Hiệu ứng đám đông nếu không phải là những hiệu ứng tích cực thì sẽ tác động theo chiều ngược lại. A dua, ăn theo nói leo, nói cho sướng miệng, “đổ phải nhà nào nhà nấy phải chịu”, gây nên không biết bao nhiêu phiền toái, oan ức cho người khác, mà khi khiếu nại, thanh minh xong, “được vạ thì má đã sưng”…

 

HỘI CHỨNG CHẢY MÁU CAM

HẢI ĐƯỜNG

Mấy chục năm trước, từng lan truyền câu chuyện hài hước về một đám đông bất ngờ cụm lại, cùng ngửa cổ nhìn lên vòm cây cổ thụ. Ai cũng nghĩ chắc là ở đó có tổ chim, tổ quạ hay một vật gì đó. Người nọ hỏi người kia: Cái gì đấy? Có chuyện gì thế? Mãi sau, một chàng trai trẻ mặt tái dại quay sang vị trán hói đứng bên: “Bác cũng bị chảy máu cam như cháu à?” thì mọi người mới òa lên vì sự “ngớ ngẩn” của mình. Thì ra cậu ấy phải đứng ngửa mặt là vì thế. Chả hề có cái “tổ con chuồn chuồn” nào ở trên cao ấy sất!

Lâu nay, hội chứng “chảy máu cam” vẫn thường gặp ở nhiều nơi. Hễ thấy một vài người bàn việc gì hoặc cùng làm việc gì đấy là y như rằng những người chung quanh bị tác động, bị hút vào vòng xoáy ấy. Đại dịch Covid-19 hiện nay với “làn sóng thứ tư” đang tàn phá cuộc sống bình yên của con người một cách khủng khiếp. Chỉ trước tháng 4-2021 thôi, chưa ai có thể hình dung nước ta lại có tới gần 600 nghìn người nhiễm loại virus biến thể ác hiểm này. Đau thương hơn, hơn 15 nghìn người đã phải ra đi; có những cái chết vô cùng đau xót, bất ngờ…

Thế rồi, trong khi cả xã hội cùng lo lắng, cùng vào cuộc để ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh, thì cũng là lúc rộ lên biết bao tin đồn thất thiệt. Lúc đầu tin ấy phát ra từ một người, đến một nhóm người và nhanh chóng loang ra cả nước, vượt qua biên giới. Mạng xã hội như một quán cà phê khổng lồ dành cho mọi người trong những ngày giãn cách.

Công bằng mà nói, nhiều ý kiến liên quan đến dịch bệnh trên facebook, zalo… và một số phương tiện khác có những thông tin rất hữu ích, chân thành, thẳng thắn, xây dựng. Nhờ có dư luận xã hội tích cực phản ánh mà gợi ý biết bao cách làm hay, nhân lên những việc làm tử tế, ấm tình người trong hoạn nạn. Một số thông tin, kiến nghị đã được các cơ quan hữu trách tiếp thu, sửa chữa. Như cái vụ “giấy đi đường” ở Hà Nội dịp tháng 7 vừa qua yêu cầu phải có bảng lương, lịch trực cơ quan, chứng nhận của UBND phường… vô cùng nhiêu khê đã được “sửa chữa”. Thế rồi sang tháng 9, khi thực hiện phương án chống dịch theo ba vùng “đỏ, cam, xanh” lại yêu cầu cơ quan công an cấp giấy cho mọi đối tượng khi ra đường, dư luận một lần nữa ồn ào phản đối. Ngay lập tức Hà Nội tiếp thu, chỉ còn 3/6 nhóm người ra đường phải có “giấy” của công an...

Đương nhiên câu chuyện “giấy đâu”, chuyện người xét hỏi giấy và người trình giấy còn bao điều “dưới văn hóa”, còn gây bao nhiêu phiền hà, bao nỗi khổ cho người dân, nhưng vì mục tiêu lớn chống dịch, giữ mạng sống con người mà người dân đành nén tiếng thở dài.

***

Thế nhưng, cái hiệu ứng không hay, không tốt từ mạng xã hội thì cũng loang với tốc độ cực nhanh. Fake news (tin giả) liên tục xuất hiện. Cơ quan chức năng liên tục phải kiểm tra, xử lý. Báo chí thường xuyên phải cải chính. Có tờ báo mở hẳn chuyên mục “Kiểm chứng thông tin”, chỉ ra đâu là sự thật, đâu là bịa đặt, nhảm nhí. Theo đó, ngày nào chuyên mục này cũng đắt hàng với vô số tin móc ra từ túi áo. Chuyện bịa lan nhanh và động chạm đến mọi vấn đề từ rất lớn đến rất nhỏ. Lớn như chuyện bà Phó Tổng thống Mỹ Kamala Hariss thăm Việt Nam, như chuyện Taliban chiếm đóng Afghanistan; không hề nhỏ như chuyện dẫn lời của “một cán bộ cấp cao” (sự thật ông không nói chuyện này), như chuyện bác sĩ rút ống thở của mẹ nhường cho sản phụ; nhỏ như chuyện từ ngày mai cán bộ, nhân viên ai đến trực cơ quan sẽ phải ở lại suốt tuần…

Tất cả tin to tin nhỏ được lan truyền như gió cuốn, được khuếch tán qua các nhóm (group), qua các facebooker có hàng nghìn hàng vạn người likes. Và không ít người khi được hỏi vì sao anh chị chia sẻ bài này, vì sao nhấn nút “thích” cho bài này… thì câu trả lời cũng nhanh như khi nhấn nút: thấy nhiều người “like – share” thì tôi theo thôi. Vui mà (!)

Đó là trên mạng xã hội. Còn ngoài đời, hàng nghìn người đi xe máy đổ về quê một phần vì nhu cầu có thật, cuộc sống khó khăn quá, mất việc, hết tiền, hết gạo… nhưng cũng có không ít người lúc đầu xác định “ai ở đâu ngồi yên đó” nhưng đã bị tác động vì những người chung quanh. Ở lại hay về? Một câu hỏi trắng đêm, như mấy cặp vợ chồng trẻ có con chưa đầy tháng tuổi, đã đau đớn thốt ra…

Tâm lý tự nhiên của con người có cả mặt tốt và mặt xấu. Mặt tốt là trước những việc làm tích cực kéo theo được nhiều người học tập, làm theo, từ đơn lẻ mà lan rộng, từ chấm sáng nhỏ thành vầng sáng lớn. Nhiều phong trào thi đua sâu rộng bắt đầu từ một điển hình, từ một công việc bình thường. Còn mặt trái của tâm lý đám đông, hiệu ứng đám đông cũng không ít.

Điều này có từ xa xưa, từng xuất hiện trong ca dao, tục ngữ: “Dại bầy hơn khôn độc/ Khôn độc không bằng ngốc đàn”. Nó tạo sức ỳ ghê gớm trong đời sống cộng đồng. Một chủ trương được đưa ra, có một vài người do tâm lý của người sản xuất nhỏ, hoặc do lợi ích riêng, mà bàn chùn… thế là chung quanh nếu không phản đối ồn ào thì cũng bảo nhau thôi hẵng từ từ, “để yên xem sao”. Lúc đầu còn “lao xao”, sau là đến “nhao nhao”, thành một làn sóng.

Bởi vậy, cái cũ bám sâu vào đời sống như tắc kè bám đá, cái mới khó vào. Chuyện giải phóng mặt bằng làm đường sá, xây dựng khu công nghiệp, đụng đến đất đai thường gặp sự phản ứng dữ dội là vì thế!

Thời nay, internet phát triển, mạng xã hội rào rào phán xét về những chuyện mới, lạ, bất kể đã kiểm chứng hay chưa. Ôi trời là chuyện! Nhiều người viết lên facebook cứ như nhà điều tra xã hội học, phán như thánh, quy kết đủ điều… Họ “mắng” ông sếp nọ là ngu hết phần ngu của người khác; họ bảo phải tay họ thì sẽ tóm sống “mụ” nọ cho vào “lò”. Thế rồi hàng trăm, hàng nghìn người like, bình luận, chia sẻ… Cái thế giới ảo tạo nên hiệu ứng đám đông mới thật nhanh chóng, khủng khiếp! Nguy hiểm hơn là có tờ báo mạng lại đăng theo facebook mà không hề kiểm tra thông tin (?)

***

Thế giới ảo dễ nảy sinh thói a dua, vô cảm. Hiệu ứng đám đông nếu không phải là những hiệu ứng tích cực thì sẽ tác động theo chiều ngược lại. A dua, ăn theo nói leo, nói cho sướng miệng, “đổ phải nhà nào nhà nấy phải chịu”, gây nên không biết bao nhiêu phiền toái, oan ức cho người khác, mà khi khiếu nại, thanh minh xong, “được vạ thì má đã sưng”…

Không nên đổ lỗi cho “nhà mạng”. Kỹ thuật công nghệ dù hiện đại đến đâu cũng chỉ là công cụ. Tạo nên, kích hoạt, lan rộng thông tin hoàn toàn do con người. Trước hết mỗi người phải là người tiếp nhận thông minh, tỉnh táo phân tích, sàng lọc và lựa chọn thông tin để quyết định, điều chỉnh hành vi của mình. Cao kiến hơn là biết cách tác động, cung cấp, lý giải thông tin, bác bỏ những điều vu cáo, bịa đặt, từ đó có thể biến hiệu ứng xấu thành hiệu ứng tốt.

 

Nguồn; Văn Nghệ