Nghệ thuật đâu chỉ mỗi “mua vui”. Ngay cả cụ Nguyễn Du khiêm cung mà nói vậy thì ngoài/ đằng sau/ bên trong cái “một vài trống canh” kia cũng là cả nỗi “đoạn trường”, là “cuộc biển dâu” mà người “chấp nhặt” nên những “lời quê dông dài” ấy đã phải nếm trải gió bụi đến “đau đớn lòng”.

 

Có “mua vui” nổi một vài trống canh!

LÊ HUYỀN ÁI MỸ

 

Một bài báo trên Zing viết “Ba tháng qua, nhiều ca sĩ, người mẫu chia sẻ họ thèm cảm giác được bước lên sân khấu, biểu diễn giữa những tràng pháo tay của khán giả…”.

Hẳn rồi. Như một thói quen được trình diễn!

Còn khán giả-tôi lại thèm cảm giác được nghe, được đọc, được nhìn thấy những tầng sâu, những lát cắt, những thanh âm, những sắc màu trong cảm thức sáng tạo của người nghệ sĩ trước cái thực tế đã và đang từng ngày ngổn ngang, hụt hẫng, mất mát này. Tính biểu diễn cần hiện diện trên không gian -mặt phẳng của sân khấu thực. Còn tính sáng tạo, thông qua điểm nhìn, quan sát, dòng cảm xúc, tư tưởng … lại hiện hữu trong muôn chiều kích không -thời gian. Vô hạn.

Cũng như, nghệ thuật đâu chỉ mỗi “mua vui”. Ngay cả cụ Nguyễn Du khiêm cung mà nói vậy thì ngoài/ đằng sau/ bên trong cái “một vài trống canh” kia cũng là cả nỗi “đoạn trường”, là “cuộc biển dâu” mà người “chấp nhặt” nên những “lời quê dông dài” ấy đã phải nếm trải gió bụi đến “đau đớn lòng”.

Cất cao tiếng hát - trong những ngày tan tác, tang tóc này; hẳn một phần để khích lệ, động viên những con người đang chiến đấu vì mọi người, những con người đang trong hoàn cảnh chống chỏi với dịch bệnh. Cũng là chính đáng.

Và còn bao con người khác nữa. Không chỉ để động viên, an ủi. Nó còn là sự ghi lại, chép ra, vẽ nên những “sắc màu” nhân sinh. Nó là sự chứng thực cho cả những điều tốt đẹp lẫn xấu xí, những sai lầm khinh suất và trả giá. Nó cần được nhắc nhớ để bớt đi, để không còn những lặp lại nay mai.

Nó có thể là cá biệt trong từng thời điểm, tình huống nhưng “tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình” chẳng tạo ra một xung đột điển hình của bi kịch cổ điển Pháp là gì. Và giá trị của dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam ta cũng để lại bấy nhiêu!

Nghệ thuật, văn hóa nó đâu phải chỉ là động tác “trình diễn” để nhìn và nghe; nó là dòng chảy tự bên trong, chất chứa, hối thúc, khao khát bày tỏ về những gì đã/đang/sẽ thấy, hiểu, cảm. Nó đâu chỉ một “bè” định hướng, nắn dòng; nó còn gánh cả phần còn lại, ấy là cái đang chực chờ bùng nổ, cái khiến con người quay quắt lẫn chìm đắm, thèm khát lẫn chối từ, ngờ vực lẫn hy vọng.

Một cuộc thi nhiếp ảnh tại Hà Nội, theo báo Thanh niên, ngày 4/9 là “thảm họa”, giải thưởng đã được trao cho 1 bức ảnh lấy đề tài ngợi ca chống dịch đã bị chỉnh sửa, lại mắc lỗi cơ bản về kỹ thuật. Một ảnh đạt giải khác chọn đề tài “ngày hội non sông” lại bị lỗi về hậu cảnh. Buồn cười nhất là những tưởng đã chọn trao giải cho một bức ảnh đã đạt tầm tư tưởng chính trị, vậy mà lỗi lại rơi ngay đúng cái “tầm” ấy, đến nỗi bà chủ tịch Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phải lên tiếng “Không thể nói nghệ thuật mà cắt vậy. Vì nó còn mang tính chính trị trong đó nữa. Đấy là điều tối kỵ” - là bà nói về bức “Tình yêu Tổ quốc”, chụp một nữ công dân đi xe lăn đến điểm bỏ phiếu, nhưng trên tiêu ngữ và chữ của phông đều bị cắt cụt còn “ại biểu/ iểu hội đồng nhân dân các cấp”.

Tự dưng lại nghĩ, bản thân câu chuyện này từ cuộc thi và cú trao giải này cũng là một “đề tài” khiến ta phải suy ngẫm. Vì sao, do đâu mà nên nổi? Như bao câu chuyện những ngày này, vẫn đang “diễn”, đang “sẩy”…

Cho nên, khi nghệ sĩ, ca sĩ đang nhớ, đang thèm khán giả thì có ít nhất một khán giả lại cứ khắc khoải, văn nghệ sĩ-những con người sáng tạo, họ đang nghĩ gì, quay quắt điều gì trong những ngày này, ngay tại đây, giữa muôn trùng vây của dịch bệnh và những khuôn mặt người không còn lành lặn?

 

Nguồn: Facebook Lê Huyền Ái Mỹ