Những gì được coi là bản năng gốc của con người được Đinh Sỹ Minh viết khéo tay. Con người không phải là gỗ đá, nhưng con người là một động vật cao cấp có tư tưởng. Hai con người cùng khát khao tình yêu và nếu họ trao nhau cũng hoàn toàn xứng đáng, chính đáng.

 

 

KÝ ỨC LƯƠNG THIỆN

(Ba đoản khúc về “Trăng vỡ” của Đinh Sỹ Minh)

 

BÙI VIỆT THẮNG

 

“Tôi nghĩ nhiều đến ký ức. Ký ức không phải là những cuốn phim như người ta thường ví von. (....). Còn tôi, ký ức với tôi là một dòng chảy” (Đinh Sỹ Minh – Cô giáo ảo)

 

1.

Đọc “Trăng vỡ” (truyện và ký) của Đinh Sỹ Minh đã khiến tôi thay đổi ý nghĩ khi trước đây chỉ xem “ông” này là người của thơ, tác giả ba tập thơ Thăm thẳm bóng làng, Nhốt đam mê, Phồn sinh (“Là thi sỹ, nghĩa là ru với gió/Mơ theo trăng, và vơ vẩn cùng mây”) sang một cảm thức khác – đây là cây bút văn xuôi có duyên thực sự. Ở quê tôi, một cô giáo có nhan sắc, tính tình đậm đà thì người ta gọi là có duyên, ít khi được gọi là đẹp. Trong sự làm thơ, viết văn cũng thế. Không phải ai cũng có “thơ duyên”(như nhan đề một bài thơ của thi sỹ Xuân Diệu).

Tập Trăng vỡ có hai truyện ngắn (Trộm, Trăng vỡ), còn lại là ký (hay là tạp/ tùy văn, gọi thế nào cũng được). Là người cùng quê (Đức Thọ, Hà Tĩnh), nhưng quả thực tôi và Đinh Sỹ Minh ít có cơ hội giao lưu so với những người khác trong làng văn mà anh hay “la cà” (như Vương Tâm, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Quốc Hán, Vương Cường, Trần Quang Quý...). Tôi nhớ, lần đầu gặp và quen Đinh Sỹ Minh cách đây dăm năm, nhìn đã biết đây là “tay” có máu giang hồ lữ thứ, ưa xê dịch, gàn gàn giống mình và trực tính (có thể hay “nổ”). Trông bề ngoài thì lúc nào cũng như thể đang tung tăng, thích chém gió, nhưng gần và đọc cả văn, cả thơ mới biết “tay” này cũng ghê gớm lắm. Anh ta có một lối suy nghiệm đời sống, theo cách diễn đạt của nhà văn Ngô Thảo, là hay hướng tới “dĩ vãng phía trước”. Nên đọc Trăng vỡ (phần tạp/ tùy văn), thấy hao hao “ký ức vụn” của Bọ Lập nức tiếng một thời (nay vẫn cứ còn nức). Đinh Sỹ Minh khi viết có vẻ như “nhớ đâu viết đấy”, thích viết “chuyện bao đồng”, có vẻ như không làm chủ ngòi bút cứ để cho nó tự do phóng túng, phóng khoáng. Nhưng nhìn kỹ thì hóa ra đó là dòng chảy của ký ức như anh từng diễn đạt.

Trước lúc nói về mảng tạp (tùy) văn của Đinh Sỹ Minh, tôi muốn dừng lại lâu hơn ở hai truyện ngắn duy nhất trong tập. Trộm là một truyện có tính luận đề (có tính chất phản đề). Trong trường hợp này, như câu chuyện được kể, thì tên “trộm” là một người (chú bé) tốt bụng. Trộm hai quả trứng gà để đem đến biếu cô giáo dạy văn bị ốm. Thật là tình ngay lý gian. Nhưng nghệ thuật có thể (có quyền) hóa giải (minh oan) trường hợp này. Cuối cùng thì hai quả trứng gà mất công trộm bị vỡ khi chạy tránh máy bay địch, cô giáo không nhận được món quà hy hữu đó của học trò. Còn học trò thì: “Cậu đi vào giấc mơ, cậu đang mơ về cô giáo của cậu, về một nàng tiên, và một bát cơm trắng có con cá trích bắc ngang miệng đọi”. Truyện này dẫu sao cũng vẫn còn dấu vết của công thức, cái công thức của đánh giá “tốt - xấu”. Đến Trăng vỡ, thì tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy tác giả viết theo “thi pháp chân thành”, đã đành, hơn thế ngón nghề (kỹ thuật truyện ngắn), không thể nói là không cao tay. Hai nhân vật, một là Hùng - cậu trai đang độ xuân xanh, là sinh viên đại học; hai là chị Hà - gái có chồng (đã hy sinh năm 1975). Một góa phụ thời chiến và một cậu trai thời bình gặp gỡ nhau trong éo le, chẳng pháp luật nào cấm đoán nhưng có rào cản của những thứ vô hình.

Những gì được coi là bản năng gốc của con người được Đinh Sỹ Minh viết khéo tay. Con người không phải là gỗ đá, nhưng con người là một động vật cao cấp có tư tưởng. Hai con người cùng khát khao tình yêu và nếu họ trao nhau cũng hoàn toàn xứng đáng, chính đáng. Nhưng! Ai đó nói vì chữ “nhưng” lịch sử có thể còn thay đổi huống hồ một đời người. Cái kết thật đắng đót, ám ảnh khi chị Hà rơi vào trầm cảm, rồi hóa điên phải vào viện điều trị vì bệnh “hitxteria” (thiếu đàn ông, mất cân bằng tâm sinh lý). Qua Trộm và Trăng vỡ, tôi thấy, Đinh Sỹ Minh rất tinh tường trong phát hiện và trình bày những “ca” tâm lý bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Tôi cứ nghĩ, nếu Đinh Sỹ Minh viết được vài ba “cái” như Trăng vỡ, thì có thể nói, đã thành một cây bút truyện ngắn chững chạc; đặc biệt có khả năng phát hiện những “tình huống truyện” khá độc đáo.

 

2.

Phần tạp (tùy) văn mới lộ rõ “chân tướng” của Đinh Sỹ Minh trong viết văn xuôi. Con người năng động - đa đoan, đa sự, đa tình này - tôi có cảm tưởng, không bó tay và luôn muốn vượt thoát bất kỳ không gian nào bó buộc suy nghĩ, hành xử của riêng mình. Tôi có quen biết và đã từng viết về nữ nhà văn Tống Ngọc Hân nhưng khi đọc Cô giáo ảo lại thấy Đinh Sỹ Minh biến báo khôn lường. Đúng là thời đại 4.0 nên lối viết mới có cơ tung tẩy như thế. Mợ Vinh (về nhà báo - nhà thơ Phạm Thùy Vinh, TBT Tạp chí Sông Lam, Hội LHVHNT Nghệ An) viết khéo đến nỗi không ai dám căn cứ vào câu chữ để chỉ một ly nói Đinh Sỹ Minh thuộc dạng “nịnh đầm”! Nhưng cũng không ai nắm tay được cả ngày. Cũng có lúc tôi thấy Đinh Sỹ Minh “hở sườn” khi tụng ca một vài “nhân” nào đó mà “y phục không xứng kỳ đức”. Nhưng đành lòng vậy cầm lòng vậy. Có người sẽ nói, khi đọc, tác giả không nhạy cảm. Tôi thì nghĩ, văn mình vợ người, như cổ nhân nói.

Trong số các tạp (tùy văn) tôi thích "Dượng tôi", "Anh tôi", "Vợ tôi", "Con gái ba", "Hồn làng", "Sài Gòn &M" hơn cả. Cũng giản dị thôi vì trong những “cái” đó trội bật lên lối viết “duy tình” của Đinh Sỹ Minh. Có lúc xót xa, có lúc nuối tiếc, có lúc hối hận, có lúc dằn vặt, có lúc muốn nổi loạn... Nhưng tựu trung đó là những ký ức lương thiện đã trở thành dĩ vãng phía trước.

Riêng “Sài Gòn & M”, trong cách nghĩ nghề nhiệp của tôi, có thể “nống” lên thành một truyện vừa hay tiểu thuyết ngắn (chừng trên trăm trang). Đã có cấu tứ, cốt truyện nhân vật, tình huống, sự kiện, chi tiết khác nào mâm cỗ đã dọn sẵn, cớ sao bỏ lỡ? Hay là, tôi nghĩ, cái “tạng” văn của Đinh sỹ Minh nó quy định sự lựa chọn thể loại – viết cái gì đó ngăn ngắn. Tất nhiên không ai ngây thơ nghĩ chuyện ngắn và dài trong văn chương liên quan đến chất lượng nghệ thuật (quý hồ tinh bất quý hồ đa/ văn chương định tính không định lượng). Có thể coi đây là một gợi ý nghề nhiệp với Đinh Sỹ Minh. Nhưng theo thì theo không theo thì thôi (theo cách viết của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo “tin thì tin không tin thì thôi”).

 

3. 

“Văn chương là nghệ thuật ngôn từ” - đó là một tiên đề/ định đề như trong toán học vậy. Đọc văn xuôi Đinh Sỹ Minh, tôi có cái cảm giác gặp một người khai thác khoáng sản có năng suất và sản lượng cao. Bao nhiêu thứ đào xới được anh chở về tất để tính chuyện sàng sẩy, tinh luyện sau này. Anh cần trước hết có vốn (bột) để gột hồ. Vốn thì rõ là nhiều, bột cũng chứa đầy bồ. Bây giờ là gột hồ. Đọc văn xuôi Đinh Sỹ Minh tôi có cái cảm giác khi viết anh không cần tiết chế ngòi bút, cứ cho nó tự do tung hoành, kể cả khi đọc lại bản thảo lần cuối anh cũng không “kiểm duyệt” hay “biên tập” chính những gì mình đã viết ra như nhiều người sáng tác khác.

Có người “mách” tôi rằng, Đinh sỹ Minh là tay “hồn nhiên”, cả trong sống cũng như viết. Hồn nhiên thì tốt. Nhưng nếu vô tình hay cố ý “nhi nhiên” thì phải xem lại. Có bốn trích dẫn sau, ở đó sự hồn nhiên cần phải tu chỉnh: một, đoạn tố các nhân viên ngành Y tế trong Con gái ba (đó có thể là chuyện ở đời nhưng không phải chuyện văn chương); hai, ca ngợi: “Chiếc quần lụa đen thần thánh” trong truyện Trăng vỡ; ba, tự hạ thấp mình: “Tôi quen biết nhà thơ Phạm Thùy Vinh từ ngày đổ đốn thơ văn” trong Mợ Vinh; bốn, ca tụng: “Bộ quần áo xanh công nhân thần thánh” trong Gửi “Cụ Nghi” – Quán Chiêu Văn. Ai đó nói đó là lối viết “suồng sã”, đôi khí sát sàn sạt, trắng phớ mọi chuyện. Lại nữa, Đinh Sỹ Minh hay lạm dụng phương ngữ, đôi khi gây cản trở sự đọc và tiếp nhận của bạn đọc đại chúng. Vẻ đẹp của văn chương chính là vẻ đẹp của ngôn từ. Tại sao chúng ta lại không trau chuốt tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt?

Tôi cứ nghĩ, mình góp ý thẳng thắn quá có khi mất cả bạn bè văn chương. Nhưng “thuốc đắng dã tật sự thật mất lòng”. Ai cũng hiểu, mỗi người trong chúng ta, rất có thể, đều lớn lên sau những sai lầm đáng yêu như người đồng hương Đinh Sỹ Minh của tôi. Đúng thế chăng!?

Hà Nội, tháng 8-2021