có cái tên rất khiêu khích: “Tính đại chúng: kẻ thù của văn học”. Trong văn chương có cái lối gọi là “thậm xưng”, nghĩa là nói quá lên đôi chút để nhấn mạnh hơn một ý đúng. Tên bài viết của anh bạn tôi vừa kể có phần thậm xưng, nhưng nó khiến ta giật mình về một điều sai mà vì ngại ngùng này khác bao nhiêu năm ta cứ nghiễm nhiên chấp nhận và để cho nó gây hại. Tôi đồng ý với anh ấy rằng đặt vấn đề “đại chúng” trong phương châm “Dân tộc, khoa học, đại chúng” cho văn hóa là không đúng. Nó đã khiến cho, trong suốt gần thế kỷ, về văn hóa, thay vì phải cố gắng nâng dần cái đại chúng lên hướng tinh hoa, ta lại ra sức kéo cái tinh hoa xuống tầm đại chúng. Một nền văn hóa, một xã hội không chăm lo xây dựng lớp tinh hoa cho mình, sẽ chìm dần đến tầm thường và tàn lụi”. Tới đây, chúng ta đã thấy ông Nguyên Ngọc đã đi quá xa cả trong thực tế và trong tư tưởng, ông đã mượn lời của một người bạn ở nước ngoài để phản bác một vấn đề rất hệ trọng, có tính quyết định đối với sự nghiệp cách mạng của chúng ta trước đây và hiện nay.

Trước hết, hãy nghĩ xem đại chúng có tội gì mà lại trở thành “kẻ thù” của văn học? Thứ văn học mà ông Nguyên Ngọc và bạn của ông đề cao đó nhằm phục vụ cho ai, phải chăng chỉ cho “một số ít người”, “một nhóm tinh hoa” (chữ của ông Nguyên Ngọc – trang 312). Điều đó, đi ngược lại với mục tiêu của cách mạng. Đảng ta luôn coi sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, tức của số đông. Bạn của ông Nguyên Ngọc ở nước ngoài sao lại không biết rằng một tổng thống muốn đắc cử cũng phải dựa vào số đông đó, số đông không ủng hộ, không bầu thì không đắc cử, không thành tổng thống.

Không đợi đến bây giờ, cách đây hơn 100 năm cụ Nguyễn Đình Chiểu cũng được quần chúng nhân dân hưởng ứng, ca ngợi. Trong một bài viết của ông Hà Huy Giáp (cố Thứ trưởng Bộ Văn hóa) có đoạn: Xưa nay một tác phẩm vĩ đại được quần chúng ưa thích, đi vào cuộc sống một cách sâu rộng, thường không phải chỉ do hình thức mới mẻ, trau chuốt, mà trước hết là ở nội dung của nó có nói lên được những mong muốn, những khát vọng lớn của thời đại hay không và hình thức có phổ cập, hợp với ĐẠI CHÚNG (Tôi nhấn mạnh) hay không.

Chẳng hạn như những câu trong Lục Vân Tiên:

Xin đừng tham đó bỏ đăng
Chơi Lê quên Lựu, chơi trăng quên đèn.

Hoặc:

Chẳng may mà gặp lúc nghèo
Xuống sông cũng vững, lên đèo cũng an.

Mức độ phổ biến và ảnh hưởng vang dội của tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu là ở chỗ đó.

Không biết ông Nguyên Ngọc có coi những tác phẩm của cụ Nguyễn Đình Chiểu là tác phẩm văn học hay không, nên tôi thấy cần trích thêm một ý kiến nữa, đó là ý kiến của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Nguyễn Đình Chiểu: “Cuộc đời và thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là của cuộc đời chiến sĩ, hy sinh phấn đấu vì một nghĩa lớn. Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu là thơ văn chiến đấu, đánh thẳng vào giặc ngoại xâm và tôi tớ của chúng.

Đối với Nguyễn Đình Chiểu, cầm bút, viết văn là một thiên chức. Và Nguyễn Đình Chiểu quý trọng chức trách của mình chừng nào thì càng khinh miệt bọn lợi dụng văn chương để làm việc phi nghĩa chừng nấy:

Thấy nay cũng nhóm văn chương
Vóc dê, da cọp khôn lường thực hư.

Hoặc:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

Cụ Nguyễn Đình Chiểu “đâm mấy thằng gian”, bây giờ ông Nguyên Ngọc định đâm ai sau khi đã mượn thứ văn học gì đó có “vóc dê”, lại mang “da cọp” để đâm vào đại chúng. Ông Nguyên Ngọc cho rằng: “Thay vì phải cố gắng nâng dần cái đại chúng lên hướng tinh hoa, ta lại kéo cái tinh hoa xuống tầm đại chúng”. Ông Nguyên Ngọc đã có cái nhìn lệch lạc, phiến diện về văn hóa, giáo dục rồi. Trong kháng chiến, trong cái tổng thể đại chúng đó cũng có đủ thành phần: công dân, nông dân, trí thức, thương gia và nhân dân lao động nói chung. Tôi có cả một cuốn sách liệt kê những nhà trí thức bỏ cả địa vị, giàu sang, bỏ nhà cửa, tự sản, xa vợ đẹp, con ngoan để đi làm cách mạng. Nhiều lắm, kể sao cho hết. Còn bây giờ, với cơ đồ hôm nay, chúng ta đã có những chương trình, mục tiêu về giáo dục, đào tạo cụ thể, ngoài đào tạo trong nước, ta còn lựa chọn, đưa sinh viên, cán bộ ra nước ngoài đào tạo nữa. Không như vậy làm sao có giàn khoan sao vàng, Đại nguyệt trở thành cột mốc chủ quyền quốc gia. Ngoài dầu khí còn có viễn thông, giao thông vận tải, hàng hải, hàng không, nông nghiệp chất lượng cao, y tế… Không làm như vậy thì làm sao phục vụ được nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao và nhịp độ phát triển của nền kinh tế đang tăng nhanh hiện nay và sắp tới.

Ông Nguyên Ngọc đã mượn chuyện lấy giáo dục để đi đến đả phá nội dung của đề cương văn hóa Việt Nam – năm 1943. Ông cho rằng đặt vế đại chúng trong tổng thể “dân tộc – khoa học – đại chúng” là không đúng. Tôi đã từng biết, trước đây trong cuộc trao đổi với nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, ông đã nói: “Chúng ta đã sai từ năm 1920”. Ông nói chúng ta đã sai, nhưng đọc câu này ai cũng biết ông ám chỉ Bác Hồ đã sai khi phát biểu tại Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xã hội Pháp – tháng 12/1920, tán thành việc Đảng xã hội Pháp gia nhập quốc tế III và Đảng cần phải tuyên truyền về chủ nghĩa xã hội trong tất cả các thuộc địa.

Đến nay, qua bài viết này ông Nguyên Ngọc cho rằng Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 không đúng. Bác Hồ sai, Đảng không đúng, ông Nguyên Ngọc tự cho mình đúng nên ông không còn là Đảng viên Cộng sản nữa.

Ông Nguyên Ngọc đã đi quá xa, ông đã lạc lõng trong mớ lý thuyết của một số trường phái triết học không còn tác dụng, hữu ích cho cuộc sống hôm nay. Thậm chí ông đã tự mâu thuẫn với mình khi ông đã từng đồng tình với “một anh bạn trẻ” đang làm chủ nhiệm khoa ở một trường đại học. Ông Nguyên Ngọc viết: “Một hôm tôi có tâm sự chút ít điều đó (chỉ ông Nguyên Ngọc tâng bốc nền văn hóa Pháp) với một anh bạn trẻ hiện nay đang làm chủ nhiệm khoa ở một trường đại học cỡ quốc gia ở ta bây giờ. Anh ấy có vẻ không đồng tình lắm, anh chỉ ngay ra cho tôi rằng cái thứ giáo dục tôi có ý “tâng bốc” ấy chỉ dành cho một số ít người, còn thì vẫn để lại tuyệt đại đa số nhân dân trong vòng tăm tối, điều mà nền giáo dục mới của chúng ta đã khắc phục một cách anh hùng và tuyệt giỏi sau khi đã đuổi hết bọn cướp nước đi rồi. Tôi đồng ý với anh ấy quá. Tôi biết đó là một thành tích vĩ đại của giáo dục Việt Nam, giải phóng hơn 90% dân số ra khỏi nạn mù chữ nhục nhã và ngày nay đang hàng ngày đưa nhiều chục triệu người đến trường ở tất cả các cấp học. Chắc chắn trong lịch sử lâu dài của dân tộc này, chưa bao giờ có nhiều người đi học đến thế. Có thể nói không quá lời, toàn dân đi học. “Như vậy đó, đó là một sự thật mà ông Nguyên Ngọc cũng không thể nói khác. Thậm chí ông đã có những đánh giá về ngành giáo dục bằng những từ ngữ như: Anh hùng, tuyệt giỏi, vĩ đại thì đâu còn chỗ để mà khen nữa.

Giáo dục là một phần của văn hóa, trong khi giáo dục đã lập kỳ tích như vậy, mà kỳ tích đó chính là thành quả của những gì đã đạt được từ sự biến đổi của đại chúng mà ra.

Ông Nguyên Ngọc công kích, đả phá tính đại chúng chính là ông tự phủ định mình.

Vừa qua, ông đã thể hiện thái độ muốn chống lại tất cả như việc vận động thành lập “văn đoàn độc lập”, lập quỹ và trao giải thưởng Phan Chu Trinh (việc này ông còn “lãng mạn đến mức cho rằng sắp tới đây, giải thưởng này sẽ được trao ở Nhà hát lớn của Thành phố), thành lập trường Đại học Phan Chu Trinh, bây giờ tất cả đã thành mây thành khói theo sự lãng mạn của ông. Vậy mà ông chưa chịu dừng lại, chủ nghĩa cá nhân quả là nguy hiểm thật!

30/8/2021

 

Nguồn: Văn Nghệ TP.HCM số 658