Nhạc sĩ Phạm Duy khẳng định về tác giả bài thơ “Còn chút gì để nhớ” rất chân thành: “Nhiều thi sĩ nổi tiếng nhờ nhạc của Phạm Duy, còn tự thơ họ không thể làm họ nổi tiếng. Riêng Vũ Hữu Định, anh là một thi sĩ đích thực”.
Còn Chút Gì Để Quên, Để Nhớ ...
PHẠM DUY
Vào đầu thập niên '70, sau khi vừa ra khỏi không khí phản kháng của giai đoạn tâm ca, tâm-phẫn-ca,... tôi đi tìm cảm hứng khác ở cuộc sống của riêng tôi và nhất là ở những nhà thơ trẻ, đại đa số đang đi lính (hay trốn lính) ở bốn phương trời Việt Nam khói lửa ... Tôi kết bạn với những thi sĩ ở ngay Sài Gòn như Phạm Thiên Thư để tìm về ĐẠO, với Phạm Lê Phan để chia sẻ thân phận hiểm nghèo của chiến sĩ trong Mùa Hè Đỏ Lửa, ở Nguyễn Tất Nhiên để trở về sự hồn nhiên...
Rồi qua những chuyến được mời đi lưu diễn ở các vùng chiến thuật cùng với các bạn văn nghệ của Quân Đội, tôi gặp Thái Luân ở Huế, Luân Hoán, Tôn Thất Lan ở Đà Nẵng, Kim Tuấn ở Pleiku v.v... Nhờ ở sự giao du với những nhà thơ trẻ này, tôi soạn ra khá nhiều những ca khúc phổ thơ với đầy đủ mầu sắc của cái thời có quá nhiều kỷ niệm thật vui hay thật buồn. Để rồi trong cuộc sống lưu vong hiện nay, nhiều khi tôi đã quên kỷ niệm đi rồi, thì có khi tôi lại có dịp ngồi nhớ lại kỷ niệm... Như vào lúc này, ở trong và ngoài nước, xẩy ra những vụ tưởng niệm một nhà thơ tài hoa bạc mệnh là Vũ Hữu Định.
Tại Pleiku vào khoảng 1970, tôi gặp Vũ Hữu Định lúc anh ta vừa được gọi nhập ngũ và đang đóng quân tại doanh trại nơi biên giới có những buổi chiều quanh năm mùa đông này. Cùng với Kim Tuấn (và vài bạn trẻ khác tôi không nhớ tên), chúng tôi là những khách lạ đi lên đi xuống trên vài con phố núi đầy sương mù... Kim Tuấn phóng dật và ít nói bao nhiêu thì Vũ Hữu Định phóng đãng và năng động bấy nhiêu. Cả hai đều có những bài thơ não nề (có cuộc chiến nào mà chẳng não nề? Kể cả những chiến thắng của Napoléon) mà tôi rất thích vì đang có ý định tung ra những khúc BÌNH CA. Tôi đã chọn để phổ nhạc bài thơ “Khi Tôi Về” của Kim Tuấn và bài thơ “Còn Chút Gì Đễ Nhớ” của Vũ Hữu Định. Trở về Sài gòn, cả hai bài này đều được phổ biến tối đa tại các phòng trà, đài phát thanh và trong các cassettes...
Nhà thơ Vũ Hữu Định tên thật là Lê Trung, sinh năm Nhâm Ngọ (1942) tại Thừa Thiên, trưởng thành tại Đà Nẵng, mất đêm 16 tháng Giêng năm Tân Dậu (1981) bên bờ Sông Hàn, Đà Nẵng, trong một bữa rượu say. Nghe nói anh rớt từ trên lầu xuống đất, nguyên do không ai biết rõ. Bút hiệu Vũ Hữu Định chỉ xuất hiện khoảng 1970 khi thơ anh được đăng trên các Tạp chí Văn nghệ tại Sài gòn, như Văn, Khởi Hành, Bách Khoa, và tờ Tạp chí Ý Thức của nhóm anh em trẻ. Anh làm thơ từ thập niên '60 ký là Hàn Phong Lệ, trong lớp tuổi các nhà thơ Thành Tôn, Nguyễn Lương Vỵ, Võ Chân Cửu, Nguyễn Tịnh Đông, Đynh Trầm Ca, Trần Dzạ Lữ, Hoàng Lộc, Hà Nguyên Thạch, ... Nhờ Phạm Duy phổ nhạc bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ, Vũ Hữu Định nổi tiếng ngay trong quảng đại quần chúng thưởng ngoạn. Nhiều thi sĩ nổi tiếng nhờ nhạc của Phạm Duy, - còn tự thơ họ không thể làm họ nổi tiếng -, riêng Vũ Hữu Định, anh là một thi sĩ đích thực.
Vì nhu cầu của nhạc luật, khi phổ nhạc một bài thơ, tôi thường hay thêm vào hay bớt đi vài câu hay vài chữ của nguyên bản, nhưng với bài Còn Chút Gì Để Nhớ, tôi kính trọng hoàn toàn bố cục (structure) cũng như vận tiết (prosodie) của thi phẩm. Tôi chỉ khéo tạo ra không khí miền Cao Nguyên với một thanh âm ngũ cung có bán cung của dân ca miền Jarai hay Bahnar. Và có chuyển giọng (tonalité) ở đoạn cuối để cho bài ca có thêm mầu sắc.
So với những bài thơ phổ nhạc khác của tôi, bài Còn Chút Gì Để Nhớ này rất ngắn, rất dễ nghe, do đó rất dễ nhớ. Nội dung của bài thơ là sự đi tìm một hạnh phúc nho nhỏ trong một cuộc đời rất điên đảo, tuổi trẻ bắt buộc phải rời bỏ gia đình, làng nước để ra đi. Địa danh Pleiku với cô em má đỏ môi hồng càng làm cho người nghe hương vị phương xa (exotique) dễ gây cảm xúc.
Bài Còn Chút Gì Để Nhớ còn được hầu hết những giọng ca vàng của thời đại hát lên. Có thể nói vào lúc đó và về sau, nó vô địch về con số ca sĩ trình bày. Sau nó là bài Ngậm Ngùi, thơ Huy Cận, với khoảng mười ca sĩ đã thu thanh vào đĩa hát hay băng nhạc. Hiện nay tôi có trong Tủ Nhạc (Phonography) của tôi, bài Còn Chút Gì Để Nhớ hát bởi Thái Thanh, Duy Quang, Nhật Trường, Elvis Phương, Khánh Ly, Thanh Lan, Anh Tú, Vũ Khanh, Ngọc Lan, Nhật Hạ, Ý Lan, Anh Dũng (12 ca sĩ!)... Ước mong trong tương lai, ở hải ngoại hay ở trong nước, khi có một buổi lễ Tưởng niệm Vũ Hữu Định có tôi được tham dự thì tôi sẽ mời mọi người cùng nghe bài hát này với tất cả những giọng ca đó.
Tôi hơn lớp thi sĩ (và nhạc sĩ) Kim Tuấn, Vũ Hữu Định, Đynh Trầm Ca, Trần Dzạ Lữ, Trần Quang Lộc... vào khoảng hai mươi tuổi. Vào lúc tôi đã gần đất xa trời rồi, thật là cảm động khi thấy những nghệ sĩ "trẻ" ấy đã bước vào tuổi xấp xỉ 60, để tưởng nhớ một người bạn cùng thế hệ đã qua đời, đồng thời cũng để nhớ lại một thời dù sao cũng rất đẹp và không thể quên được... họ đã cùng với số đông bằng hữu góp tiền để in ra tập thơ Còn Chút Gì Để Nhớ mà tôi được hân hạnh có một cuốn trong tay. Trong thơ Vũ Hữu Định, có bốn câu mà tôi muốn mượn để hôm nay, người còn, kẻ mất, người ra đi, kẻ ở lại, người bên ni, kẻ bên tê... chúng ta cất cao giọng, gọi hồn nhau:
Cũng có khi nào anh trở lại
Mai đây mốt nọ biết đâu chừng
Và có một lời anh sẽ nói
Giữ giùm nhau một chút hồn chung... (thơ VHĐ)
Thị Trấn Giữa Đàng (Midway City)-California, Mùa Thu 1997