Nhà thơ Trần Hữu Lục đã qua đời ở tuổi 80 vào ngày 30/8 tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - TP.HCM sau mấy ngày được phát hiện dương tính với virus corona.

 

Nhà thơ Trần Hữu Lục sinh năm 1941 tại Huế. Trong khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, nhà thơ Trần Hữu Lục có mấy năm dạy học ở quê nhà rồi chuyển vào Sài Gòn tham gia viết văn và làm báo. Từ năm 1975, nhà thơ Trần Hữu Lục quay lại nghề giáo và giảng dạy bậc trung học ở Đà Lạt.

Sau 11 năm dạy học trên xứ sở sương mù, nhà thơ Trần Hữu Lục về Sài Gòn công tác ở xưởng phim của Bộ Giáo Dục & Đào tạo, rồi làm phóng viên chuyên trách mảng điện ảnh cho báo Tuổi Trẻ. Từ năm 1999, nhà thơ Trần Hữu Lục phụ trách nội dung Tạp chí Du Lịch TP.HCM cho đến khi nghỉ hưu.

Tính từ tập truyện ngắn “Cách một dòng sông” xuất bản năm 1971 đến lúc qua đời, nhà thơ Trần Hữu Lục có nửa thế kỷ góp mặt với văn đàn Việt Nam. Dù có thêm một số tác phẩm văn xuôi như “Chiếc bóng” hoặc “Thời tôi yêu” thì Trần Hữu Lục vẫn  Trần Hữu Lục mang trái tim nhạy cảm của một nhà thơ ruổi rong qua nhiều năm tháng thăng trầm. Thi ca đối với ông giống như một người bạn thủy chung và tận tụy, có thể cho ông nương nhờ phút giây thở than hoặc có thể cho ông chìm lắng khoảnh khắc u buồn.

Khoảng thời gian hơn một thập niên gắn bó với Đà Lạt, nhà thơ Trần Hữu Lục có những kỷ niệm giúp ông viết những câu thơ xao xuyến mà nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành ca khúc “Đà Lạt ngày tôi về” khá nổi tiếng: “Đà Lạt ngày tôi về, cánh rừng xõa tóc đêm, chút hương thoảng bay triền dốc sương đầy. Ngã ba đường xưa tôi đứng, giờ hoa anh đào tàn phai. Tan về đâu về đâu, những hạt mưa ngày ấy. Tan về đâu về đâu, tà áo thuở ban đầu”.

                                        Nhà thơ Trần Hữu Lục (1941-2021).

Nhà thơ Trần Hữu Lục từng xuất bản bốn tập thơ “Lời của hoa hồng”, “Thu phương xa”, “Vạn Xuân” và “Ngày đầu tiên”. Phẩm chất một người hiền lành khiến thơ ông luôn nhẹ nhàng và lãng đãng. Ngôn ngữ của Trần Hữu Lục không chủ đích tìm tòi sự mới mẻ nên mỗi dòng thơ chỉ nhằm chuyên chở một tâm tình, khi chập chờn mộng mị “làm chút bóng mát nghiêng xuống giấc mơ”, khi lặng lẽ tiếc nuối “cơn mưa chiều còn chưa thấm đất, chẳng lẽ vì anh mới xa em”.

Thơ Trần Hữu Lục thường giàu nhạc tính. Đọc thơ ông cứ thấy từng âm thanh ngân nga trên trang giấy. Thế nhưng, nếu tinh ý một chút sẽ dễ dàng nhận ra những câu thơ giúp người đọc hiểu được Trần Hữu Lục bao giờ cũng mộc mạc. Đó là buổi hoàng hôn sực tỉnh trên mái tóc người đàn ông bộn bề “nửa đời phù hoa che mất, hững hờ xen lẫn ngọt ngào, thoáng giấc mơ có giữ được, hay đã chìm tận sông sâu” và chột dạ về một miền bình yên “bóng mẹ sớm chiều như quê cũ, con còn mãi màu hoa bắp lay”.

Vài năm gần đây, nhà thơ Trần Hữu Lục không còn sáng tác vì trí nhớ giảm sút. Và thật không ngờ, dù chẳng mấy khi ra đường, ông vẫn bị mắc Covid-19 và lặng lẽ ra đi giữa đại dịch toàn cầu.

                                               TUY HÒA