Xích Lô là bút danh thường dùng khi viết báo, viết văn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – Lê Minh Hoan.
XÍCH LÔ - NHƯ TÔI BIẾT
THAI SẮC
Như chúng ta biết, xích lô là tên gọi một phương tiện, cũng là tên gọi một nghề kiếm sống của những người nghèo khó xếp vào bậc nhất trong xã hội xưa nay. Lấy từ này làm bút danh, có phải tác giả có hàm ý sâu xa muốn thể hiện sự thấu hiểu, cảm thông với những người lao động vất vả, cực nhọc trong xã hội nói chung? Và tác giả cũng tự coi mình là một người bình thường trong xã hội; ở đó, bất cứ tầng lớp, giai cấp, nghề nghiệp… nào cũng đều bình đẳng, cũng phải được tôn trọng như nhau.
Tôi biết Xích Lô nhiều trên tác phẩm hơn ngoài đời, nên chỉ viết đôi điều về phương diện này. (Cuộc đời hoạt động chính trị, hoạt động thực tiễn rất phong phú và sinh động của ông từ địa phương đến trung ương, từ chính quyền sang Đảng hay ngược lại, chắc đã, đang và sẽ có những bài viết, những cuốn sách ghi lại cụ thể, đầy đủ hơn). Với tư cách một người viết báo, trong vòng dăm năm trở lại đây, Xích Lô đã cho đăng tải gần 70 bài viết, nhiều nhất là các bài viết về tam nông, một phương diện, một phía đời mà tác giả quan tâm nhất. Những bài báo đó, thường được đăng ngay khi ra đời, chủ yếu trên hai tờ báo Đồng Tháp – cơ quan ngôn luận của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp và Văn nghệ – cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Đồng Tháp. Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến thời điểm tôi biết bài báo này (cuối tháng 7-2021), Xích Lô cũng đã có 15 bài viết, bình quân mỗi tháng 2 bài. Thật là một bút lực đáng nể, các nhà báo chuyên nghiệp chắc cũng phải ngả mũ!
Trên cơ sở những bài báo của Xích Lô, trước hết, tôi khẳng định, ông là một người gần dân, là một người dân thường chính hiệu và là một nông dân thực thụ. Ông sinh ra từ một miền quê, nhưng gia đình chủ yếu không làm nông, các cụ thân sinh đều thoát ly hoạt động cách mạng. Những bài viết của Xích Lô thường đặt tên bắt đầu bằng hai chữ câu chuyện hoặc là chuyện này, chuyện kia… (Viết tiếp câu chuyện Làng Hoa; Câu chuyện mới và cũ; Câu chuyện Ô-cốp; Năm mới nói chuyện cũ; Năm Sửu tản mạn chuyện con trâu…). Nói là câu chuyện hay chuyện nhưng trong các bài báo ấy, ít có cốt truyện như trong lý luận văn chương bàn về loại thể tự sự. Câu chuyện hay chuyện ở đây nên hiểu là một vấn đề, một điều đáng chú ý, đáng quan tâm, một điểm nhấn nào đó trong cuộc sống đang diễn ra…
Theo tôi biết, Xích Lô ít khi ngồi tại văn phòng, trừ các cuộc họp. Mà… ngay cả những cuộc họp, nhiều khi ông cũng đề nghị tiến hành tại… quán cà phê mở tại trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp hoặc ở ngay cơ sở. Ông thường xuyên đi về nông thôn, về xưởng máy, về trường học…, vào nhà dân tiếp xúc, ghi nhận, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề nghị, đề xuất của dân, qua đó có những phương cách, giải pháp hướng đến người dân, phục vụ người dân một cách thiết thực, thỏa đáng. Tôi nghĩ rồi đây, lịch sử tam nông Việt Nam sẽ ghi nhận, Xích Lô chính là một trong những tác giả của mô hình hội quán, nếu không muốn nói là tác giả đầu tiên, khởi thủy là hội quán nông dân, sau lan ra một số ngành nghề khác ở Đồng Tháp. Cho đến nay, ở Đồng Tháp có trên 100 hội quán, kể từ cơ sở đầu tiên mang tên Canh Tân hội quán ra đời tại huyện Châu Thành (7-2016). Điều đáng ghi nhận nhất trong mô hình hoạt động hội quán tại Đồng Tháp là người nông dân thực thụ làm chủ nghề nghiệp và cơ nghiệp, làm chủ cuộc sống của mình một cách tốt nhất. Đây là mô hình liên kết giữa nhà nông với nhau, giúp các thành viên trong hội quán có thêm tri thức, kinh nghiệm hầu thiết thực cải thiện nguồn thu cho chính mình. Hạt nhân của hội quán chính là phát huy tính dân chủ và tự chủ, dựa trên những mục tiêu chung về liên kết và hướng đến mục tiêu phát triển trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Loạt bài viết cổ vũ, giới thiệu, khuếch trương, lan tỏa, ghi nhận sự ra đời và thành quả trong mô hình hội quán của Xích Lô chính là một trong những biểu hiện sinh động về tư tưởng và hành động gần dân, vì dân của ông. Xin trích dẫn một đoạn trong bài viết gần đây của Xích Lô: Thư gửi bà con Đất Sen hồng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, như là một dẫn chứng minh họa cho luận điểm trên: Hàng ngày, cập nhật tình hình sản xuất, tiêu thụ nông sản các vùng miền trong cả nước, tôi vẫn luôn theo dõi thông tin từ quê nhà. Thật nặng lòng và xót xa khi nhận được những tin nhắn đầy tâm tư khi khoai lang Hòa An, nhãn An Nhơn, xoài, mít và nhiều nông sản khác gặp khó khăn trong tiêu thụ, rơi vào tình cảnh rớt giá, do những diễn biến phức tạp của đại dịch. Vật tư, nguyên liệu đầu vào cho cây trồng, vật nuôi tăng giá chóng mặt, bào mòn lợi nhuận của người sản xuất, khi cả đầu vào và đầu ra đều gặp khó. Dẫu biết đó là câu chuyện bất khả kháng, cả thế giới đang chao đảo đối mặt, chứ không riêng xứ mình, nhưng vẫn thấy mình chưa hoàn thành trách nhiệm mà bà con gửi gắm. Một món nợ chưa trả xong đã thêm một món nợ khác, món nợ với hàng triệu nông dân cả nước, trong đó có bà con nông dân quê mình. Tôi quyết dốc hết sức, làm thật tốt công việc của mình.
Tuy nhiên, trong tư tưởng gần dân, vì dân của mình, đích mà Xích Lô hướng tới không chỉ là hội quán mà ở cấp độ cao hơn: hợp tác xã – tổ chức hợp tác một thời thịnh hành nhưng đã ít nhiều tan rã trong cơ chế bao cấp. Ông luôn cổ suý cho việc nâng cấp từ hội quán lên hợp tác xã hoặc thành lập ngay hợp tác xã. Trong thực tế, đã có nhiều nơi trong tỉnh Đồng Tháp thực hiện thành công mô hình này với 220 hợp tác xã và trong năm 2021 này sẽ nâng cấp, phát triển thêm 35 hợp tác xã nữa. Ông từng nói: Hợp tác xã là triết lý tư tưởng của nhân loại, chứ không phải của chúng ta. Thâm tâm và ý chí của ông là làm sao phát triển thành công mô hình doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp và hợp tác xã. Xích Lô tâm niệm: Khi chúng ta đầu tư, hỗ trợ, nâng cao năng lực hợp tác xã, lợi ích sẽ thuộc về số đông – là hàng chục triệu nông dân. Có thể nói, nông dân nói riêng và tam nông nói chung đã thấm vào máu thịt, hằn vào đời sống và giấc ngủ của Xích Lô, khiến bất cứ suy nghĩ và hành động nào của ông cũng luôn hướng về đó, gắn với đó.
Xích Lô không chỉ đề xuất sáng tạo ra mô hình mà chính ông trực tiếp nghiên cứu giúp bà con nông dân áp dụng những biện pháp kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tân tiến và hiệu quả nhất. Ông trực tiếp lội xuống ruộng, thực nghiệm và trải nghiệm với bà con. Việc ông đề nghị nông dân thực hiện nguyên lý nam châm – sắt của đất – phân bón là một ví dụ tiêu biểu. Nhận xét sau đây của GS.TS. Võ Tòng Xuân nói rõ điều đó: Đồng chí Hoan đã giải thích nguyên lý nằm ở chỗ: chôn phân dưới đất, phân sẽ hòa vào đất, không mất đi đâu mà còn cung cấp thêm dinh dưỡng. Ngược lại, rải trên bề mặt đất thì nước, ánh sáng khiến phân bị bốc hơi mất 5 – 6 phần. Thế là, ông cho dân dặm ngay dưới đất để thời gian giúp phân tan và làm chất dinh dưỡng trước khi trồng.
Ở vị trí khác, Xích Lô là người lãnh đạo cao nhất của địa phương tỏ ra rất đồng cảm, gần gũi và quan tâm đối với các ngành nghề khác, trong đó có hoạt động văn nghệ, báo chí và giới văn nghệ sĩ, nhà báo, nhất là văn nghệ, báo chí tỉnh Đồng Tháp và vùng đồng bằng sông Cửu Long (điều này đã thể hiện rõ ở chỗ, ông là một người viết báo đích thực với hiệu suất cao như đã nêu ở trên).
Từ khi giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp rồi Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, trong những đề xuất về chính sách, chế độ thiết thực nói chung, chính ông đã khởi xướng tổ chức thường xuyên, đều đặn hơn các lần gặp gỡ hàng năm giữa lãnh đạo tỉnh, trong đó bao giờ cũng có ông, với giới hoạt động văn học – nghệ thuật và báo chí tỉnh nhà. Trong những cuộc gặp ấy, bao giờ ông cũng đề nghị mọi người phát biểu, giải tỏa hết mọi nỗi niềm để cuối cùng, ông đưa ra những giải đáp, khuyến cáo cụ thể, thiết thực. Từ những cuộc gặp gỡ ấy, giới hoạt động văn học – nghệ thuật và báo chí Đồng Tháp biết mình luôn được lãnh đạo địa phương quan tâm, dõi theo, cổ vũ. Với tôi, ấn tượng hơn cả trong những lần tiếp xúc, gặp gỡ ấy chính là việc Xích Lô bao giờ cũng sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để giao tiếp, qua đó, không chỉ cung cấp cho mọi người những tri thức, kiến thức bổ ích, thiết thực mà còn kích thích, gợi mở, khuyến khích anh chị em văn nghệ, báo chí cần tiếp cận nhanh nhất với công nghệ thông tin, thích ứng nhanh với cách mạng 4.0.
Đã có nhiều văn nghệ sĩ và nhà báo rất thân thiết với ông như nhà thơ Hữu Nhân (Tạp chí Văn nghệ Đồng Tháp), đạo diễn Tùng Thiện và biên tập viên Thanh Truyền (Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp)… Với những người này, Xích Lô không chỉ là một lãnh đạo cao nhất của địa phương mà còn là một người anh, người bạn thân thiện, gần gũi. Vì những lý do riêng, tôi ít tiếp xúc trực tiếp với Xích Lô, nhưng không vì thế mà không được ông quý trọng, như quý trọng những văn nghệ sĩ khác. Thỉnh thoảng, ông vẫn tặng tôi những cuốn sách quý hiếm mà ông đã có, đã mua được… Chính ông, với tư cách cá nhân, nhiều lần đã trực tiếp giúp đỡ nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo bị bệnh, có hoàn cảnh khó khăn bằng vật chất và tinh thần.
Đã từng lãnh đạo một tỉnh thuần nông, sống gần dân, gần văn nghệ sĩ và nhà báo, giờ đảm đương chức vụ cao nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quả thật, đó là một sự chuyển giao nhiệm vụ và thăng tiến không gì tương thích và phù hợp hơn. Tin rằng, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình, Xích Lô tiếp tục tận hiến cho đất nước, quê hương. Và, những bài báo chất lượng, thiết thực, nóng hổi ký tên Xích Lô tiếp tục xuất hiện nhặt hơn trên Nông nghiệp Việt Nam, Đồng Tháp, Văn nghệ Đồng Tháp… và nhiều tờ báo khác.
Nguồn: Văn Nghệ TPHCM số 656