Có lần nhà văn Nguyên Ngọc tới thăm tòa soạn đã nhận xét: “Hoa Học Trò đã biết khai thác một miền đất mới, một khoảng trống trong không gian văn học hiện nay”. Trong khi các nhà văn, nhà thơ bỏ quên, thì chính các bạn tuổi hoa đã tự mình lấp vào khoảng trống ấy.

 

HƯƠNG ĐẦU MÙA MỘT THUỞ

 

NGUYỄN NHƯ MAI

(Nguyên Trưởng ban biên tập Hoa Học Trò)

 

Hương Đầu Mùa là "đặc sản" của báo Hoa Học Trò, nở rộ những năm đầu của tờ báo.

Hoa Học Trò ra đời năm 1991, mở ra một cánh cửa cho tuổi học trò bước vào.

"Tuyên ngôn" mở đầu: "Hoa Học Trò đơm nụ đầu vì bạn, cho bạn - Hoa Học Trò là chính bạn". Với định hướng ấy, tòa soạn đã tạo ra một phong cách riêng của tờ báo. Không dẫn dắt, không dạy dỗ, giáo huấn như quan niệm báo chí viết cho trẻ em bấy nay.

Các trang mục đều thể hiện điều đó. Nhật kí để ngỏ, Tâm tình tuổi mới lớn, Cảm xúc và suy tư...để bạn tự thổ lộ mình. Tuổi học trò một thuở tiếp cận với thế hệ các nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ... tiền bối. Nhịp cầu tuổi Hoa để bạn bè giao lưu. CLB Nhất quỷ nhì ma để cười xả láng. Văn phòng Di vu của Chánh Văn để được anh Chánh tư vấn hóm hỉnh...Với các sáng tác thơ văn của mình, các bạn mới thực sự chiếm lĩnh vị trí là nhân vật chính, làm nên sắc thái riêng của Hoa Học Trò.

Tên gọi Hoa Học Trò mang tính hình tượng- tuổi đẹp nhất của thời đi học, đồng thời cũng gợi nhớ đến mùa hoa phượng, như trong bài thơ văn xuôi của thi sĩ Xuân Diệu thuờ trước.

Đã là hoa thì sẽ tỏa hương. Vì vậy, chúng tôi đặt tên trang mục sáng tác của các bạn là Hương Đầu Mùa.

Chúng tôi tham khảo ý kiến các chuyên gia giáo dục và trải nghiệm của chính mình, để định hình về lứa tuổi "thay áo nhân cách" này.

Tòa soạn mời các nhà văn, nhà thơ quen viết cho tuổi thơ như Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Thiên Hương, Võ Xuân Hà, Ngô Quân Miện, Trần Mạnh Hảo, Trần Hoàng Vy, Phạm Đức, Nguyễn Ngọc Oánh, Bùi Chí Vinh...viết bài "thả thính".

Đồng thời, chúng tôi trực tiếp thâm nhập các trường, tiếp xúc với đối tượng và tìm hiểu chất học trò hiện nay thực sự như thế nào.

Ngay sau khi phát hành số báo đầu tiên, Đoàn Công Lê Huy (trong vai Chánh Văn) lái "bình bịch" đèo tôi phóng về Nam Định, đột nhập vào Trường THPT Lê Hồng Phong nổi tiếng. Tại sân trường có tấm bảng lớn, chép bài thơ của Đương Huyền Phương, một học sinh chuyên văn. Chúng tôi đọc và reo lên "Euréka!" – Đây rồi.

Đó là bài thơ Đưa em vào tuổi mây với phụ đề "Em mười sáu tập làm thơ mười bảy". Cái tuổi chuyển giai đoạn để trở thành người lớn. Cái tuổi giữa mộng mơ và cuộc đời thực "Em đi giữa cuộc đời và vầng trăng".

Bài thơ đăng lên đã mở đầu cho mục Học trò bình thơ học trò rất sôi nổi.

Cùng với chất lãng mạn hồn nhiên học trò, lại được bổ sung thêm chất tinh nghịch của lứa "tuổi dở hơi" (như chính học trò Thái Nguyên tự nhận). Đó là bài thơ "Ngồi đằng sau người ta" của cô nữ sinh Vĩnh Phúc: "Ngồi đằng sau người ta/ Cứ chọc hoài thước kẻ/ Người ta ghét lắm nhé/ Lại còn toe toét cười..."

Vâng, thế là tờ báo đã bắt đúng nhịp tim của lứa tuổi. Ngay lập tức có sự cộng hưởng của học trò khắp mọi miền.

Có lần nhà văn Nguyên Ngọc tới thăm tòa soạn đã nhận xét: “Hoa Học Trò đã biết khai thác một miền đất mới, một khoảng trống trong không gian văn học hiện nay”.

Đúng vậy, trước nay chỉ có các tác phẩm viết cho trẻ em, chứ chưa hề có tác phẩm dành cho lứa tuổi mới lớn.

Trong khi các nhà văn, nhà thơ bỏ quên, thì chính các bạn tuổi hoa đã tự mình lấp vào khoảng trống ấy.

(Đến lúc này, các nhà văn, nhà thơ "người lớn" cũng bị lôi cuốn, hưởng ứng gửi bài đến báo Hoa. Nhưng hầu hết không được chúng tôi sử dụng, vì cách nghĩ, cách cảm đã khác, đôi khi mang dáng dấp "cưa sừng làm nghé". Chỉ một số cây viết như Khuê Việt Trường, Nguyễn Huy Cường, Nguyên Hương, Quế Hương, Lê Đức Dương...mới hóa thân thành công trong tuổi học trò).

Bài vở gửi về ào ạt, hàng bao tải mỗi ngày. Chúng tôi vùi đầu vào đọc và đọc. Và chọn. Và biên tập. Bận bịu tối mắt mà vui.

Ngay trong những số báo đầu đã xuất hiện những cây bút gây được ấn tượng với bạn đọc.

Đó là Hoàng Dạ Thi (Huế) lí lắc, Nguyễn Phương Mai (Hà Nội) gai góc. Là Diệu Linh (Hà Nam) ngơ ngác đồng quê. Là Tháng Giêng (Hà Nội) dồi dào sáng tạo cùng với Trang Hạ chuẩn mực đàn chị, Hằng Nga (Bản Cô nương Trăng Tròn) tinh nghịch, Lê Đức Hạnh thông minh. Là cặp đôi Trần Đức Hạnh (Mây Tím) và Nguyễn Thanh Hà từ Nha Trang lên tiếng; Nguyễn Mỹ Tiên (Gò Công) vui vẻ yêu đời. Là Hoàng Phương, Kiều Ly (Hà Nội) mê bóng đá. Là Châu Giang (TP Hồ Chí Minh) đằm thắm, Dương Thụy sôi nổi, Phan Hồn Nhiên tinh tế. Rồi Lê Thu Thủy - Dạ Hương (Nghệ An) sắc sảo, Phạm Thùy Hương - Dạ Thảo (Thanh Hóa) phóng khoáng. Rồi Nguyễn Ngọc Anh (Nghệ An) viết truyện như làm thơ. Từ Hải Dương có Nguyễn Thanh Huyền (Lam Điền), Nguyễn Thị Việt Nga, Đinh Thu Hiền, Trịnh Nguyên Hương, Phạm Phương Thảo...Hải Phòng có Phan Hưng, Phạm Thanh Thủy, Nguyễn Hoàng Lược, Nguyễn Anh Tuấn...Phạm Hương Lê và một nhóm "tuổi dở hơi" ở Thái Nguyên vô cùng hoạt náo, sau đó lại có thêm Phan Minh Ngọc dí dỏm.

 

Hàng loạt cây bút thành Nam sớm xuất hiện, nào là Đương Huyền Phương, Khánh Hạ, Đỗ Xuân Bình, Bình Nguyên Trang, Chu Minh Khôi... nhưng thiên về thơ; chỉ riêng Phong Điệp ngoài thơ còn viết nhiều truyện ngắn rất súc tích. Cô bé Vũ Thu Huế, Phí Thị Hương Giang từ Thái Bình góp bài. Ở Quảng Trị, Nga Mi với những truyện rất ngắn đầy yêu thương. Hải Miên từ nhóm bút Biển Xanh Quy Nhơn tìm về. Nguyễn Lê Mi Hoàn đi trong nắng miền Trung và Nguyễn Thị Thanh Bình (Đà Nẵng) tới…

 


Khi đã chín muồi, Hội bút Hương Đầu mùa công bố thành lập ở hai miền. Chi miền Bắc do Trang Hạ làm trưởng. Chi miền Nam do Châu Giang là đầu mối liên kết.

Xem ra cái thuở ban đầu, có vẻ âm thịnh, dương suy. Nhưng sau đó xuất hiện những anh tài làm cho hội bút trở nên cân bằng. Các chàng trai có vẻ ít lộ diện nhưng ẩn tàng nội lực để sau này nổi đình đám, nào là Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Tiểu Tuyền Thư (Nguyễn Vĩnh Tiến), Đactanhăng (Đặng Thiều Quang) , Sơn Trần...

Lứa Hương Đầu Mùa về sau càng đông đảo các đấng nam nhi: Nguyễn Phan Hưng (bút trưởng thay Trang Hạ), Chu Minh Vũ, Hoàng Anh Tú, Kim Ngọc Minh, Hồ Hưng, Trọng Tùng, Dương Bình Nguyên…

 

Bên cạnh Hội bút còn có "chi nhánh" Trường Cười do Jap Tiên sinh làm chủ xị với nhiều cây bút hoạt náo: Thủy Tễu, Bản cô nương Trăng Tròn, Người không mang họ (Lan Hương), Hữu Quang...

Nếu như văn chương Hương Đầu Mùa lứa trước có nét lãng mạn bay bổng, thì lứa sau thiên về tư duy, giàu tưởng tượng. Họ đã sáng tác nhiều truyện khoa học viễn tưởng và trinh thám, tập hợp thành sách để in.

Dựa vào số bài đăng trên báo có chất lượng, Ban biên tập công nhận họ là thành viên Hội bút, có cấp thẻ hẳn hoi. Khi có dịp thuận tiện, chính tôi đến tận nơi trao thẻ, như với Ban Mai Xanh (Mỹ Quyên) ở Thạch Thất, Lê Thanh Lương ở Thanh Trì, Phan Minh Ngọc ở Thái Nguyên...

Các bạn được cấp thẻ lấy làm tự hào lắm. Nhiều bạn cho đến nay, sau 30 năm vẫn còn giữ và đem khoe tấm thẻ này trên face book như Chu Minh Khôi, Phạm Phong Điệp, Nguyễn Thị Thanh Bình...

Xin nói thêm, số hội viên đã rất đông đảo, nhưng không bao gồm hết được hàng trăm tác giả có sáng tác hay được đăng trên báo. Đôi khi chỉ vì không liên hệ được.

Sáng tác Hương Đầu Mùa là một " trào lưu" do Hoa Học Trò khởi xướng, chứ không phải của riêng hội bút Hương Đầu Mùa.

Có những cây bút không phải là hội viên, nhưng cũng nằm trong trào lưu ấy, sau này trở thành những tác giả có tiếng, như nhà văn quân đội Đỗ Bích Thúy, nữ hoàng trinh thám Di Li, nhà báo nhà văn Võ Hồng Thu...

*

Dẫu sao, Hội bút cũng đóng vai trò nòng cốt. Nó hầu như một trại sáng tác đặc biệt, gắn kết với tòa soạn. Họ thường xuyên có sinh hoạt nhóm, trao đổi bài vở... Nhiều dịp cùng nhau đi du hí vui vẻ.

Hội bút có sức lan tỏa và được các bạn học trò ngưỡng mộ. Nhiều cây bút được coi như thần tượng, hằng ngày nhận được không biết bao nhiêu là thư.

Hội bút từng đi giao lưu tới các trường xung quanh Hà Nội, đến Bắc Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... Đến đâu cũng được nhà trường và các bạn học trò tiếp đón nồng nhiệt, tổ chức buổi giao lưu đầy ý nghĩa.

Chưa từng có báo nào tổ chức hội báo như Hoa Học Trò, hàng vạn bạn đọc tham gia tưng bừng.

Ngay từ năm 1992, đại diện của hội bút là Trang Hạ và Mã Én Hằng đã được đến gặp và chúc mừng sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Được nghe Người kể chuyện thuở thơ ấu của mình.

Đến năm 1996 Thủ tướng Võ Văn Kiệt tiếp tất cả hội bút suốt một buổi tại hội trường mới xây của tòa nhà chính phủ.

Ý tưởng thành lập đội bóng đá nữ đầu tiên của Hà Nội và của cả nước cũng xuất phát từ Hội bút Hương Đầu Mùa. Báo Hoa đứng ra tổ chức giải bóng đá nữ đầu tiên của Hà Nội có bốn đội tranh tài. CLB bóng đá nữ mang tên Hoa Học Trò từng là nòng cốt cho đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam thành danh trên đấu trường khu vực. Hiện nay các nữ cầu thủ nổi tiếng một thời vẫn sinh hoạt trong CLB mang tên Hoa Học Trò.

*

" Cái thuở đầu tiên lưu luyến ấy".

Với một lứa bạn đọc những năm 90 thế kỷ trước, Hương Đầu Mùa nói riêng và Hoa Học Trò nói chung là món ăn tinh thần không thể thiếu được. Cho đến nay nhắc lại vẫn dâng trào cảm xúc.

Bởi họ tìm thấy trong đó hình bóng họ, tâm hồn họ.

Ôi, một cái thời trong trẻo, sống lành mạnh biết bao.

Mặc dù thời ấy áo dài nữ sinh vẫn còn là niềm ao ước.

Cũng vẫn chuyện học hành, thi cử, chọn ngành nghề bước vào đời. Cũng ngấp nghé tình yêu tuổi mới lớn. Nhưng mới chỉ dám gửi thư ngăn bàn, làm đuôi theo gót ai, lén cài bông hồng trên giỏ xe...Đâu có cảnh túm tóc đánh ghen như nữ sinh lớp 6 bây giờ. Đâu có chuyện đua xe, nghiện game, mang tội cưỡng hiếp trẻ em như bây giờ...

Nhiều bạn đọc tuổi làm mẹ ngày nay vẫn hào hứng kể lại những tác phẩm, tác giả thời đó. Bạn Phùng Diễm lưu trọn bộ sưu tập báo Hoa như bảo vật cho mình và để lại cho con. Nhiều bạn ở xa gạ mua, Diễm chỉ vui lòng chụp lại tặng bạn.

Còn đối với những bạn hội bút hoặc từng có bài đăng trên báo, đều coi đó là những kỉ niệm đầy yêu thương. Trên FB Hương Đầu Mùa, nhiều bạn bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm xưa trong trẻo như pha lê.

Nhiều bạn coi đó là sự khởi nghiệp (start up) của mình trên con đường văn nghiệp.

Có thể kể đến các nhà văn nhắc đến ai cũng biết:

Dương Thụy là "tác giả trẻ" liên tục cho ra mắt nhiều tác phẩm ăn khách.

Phong Điệp không thể kể hết được tác phẩm, chủ yếu là truyện ngắn, là một "yếu nhân" trong Ban chấp hành Hội Nhà văn VN.

Phan Hồn Nhiên xưa nhỏ nhẹ, nay xông vào những đề tài nóng và cả những truyện kỳ ảo.

Có những nhân vật rất đặc sắc:

Nhà văn Trang Hạ xưa nền nã nay xông xáo, nổi tiếng là một nhà nữ quyền.

Nguyễn Phương Mai yểu điệu giàu sáng tạo, nhiều trải nghiệm, trở thành tiến sĩ, giảng viên đại học về truyền thông ở nước ngoài, bàn chân đi khắp tứ xứ..

Tiểu Tuyền Thư với tên con gái "hóa thân" thành nhạc sĩ, kiến trúc sư.

Trong làng kiến trúc sư, còn có nhà văn Đặng Thiều Quang, KTS Nguyễn Phan Hưng, Nguyễn Hằng Nga (Bản cô nương Trăng Tròn)...

Hầu hết đều "phát tác" từ thơ, nhưng chẳng mấy ai theo đuổi thơ như Bình Nguyên Tráng (nhưng vẫn làm báo). Họ đổ bộ vào làng báo, đủ cả truyền hình, phát thanh, báo viết: Hoàng Phương, Phạm Thùy Hương, Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Diệu Linh, Lê Thanh Lương, Chu Minh Vũ, Trần Đức Hạnh, Đương Huyền Phương, Vũ Thu Huế...Không kể xiết.

Thầy giáo Toán Trần Nhật Giáp vẫn trở lại theo nghiệp, chễm chệ làm lý trưởng Làng Cười. Càng già càng cay.

Vốn liếng văn chương còn giúp họ thành công ở nhiều lĩnh vực khác như luật sư, bác sĩ và đông đảo nhất là nhà giáo...dạy văn! Nhưng hầu như chưa thấy ai thành "đại gia" hay tôi không biết!

Mọi người phân tán khắp nơi, tôi cố tìm nhưng không sao nắm bắt được.

*

Tít bài viết này của tôi " Hương Đầu Mùa Một Thuở" là có dụng ý.

Vâng, đó là "một thuở" đã qua. Một thuở trẻ trung, trong sáng. Một thuở "bung lụa" văn chương "tuổi teen".

Đó mới chỉ là những tác phẩm đầu tay của những người cầm bút đang ngồi trên ghế nhà trường. Chưa thể gọi là tuyệt tác, chưa thể mặc định là một trường phái mới. Nhưng đã để lại dấu ấn riêng một thời.

Nhà văn Võ Hồng Thu tìm đọc lại "Cánh buồm đỏ thắm", như gặp lại mình ở tuổi mộng mơ, trong sáng. Ngạc nhiên sao mình có thể viết được như thế, xem ra có phần tự hào mà khoe với bè bạn. Các nhà văn khác cũng có tâm trạng như vậy.

Kể từ xa xưa cho đến bây giờ và cả mai sau, bao giờ mà chẳng có lứa tuổi học trò. Nhưng mỗi thời mỗi khác.

Hương Đầu Mùa như ký ức một thuở của những năm 90 thế kỷ trước. Như thế chẳng quý lắm sao!