Ký sự của nhà văn Bảo Ninh: Lần này qua Trung Quốc dự triển lãm sách tôi mới biết được một thực tế là số lượng tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch sang tiếng Trung Quốc là rất nhiều, nhiều nhất, nhiều hơn tất cả số đã được dịch sang các ngôn ngữ lớn khác: Pháp, Anh, Nga, Tây Ban Nha. Tuy nhiên, lại thành ra một nghịch cảnh, nhiều như vậy, hàng trăm đầu sách mà đi đâu hết

 

TRẢI QUA MỘT CUỘC BỂ DÂU…

 

BẢO NINH

 

Lần đầu tôi qua Trung Quốc, cũng là lần đầu tiên trong đời ra nước ngoài, là vào mùa hè năm 1959, mới bảy tuổi đầu còn chưa vào học lớp Một, được theo mẹ sang thăm cha khi ấy đang công tác giảng dạy Tiếng Việt tại Đại học Bắc Kinh. Ở chơi được chừng một tháng rồi về, đi học, và rồi, chẳng mấy lâu sau là đến thời binh đao loạn lạc, chiến tranh, chiến tranh, rồi chiến tranh, bẵng đi cách quãng đứt đoạn đúng sáu mươi năm, cho tới mùa hè 2019, nhân triển lãm sách do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức, tôi mới lại có dịp qua bên đó lần nữa.

Sáu mươi năm, ấy là một cách quãng thời gian vượt xa tầm mắt của trí nhớ, vậy nhưng chuyến sang Trung Quốc vào những ngày thơ bé đã xa tít tắp kia thì mặc dù năm tháng, mặc dù sự đời, mặc dù thế cuộc, cho đến bây giờ vẫn đậm bóng trong ký ức. Và dĩ nhiên gắn cùng những kỷ niệm là ấn tượng Trung Quốc, ảnh hưởng Trung Quốc.

Thực ra thì trong suốt chừng bấy chục năm kể cả từ trước 1959, không có cái chặng nào đời tôi là hoàn toàn cách quãng đứt đoạn không dính dấp tới Trung Quốc. Mọi mặt đời sống cả về tinh thần lẫn vật chất đều ít nhiều lưu dấu ảnh hưởng của Trung Quốc. Nhất là những năm thời tuổi trẻ mười chín đôi mươi. Nhất là trong lĩnh vực văn hóa. Hồi đó điện ảnh nước ngoài, ca múa nhạc nước ngoài, hội họa nước ngoài, văn học nước ngoài mà tôi và chúng bạn cùng lứa được phép xem, nghe, đọc, tuy rằng của Liên Xô cũng có nhưng chủ yếu, nhiều và phổ cập hơn cả vẫn là của Trung Quốc, đậm đà bản sắc Trung Quốc.

Còn như cái ăn cái mặc, các thứ đồ dùng vật dụng trong đời sống sinh hoạt thường nhật và quanh năm suốt tháng thì từ to tát tới lặt vặt, thiết yếu lẫn không thiết yếu, được phân phối theo tiêu chuẩn hay mua được ở chợ đen, nếu không quá nửa cũng phải đến non nửa là đồ Trung Quốc. Nhất là trong những năm dài khốn khó túng thiếu trăm bề thời bao cấp.

Và nhất là những năm quân ngũ chiến trường. Thì đó, thử hỏi rằng hồi đấy trang bị sát sườn cho từng ngày sống và chiến đấu của người chiến sĩ Quân Giải phóng là những gì? Là khẩu tiểu liên K56 nồi đồng cối đá y chang AK47 của Liên Xô, chỉ khác có gắn sẵn cái lưỡi lê ba cạnh, là trái lựu đạn “quả chanh”, là con dao găm “bát nhất”, cái địa bàn “nhật nguyệt”, là tấm tăng, chiếc võng, là viên thuốc “phòng ba” chống chọi sốt rét rừng, là những phong lương khô BA70, 701, 702… Còn bộ ka ki Tô Châu nữa, và cái mũ cối, đôi dép đúc, thì như bản thân tôi, đã ba năm sau ngày giải ngũ, tới tận Tổng động viên tháng 3 năm 1979 vẫn là tư trang hàng ngày.

Tất nhiên nào riêng gì tôi. Thời tôi, thế hệ tôi ai mà chẳng vậy, ai mà chẳng đã trải từng những thực tế ấy, sự thật ấy. Chẳng phải vậy sao?

Bạn chiến đấu là người Hoa, đại đội tôi dạo mới vào chiến trường từng có hai người, cùng sinh quán Móng Cái. Do vì ở ta thanh niên người Hoa được miễn nghĩa vụ quân sự nên cả hai đều đã phải sau mấy lượt đâm đơn xung phong tình nguyện mới được trên chuẩn thuận cho nhập ngũ. Cả hai anh, người trước người sau, đã sớm ngã xuống trên chiến trường bắc Tây Nguyên trong chiến dịch mùa khô 1971.

Bạn học người Hoa thì từ lớp Một tôi đã có không ít, tới cả chục đứa. Mặc dù ở Hà Nội có Trường tiểu học Trung Hoa phố Hàng Buồm nhưng mấy đứa ấy lại nhập học Trường cấp 1-2 Lý Thường Kiệt, vào một lớp với tôi. Nhà tôi phố Hàng Đẫy, nhà mấy đứa phố Đình Ngang, phố Cấm Chỉ, ngày ngày qua nhà nhau ới nhau đến trường, suốt chừng bấy năm, đứa Việt đứa Hoa, con gái con trai, tình bạn và rồi cả những tình yêu đầu đời. Từ mùa đông 1978 ly tán mỗi đứa mỗi phương, Thượng Hải, Thâm Quyến, Hương Cảng, Đài Loan, châu Úc, châu Âu, Hoa Kỳ, nhưng tôi vẫn giữ được liên lạc qua thư từ với một số, và cả gặp lại được nhau mỗi khi các bạn trở lại Việt Nam đi du lịch hoặc đi công chuyện, tụ hội họp lớp.

Tiếng Trung, tôi cũng từng được học võ vẽ năm đầu cấp 2, nhưng đã sớm bị ngắt ngang vì bom Mỹ, trường lớp chạy về nơi sơ tán không tiếp tục môn ngoại ngữ. Sớm bị ngắt ngang nên đã sớm quên, đến giờ chỉ nhớ được loáng thoáng đôi câu dăm từ, nỉ hảo, ủa ái nỉ, Juê nản Tung của yểu y, Juê nản Tung của sì thống chì… tựa như là một chút tăm tích còn vương vấn lại của thời niên thiếu.

 

Cũng mấy năm ấy, đang học trò cấp 2 cấp 3 tôi đã lần lượt đọc trọn Tứ đại danh tác. Bây giờ ngẫm lại thấy thật là lạ. Tây du ký, Thủy Hử, Tam quốc diễn nghĩa thì đã đành, nhưng Hồng Lâu mộng, không hiểu là bởi thế nào mà mới tuổi 15, 16 đã đọc với niềm đam mê đến thế. Y như thể là một tình yêu đến trước dậy thì vậy.

Đến 17 tuổi học lớp 10 thì bắt đầu đọc Lỗ Tấn. Có cuốn nào tiếng Việt trong tủ sách của cha tôi, tôi đọc hết. Gào thét, Bàng hoàng, Chuyện cũ viết lại, Nhật ký người điên, AQ chính truyện. Tự biết là quá tầm tuổi mà cứ đọc. Không hiểu mấy, nhưng vẫn thấy hay, nên đọc lại. Đọc đi đọc lại. Và cứ vậy, tới tận bây giở, càng năm càng tuổi tôi càng hay nghiền ngẫm đọc lại Lỗ Tấn, chừng như càng già đi thì lại càng bị sức mạnh văn bút đầy nghiệt ngã rất đáng sợ của ông thách thức, cuốn hút.

Tuy nhiên, có thể chính là vì vậy, vì sùng Lỗ Tấn mà trong số rất nhiều tác phẩm đã dịch sang tiếng Việt của các nhà văn Trung Quốc thời sau ông, thời liên miên mấy chục năm liền từ 1949 trở về sau, tôi chỉ đọc chừng dăm cuốn và đều không thích nổi, không nhớ nổi lấy một cuốn nào. Đến nỗi thành ra định kiến, cả tác phẩm của các nhà văn thời Trung Quốc đã cải cách mở cửa tôi cũng tránh đọc.

Cho tới ngày nọ năm 2002, do được ai đó tặng, tôi có trên tay cuốn tiểu thuyết dày cộp hơn 800 trang, “Báu vật của đời”, tác giả Mạc Ngôn, dịch giả Trần Đình Hiến. Nhờ chịu đọc nó, cuốn tiểu thuyết kỳ thú, mạnh bạo và khác lạ như chính cái thật tên của nó, Phong nhũ phì đồn, mà tôi bắt đầu tìm đọc và đã tìm thấy được cho mình một dòng văn học mới mẻ, hay và đặc sắc đến không ngờ. Dĩ nhiên chỉ là mới mẻ đối với tôi, bởi vì cho đến khi đó dòng văn học “Thời kỳ mới” mà Mạc Ngôn là tác giả tiêu biểu đã tỏa sáng văn đàn Trung Quốc lâu rồi, từ 1978, và nhiều tác giả của dòng văn học ấy đã có tác phẩm dịch và xuất bản ở Việt Nam ngay từ đầu thập niên 1990, khi hai nước vừa mới ngừng giao chiến.

Đọc tác phẩm của họ, Mạc Ngôn, Trương Hiền Lượng, Giả Bình Ao, Dư Hoa, và mấy năm gần đây là Diêm Liên Khoa, tôi đều trước nhất là thấy ngỡ ngàng, hoặc nói cho đích, thấy kinh ngạc và khâm phục. Vào năm 1978, khi các tác giả kể trên khởi phát sự nghiệp sáng tác của mình, Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản chỉ mới vừa kết thúc. Sau cuộc tổng thanh trừng “long trời lở đất” ấy, kéo dài những mười năm, (chưa kể rằng từ trước đấy nữa đã liên miên dồn dập diễn ra hết Tam phản, Ngũ phản lại đến Trăm hoa đua nở, rồi Bài trừ phái hữu, rồi Đại nhảy vọt), làm thế nào mà văn học Trung Quốc sống sót nổi, hơn thế còn đột khởi bừng sáng được lên một thế hệ nhà văn tài năng và dũng khí nhường ấy?

Vì sao họ, các nhà văn thế hệ đó, chí ít là những nhà văn tôi đã được đọc, không “rút kinh nghiệm” từ kết cục bi thảm đã giáng xuống số phận các tiền bối của họ như Lão Xá, Điền Hán, Ngô Hàm, Triệu Thụ Lý…? Họ vẫn cả gan viết Báu vật của đời, viết Kiên ngạnh như thủy, viết Đinh Trang mộng, viết Phải sống? Và nhất là vì sao những tác phẩm “tự do sáng tác” đến phát sợ như thế - thực vậy, có cuốn tôi thấy khiếp hãi (cho tác giả) qua từng trang - lại không bị cấm xuất bản, tác giả không bị đấu tố, không bị treo bút cấm viết?

Tự hỏi, nhưng tôi không gắng tìm câu trả lời. Có muốn tìm cũng không thể. Kiến thức mọi mặt về Trung Quốc quá hạn hẹp, tiếng Trung tiếng Anh không biết, cậy cả vào sách dịch nhưng cũng đâu có đọc được bao nhiêu cuốn, làm sao có thể chủ quan trả lời “như thể biết rồi”, dù chỉ là tự mình trả lời với mình.

***

Tuy nhiên, ở trong nước, náu trong nhà, chỉ mình với mấy cuốn sách của mình và chút kiến thức của mình, thì đâu có sao; nhưng ra nước ngoài, đụng câu hỏi về những vấn đề như vậy hoặc na ná như vậy, thì tuy cũng trả lời người ta đấy mà thật sự là cực chẳng đã.

Văn học Việt Nam thời kỳ Đổi Mới và văn học Trung Quốc thời Cải cách mở cửa liệu có sự tương đồng nào không? Từ 1978 đến nay văn học Trung Quốc đã đạt những tiến bộ vượt bậc, không chỉ độc giả trong nước mà trên toàn thế giới đều nhận thấy. Còn văn học Việt Nam? Ngày nay, môi trường và điều kiện sáng tác của nhà văn Việt Nam như thế nào, tốt hơn hay không tốt bằng so với của các nhà văn Trung Quốc? v.v. Bởi nỗi Việt Nam và Trung Quốc là láng giếng núi liền núi, sông liền sông, nên là nhà văn Việt Nam, khi ra nước ngoài tôi hay gặp những câu hỏi và sự so sánh rất khó nghĩ kiểu vậy.

Với chuyến sang Trung Quốc hồi hè 2019, tâm trạng tôi từ nhiều ngày trước khi lên đường vừa rất xao xuyến, bồn chồn xốn xang bởi sự thôi thúc của ký ức, lại cũng đầy ngần ngại. Chương trình do Đại Sứ quán Việt Nam bố trí dành chủ yếu thời gian cho triển lãm sách và du ngoạn thăm Cố Cung, Di Hòa viên, Vạn lý Trường thành, nhưng cũng có những buổi tiếp xúc với độc giả và giới xuất bản. Ra ngoại quốc, tại những cuộc gặp gỡ giữa nhà văn với độc giả, tuy rằng chuyện văn chương song rất dễ lấn sang chính trị với lại thế sự, thậm chí có thể cả phỏng vấn này nọ, rất khó tránh, mà Trung Quốc thì dĩ nhiên không phải là một nước ngoài bất kỳ.

Nhưng tôi đã cả lo. Trái với lo ngại, chưa chuyến đi nào ra nước ngoài mà tôi thấy thoải mái dễ chịu và vui trong lòng cho bằng chuyến đi lần đấy qua Trung Quốc.

Tôi vui vì được những người bạn Trung Hoa tiếp đón một cách trọng thị, và hơn thế, một cách chân tình. Cung cách cư xử và giao tiếp của họ, các nhà văn, các biên tập viên và sinh viên văn học, thẳng thắn và cởi mở chứ không khách sáo hay thâm trầm khó đoán như tôi vẫn tưởng. Cũng không như tôi định kiến, người Trung Quốc, ít nhất là những người tôi đã tiếp xúc, không hề là lũ lĩ những nhà ái quốc thường trực, luôn luôn ai nấy tỏ ra cao ngạo và trịch thượng nước lớn nước bé; trái lại, tôi thấy họ ý nhị và lịch lãm, cầu thị và khiêm nhường. Tuy nhiên với tôi cảm giác thoải mái dễ chịu trong những ngày ở Trung Quốc không phải chỉ do thế, bởi vì nói chung ở nơi đâu trên thế giới người ta cũng đối đãi tử tế và ân cần với khách nước ngoài như vậy. Điều khác lạ mà đặc biệt dễ chịu với tôi là ở chỗ, tại Bắc Kinh tôi được nhòa lẫn đi.

Tôi không biết diễn đạt thế nào cho đích thực cảm nhận ấy. Có lẽ là thế này, ở Bắc Kinh tôi như quên đi mất mình là người ngoại quốc; tôi thấy mình hòa vào với mọi người, y như mọi người, những người bình dân Trung Quốc đông đảo trên đường phố. Chỉ có điều tôi không nói được, không nghe được tiếng Trung Quốc, song cả điều đó cũng không sao. Chẳng cần phải có phiên dịch, thậm chí tôi cố ý tránh người phiên dịch, cứ vậy một mình tôi vào tiệm ăn cầm thực đơn lên, một mình vào quầy bar trỏ một chai rượu và gọi một ly, một mình đi vào ngõ nhỏ khu phố cổ Hồ Đồng với bức hình Lỗ Tấn trên tay rồi bằng cử chỉ hỏi tìm ngôi nhà xưa của ông ấy, một mình lên metro, một mình vẫy taxi đi một mình… ung dung, tự tin, bình thản, như thể đang ở Sài Gòn hay Cần Thơ vậy. Tôi để ý và thầm ngạc nhiên với sự hoàn toàn ung dung thoải thoải mái ấy của mình. Tại những nước khác tôi không hề như vậy. Lúc nào cũng phải có người phiên dịch kè kè, nếu không có thì từ mù ngoại ngoại ngữ mà thành ra như người vừa mù vừa câm vừa điếc, trở nên cứng nhắc, ngượng ngập, vướng vấp, mất tự tin và hay bực mình.

Vốn dĩ mang nhiều thành kiến về người Trung Quốc nên trong những ngày ở Bắc Kinh tôi mừng vì thấy mình đã sai. Chẳng hạn, điều tôi ngại nhất trước khi sang Trung Quốc là sự kỳ thị có thể sẽ gặp phải. Tôi nghe nói, nghe kể, nghe đồn như thế, rằng dân bên đấy rất không ưa người Việt Nam, hoặc họ thể hiện thẳng thừng thái độ đó, hoặc ẩn đi sau vẻ ngoài ngoại giao ra điều hữu hảo. Nhưng tôi thấy điều đó không đúng, hoàn toàn ngược lại, người Trung Quốc thực tình quí mến Việt Nam. Tôi cảm nhận tình cảm ấy không chỉ từ những người biết tôi, tiếp đón và trò chuyện với tôi, mà cả từ những người không quen biết: người tài xế taxi, người đàn ông ngồi cạnh trên metro, ông già chủ tiệm tạp hóa, cô thu ngân ở hiệu sách v.v. khi tôi chỉ tay vào mình nói: tôi là người Việt Nam.

Chỉ có điều, như tôi thấy, hai chữ Việt Nam với người Trung Quốc lớn tuổi là hai từ có tác động gợi nhớ, khiến họ bồi hồi, khiến họ cảm động và hồi tưởng. Với họ, Việt Nam luôn là Việt Nam kháng chiến, Việt Nam mà Trung Quốc của họ trong năm tháng xưa kia đã đồng cam cộng khổ; còn Việt Nam hiện nay thì họ chỉ biết sơ sơ, đại khái như biết về mọi nước khác trên thế giới.

Những người Trung Quốc trẻ tuổi thì tôi chỉ tiếp xúc một lần vào buổi gặp mặt tại trụ sở Công ty sách. Họ hầu hết là sinh viên khoa văn học và sinh viên khoa Tiếng Việt của các đại học tại Bắc Kinh và Thạch Gia Trang (Hà Bắc). Họ cũng vậy, Việt Nam mà họ biết là Việt Nam trong quá khứ. Mà ngay cả Việt Nam thời ấy họ cũng chỉ biết qua các tác phẩm văn học Việt Nam đã dịch sang Hoa ngữ. Và các tác phẩm ấy thì đa phần là từ trước năm 1975.

***

Lần này qua Trung Quốc dự triển lãm sách tôi mới biết được một thực tế là số lượng tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch sang tiếng Trung Quốc là rất nhiều, nhiều nhất, nhiều hơn tất cả số đã được dịch sang các ngôn ngữ lớn khác: Pháp, Anh, Nga, Tây Ban Nha. Tuy nhiên, lại thành ra một nghịch cảnh, nhiều như vậy, hàng trăm đầu sách mà đi đâu hết. Truy tìm, từ Trung tâm ngoại văn Bắc Kinh đường Vương Phủ Tỉnh, tới quầy ngoại văn của trăm nhà sách lớn nhỏ khác, cả các nhà sách cũ đều không có. Vì thế trong triển lãm, giữa nhiều loại sách Việt Nam dịch ra Hoa ngữ, sách văn học rất ít. Ngục trung nhật ký (nhưng đây không phải sách dịch, vì tập thơ này Bác viết bằng chữ Hán); Truyện Kiều (nhưng là bản chữ Nôm, không phải sách dịch); “Những lá thư từ tuyến đầu Tổ Quốc”; “Ông cố vấn – hồ sơ một điệp viên” của nhà văn Hữu Mai; Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn; “Truyện anh Lục” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng; “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài; “Con trâu” của nhà văn Nguyễn Văn Bổng; “Cái hom giỏ” của nhà văn Vũ Thị Thường, và vài cuốn tiểu thuyết khác nữa.

Ông giám đốc Công ty sách đưa tôi xem danh sách những tác giả tác phẩm của văn học hiện đại Việt Nam đã dịch và xuất bản ở Trung Quốc. Rất nhiều tác giả: Tố Hữu, Thanh Hải, Chế Lan Viên, Thu Bồn, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Ngọc, Hồ Phương, Phan Tứ, Võ Huy Tâm, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải, Chu Văn, Lê Văn Thảo, Trần Đình Vân, Hồng Chương… mỗi tác giả đều có vài ba đầu sách dịch qua tiếng Trung. Nhưng do số lượng bản in của mỗi đầu sách không nhiều, do thời gian năm tháng, do những biến động, nhất là đại loạn Văn Cách, nên mất mát, tản mát hết cả, chỉ còn lại được một ít trong lưu trữ của một số thư viện. Quả là điều đáng buồn, đáng tiếc, thiệt thòi cho tác giả và dịch giả, sau này chắc sẽ cần phải có sự đầu tư tiền bạc và công sức để tìm kiếm, thu gom lại. Nhưng theo ông giám đốc, lúc này, cần thiết hơn và cũng dễ hơn, ấy là dịch và xuất bản tác phẩm của các nhà văn Việt Nam thời kỳ Đổi Mới và sau Đổi Mới. Các nhà xuất bản Trung Quốc ngày nay không có nhiệm làm văn hóa ngoại giao hữu nghị như thuở xưa, cũng không sưu tầm đồ cổ, cho nên tác phẩm phải hay, phải mới, phải có khả năng có được độc giả để có thể bán được, thì mới dịch và xuất bản.

Cho đến lúc này các độc giả Trung Quốc mà tôi đã gặp chỉ có được vài tác phẩm văn học Việt Nam thời Đổi Mới bản tiếng Trung, đều là truyện ngắn, mà họ lấy từ trên mạng xuống chứ không tìm thấy bản in, chẳng biết tên của dịch giả. “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp, “Lời hứa của thời gian” của Nguyễn Quang Thiều, “Bước qua lời nguyền” của Tạ Duy Anh, “Mùa lá rụng trong vườn” – trích dịch tiểu thuyết của Ma Văn Kháng...

Quá ít ỏi, nhưng tôi vẫn thấy vui mừng. Tôi thấy các độc giả trẻ thật sự ưa thích các truyện ngắn hay, đoản văn đó. Ưa thích hơn các tác phẩm của thời kỳ trước đây. Với suy nghĩ chủ quan của mình, tôi cho rằng, khi độc giả trẻ Trung Quốc nhận ra được ít nhất là sự khác biệt giữa các nhà văn Việt Nam thời nay với văn chương các nhà văn thế hệ trước (đã được dịch ê hề mà chìm nghỉm) thì việc các tác phẩm văn học hiện đại thâm nhập thị trường sách khổng lồ của Trung Quốc là tất yếu, chỉ sớm hay muộn.

Trước khi kết thúc cuộc hội kiến, một sinh viên khoa tiếng Việt đại học ngoại ngữ Hà Bắc hát tặng tôi một bài hát. Tôi đã nghĩ cô sẽ hát “núi liền núi sông liền sông”, nhưng không, bài ca cô hát rất êm đềm, như bản tình ca vậy, về hoa mộc miên, ta gọi là hoa gạo hay là hoa pơ lang. “Mộc miên hoa ơi”, tôi nhớ đoạn đầu lời ca như thế, “mỗi khi qua cầu biên giới thấy mộc miên nở, lòng những bồi hồi…”.

Còn giáo sư văn học Việt của cô thì chia tay tôi bằng đoạn đầu Truyện Kiều dịch ra Hoa ngữ. Bản dịch từ năm 1959 của dịch giả Hoàng Lập Cầu.

Nhân sinh bất mãn bách

Tài mệnh lưỡng tương phương

Thương tang đa biến ảo

Xúc mục sự kham thương…

(Trăm năm trong cõi người ta

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…)

 

Nguồn: Văn Nghệ