Giai thoại kể bà Đoàn Thị Điểm khi còn trẻ, một lần đi chơi trượt chân ngã, đám trai tráng cười ồ, có kẻ nhân đó trêu ghẹo. Nữ sinh buông một câu đối: “Giơ tay với thử trời cao thấp/ Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài”. Đám “tu mi nam tử” thấy một nữ nhi mà có “khẩu khí” ghê gớm như vậy, xấu hổ mà chuồn thẳng!


KHẨU KHÍ VĂN CHƯƠNG

NGUYỄN THANH TÚ

Ngày trước, trong môi trường văn hóa “Văn dĩ tải đạo” (Văn chương chuyên chở đạo lý) nên người ta chuộng lối văn “tỏ chí”, “tỏ lòng”. Đọc văn mà thấy cái khát vọng dời non lấp biển là đoán được ngay đó là văn của bậc quân tử. Ngược lại khí văn ủy mị, lả lướt, buồn bã thì đó là thứ văn phải tránh xa vì nó “gieo” cái “sái” vào người. Điều này cũng phần nào lý giải vì sao “Truyện Kiều” hay thế mà vẫn nhiều người chê, mỉa mai đó là thứ văn “phấn sáp”, kể chuyện “con đĩ”...

Khẩu khí văn chương là khí phách, ý chí, hoài bão của con người toát ra trong lời văn. Mà ai cũng đều muốn con mình lớn lên có chí để làm quan, nên nhiều người cổ súy cho lối văn chương “đại ngôn”, “hô mưa gọi gió”... Xét kỹ, khi cần, lúc cần văn chương phải có “khẩu khí” để “tỏ chí” nhưng bị lạm dụng sẽ là trở lực cho cách tân, đổi mới, tạo ra nhiều cái “khuôn”. Bệnh “công thức”, “sáo”... có từ đấy! Lại thêm quan niệm “thuật nhi bất tác” (kể lại chứ không làm mới) quen mượn giọng “thánh hiền” cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh nhạt, cứ na ná nhau. Nhưng văn chương có quy luật đào thải riêng, chỉ giữ lại những gì có giá trị. Xin bàn góp về “khẩu khí văn chương” còn mãi cùng thời gian với tư cách là bài học về giáo dục nhân cách làm sao cho cứng cỏi, mạnh mẽ, không chịu khuất phục trước bạo lực, cường quyền!

Trước hết là tư tưởng đề cao con người, thường là chủ thể trữ tình được nâng lên ngang tầm vũ trụ, có thể xoay vần tạo hóa biểu hiện ý chí “dọc trời đất, dọc ngang ngang dọc”. Thời còn để chỏm cậu bé Uẩn học ở chùa, một lần bị phạt ngủ ngoài tam quan. Cậu liền làm bài thơ: “Trời làm màn gối, đất làm chiên/ Nhật nguyệt cùng ta một giấc yên/ Đêm khuya chẳng dám dang chân duỗi/ Chỉ sợ sơn hà xã tắc nghiêng”. Thành ngữ dân gian “màn trời chiếu đất” cũng là một cách “tỏ chí”, con người ở giữa, trên là trời, dưới là đất. Trời đất chẳng qua như cái giường để nghỉ ngơi. Câu bé Uẩn mới dăm bảy tuổi mà đã tự cho mình sánh ngang trời đất. Thậm chí “sơn hà xã tắc” còn “sợ” bàn chân cậu!!! Thơ kiểu này gọi là có “khẩu khí đế vương” thống soái sơn hà!

Thơ “tỏ chí” muốn “kinh luân vũ trụ” nên thường lấy vũ trụ làm đối tượng miêu tả. Sách “Nam Ông mộng lục”, “Đại Việt sử ký toàn thư” kể hoàng tử Trần Phủ là con trai thứ của vua Trần Minh Tông. Năm khoảng tám, chín tuổi, một lần đứng hầu nghe giảng về đạo lý của kẻ nam tử, ngoài trời mưa to, gió lớn, Thượng hoàng lấy đó làm đề tài về thời tiết, bảo các trò vịnh. Chỉ loáng sau Phủ đã làm xong bài thơ, trong đó có câu: “An đắc tráng sĩ lực cái thế/ Khả ngự đại ốc đồi phong” (Sao được tráng sĩ sức hơn đời/ Chống đỡ nhà to khi gió mạnh). Hai câu thơ ngắn nhưng dồn vào đấy cái khát vọng làm rường cột chống đỡ quốc gia. Nhận thấy cái “khẩu khí” của đứa con, tuy là thứ nhưng Thượng hoàng đã có ý cho nối ngôi từ sớm (!?)

Giai thoại kể bà Đoàn Thị Điểm khi còn trẻ, một lần đi chơi trượt chân ngã, đám trai tráng cười ồ, có kẻ nhân đó trêu ghẹo. Nữ sinh buông một câu đối: “Giơ tay với thử trời cao thấp/ Xoạc cẳng đo xem đất vắn dài”. Đám “tu mi nam tử” thấy một nữ nhi mà có “khẩu khí” ghê gớm như vậy, xấu hổ mà chuồn thẳng! Cái hay ở câu đối này chính là sự đề cao tuyệt đỉnh tầm vóc con người, lại là con gái có thể đọ với trời, so với đất!

Khẩu khí còn bật ra từ tình huống mang tính thử thách, có thể là thử về hiểu biết, về tài năng chữ nghĩa. Một hôm sứ Tàu đi dạo chơi trong thành Thăng Long vào ngồi quán cô Điểm. Thấy chủ quán đẹp nền nã, ăn nói dịu dàng lịch thiệp, có đứa  cợt nhả rồi đọc to một vế đối: “Nam bang nhất thốn bất tri kỹ nhân canh” (Một tấc đất xứ Nam không biết mấy người cày). Cô Điểm liền “trả đũa”: “Bắc quốc chư đại phu, giai do thử đồ xuất” (Các đại phu phương Bắc đều chui ra từ chỗ đó). Ý đối lại chan chát, “khẩu khí” thật cao cường, thâm ý còn là sự mỉa ở nghĩa chữ “đồ” thật đau!

Sử chép thời nhà Minh xâm lược Thượng thư Hoàng Phúc mở trường dạy các nho sinh Đại Việt. Hôm trước mưa bão, nhà đổ, tường xiêu, sáng hôm sau Phúc ra vế đối: “Tai chiêu phong vũ gia gia đối hoại cựu viên tường” (Hôm qua mưa gió nhà nhà tường sập vách xiêu). Một nho sinh xin đọc: “Kim nhật càn khôn xứ xứ phát sinh tân thảo mộc” (Sớm nay đất trời chốn chốn mọc cây cỏ mới). Vế đối hay hơn nhiều thể hiện cái ý sinh sôi phát triển của đất trời “quật” lại cái ý tối tăm mưa gió. Hoàng Phúc giật mình nghĩ xứ này còn nhiều nhân tài, liệu đường mà chạy (!). Quả thật nho sinh ấy chính là Lê Thúc Hiến (con thứ nhà thơ Lê Cảnh Tuân), sau này cùng anh (Lê Thiếu Đính) theo Lê Lợi khởi nghĩa lập nhiều chiến công lớn.

Nhưng thử thách lòng gan dạ, tận trung, tận hiếu, gắn liền với lòng tự trọng quốc thể, phẩm hạnh kẻ sĩ thường là với các sứ giả. Vua Minh ra câu đối cho sứ Hoàng Giáp Ngô Kính Thần: “Nhất hỏa vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thỏ” (Mặt trời là lửa, mây là khói đốt cháy vầng trăng). Ý nói kẻ mạnh (Thiên triều) sẽ thắng kẻ yếu (như Đại Việt). Ngô Kính Thần khảng khái đối: “Nguyệt cung tinh đạn hoàng hôn xạ lạc kim ô” (Trăng là cung, sao là đạn bắn rụng mặt trời). Bẽ mặt, vua Minh sai tống giam sứ giả... Nổi tiếng nhất là vế đối tương truyền của Thám Hoa Giang Văn Minh đối lại vua Minh Sùng Trinh: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Trụ đồng đến nay rêu còn xanh) có ý nhục mạ liền bị đối: “Bạch Đằng tự cổ huyết do hồng” (Bạch Đằng từ xưa máu vẫn đỏ). 

Như vậy “khẩu khí” rất cần thiết, nhất là trong đối ngoại!

Một nét của thi pháp cổ điển là nguyên tắc “nguyên tử luận”, cả bài dồn vào một chữ (nhãn tự) thì khẩu khí có khi nằm ở một chữ này. Bố Nguyễn Bỉnh Khiêm trông con và ngâm: “Nguyệt treo cung, nguyệt treo cung”. Cậu bé Khiêm liền “đối” lại: “Vịn tay tiên, nhè nhẹ rung”. Ông chồng tâm đắc kể với vợ liền bị bà trách: “Mong con làm vua, sao lại mong làm bầy tôi”. Mấu chốt ở chữ “nguyệt”, ngày xưa quan niệm “trăng” tượng trưng cho phận bề tôi. Bà bèn dạy con hát: “Bống bống bang bang, sau này con lớn con tựa ngai vàng”. Ông chồng hoảng sợ (vì triều đình nghe thấy sẽ đắc tội) sửa lại: “Bống bống bang bang, sau này con lớn con vịn ngai vàng”. Chữ “vịn” khác hẳn nghĩa chữ “tựa”. Tức chỉ một chữ thì biểu hiện cho hai “sự nghiệp” khác nhau!

“Khẩu khí” thể hiện nhiều hơn ở cách miêu tả ước lệ, cường điệu, khoa trương. Tương truyền cứ đến ngày giáp Tết, vua Lê Thánh Tông thường “vi hành” xem đời sống dân chúng. Lần ấy vào nhà nghèo, hỏi gia chủ sao không có câu đối Tết. Lại hỏi: Nghề gì. “Vua” liền “cho chữ”: “Thân ỷ nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự/ Thủ trì tam xích kiếm, tận thu thiên hạ nhân tâm” (Mình mặc chiếc áo võ đảm việc khó khăn thiên hạ/ Tay cầm thanh gươm dài ba thước tận thu lòng dạ thế gian). Câu đối rất phù hợp với nghề nghiệp (hót phân) của gia chủ vừa đầy “khẩu khí đế vương”!

Lần khác Lê Thánh Tông làm giúp câu đối tết một bà lão bán hàng trầu, nước: “Nếp giầu quen thói hình cơi, con cháu nương nhờ vì ấm/ Việc nước ra tay chuyên bát, bắc nam đâu đấy lại hàng”. Không chỉ “miêu tả” một hàng nước giầu (cau), cơi (trầu), ấm, nước, bát, hàng (quán)... hay hơn cả là “tôn” bà lão làm việc “quốc gia đại sự”!

Lại có “khẩu khí” không chỉ nằm ở câu chữ mà còn ở tác giả, tức chủ thể nhà thơ. Trường hợp này sự “bảo hiểm” của “khẩu khí” chính là nhân cách và sự nghiệp lớn lao của người viết. Thế nên giảng thơ, nhất là thơ cổ thường phải có “tiểu sử tác giả” là phù hợp với quy luật tiếp nhận. Bài thơ “Nam quốc sơn hà” một “thiên cổ hùng văn” trước đây thường được cho là của Lý Thường Kiệt bởi có cái lý thật dễ hiểu: phải là người không chỉ tráng chí phi thường mà còn phải hiểu rộng biết nhiều mới có thể là tác giả của áng văn hùng tráng kiệt xuất này.

Giảng bài “Tụng giá hoàn kinh sư” phải gắn liền với những chiến công chói lọi của Thượng tướng Trần Quang Khải trên tuyến đầu đánh đuổi quân Nguyên, sẽ càng thấy rõ hơn đó không chỉ là bài thơ tỏ chí, còn là bài ca khải hoàn của đoàn quân chiến thắng: “Đoạt giáo Chương Dương độ/ Cầm Hồ Hàm Tử quan”. Thế nên phải lột tả cho được ý nghĩa trong ngôn từ hàm súc, cô đọng tối giản, âm hưởng hùng tráng, mạnh mẽ của bản phiên âm. Cũng chỉ là thơ của vị Thượng tướng này thì hai câu cuối mới không phải là “sáo”: “Thái bình nên gắng sức/ Non nước ấy ngàn thu”!

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An