Nhiều người nói Camus là nhà “tiên tri” bằng văn chương. Những người mê tín thì nói Camus thay mặt Chúa nói trước với loài người để cảnh giác. Có người “tỉnh táo” hơn thì khẳng định đó là đặc trưng dự báo của văn học...


Dịch hạch nói gì với hôm nay?

NGUYỄN THANH TÚ

Hơn một năm nay, bạn đọc và giới phê bình văn chương Pháp say sưa đọc lại, suy ngẫm về thiên tiểu thuyết “Dịch hạch” (La Peste) của nhà văn Albert Camus (Nobel văn chương 1957). Vì tác phẩm (in năm 1947) cứ như là sự “phản ánh” trước Đại dịch COVID -19 hoành hành ở Pháp từ giữa năm 2020. Dĩ nhiên tên “đại dịch” thì khác nhưng tính chất, nội dung, thông điệp, giải pháp... vẫn mang tính thời sự nóng hổi.

Nhiều người nói Camus là nhà “tiên tri” bằng văn chương. Những người mê tín thì nói Camus thay mặt Chúa nói trước với loài người để cảnh giác. Có người “tỉnh táo” hơn thì khẳng định đó là đặc trưng dự báo của văn học... Với chúng ta, đọc lại tác phẩm trong những ngày đấu tranh với “giặc covid” càng thấy rõ hơn vấn đề được nhà văn nhắn gửi.

Bối cảnh tiểu thuyết là Oran – một thành phố biển nước Pháp nằm ở phía Bắc Algérie (Camus là nhà văn Pháp, sinh ra và lớn lên ở Algérie, từng viết báo ở đó trước khi về Paris). Sáng ngày 16 tháng 4 (gần đúng với thời điểm trong năm 2020 nước Pháp lan truyền virus SARS-CoV-2) của một năm 194… bác sĩ Bernard Rieux (nhân vật chính) từ trong phòng bước ra thì đá phải một xác con chuột. Chiều hôm đó đi làm về, ông gặp một con chuột khác đang giãy chết. Thoạt đầu tưởng đó là trò nghịch của bọn trẻ, nhưng lượng chuột chết tăng dần...

Những bệnh nhân đầu tiên vào viện rồi bắt đầu có những cái chết. Bệnh dịch hạch bắt đầu lan rộng. Sau nhiều cuộc bàn bạc, tranh luận, lãnh đạo chính quyền ra quyết định “cách ly” thành phố để giảm thiểu sự lây lan. Nhiều thay đổi đột ngột diễn ra. Những xáo trộn gây căng thẳng. Nhiều gia đình phân ly, người người chia tán... Dần dần mọi người cũng quen với dịch họa. Bắt đầu những ngày “bình thường mới” đối diện với cảnh chết chóc, cảnh tang ma đốt xác, chôn người bệnh diễn ra... Dịch hạch kết thúc vào một ngày (25) cuối tháng Giêng!!!

Theo nhiều so sánh, cuộc sống được miêu tả trong tiểu thuyết chẳng khác gì mấy so với thảm cảnh nước Pháp những ngày căng thẳng năm 2020. Có nhiều người hết lòng, tận tụy để góp phần “dập dịch”. Có nhiều người tháo chạy. Nhiều gia đình tích trữ lương thực, thực phẩm. Lại có kẻ nhân cơ hội “cách ly” để kiếm lời...

Đó là bác sĩ Bernard Rieux tự nguyện cùng đồng nghiệp và tình nguyện viên vô tư bước vào cuộc chiến đấu khốc liệt với con “virus dịch hạch” vô hình mà vô cùng ghê gớm kia. Trong số họ có người kiệt sức nhưng thỏa mãn, hài lòng với công việc ngăn chặn đại dịch. Quan niệm và hành động của bác sĩ Rieux như một tấm gương tỏa sáng không gian dịch bệnh u ám: “Nếu có một điều người ta luôn luôn mong ước và cố gắng đạt tới, thì đó chính là tình thương của con người”. Lời của vị bác sĩ đáng kính nói lên phẩm chất tuyệt vời của những người ở tuyến đầu: “Không là những bậc thánh, không cam chịu tai ương, họ đã gắng sức làm thầy thuốc!”. Bản thân Rieux, chính trong thời điểm đó người vợ yêu ốm nặng, là bác sĩ nhưng chồng cũng không thể chăm sóc vợ. Bà qua đời, ông cũng không được gặp mặt...

Hai chữ “Thầy thuốc” thật thiêng liêng biết bao!

Chàng Jean Tarou – một trí thức đầy triển vọng, từng chu du khắp thế giới rồi dừng chân ở Oran. Chàng trở thành cánh tay phải cùng bác sĩ Rieux tổ chức những đội y tế tình nguyện xung kích “chiến đấu” với dịch bệnh ở những nơi nguy hiểm nhất. Chính chàng nhiễm virus độc ác và qua đời trong sự tiếc thương vô hạn của bao người. Chàng chết nhưng câu nói của chàng vẫn vọng đến hôm nay: “Can đảm lên, lúc này chính là lúc phải xử sự đúng!”. “Xử sự đúng”! Đó là hành động của người trí thức có trách nhiệm sẵn sàng hy sinh vì việc nghĩa, vì cộng đồng!

Tấm gương của bác sĩ Bernard Rieux, của chàng Jean Tarou đã làm thức tỉnh những người chung quanh. Họ cùng nắm tay nhau đi vào cuộc chiến với suy nghĩ chung: “là điên, là mù, là hèn nhát mới cam chịu buông tay trước dịch hạch”.

Những người như nhà báo Raymond Rambert, linh mục Paneloux...với cương vị, trách nhiệm của mình, họ như người chiến sĩ cảm tử xông vào trận tuyến. Rambert, vốn là một phóng viên đến từ Paris, dịch họa làm anh bị kẹt lại. Bị thuyết phục bởi những hành động cao cả, anh tình nguyện đi vào vùng “tâm dịch” làm bất cứ việc gì có ích cho nhiệm vụ chung...

Linh mục Paneloux ban đầu coi dịch là sự trừng phạt của Chúa nên mọi người phải an lòng mà đón nhận. Nhưng sau khi chứng kiến cái chết của con trai ngài dự thẩm, nhất là qua tấm gương của bác sĩ Rieux, vị linh mục ấy đã đứng lên kêu gọi mọi con chiên: “Hỡi những người anh em, chúng ta phải là những người ở lại!”. Chính ông cũng tự nguyện làm một đội viên cứu chữa bệnh nhân nặng!

Trong cơn nguy biến, mọi người cần đến sự hy sinh, gắn bó, yêu thương chia sẻ thì lại có kể như Cottard cơ hội, tìm mọi cách “kiếm chác”... như nâng giá thuốc, bán tư trang y tế giả...!!!

Theo quan điểm lý thuyết tiếp nhận hiện đại, có thể thấy tiểu thuyết gửi một thông điệp cho hôm nay và mai sau:

Một là, bệnh dịch là một “thảm họa sinh học” rất khó lường trước, rất khó lý giải, do vậy rất khó đưa ra giải pháp tức thời, hiệu quả. Trong tiểu thuyết có chi tiết bác sĩ Rieux tự hỏi rồi tự trả lời rất đáng chú ý: “Dịch hạch, nó là như thế nào? Là cuộc sống và chỉ có thế thôi!”. Có nghĩa là phải coi bệnh dịch là một phần của cuộc sống để “chung sống”. Như vậy con người phải trí tuệ hơn, khôn hơn, năng động hơn để đón nhận nó trong tâm thế không bất ngờ. Trong lịch sử, nhân loại từng phải đón nhận những đại dịch kinh hoàng, như thế kỷ XIV chết hàng chục triệu người, gần đây là dịch cúm mùa, dịch Ebola... cũng giết hàng triệu sinh linh. Và nhân loại đang phải chứng kiến Đại dịch COVID -19 cướp đi hơn 4 triệu người!

Hai là, giải pháp cơ bản chống dịch, làm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch chính là tình người. Trước hết là sự nhất trí của mọi giới, mọi tầng lớp trong xã hội, từ chính quyền đến tôn giáo, trí thức, dân thường... Là sự đoàn kết chung tay của tất cả mọi người mà sợi dây liên kết giữa họ là tình yêu thương, coi con người cao hơn tất thảy.

Ba là, khi có dịch thì những người vất vả nhất, hy sinh nhiều nhất cũng mang lại hy vọng lớn nhất là đội ngũ bác sĩ, hộ lý, y tá, các nhà nghiên cứu... Tiểu thuyết bật ra một chân lý: phải tôn trọng, quý trọng, tôn thờ nghề y. Xã hội thời nào cũng cần tới, cũng phải có những thầy thuốc như bác sĩ Rieux: giỏi chuyên môn, tình người sâu nặng, hy sinh việc riêng vì việc chung, sẵn sàng đến bất kỳ nơi nào cần...

Bốn là, trong tiểu thuyết, dịch hạch tự đến rồi nó tự đi, nhưng, như lời một nhân vật là nhà nghiên cứu thì “nếu có vacxin thì nó sẽ ra đi sớm hơn”. Một câu nói không vô tình: con người phải chủ động tìm ra vaccine để đối phó hiệu quả với dịch bệnh!

Tất nhiên còn nói về nghệ thuật với sứ mệnh, chức năng, vai trò, nhất là một cách kể đặc sắc!

Đó là sứ mệnh của văn chương phải là tiếng nói hướng về và phục vụ đời sống con người. Ra đời ngay sau chiến tranh thế giới thứ 2, thảm họa trong tác phẩm có thể hiểu là ẩn dụ cho thảm họa của chủ nghĩa phát-xit. Nhưng giá trị phổ quát của nó rộng rãi hơn nhiều để vươn tới mang ý nghĩa toàn nhân loại: những thảm họa sẽ luôn có trong tương lai, nhất là bệnh dịch. Nó gióng một tiếng chuông cảnh tỉnh: Hỡi con người, hãy cảnh giác, đoàn kết và chủ động đối mặt với thảm họa!

Đó là bài học văn chương phải có tư tưởng. Tầm vóc tư tưởng tác phẩm do tầm vóc nhà văn quyết định. Muốn có tư tưởng trước hết phải có vốn sống thật sự đã đầy, sâu sắc. Không chỉ đi nhiều nơi, làm nhiều nghề, Camus còn hiểu biết nhiều môn khoa học, trong đó có nghề y (hồi nhỏ từng mắc bệnh lao và được chữa khỏi)... Nhà văn phải có tình thương yêu, kính trọng con người sâu sắc, trên cơ sở đó mới có thể sáng tạo những hình tượng vị nhân sinh có ý nghĩa.

Trước đó văn chương mới miêu tả về con người nhưng đến Camus đã có những trang phân tích tâm lý thật tinh tế. Đọc tác phẩm người ta thấy cuộc sống này thật mong manh, nên phải cố mà sống tốt đẹp, sống có văn hóa với nhau. Với mỗi người thì cố gắng mà học tập, tích lũy tri thức cũng như sức khỏe, của cải không chỉ làm giàu cho xã hội, mà trước hết, cho chính mình, cho gia đình mình.

Đó là bài học phải luôn đổi mới cách viết. “Dịch hạch” khoác cái áo của một ngụ ngôn, một tập ký sự nhưng cơ thể nội dung bên trong mang xương cốt kết cấu bề thế của một tiểu thuyết. Sự đan kết hai điểm nhìn, một của bác sĩ Rieux, một của người kể giấu mặt tạo cho mạch văn cứ nửa kín nửa hở, cứ như thật, cứ như hư, lúc rõ ràng, lúc hoang đường huyền thoại, thật phù hợp với nội dung nói về hình tượng “con virus” vô hình nhưng gây nên thảm họa cụ thể...!!!

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An