Ai đã từng tiếp xúc với nhà thơ Bế Thành Long, chắc khó lòng mà quên mọi cử chỉ, lời nói từ con người anh. Tất cả đều toát lên một vẻ đẹp thuần khiết của người miền núi. Bế Thành Long e thẹn và hay xấu hổ.
Nhà thơ Bế Thành Long: Người đạp xe ngược dốc
Y PHƯƠNG
Tính đến tháng chín này, nhà thơ Bế Thành Long ngót nghét chín chục tuổi. Con số bảy mươi, hay tám, chín mươi, một trăm chả nói lên điều gì cả. Nhà thơ Bế Thành Long và tình yêu trong thơ, làm gì có năm tháng tuổi tác. Nhà thơ và tình yêu là cái đáy đau buồn tích tụ trong chai rượu cuộc đời. Thi nhân xưa nay thường lấy cái đau khổ chính cuộc đời mình để lên men và cấy vào thơ.
Những năm chút chít của cuộc đời, nhà thơ Bế Thành Long đang là một kiệt tác của Cao Bằng. Anh lững thững một bên râu mây trắng toát còn một bên là tre trúc tốt tươi trên non cao. Hình như lúc nào anh cũng nghiêng nghiêng dìu những câu thơ hay lên dốc. Những câu thơ được làm từ chính da thịt anh, từ ngón tay mân mê từng chòm đá núi. Bạn bè thân sơ đều bị anh làm thôi miên quên hết đường về cơm nước với vợ.
Thơ anh hay đã đành, cái chính là ở trong người có chất giọng hát opera bẩm sinh. Khi cần véo von là véo von như chim. Lúc trầm xuống thì nồng nàn như bếp lửa. Bởi nó hay còn ở động tác nhịp nhàng của mười ngón tay phụ họa. Mười ngón tay như mười chàng nghệ sỹ thoát y khiêu vũ. Khi ngón tay trỏ búng lên, làm câu thơ anh vùn vụt lóe sáng. Lúc chúc xuống câu thơ như hòn than âm ỷ trong tro chưa kịp tàn. Gần vào đoạn kết, anh rải thơ như gieo hạt.
Thơ anh hay đã đành, nhưng thơ anh làm mới. Mới ngay từ những năm 60, 70 của thế kỷ XX. Cộng thêm là một con người hiền lành và cực kỳ khiêm tốn, bạn bè quý trọng yêu mến, đã đem đến cho anh khá nhiều phiền lụy. Nhưng anh không bao giờ hé răng kêu oan. Đêm về, anh chuyện trò cùng chiếc bóng của mình trên con đường già nua cũ kỹ. Con đường như một vòng cung khép kín thị xã Cao Bằng chật hẹp. Cách nhà anh không xa có con sông Bằng đang kỳ trăng viên mãn. Muôn vàn gió mát thổi ra từ mặt sông lên mặt anh. Một dòng sông rất mực hiền hòa. Một con người cũng rất mực hiền hòa. Anh và sông là hai thiên nhiên vô tư nghiêng nghiêng đi trong ánh trăng mười sáu. Bế Thành Long rì rầm với sông. Sông nhỉ, khi nào lắng hết bùn, người sẽ nhìn thấy cát.
Đúng thế. Chính xác là thế. Từ đó đến nay, anh có một loạt tác phẩm thơ từ từ ra đời. Tuy từ từ nhưng phổng phao, khỏe mạnh. Bây giờ, tại cơ quan Hội Nhà văn hễ có ai xướng tên Bế Thành Long, hầu như ai cũng biết. “Bế Thành Long ư? Đấy là một con người tuyệt vời”. “Bế Thành Long ư? Một nhà thơ độc đáo”.
Tôi nhớ có lần anh tự kể. Mình vốn là hậu duệ của dòng họ Đào Duy. Tên đầy đủ là Đào Duy Vân. Nhưng không hiểu vì sao lại mang họ Bế. Bế Thành Long. Dân tộc Tày. Anh sinh ra trong một gia đình viên chức thời trước. Mọi sinh hoạt đều theo nền nếp lễ giáo gia phong. Từ ngày còn nhỏ, anh được cha mẹ rèn dũa tỷ mỷ. Đó là một bà mẹ đẹp lão, lúc nào cũng bỏm bẻm nhai trầu. Bà là hiện thân sinh động của một kiểu người con nhà gia thế. Bà luôn coi những bạn bè của con mình như người thân trong nhà. Bà dành những miếng ngon nhất, lạ miệng nhất đãi khách. Khi thấy chúng tôi gắp những miếng thịt thỏ sốt rôti, theo kiểu người Thái, xuýt hà kêu cay. Bà mủn mỉn cười, lấy làm hài lòng.
Trở lại câu chuyện đời thường của nhà thơ. Đến nay anh vẫn “mờ mờ nhân ảnh”. Chẳng bao giờ tôi nghe thấy anh nhắc đến quá khứ. Quá khứ vinh hay nhục, sướng hay khổ, đều bị anh cho vào túi pác mạ, treo toòng teng lên xà nhà.
Tôi chỉ được nghe loáng thoáng qua lời kể của nhà báo Nguyễn Như Mai, kiến trúc sư Đoàn Đức Thành. Họ là những người bạn thân thiết của anh Long, từ hồi cùng học trường cấp hai, sơ tán ở Bản Đà, trong những năm chống Pháp. Đó là một chàng thư sinh, lịch thiệp, đẹp trai, tóc xoăn, học hành rất giỏi. Đặc biệt là môn văn. Tâm hồn anh cứ lãng đãng theo:
“Cầu bên núi xa chênh bóng nước
Mây ngàn gieo tải nắng phương xa...”.
Thưa nhà thơ họ Bế. Anh viết đến thế thì còn ai dám xa quê hương nữa. Tôi không nín được cơn buồn ở trong người. Nỗi buồn của những ai tha hương cầu thực. Nỗi buồn ấy, nhìn cây cũng ra nước mắt. Nước mắt màu xanh.
Nhưng nỗi buồn về cái tôi bé nhỏ, rồi nhẹ nhàng tự tan ra, nhường chỗ cho cái ta rộng lớn. Ấy là khi anh vẽ chân dung thi hào Tagore vĩ đại:
“Râu tóc cũng phải lòng mây gió
Du hành, suy tưởng, trắng phơ phơ
Tương tư những đỉnh đời hóa đá
Trong hư vô, cũng lạ, trơ trơ”.
Cuộc đời Bế Thành Long, chỉ thích được làm bạn với muôn loài cỏ cây, với núi cao sông sâu và các bậc hiền nhân quân tử, bước ra từ trang sách.
Trong thơ anh tịnh không thấy nỗi buồn tan nát, với mối tình tay ba tay tư, thường có trong đời. Nhất là ở tâm hồn lãng mạn bay bổng của các chàng thi sỹ.
Ta thấy các bóng hồng lác đác, thưa thớt xuất hiện trong thơ anh. Mà họ cũng chẳng nói gì. Không có những âm thanh run rẩy va nhau lập cập như rét.
Người đọc có thể hiểu mọi cảm xúc, đều được nhà thơ kiềm chế đến độ tối đa. Bóp bụng để yêu. Nín thở để yêu. Yêu như nén lò xo. Khi được dịp bung ra, tình yêu ấy sẽ bùng lên như cơn bão táp. Lúc ấy, họ chỉ có thể… tay nắm bắt vô cùng trăng sáng nhạt. Và lại trở về tâm trạng bãi bờ khô xác gió hoa lau.
Một loạt cụm từ: Hững hờ, nhạt, lạnh, trơ trơ, khô xác, co kéo, xa chênh... Đối lập hoàn toàn với: Đường bệ, sải cánh, kìn kìn, âm vang, thu về lớp lớp, chúc mũi đi nghiêng, gõ mênh mang… Rất phức tạp. Tạo ra cảm xúc he hé, mới lạ trong tiếp nhận thơ của Bế Thành Long.
Trời ơi! Cái gió mùa đông bắc khi nó tràn tới, nó thổi rời rạc cả đá núi, bạc cả nước sông, mốc meo cả da người. Thổi mệt mỏi những đám lau lách. Thổi đến nỗi bãi bờ khô xác. Hai chữ khô xác ôm đủ, lãnh trọn một hiện thực thiên nhiên Cao Bằng nghiệt ngã.
Ai đã từng tiếp xúc với nhà thơ Bế Thành Long, chắc khó lòng mà quên mọi cử chỉ, lời nói từ con người anh. Tất cả đều toát lên một vẻ đẹp thuần khiết của người miền núi. Bế Thành Long e thẹn và hay xấu hổ. Đó bức chân dung thực chất nhất về Bế Thành Long.
Tôi còn nhớ vào những năm giữa của thập niên 80 đầu 90. Khi đó, anh mới ngoài năm mươi leng leng chút chút. Mọi người thấy Bế Thành Long để râu. Bộ râu đen nhánh xùm xòa che kín ngực. Anh bảo, tớ chỉ ba tháng không cạo, là được như thế này đây.
Tôi nghĩ bụng, xem ra bộ râu ria này còn có thể lấy thêm vợ. Y như rằng. Sau khi nhận sổ hưu, nhà thơ họ Bế mủm mỉm thắt cà vạt, nghiêng nghiêng đi làm chú rể thêm một lần nữa.
Chuyện tình nhà thơ người Tày này còn dài lắm. Điều ấy, nếu kể ra, cũng thường thôi, chẳng bất ngờ. Ngay cả hàng tre rì rào trước cửa nhà, mỗi khi nhìn thấy anh lúng loắng từ đâu bước đến, tre liền ngả một tiếng chào: “Kọt kẹt!”.
Nhà thơ Trần Hùng kể. Có một hôm, đi cùng anh Long vào một quán hàng cơm phở. Hai người gọi hai bát phở vịt. Bà chủ quán cung kính. “Dạ! Đây là bát của cụ. Không xương xẩu gì đâu cụ ạ”.
Hai người nháy mắt hích hích cười. Rồi đột nhiên, bà chủ quán nghe thấy từ chỗ “cụ” Long ngồi, rộ lên ba tiếng rột. Sau ba tiếng rột, hết nhẵn cả bát phở.
Bà chủ quán tròn xoe hai mắt, há to môi miệng. Thấy phê quá, bà đon đả. “Dạ! Con mời cụ dùng thêm bát nữa nhé”. “Thôi! Cảm ơn. Tôi đủ rồi. Trước khi qua đây, tôi đã tranh thủ làm hai thanh lương khô A72. Bát phở này là ăn thêm”. “Ối! Thật phúc đức…”. Bà chủ quán thốt lên đầy vẻ thán phục. Năm đó, hình như bà ta đã ngoài sáu mươi. Còn nhà thơ Bế Thành Long, chắc chắn kém bà chủ quán đến cả chục tuổi.
Nguồn: Văn Nghệ Công An