Tự do trong thơ Fernando Fedón là thứ tự do tuyệt đối. Bởi thế ông mới phát hiện ra sự xé nát đớn đau của đời hạt để chuyển hóa thành mầm cây hoặc xuất phát ban đầu của đời cây, đồng thời  cũng là quá trình đánh đổi và tìm đến tự do.


“TƯƠNG LAI ĐƯỢC VIẾT TRÊN ĐÁ CỔ” VÀ MỘT VÀI LÁT CẮT

                           ĐẶNG HUY GIANG

     Đây là lần đầu tiên tôi được đọc thơ Fernando Rendón một cách tương đối có hệ thống tập thơ “Tương lai được viết trên đá cổ” qua sự tuyển chọn và chuyển ngữ của dịch giả Phạm Long Quận. Do vậy, khó có thể nói rằng mình đã hiểu hết và nắm bắt được hết bản chất thơ, bản lĩnh sáng tác của nhà thơ người Colombia này. Bởi vì trong các loại hình văn học, hình như thơ vẫn là thứ khó nắm bắt nhất, khó cảm nhận nhất.

Có một học giả phương Tây từng nói: Nếu văn xuôi sinh ra để “nghiền ngẫm” thì thơ sinh ra để “nghiền nát”. Nêu thế không phải để đề cao thơ và hạ thấp văn xuôi, mà nêu thế để thấy sự khác nhau giữa thơ và văn xuôi mà thôi! Bởi đơn giản, muốn hiểu thơ của một người, cần phải đọc thường xuyên, đọc kỹ, đọc chậm, đọc trong suy ngẫm, đọc trong sự liên hệ và so sánh đa chiều.

     Cho nên, một vài ý kiến ngắn của tôi dưới đây, có thể được xem như một vài lát cắt thơ Fernando Redón trong tập thơ này qua cảm nhận ban đầu.

     Thứ nhất, Fernando Redón nói nhiều đến thơ và quyền năng của thơ qua rất nhiều bài thơ: “Số phận”, “Bộ lạc”, “Bí mật thực vật”, “Đính ước”, “Về viết lách”, “Bài ca Bắc cực”, “Bài ca Cành đỏ”…trong đó có những câu đọc lên là nhớ: Thi ca là cuộc đối thoại tinh tế để đặt dấu kết thúc cho cái chết và chiến tranh; Chỉ có các thi sỹ là người đọc của thiên hà…

    Sức sống và sức mạnh của thi ca trong đời sống được biểu hiện rất rõ trong “Bí mật thực vật”. Ông khẳng định: Để chống lại mùa đông hydrogen/ Chống lại nỗi sợ, sự đơ cứng và lãng quên/ Để làm tan chảy sự trì trệ và hồi lại sức mạnh thân thể/ Đó chính là thi ca.

     Thứ hai, tự do trong thơ Fernando Fedón là thứ tự do tuyệt đối. Bởi thế ông mới phát hiện ra sự xé nát đớn đau của đời hạt để chuyển hóa thành mầm cây hoặc xuất phát ban đầu của đời cây, đồng thời  cũng là quá trình đánh đổi và tìm đến tự do: Bởi vì, hạt mầm ơi!/ Vùi trong đất để bật lên không là chết/ Mãi mãi phá bỏ gông xiềng/ Tự do có được phải đâu là vô nghĩa (“Không khí”)

     Ngay cả khi bắt gặp một còn bướm gặp nạn, có thể bị thiệt mạng, nhưng nó vẫn hướng về tự do: Con bướm bị mắc kẹt/ Giữa mạng nhện và tấm kính/ Nó nghĩ rằng tay tôi sẽ giải phóng nó/ Nhưng đó là cái chết của nó…/ Cánh đập bị bất ngờ của  nó hướng tới bầu trời (“Niềm tin”)

     Đọc những câu thơ này, tự dưng tôi nhớ đến hai câu thơ khác thường của Neruda: Chết đến tận cùng cũng không chết được/ Trên tảng đá kia lại nảy một bông hồng.

     Thứ ba, tình yêu trong thơ Fernando Rendón là thứ tình yêu lý tưởng, đẹp đẽ, lãng mạn và mang tính phổ quát: Sắc trời thật ngọt ngào/ Khuôn mặt của biển khơi cũng thế/ Nhưng em còn ngọt ngào hơn thế/ Ngọt dịu là bài hát của mưa/ Và tiếng rừng cây đang khiêu vũ/ Nhưng đẹp hơn cả là bài hát chung của chúng ta (“Điệp khúc một giấc mơ”). Chính vì thế mà Fernando Rendón luôn mong muốn: Ái tình bay lên giữa bài ca (“Đụng độ”).

     Trong “Tương lại được viết trên đá cổ”, có những câu thơ được kết nối thành một hình khối  sống động, phức hợp, chứa đựng một nội lực đáng ngạc nhiên:

Tôi thổi hồi kèn to làm đau cả những chiếc răng khôn

Những mong đánh tan sự ù lì trong mình như xua đi một con nhặng

Rồi ban mai lên tới như một tên trộm và nổ một tràng như hồi chuông gióng hay tiếng gáy con gà trống dây cót

Mặt trời không đợi người dập tắt để nói câu chào buổi sáng

                                                    (“Luận lý”)

         “Tất cả” là một bài thơ có tứ lạ và mở. Bắt đầu từ cái nhỏ nhất (lá) đến cái lớn nhất (vũ trụ) để hướng đến cái vô cùng, vô tận trong quy luật của sinh-diệt- diệt-sinh: Hãy là lá gắn vào cây…/ Và cũng là cây/ Để đến khi úa vàng và lá rụng/ Rơi rơi chao nghiêng với ngọn gió và bất tử…/ Và hãy là cánh rừng không nấm bệnh/ Để đến khi cái cây bị đốn hạ/ không tử vong…Và cũng là vũ trụ/ để nếu khu rừng bị cháy và cây bị hạ/ Có thể tồn tại mãi mãi.

     Riêng “Việt Nam” là một tứ thơ tài tình, thích ứng nhanh chóng với hiện thực  khi tác giả thâm nhập vào làng Chùa - một vùng nông thôn Việt Nam. Bài thơ đề tặng Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều và Long Quận. “Việt Nam” có 4 khổ thì ba khổ đều có một câu cuối: “Một hạt thóc vàng, chín giọt mồ hôi”. Sức nặng của bài thơ như được dồn vào khổ cuối:

Những làn hương khói

Những mâm ngũ quả

Những bông hoa, những chén nước và biết bao ẩm thực

Tràn ngập trên các bàn thơ tổ tiên

Ngôn ngữ cấy cày

Những hạt đời bật mầm

Giữa trùng trùng thách thức

Và gian khó tột cùng

Việt Nam

Là con đường

Hãy mang chúng tôi trở về…”.

   Tứ thơ được hình thành từ một quan niệm về một đời sống, hiện thực về một đời sống vốn vất vả quen thuộc của người Việt mà ngay người Việt đọc lên vẫn thấy khác lạ: “Một hạt thóc vàng, chín giọt mồ hôi”.