Lúc còn sống, trong các cuộc tranh luận về quan niệm văn chương, anh Chế Lan Viên thường tỏ ra chặt chẽ, có khi khắt khe nữa, trên những vấn đề có tính nguyên tắc. Người thi sĩ đa tình ấy lại là một nhà tư tưởng nghiêm nghị.


BIẾN CÁI RỤNG RƠI THÀNH SỰ VUN TRỒNG

TRẦN THANH ĐẠM

Sau lễ tang nhà thơ Chế Lan Viên ít hôm, mấy anh em chúng tôi - Anh Đức, Mai Quốc Liên và tôi (anh Bảo Định Giang kiệt sức quá nếu không thì cũng có mặt), chúng tôi trở lại Viên Tĩnh Viên thăm chị Vũ Thị Thường và các cháu. Khu vườn vẫn yên tĩnh như xưa, càng yên tĩnh hơn xưa.

Mấy hôm tiễn đưa anh, trời mưa luôn, cây trong vườn như xanh đậm thêm, thanh u hơn. Nếu không có cái bàn thờ con mới lập, tấm ảnh của anh, và những vòng hoa cườm từ hôm lễ tang còn giữ lại để thờ anh thì chúng tôi có cảm giác như anh vẫn còn trong ngôi nhà đơn sơ này, chỉ vừa đi ra đâu đó ngoài vườn rồi sẽ trở về trò chuyện với chúng tôi như những lần trước đây, khi chúng tôi đến thăm anh chị tại nơi làng ngoại ô này.

Những lần ấy, bao giờ vừa nghe tiếng hay thoáng thấy bóng chúng tôi sau hàng rào là anh đã tươi cười ra đón từ ngoài ngõ, rồi sau đó quấn quít chuyện trò mãi cho đến tận lúc đưa chúng tôi ra về. Nhưng hôm nay không có anh. Không bao giờ còn có anh nữa. Dù khung cảnh thân yêu này cứ thầm nhắc nhở anh và nhắc nhở khôn nguôi nỗi đau cùng với niềm thương tiếc vẫn còn nguyên vẹn trong chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn biết tình cảm ấy của chúng tôi không sao sánh được với tình cảm của những người thân của anh vừa mới mất anh: của chị Thường, của các cháu.

Qua mấy ngày lễ tang bận rộn, lo cho sự thương tiếc của người khác đối với anh hơn là cho sự thương tiếc của chính mình, hôm nay trong ngôi nhà và khu vườn vẫn còn thấm đẫm bóng dáng và tâm hồn anh, chúng tôi ngồi trầm ngâm trò chuyện về anh, nhắc đến anh một lời thì nghĩ về anh hàng trăm điều… Riêng tôi, chưa bao giờ tôi cảm thấy một con người sau khi mất đi lại trở nên gần gũi, trong trẻo và đẹp đẽ đến thế trong tưởng nhớ và tâm niệm của những người còn sống…

Chúng tôi nhắc đến anh và thơ anh. Chị Thường đưa cho chúng tôi bản di cảo của anh. Hóa ra anh còn rất nhiều bài thơ nữa chưa đăng ở đâu. Chỉ riêng thơ cho chị Thường thôi cũng đã có và đang còn hàng trăm bài, ngoài chị ra có lẽ chưa ai được đọc. Nhưng điều đặc biệt là hôm ấy chị Thường cũng đưa cho chúng tôi xem một bài thơ không phải viết về chị. Một bài thơ tình yêu. Tình yêu ngày xưa của anh. Tôi phải nói rằng mãi cho đến hôm nay tôi vẫn còn cảm động và trân trọng cái cử chỉ đặc biệt này của chị, đặc biệt song cũng dễ hiểu thôi, bởi vì chị là một người phụ nữ, một người yêu, một người vợ đồng thời cũng là một nhà văn, chị rất thấu hiểu lòng người, nói như người xưa là rất “thể tất nhân tình”. Tuy nhiên, “thể tất nhân tình” đối với đời nói chung đã chưa phải là dễ, còn trong trường hợp của chính mình càng không phải bao giờ cũng dễ…

Bài thơ quả là một phát hiện thêm nữa của chúng tôi đối với anh. Hôm đó anh Mai Quốc Liên đã ghi được bài thơ từ những dòng chữ chị Thường chép lại của anh Chế. Tôi vốn cũng hay thuộc thơ, song hôm đó vì không có chủ ý nên không nhớ.

Sau đó một thời gian, trên góc của tờ Kiến thức Ngày nay, đã thấy xuất hiện bài thơ nói trên cùng với một bài thơ nữa cũng rút ra từ di cảo của Chế Lan Viên. “Thủ phạm” của việc này chắc là Mai Quốc Liên thôi. Tôi biết rằng bài thơ đó đã làm cho nhiều người rơi lệ. Người trong cuộc khóc đã đành. Người biết chuyện, biết anh cũng khóc. Chính tôi mỗi lần nhắc lại bài thơ cũng không nén được lòng rưng rưng và nếu đọc nó lên với ai tôi cũng tưởng như không cầm được nước mắt…

Bài thơ bốn câu nói về một tình yêu tan vỡ. Trước đây, đọc thơ anh, trong trí tôi chưa bao giờ nảy ra sự so sánh này, song bỗng dưng lần này bài thơ của anh xui tôi nghĩ đến nhà thơ Pháp Alfred de Musset. Tôi không biết sau sự kiện năm 1834 với George Sand ở Venise, khi một mình trở lại Paris, Alfred de Musset có những câu thơ nào như mấy câu thơ này của Chế Lan Viên:

Người mang lại ái tình không ở cùng tôi nữa

Nhưng hương em còn quấn mỗi câu thơ

Trời xanh của sông Hàn nay đã vỡ

Mỗi câu thơ là một mảnh trời xưa…

Tôi không muốn bình luận gì về bốn câu thơ đó, dù có muốn cũng không làm được. Từ bài thơ có thể nói nhiều điều. Tôi chỉ biết tôi thương anh vô cùng. Hơn 30 năm nay, bài thơ ấy cũng như nỗi đau ấy của anh, anh chỉ muốn giữ kín một nơi, một mình, không mấy người biết. Nỗi đau càng nén chắc hẳn càng đau. Con người ấy tình cảm lắm mà cũng sắt đá lắm, tôi biết. Về điều này thì anh không hề giống Musset. Tuy nhiên anh cũng không thể giấu được với những người tinh ý, nhất là vừa tinh ý lại vừa thương anh. Anh càng không thể giấu được trong thơ.

Nhiều người đã nói rằng trong tập “Ánh sáng và phù sa, tập thơ hay nhất đánh dấu sự phục sinh của anh và thơ anh, đồng thời cũng là một cái mốc đẹp đẽ trên con đường cách tân nghệ thuật của thơ hiện đại Việt Nam vào những năm giữa thế kỷ 20, tập thơ ấy cũng chính là sự thăng hoa của nỗi đau và tấn bi kịch ấy của tâm hồn anh. Không hẳn hoàn toàn như vậy song chắc hẳn có một phần như vậy. Có những nỗi đau ở những con người nếu không làm cho con người thành chúa thì cũng thành thánh. Thành thơ thì đã đành rồi. Dĩ nhiên là không phải do nơi bản thân nỗi đau mà do nơi phẩm chất con người. Chỉ có con ngọc trai nơi trời cao bể sâu thì vết thương trong lòng nó mới trở thành hạt ngọc. Có phải chính anh đã viết:

Tâm hồn tôi khi Tổ quốc soi vào

Thấy nghìn núi trăm sông diễm lệ

Con ngọc trai đêm hè đáy bể

Uống thủy triều bỗng sáng hạt châu.

Không phải vết thương nào cũng thành ngọc, nhưng những vết thương là điều có thực, bao giờ cũng có trong cuộc đời và trong văn chương.

Viết đến đây tôi bỗng thấy giận vài nhà lý luận và phê bình nào đó cứ nói rằng: Mấy chục năm qua hình như văn chương chúng ta không được phép nói đến những nỗi đau, nỗi buồn của cá nhân và cái ý thức cá nhân của nghệ sĩ luôn luôn tan biến vào ý thức cộng đồng… Cho nên người nghệ sĩ bao giờ cũng phát ngôn qua cộng đồng và nhân danh cộng đồng để phát ngôn… Ý thức cá nhân hòa tan vào ý thức cộng đồng, bị ý thức cộng đồng lấn át. Khi ấy văn nghệ tất yếu phải chấp nhận sự bao cấp về phương diện tư tưởng v.v… Lý luận nghe sao hay quá mà lại tàn nhẫn thế nào. Có thực những người lý luận như thế đã đọc đủ, đọc kỹ văn chương của chúng ta - nhất là thơ, trong thời kỳ chiến tranh không? Hay chỉ xuất phát từ tâm trạng và định kiến của mình? Ví dù tình bậu muốn thôi - Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra… 

Ngày nay đã có hoàn cảnh thuận lợi để tôn vinh hơn nữa ý thức cá nhân trong sự tiếp tục khẳng định ý thức cộng đồng trên một trình độ mới, với một chất lượng mới. Song nếu ngày nay ta có điều kiện để thực hiện những điều đó thì cũng là nhờ ta đã tìm cách thoát ra khỏi cái tôi ngày xưa, cái tôi cô đơn trong một thời mệt mỏi, khi ta “mất bề rộng, ta đi vào chiều sâu, nhưng càng đi sâu thì càng thấy lạnh”, “khi nhìn vào đó ta thấy thiếu một điều cần hơn tất cả mọi điều: một lòng tin đầy đủ” (Hoài Thanh - Thi nhân Việt Nam) - Ta đi vào cái ta rộng lớn của Tổ quốc và cách mạng, cái ta đã từng giải phóng, tái sinh cho cái tôi, không những đem lại sức sống mà còn đem lại chính sự sống với ý nghĩa cụ thể, trực tiếp nhất cho nó. Ít nhất thì trường hợp Chế Lan Viên cũng là một sự bác bỏ cái thứ lý luận vừa hay ho lại xem chừng như vừa bội bạc mà tôi mới nhắc đến trên kia.

Phải đâu thơ Chế Lan Viên không là thơ về số phận riêng tư. Phải đâu trong văn chương từ Cách mạng tháng Tám hoặc từ thập kỷ 50 trở lại đây không có những nỗi đau, những cảnh khổ, những bi kịch của con người trên con đường gian nan và đau khổ chung của dân tộc. Nếu có nhà văn, nhà thơ nào đó bày tỏ sự đổi mới bằng cách “sám hối” và lên án những cái gì đó đã làm cho mình “đánh mất bản thân mình” thì đó có thể là vì bản thân họ thực sự chưa có cái gì để đánh mất, hoặc giả có một cái gì đó rồi thì lại không có đủ bản lĩnh để giữ gìn nó mà có nguy cơ khi gặp sóng gió mới sớm ngã tay chèo để đánh mất nó đi.

Vụng múa phải đâu là do đất lệch.

Tôi đã thuộc lòng từ lâu bài thơ “Giữa tết trồng cây của anh vì những lời thơ xanh tươi đẹp đẽ của nó, có lẽ tôi đã thuộc nó từ lúc nó ra đời… Nhưng đến hôm nay, sau khi đọc bài thơ nhỏ anh cất giữ 30 năm nay về nỗi đau riêng của anh, tôi thấy hiểu thấm thía từng câu thơ anh viết ngày ấy:

Anh yêu em nhưng chẳng gần em được

Tình ái cũng cắt chia theo đất nước…

Nỗi đau lâu có thể hóa mưa dầm…

Anh đã biến đau thương thành sức mạnh

Biến cái cúi đầu thành trận đánh

Biến nỗi im thành sóng vỗ muôn trùng

Biến cái rụng rơi thành sự vun trồng…

Nhà thơ đang đau đớn trong nỗi mất mát riêng tư ấy lại có thể viết những câu thơ về mùa xuân mà tôi cho là thuộc những câu đẹp nhất về mùa xuân trong thơ Việt Nam ta:

Xuân bốn bề… Tình ái lại đưa thoi

Dệt cây ta vào với tấm vui đời

Dưới bóng cây ta những cặp tình nhân về tựa ngủ

Tóc họ xõa còn bay mùi nhựa gỗ

Tay họ thơm mùi đất họ vun trồng…

Lúc còn sống, trong các cuộc tranh luận về quan niệm văn chương, anh Chế Lan Viên thường tỏ ra chặt chẽ, có khi khắt khe nữa, trên những vấn đề có tính nguyên tắc. Người thi sĩ đa tình ấy lại là một nhà tư tưởng nghiêm nghị. Tôi nghĩ những ai đó vì thế mà có lúc giận anh, thậm chí ghét anh, khi bình tâm hồi tỉnh lại, có thể hiểu anh và càng quý, càng thương anh. Nhà thơ ấy, con người ấy có lòng tin yêu rất lớn và có sự đòi hỏi rất cao đối với con người. Vì chính anh cũng đòi hỏi rất cao đối với chính mình, kể cả khi không chỉ một lần anh đã giáp mặt với cái chết:

Người dưới vực sâu vẫn cứu kẻ trên bờ

Nếu dưới vực sâu còn dũng khí

Tôi trong đau vẫn làm viên muối bể

Để mặn lòng những kẻ muốn vô tư…

 

Nguồn: Hồn Việt