Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá tiểu thuyết Suối Cọp: Nhà văn Hữu Ước viết về chiến tranh khi mà bao nhà văn đương đại, hoặc muốn từ bỏ đề tài này, hoặc hoang mang không biết sẽ viết như thế nào. Nhưng ông đã tìm được con đường riêng biệt của ông. Với những gì ông viết, tôi gọi đó là “một cuộc chiến tranh trong một cuộc chiến tranh’’.
BẢN TÌNH CA BUỒN VÀ ĐẸP
NGUYỄN QUANG THIỀU
Trong thời gian chiến tranh và kể từ ngày thống nhất đất nước, đã có hàng ngàn tác phẩm viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ. Vì thế, những nhà văn lúc này cầm bút tiếp tục viết về cuộc chiến tranh ấy thực sự phải đối mặt với một thách thức quá lớn. Nếu các nhà văn không tìm ra một cách nhìn khác biệt và một cách thể hiện khác biệt với những tác phẩm văn học chiến tranh trước đó thì họ sẽ không mang lại điều gì thêm cho văn học, cho bạn đọc và tác phẩm của họ sẽ bị chìm đi, biến mất trong một thế giới khổng lồ những tác phẩm văn học viết về chiến tranh.
Nhà văn Hữu Ước viết về chiến tranh khi mà bao nhà văn đương đại, hoặc muốn từ bỏ đề tài này, hoặc hoang mang không biết sẽ viết như thế nào. Nhưng ông đã tìm được con đường riêng biệt của ông.
Với những gì ông viết, tôi gọi đó là “một cuộc chiến tranh trong một cuộc chiến tranh’’.
Cuộc chiến tranh trong những tác phẩm văn học trước đó hiện ra tàn khốc, cuộc chiến tranh của ý chí phi thường, của những hy sinh vô hạn cho nền hòa bình và thống nhất đất nước. Tiểu thuyết Suối Cọp của nhà văn Hữu Ước cũng chứa đựng tất cả những điều đó. Chỉ có điều khác biệt: nhà văn Hữu Ước viết về những gian lao, những đói khát, những bom đạn, những chết chóc, những bi thương như của mọi cuộc chiến tranh trên thế gian này nhưng để dựng lên một không gian, rồi từ không gian chiến tranh của bom đạn và chết chóc ấy, ông đặt vào đó một cuộc chiến tranh khác - để phân định sự hủy diệt và nhân tính.
Những người lính giải phóng Việt Nam trong cuộc chiến tranh này đi từ ngôi nhà ấm áp của họ tới mặt trận với một lý tưởng khó có thể lay chuyển; họ đã chiến đấu quên mình cho nền hòa bình của đất nước. Nhưng họ vẫn mang trong mình những vẻ đẹp muôn thuở của con người mà bom đạn không thể nào hủy diệt được. Họ không phải là những robot hủy diệt - họ là những con người. Và chỉ khi con người hướng tới những gì con người nhất thì chiến tranh không còn mang bộ mặt đáng sợ nữa.
Suối Cọp là tiểu thuyết chiến tranh đầu tiên mà tôi đã đọc viết về tình yêu trai gái, về tình dục ở mức tận cùng giữa nơi cái chết luôn luôn cận kề. Những câu chuyện về tình yêu, tình dục chiếm một tỷ lệ đậm đặc trong toàn bộ tác phẩm. Người lính trong tác phẩm của nhà văn Hữu Ước phải đi qua hai cuộc chiến tranh cùng một lúc. Một cuộc chiến tranh lý tưởng chống lại kẻ xâm lược và một cuộc chiến tranh chống lại kẻ thù của nhân tính. Kẻ thù của nhân tính chính là sự phủ nhận hoặc chống lại những gì thuộc con người mà tạo hóa sinh ra. Một cuộc chiến tranh xâm lược bằng vũ khí có thể kéo dài hàng chục, hàng trăm năm. Nhưng cuộc chiến tranh để bảo vệ nhân tính thì không bao giờ kết thúc vì đó là lẽ sống của nhân loại.
Việc đặt những vấn đề “con người nhất’’ là tình yêu trai gái và bản năng ham muốn tình dục mà tạo hóa đã ban cho con người vào một cuộc chiến lý tưởng có phải là phản bội lại cuộc chiến lý tưởng đó không? Có làm mất đi phẩm chất anh hùng của những người lính giải phóng hay không? Đây là một câu hỏi lớn mà nhà văn Hữu Ước đặt ra và tự ông, thông qua tiểu thuyết Suối Cọp, đi tìm ra câu trả lời. Tình yêu trai gái, đặc biệt là những ham muốn tình dục, nếu được đẩy tới tận cùng trong cuộc chiến tranh sẽ dẫn tới một trong hai điều: hoặc nó làm cho phần con người được nâng lên tận cùng của những giá trị nhân bản; hoặc nhấn chìm con người xuống đầm lầy của nhục dục đớn hèn.
Đây là một vấn đề vô cùng thách thức với nhà văn. Khi nhà văn đưa vấn đề này vào và đẩy thành cao trào là lúc phải đi giữa ranh giới mong manh của cái đẹp tình yêu đôi lứa và sự nhục dục, tựa như đi trên một sợi dây bắc giữa hai tòa nhà cao… Đọc những tình huống như thế quả thực tôi vừa lo sợ vừa hồi hộp.
Nhưng với Suối Cọp, nhà văn Hữu Ước đã đi qua một cách thanh thoát.
Bạn đọc hãy đọc tiểu thuyết này và kiểm tra cảm giác của mình. Tôi chỉ xin lấy một chi tiết khi chính trị viên Mão bắt được Hoàn và Lan đang ân ái với nhau. Trong ánh trăng rừng đang tỏa sáng thân thể hai người, một vẻ đẹp của nhân tính hiện lên. Vẻ đẹp ấy làm cho chính trị viên Mão và những người khác đi cùng sững sờ. Chính trị viên Mão đã bật khóc. Một ‘’trận chiến tinh thần’’ kinh khủng nhất đang diễn ra trong tâm hồn người chính trị viên. Đấy là một hành vi tội lỗi của những người lính trong chiến tranh hay đấy là vẻ đẹp của tình yêu con người?
Thật may mắn cho người đọc, đấy là vẻ đẹp rất con người trong tình yêu trai gái. Vẻ đẹp ấy đã biến mọi hành vi bên ngoài tưởng như trần tục thành sự thánh thiện.
Với kỷ cương của một đội quân nơi chiến trường, chính trị viên Mão đã kỷ luật “hai người lính” kia. Nhưng ông không kỷ luật “đôi trai gái’’ đang yêu nhau ấy. Trong tâm hồn ông, vẻ đẹp của đôi trai gái đang ân ái với nhau dưới ánh trăng lộng lẫy ở chính nơi cái chết luôn rình rập mãi mãi tỏa sáng trong tâm hồn ông. Hình ảnh ấy minh chứng cho sự bất diệt của tình yêu.
Tôi nghĩ, sức mạnh của tình yêu chính là một bí mật lớn lao của nhân loại được minh chứng qua tất cả những thăng trầm trong lịch sử của mình. Chính nhờ “bí mật’’ ấy có trong tâm hồn những người lính mà họ đã đi tới chiến thắng cuối cùng. Cũng chính vì “bí mật” ấy mà những người lính giải phóng đã chăm sóc với một tình thương thật sự và lòng vị tha lớn lao đối với một tù binh Mỹ, kẻ thù trong trận chiến một sống một chết của họ. Chi tiết về người lính Mỹ bị bắt làm tù binh là một chi tiết phụ nhưng góp phần làm sáng tỏ cho các câu chuyện nhân văn khác. Ngay trong chiến tranh và đặc biệt sau khi chiến tranh kết thúc, người Mỹ đã luôn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi vì sao những người lính Việt Nam lại chiến thắng trong cuộc chiến với một đội quân được trang bị tối tân nhất thế giới. Các nhà quân sự, các sử gia, nhà văn Mỹ đã đọc nhật ký của những người lính giải phóng Việt Nam mà quân đội Mỹ thu giữ được, và họ nhận ra rằng: trong những cuốn nhật ký của người lính giải phóng Việt Nam là tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa, là giấc mơ về một ngày chiến tranh kết thúc để họ được trở về nhà, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái và cày cấy gieo trồng trên mảnh đất của mình. Nghĩa là, ngay cả khi cầm súng tiêu diệt kẻ thù trong cuộc chiến thì giấc mơ được sống một cuộc sống đúng nghĩa nhất của con người lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Toàn bộ tư tưởng trong tiếu thuyết Suối Cọp của nhà văn Hữu Ước nhằm minh chứng điều lớn lao nhất ấy của con người. Những người lính Việt Nam hiện lên trong tiểu thuyết này là những người chiến đấu để được sống với giấc mơ đẹp chứ không phải chiến đấu như một cỗ máy hủy diệt.
Chiến tranh đã đi qua, rồi những thắng thua, những thù hận, những thương đau sẽ tan theo thời gian. Nhưng lời thì thầm của tình yêu, những nụ hôn, những ân ái dưới trăng, những giấc mơ bình yên trong những cánh rừng ngập bóng tối của thần chết chiến tranh sẽ không bao giờ mất. Tất cả vang lên như những bản tình ca buồn bã và đẹp đẽ. Đấy là những gì tôi nghe thấy rõ nhất khi rời những trang sách của nhà văn Hữu Ước.