Viên Mai nói: “Không có từ cũ từ mới, từ nào dùng đúng chỗ thì đều mới tinh như mặt trăng mặt trời”. Gần đây có nhà văn phương Tây cũng nói rằng điều quan trọng nhất là dùng những từ cũ.


NGHỆ THUẬT DÙNG TỪ CŨ

ANH NGỌC

Với tôi, như một thứ bản năng, tôi luôn đứng về phía những từ cũ, hình như ở đấy tôi cảm thấy an toàn hơn, được tin cậy và cảm thông hơn. Chẳng biết là do tính khí hay do bất tài, kém nhiệt huyết sáng tạo, mà mỗi khi đặt bút, trước hết tôi luôn đào bới đến tận cùng vốn từ sẵn có, nếu như có hai từ cùng khả năng diễn đạt ngang nhau thì tôi luôn chọn từ cũ, càng ổn định và phổ cập càng tốt.

Ví von khập khiễng thì tựa như khi thi hoa hậu người ta luôn để các cô gái trước hết và chủ yếu phải mặc những thứ y phục giống nhau và đã thành truyền thống, như áo tắm hoặc áo dài, nghĩa là vẻ đẹp của thân thể và hồn vía của các cô phải được diễn đạt bởi cùng một thứ hình thức và cũng là thứ hình thức phổ biến, còn thứ trang phục tự chọn đã nghiêm ngắn hay phá cách kiểu gì cũng chỉ là tham khảo cuối cùng. Với cách làm ấy, điều then chốt còn lại là phải tích lũy vốn từ và sử dụng nó sao cho hiệu quả nhất.

“Đi buôn trường vốn, viết văn lắm từ” - tôi thường tự bảo mình thế và thực lòng khâm phục những ai có vốn Việt ngữ dồi dào và nhất là biết điều khiển nó một cách tài tình, mà người tiêu biểu trong số đó, kỳ lạ thay, lại là một nhạc sĩ kiêm thi sĩ thiên tài của thế kỷ hai mươi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Đúng thế, ca khúc của Trịnh Công Sơn là một kho từ ngữ khổng lồ có sức diễn đạt mọi trạng huống của hồn người một cách chính xác, tinh vi và tuyệt  đẹp. Nhưng điều tôi muốn nói tới đây là hầu như tất cả những từ ngữ của anh Sơn dùng đều là từ rất quen thuộc trong kho tàng Việt ngữ, từ tận cùng giản dị như khẩu ngữ của đời thường đến cổ kính, hàn lâm như từ Hán Việt, và tất cả lại được dùng ở dạng gốc gác, nguyên sơ nhất - chỉ có điều là con người này đã phù phép và trao cho chúng những linh hồn mới, bằng cách đặt chúng vào những vị thế độc đáo và luôn bất ngờ, nhưng là bất ngờ mang tính hợp lý tối  thượng và có sức thuyết phục không cưỡng nổi.

Chúng ta chỉ không có sức đâu mà đưa ra dẫn chứng, vì 600 (tin mới nhất là 800) ca khúc của anh Sơn là 600 bài thơ với vô vàn những lời lẽ có thể minh họa cho nhận xét trên đây của tôi. Chỉ điểm đầu đề đã mệt rồi, này nhé: Diễm xưa; Hạ trắng; Mưa hồng; Nắng thủy tinh; Tuổi đá buồn; Lời buồn thánh; Tuổi đời mênh mông; Nguyệt ca; Rồi như đá ngây ngô; Đại bác ru đêm; Khói trời mênh mông; Dấu chân địa đàng; Một cõi đi về; Đóa hoa vô thường; Ru ta ngậm ngùi; Vết lăn trầm, v.v...

Tôi đã chẳng khó khăn gì để chọn ra đây những cái tên bài hát mà tất cả từ dùng đều quen thuộc đến xưa như trái đất, chẳng cần cố công vặn vẹo gì, nhưng lại được dùng, tức là ghép lại với nhau bất ngờ và hiệu quả đến mức ta ngỡ như chưa từng gặp chúng ở đâu cả. Hãy thử mổ xẻ một chút.

“Diễm xưa”: Nghĩa là gì vậy? Ta lờ mờ nghi rằng có một cô nào đó tên Diễm - thì cứ cho là như thế, nhưng cả bài hát tuyệt vời này là một hòn ngọc của tình yêu muôn thuở đủ sức dành cho tất cả mọi người, ở đấy cái riêng đã chung hóa hoàn toàn; ta cũng biết từ “diễm” gốc Hán Việt có nghĩa là đẹp, và nhớ đến cũng một kiệt tác khác, bài thơ của Huy Cận - “Đẹp xưa”. Có lẽ cái tên “Diễm xưa” đã tồn tại trong ta với hai tâm thức ấy. Và thế là đủ.

Cũng như thế, chỉ với những cái tên bài hát trên đây chẳng hạn, bằng cách dùng lại những viên gạch từ ngữ cũ để xây lên những tòa lâu đài mới, lộng lẫy và vững chãi, thực ra là anh Sơn đã “lăng xê” vào kho tàng Việt ngữ những cụm từ đầy sức sống: Người ta có thể gọi cuộc đời này là “một cõi đi về”, những đa đoan dâu bể của cõi đời là “đoá hoa vô thường”, vẻ đẹp của tuổi mới vào đời là “tuổi đời mênh mông”, v.v. . . và v.v. . . Cũng như đã có những bộ phim mượn lời trong bài hát của anh Sơn để đặt nhan đề như “Tóc gió thôi bay” , “Ru lại tình gần”...

Tôi vẫn muốn nhấn mạnh ở đây đặc thù của ngôn từ Trịnh Công Sơn là sự tận dụng từ cũ, đến mức gốc gác. Nói về dấu vết chiến tranh đi qua đất Việt, anh viết: “Mặt đất kia đóng đấu cuồng phong”. Ta biết hành vi gốc gác để làm cho con dấu hiện diện là “đóng” nên tác giả đã dùng từ ấy, mặc dù với dấu vết của một cơn bão thì hoàn toàn có thể dùng là “in” hay “lưu” hay “ghi”, v.v . . . Những ví dụ về cách dùng từ theo nghĩa đen, nghĩa tối giản như thế có ở hầu khắp ca từ của nhạc Trịnh, ta cứ hát lên bất cứ chỗ nào, chẳng hạn trong một bài huyền ảo như “Diễm xưa”:

“Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ
Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao
Nghe lá thu mưa reo mòn gót nhỏ
Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu...”.

Không có một từ đơn nào không có trong từ điển, không có một từ nào bị vặn vẹo cho. . . mông lung hư ảo, mà từng cụm từ, từng đoạn, từng câu lại hết sức ôm trùm những phạm vi biểu cảm mênh mông. “Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu” - câu thơ này có được là do sự sâu thẳm của nội dung, những từ ngữ ở đây chỉ xuất thần vì “đặt đúng chỗ thì mới tinh như mặt trăng mặt trời” vậy. Ngay cả từ “chim di” trong câu “vì sao em biết những bước chim di” nhiều người cứ tưởng là tác giả bịa ra loài chim lạ kiểu như “lá diêu bông”, nhưng không, có một loài chim tên như vậy thật, có nhiều ở Nha Trang.

Nhưng điều kỳ thú là mặc dù không hiểu gốc gác của nghĩa, người hát và người nghe vẫn chấp nhận dễ dàng, vì bị nó cuốn đi, đó là sức mạnh của nghệ thuật khi được bảo lãnh bởi cường độ tình cảm. Với sức mạnh đó, thực sự ca khúc Trịnh Công Sơn đã tận dụng và nâng tiếng Việt lên một tầng biểu đạt cao chót vót và con người này đích thực là một thi sĩ thiên tài của thế kỷ hai mươi.

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An