Biển cuồng nộ và những vụ đắm tàu, cảnh quan u ám, tàn tích và những quái vật bí ẩn. Một cuộc triển lãm Thế giới bản năng của một thiên tài đã khai mạc tại Bảo tàng Victor Hugo ở Paris- Pháp, nơi trưng bày các bản vẽ, màu nước, bột màu, bản in, phác thảo và tranh biếm họa của tác giả Nhà thờ Đức Bà, “Những người khốn khổ... 


CẮT VÀ KEM ĐÁNH RĂNG

Eugene Delacroix lập luận rằng nếu Hugo trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp, ông sẽ vượt trội hơn tất cả các họa sĩ hiện đại.

Bằng cách này hay cách khác, tại các cuộc đấu giá ngày nay, số tiền dành cho tác phẩm của Hugo vượt quá 500 nghìn euro - một giá trị chỉ dành cho các nghệ sĩ chọn lọc.

- Hugo là một người lãng mạn cả trong văn học lẫn trong hội họa. Ông đã khắc họa một vùng biển cuồng nộ, những con tàu đắm, những khung cảnh u ám và tàn tích, những con quái vật bí ẩn - Gerard Odinet, Giám đốc Bảo tàng Victor Hugo nói với báo giới- Một mặt, những tác phẩm này gợi nhớ đến tác phẩm của những bậc tiền bối nổi tiếng: Giovanni Battista Piranesi, Hubert Robert, Francisco Goya hay William Turner... Mặt khác, trong các tác phẩm của Hugo hiển hiện đường nét các xu hướng tương lai của thế kỷ XX: chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa trừu tượng.

Hugo bắt đầu quan tâm đến lĩnh vực hội họa khi đã gần 30 tuổi, và đó không phải là một sở thích mà là một thiên chức thực sự. Giám đốc Gerard Odinet nhấn mạnh. Nhà văn vĩ đại đã bắt đầu bằng những bản phác thảo trong nhật ký của mình khi đi khắp Lục địa già “ và đặc biệt là dọc theo sông Rhine. Ông thường đi cùng với nữ diễn viên Juliette Drouet, người trong nửa thế kỷ vẫn là người sưu tập chính các tác phẩm của ông.

Là một người có tài năng tự học, Hugo vẽ chủ yếu bằng mực và bút chì, ngẫu hứng, thực hiện những thử nghiệm táo bạo, trong đó ông sử dụng than, tro xì gà, bồ hóng lò sưởi, ảnh ghép, kem đánh răng và thậm chí cả nước ép dâu tây… Đôi khi nhà văn –họa sỹ ghi lại hình ảnh hiện lên trong tưởng tượng mà không cần nhìn vào giấy, hoặc bằng tay trái, cố ý để lại dấu tay trên bản vẽ. Ông bị thu hút bởi mọi thứ không thể giải thích được và siêu nhiên. Ông yêu thích chủ nghĩa tâm linh, tham gia vào việc lập bàn thờ gọi về linh hồn của các nhà kinh điển quá cố và Leopoldina, cô con gái đã chết thảm thương.

Một trong những nhà phê bình đã gọi đùa tác phẩm của Hugo là "cà phê" vì ông đã sử dụng chất lỏng cà phê để nhuộm giấy và làm cho bức vẽ trở nên biểu cảm hơn. Ông chủ yếu chỉ cho người thân xem các tác phẩm của mình, nhưng đôi khi ông cũng đưa những bức vẽ ấy cho một thợ khắc quen biết để sao chép lại

Hugo đã vẽ rất nhiều ngay cả thời kỳ ông sống lưu vong, kéo dài gần hai thập kỷ trên hai đảo Jersey và Guernsey của Anh và Thụy điển. Dần dần, các hình ảnh hiện trong tranh của ông ngày càng trở nên ẩn hiện hơn và có đặc điểm của cái mà ngày nay được gọi là trừu tượng tượng hình. Một số bức vẽ của ông có vẻ giống như những câu đố không có lời giải.

NGÀY CUỐI CÙNG TRƯỚC KHI HÀNH QUYẾT

Các chủ đề chính trị và xã hội chiếm một vị trí đặc biệt trong tác phẩm của Hugo. Tại cuộc triển lãm này, các bức vẽ của ông trong seri "Bị treo cổ " được trưng bày. Hugo là một đối thủ không thể khoan nhượng với án tử hình, mà ông coi là dấu hiệu của sự man rợ. Nhà văn đạt được lệnh ân xá cho nhà cách mạng Pháp Arman Barbes;quấy rối chính quyền Anh và Mỹ bằng những kiến nghị giận dữ, yêu cầu ân xá cho những người bị kết án tử hình.

Hugo không chỉ gửi những lời kêu gọi lên những kẻ có thẩm quyền mà còn vẽ những bức biếm họa nhiều ác ý về các viên thẩm phán, điều tra viên, nhà tội phạm học, đao phủ, luật sư, công tố viên, quan chức tư pháp và những nha lại bình thường. Cuốn sách "Ngày cuối cùng của người bị kết án tử hình" của ông đã thành công vang dội ở châu Âu và sau đó đã tìm thấy lời hồi đáp trong "Người hiền lành", "Kẻ ngốc" của Dostoevsky và "Lời mời hành quyết" của Nabokov.

Nhà văn kiêm họa sĩ Hugo đã theo đuổi những đổi mới nghệ thuật và sau khi phát minh máy chụp hình ra đời vào năm 1839, ông đã lưu tâm ngay tới lĩnh vực nhiếp ảnh. Trong thời gian sống lưu vong đến đảo Jersey, ông đã trang bị một xưởng nhiếp ảnh tại nhà và háo hức bắt tay vào công việc này. Charles- cậu con trai Hugo đảm trách chính việc làm ảnh còn ông đóng vai trò dàn cảnh,nghĩ ra các tình huống và bối cảnh, tham gia vào tạo khung hình. Hugo đã có ý định phát hành một số album ảnh, nhưng không tìm được sự ủng hộ của các nhà xuất bản. Sau đó, ông hợp tác với các nhiếp ảnh gia nổi tiếng khác. Không phải vô cớ những nhiếp ảnh gia này đã ghi lại nhiều bức chân dung xuất sắc về ông.

Khi sống lưu vong, Victor Hugo còn theo đuổi nghệ thuật trang trí, tạo ra nội thất lộng lẫy trong ngôi nhà của mình trên đảo Guernsey. Sau đó, một phần của kiểu trang trí này đã được chuyển đến phòng khách Trung Quốc trong các căn hộ ở Paris của ông, nơi ngày nay đặt bảo tàng Victor Hugo.

Sau khi nhà văn, họa sỹ Hugo qua đời lĩnh vực và thành công hội họa của ông dần dần bị lãng quên. Nó đã được khôi phục lại nhờ các nhà siêu thực,trước hết là Salvador Dali và Rene Magritte - những người không thích tiểu thuyết của Hugo, nhưng lại ngưỡng mộ các bức vẽ của ông. Cuộc hồi phục lớn đầu tiên về hội họa của Hugo diễn ra nhân 100 năm ngày mất của ông vào năm 1985 tại phòng trưng bày Petit Palais ở Paris. Tiêp nối là các phòng tranh của Hugo  ở New York, Los Angeles, Madrid, Brussels, Zurich, Lausanne, Bologna và một số thành phố của Nhật Bản.

Một bức tranh của Victor Hugo


"BẠN PHÁPBẠN NGA... “

Đồng thời với việc trưng bày tại Bảo tàng Victor Hugo ở Điện Pantheon, Paris - lăng mộ quốc gia dành cho các vĩ nhân, cũng diễn ra cuộc triển lãm " Tự do tại điện Pantheon"- ở đấy có thuật lại  đám tang của Victor Hugo vào tháng 5 năm 1885. Khoảng 2 triệu người Pháp đã đến dự lễ tiễn biệt nhà văn, quan tài của ông được đặt dưới Khải Hoàn Môn.

- Vị trí của Hugo trong văn học Pháp có thể sánh với Pushkin trong văn học Nga. Ông đã bay cao hơn tất cả những thiên tài khác -nhà văn Pháp Cedric Gras đã nhận xét như vậy trong một cuộc phỏng vấn của chúng tôi

Cuộc triển lãm ở Pantheon nhắc nhở chúng ta rằng Victor Hugo hầu như là người đầu tiên đưa ra dự án thống nhất châu Âu từ Đại Tây Dương đến Urals.

“Sẽ đến một ngày khi bạn Pháp, bạn Nga, bạn Ý, bạn Anh, bạn Đức - tất cả các bạn, tất cả các quốc gia trên lục địa, dù không đánh mất đi những nét đặc trưng và sự độc đáo tuyệt vời của riêng mình, tất cả chúng ta sẽ hợp nhất không thể tách rời thành một chỉnh thể thống nhất cao hơn -khối anh em châu Âu, ”- Hugo- nhà viễn tưởng lãng mạn đã nhấn mạnh như vậy tại Đại hội Hòa bình Paris năm 1849

Ông coi cuộc chiến giữa các quốc gia châu Âu là một cuộc nội chiến và ủng hộ việc tạo ra một loại tiền tệ duy nhất cho Lục địa già “ này. Tại ngôi nhà của mình trên đảo Guernsey, cây "Hợp chủng quốc Châu Âu" do tự tay Hugo trồng đến nay vẫn còn sống, gợi nhớ tới một dự kiến tuyệt đẹp.

TÔ HOÀNG

 ( Chuyển ngữ từ báo “Tin Tức-Nga )