Nhà văn Nguyễn Hiếu cho rằng: Nghiện biện pháp dễ dãi trong nghệ thuật, làm phim bằng cách Việt hoá kịch bản nước ngoài là một trong những nguyên nhân sâu sa làm lệch lạc, méo mó tâm lý, nhân cách người Việt, chưa nói đến trong lâu dài sẽ làm người Việt rơi vào tình trạng vong quốc nô văn hoá.


 

CHỈ NÊN COI LÀ GIẢI PHÁP CHỮA CHÁY

NGUYỄN HIẾU

Nếu tôi nhớ không lầm gần hai thập kỉ trước phim chiếu trên truyền hình nước ta và cả phim điện ảnh không ít được chuyển thể từ các tác phẩm văn học trong nước. Đó là “Mùa lá rụng trong vườn” của Ma Văn Kháng, là “Sóng ở đáy sông” của Lê Lựu mà với diễn xuất tài hoa, Xuân Bắc lần đầu tiên ghim tên mình vào trí nhớ khán giả khi thể hiện nhân vật Núi trong bộ phim nhiều tập này. Rồi “Thương nhớ đồng quꔓNhững người thợ xẻ” dựa theo tác phẩm của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Riêng người viết bài này cũng có một truyện vừa “Làng êm ả bên sông”, hai tiểu thuyết “Bốn bước đến chân trời” và “Vàng dưới đáy sông” chuyển thành phim.

Gần đây tình hình hoàn toàn khác. Mặc dù nền văn chương của chúng ta qua hai thập niên vừa qua có nhiều tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, phản ảnh chân thực sự đa sắc của hiện thực nước ta nhưng đáng tiếc các tác phẩm văn học này hoàn toàn bị quên lãng; giờ vàng của các Đài TH, nhất là Đài TH Trung ương tràn ngập những phim Việt hoá từ kịch bản nước ngoài, tạo thành một hiện tượng không ổn trong sản xuất phim, làm sai lệch sự cảm thụ phim của khán giả màn ảnh nhỏ.

Chỉ trong một thời gian ngắn nở rộ hàng loạt phim chiếu trên Truyền hình được Việt hoá từ kịch bản nước ngoài. Mở đầu có lẽ là phim “Người phán xử”, chuyển thể của Israel, rồi chỉ trong một thời gian ngắn là một serie phim Việt hoá, như “Cả một đời ân oán” (từ phim Đài Loan), “Sống chung với mẹ chồng” (từ tiểu thuyết “Phù thuỷ dưới đáy biển” của Giả Hiển, Trung Quốc)… Rồi cả loạt các kịch bản Hàn Quốc như “Gạo nếp gạo tẻ” (từ phim Wang Family), “Mối tình đầu của tôi” (từ  She Was Pretty), thậm chỉ serie phim sít com của Hàn Quốc cũng được Việt hoá thành “Gia đình là số 1”“Hướng dương ngược nắng” Việt hoá từ phim đình đám của Hàn Quốc và “Hương vị tình thân” (gốc Hàn là phim My only one).

Dư luận đã nhiều lần bất bình vì cứ mở ti vi là thấy đuôi sam dài đặc trưng thời Mãn Thanh, các ông vua bà chúa của các triều đại trong phim cổ trang Trung Quốc, khiến nhiều bậc cha mẹ phải kêu lên “chiếu nhiều phim Tàu như vậy thì tránh sao khỏi tuổi trẻ thuộc lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử Việt Nam”. Tình trạng tràn ngập phim Hàn Quốc nguyên gốc đã làm không ít người trẻ say mê, thần tượng đến độ một làng trên Tây Nguyên đặt tên con là Park nọ, Ly Dung Chun kia!

Ngay từ thời Lê Sơ, Vua Lê Thánh Tông đã khuyến khích dùng hàng nội, đồng thời có hình phạt cho những người nào chuộng hàng nước ngoài. Ông nói: “Hàng của ta có kém gì hàng nước ngoài mà hàng năm cứ phải bỏ hàng vài vạn lạng bạc mua hàng Tàu, hàng Xiêm”. Chính vì khuyến khích dùng hàng nội nên thời vua Lê Thánh Tông làng nghề phát triển, hàng hoá tràn ngập 36 phố phường Thăng Long, gốm Chu Đậu – làng gốm nổi tiếng - mới ra đời.

Hâm mộ hàng ngoại qua các sản phẩm tiêu dùng có thể hạn chế sản xuất trong nước nhưng không tác hại bằng việc chuộng, nô lệ, tán dương sản phẩm văn hoá nước ngoài. Đành rằng chúng ta đang trên con đường hội nhập và hoà nhập nhưng điều thiết yếu là phải giữ bản sắc dân tộc trong văn hoá, nghệ thuật.

Nghiện biện pháp dễ dãi trong nghệ thuật, làm phim bằng cách Việt hoá kịch bản nước ngoài là một trong những nguyên nhân sâu sa làm lệch lạc, méo mó tâm lý, nhân cách người Việt, chưa nói đến trong lâu dài sẽ làm người Việt rơi vào tình trạng vong quốc nô văn hoá.

Bộ phim “Người phán xử” mới chiếu những tập đầu đã thấy sự hung bạo, dữ dằn của các băng đảng xã hội đen trong bộ phim Israel được Việt hoá hoàn toàn không đúng với xã hội Việt Nam. Tính cách, cách xử lý của các nhân vật mặc dù được các diễn viên đóng rất tài hoa và khoác cho những tên thuần Việt cũng hoàn toàn khác lạ với người Việt hiện đại. Bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” cũng có phản ứng tương tự từ người xem. Thật khó có một bà mẹ chồng quá quắt đầy sự nghiệt ngã mang dấu hiệu Made in China như thế ở bà mẹ chồng mà NSND Lan Hương thể hiện rất giỏi.

Bộ phim “Hương vị tình thân” được chuyển thể từ phim “My Only one”, mặc dù đã có nhiều cố gắng phủ chất Việt Nam lên kịch bản Hàn Quốc, tôi vẫn nhận ra những sự vô lý cả trong kết cấu và tính cách nhân vật, phi hiện thực so với cuộc sống Việt Nam hôm nay. Các mối quan hệ lờ mờ, tùy tiện, vô lý không theo một lô gích cuộc sống nào khiến diễn xuất của Võ Hoài Nam - vốn là một diễn viên giỏi - bỗng trở thành nhạt nhoà, lúng túng; khiến NSND Như Quỳnh – vốn rất nhập vai trong các vai diễn của chị - ở phim này mỗi khi xuất hiện thấy sự gượng gạo khó tin…

Từ một kịch bản, một tiểu thuyết nước ngoài muốn chuyển qua phim chiếu ở một quốc gia khác đòi hỏi tác giả chuyển thể phải thật công phu để tác phẩm không mất đi tinh hoa của nguyên tác, nhưng lại phải hoà đồng, hợp lý với người xem, người thưởng thức của người xem phim.

Trên thế giới đã có không ít thành công như việc người Pháp chuyển thể tiểu thuyết thơ Yevgeny Onegin của Puskin sang nhạc kịch, hoặc người Anh làm phim “Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà” theo tiểu thuyết của V.Huy gô…Ngay ở nước ta, khi Hồ Biểu Chánh Việt hoá tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của Victor Hugo thành tiểu thuyết “Ngọn cỏ gió đùa” và sau này tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh cũng làm phim nhiều tập, người xem mặc dù vẫn thấy chất Nga, chất Pháp trong nguyên tác nhưng không thấy sự khập khiễng, khó chấp nhận khi được Việt hoá.

Điểm qua một vài tác phẩm thành công khi được nội địa hoá từ các tác phẩm nước ngoài như thế để thấy tác phẩm Việt hoá nếu được làm tốt, công phu và hợp lý sẽ là những tác phẩm điện ảnh đích thực, mang tính nghệ thuật và đáng xem. Đáng tiếc, trong thời gian qua, bên cạnh một số phim Việt hoá chấp nhận được còn quá nhiều phim được làm theo dạng “mì ăn liền, kém thuyết phục”.

Việc lạm dụng biện pháp Việt hoá kịch bản phim nước ngoài sẽ gây tác hại như trong bóng đá, quá yêu chiều, sử dụng cầu thủ ngoại binh sẽ làm thui chột tài năng cầu thủ nội địa. Đội bóng nhiều ngoại binh sẽ đá vì tiền chứ không phải vì tình yêu và lòng tự trọng của một dân tộc, một quốc gia.   

Tôi hoàn toàn thông cảm với đài truyền hình, lượng phát sóng quá dầy trong một ngày ngốn không biết bao nhiêu lượng thông tin các loại, kể cả các thể loại nghệ thuật thoả mãn yêu cầu thưởng thức của người xem màn ảnh nhỏ trong đó có phim truyền hình.

Nhưng biện pháp Việt hoá kịch bản nước ngoài chỉ nên xem là một giải pháp gỡ thế bí trước mắt. Đã đến lúc các nhà làm phim truyền hình cần và nên chú trọng đến một nguồn tư liệu vô cùng phong phú để từ đó có thể chuyển thành phim, chính là các tác phẩm văn học trong nước như cách đây gần hai thập niên với những phim chuyển từ tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, Lê Lựu từng hút người xem hàng đêm.

 

Nguồn: Văn Nghệ