Trong sự nuối tiếc, hoài niệm về tên gọi cũ “Bóc lịch” của bài thơ “Ngày hôm qua đâu rồi?” có cả sự lo âu, sự mong mỏi mang màu sắc “hoài cổ” của nhiều người về một thời học thật, thi thật, bởi sự mệt mỏi của những con số mà ai cũng ngờ ngợ có được một phần là nhờ ở “văn mẫu” và xu thế học lệch.


 

ĐIỂM CHUẨN VÀ TÊN MỘT BÀI THƠ

KIẾN VĂN

Trong tuần qua có hai sự kiện thuộc ngành Giáo dục được dư luận xã hội quan tâm, đó là bài thơ “Bóc lịch” của cố thi sĩ Bế Kiến Quốc khi được đưa vào sách giáo khoa (SGK) bị đổi thành “Ngày hôm qua đâu rồi?” SGK Tiếng Việt lớp 2, Tập 1 do PGS.TS Bùi Mạnh Hùng (Tổng Chủ biên)). Và sau khi các trường đại học trên cả nước công bố điểm chuẩn, dư luận khá bất ngờ bởi nhiều thí sinh đạt 29, 30 điểm có thể vẫn chưa chắc đỗ vào trường đại học mà mình đã chọn.

Những kỉ lục điểm chuẩn này đều thuộc về các ngành khối xã hội nhân văn, lĩnh vực mà chúng ta vẫn đang bàn cãi nên là “Ngày hôm qua đâu rồi?” hay “Bóc lịch”, nên đổi mới, tránh nghĩa phản cảm hay kiên định với ý tưởng của tác giả và cũng là cách giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt?

Những ai đã từng học bài thơ “Bóc lịch” của cố thi sĩ Bế Kiến Quốc hẳn sẽ còn nhớ 4 câu kết: “Ngày hôm qua ở lại/ Trong vở hồng của con/ Con học hành chăm chỉ/ Là ngày qua vẫn còn...”. Lời của người cha trong bài thơ thật nhẹ nhàng, khéo léo, vừa như giảng giải vừa như khuyên nhủ, gợi chúng ta nhớ đến sự học của một thời. Khi mà chúng ta học để giữ cho “Ngày hôm qua ở lại”, học để hiểu và gìn giữ những gì đã có rồi từ đó làm mới lên, làm phong phú hơn ngày hôm nay… Đặt câu chuyện ấy bên muôn vàn áp lực thi cử hôm nay, thấy nó vừa xa lạ, vừa đáng quý, đáng ngẫm ngợi và biết đâu nó cũng là một phần nguyên nhân “điểm sôi cảm xúc” đang lo ngại.

Trong sự nuối tiếc, hoài niệm về tên gọi cũ của bài thơ hôm nay có cả sự lo âu, sự mong mỏi mang màu sắc “hoài cổ” của nhiều người về một thời học thật, thi thật, bởi sự mệt mỏi của những con số mà ai cũng ngờ ngợ có được một phần là nhờ ở “văn mẫu” và xu thế học lệch.

Có một mối dây liên hệ xuyên suốt giữa các sự kiện ấy chính là một nền tảng giá trị được gợi mở từ nhiều góc nhìn khác nhau, cho ta những hướng suy nghĩ khác nhau:

Việc các ngành xã hội nhân văn trở thành lựa chọn hàng đầu cho thấy vị thế của lĩnh vực này trong xã hội. Một xã hội chỉ thực sự phát triển khi giá trị nhân văn được đề cao, giúp gắn kết quan hệ trong từng gia đình để từ đó có sự tôn trọng pháp luật và đem lại những lợi ích cho cộng đồng. Bạn thử hình dung nếu như xuất hiện nhiều phát minh, nhiều nền tảng công nghệ, nhiều hình thức kinh doanh… đem lại hiệu suất cao nhưng thành quả đó đều được sử dụng để quay lưng lại với những giá trị nhân văn, thử hỏi chúng ta sẽ được thụ hưởng những gì?

Có thể, trong những ngày giãn cách xã hội, chúng ta có thời gian quan tâm nhiều hơn đến các thông tin trên báo chí, mạng xã hội và xuất hiện nhiều ý kiến tranh cãi. Có thể bài học này, cuốn sách khác sẽ được thay thế hoặc vẫn tồn tại và được xã hội dần chấp nhận. Nhưng, điều mà chúng ta mong con em mình có được là những giá trị sống- điều quan trọng, cao quý hơn bất kì một điểm số nào. Mong rằng, những bạn nhỏ hôm nay học bài thơ “Ngày hôm qua đâu rồi?”, hay bài thơ “Bắt nạt” vẫn sẽ đạt những điểm cao và lớn lên bằng những giá trị nhân văn, để mai này không còn tạo ra những bi kịch bạo lực trong xã hội…

 

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An