Câu nói của Vương Tử Trực: “Vợ Tiên là trực chị dâu/ Chị dâu em bậu dám đâu lỗi nghì”, là nhằm ngụ ý “cách thế” - tức nói về phép tắc, lề lối. Trực cũng đồng nghĩa với mức/ mực - theo Đại Nam quốc âm tự vị, vậy, ta hiểu “vợ Tiên” đối với Trực và Trực đã thừa nhận ở mức/ vị thế/ vị trí là chị dâu.
Minh oan cho một câu thơ của cụ Đồ Chiểu
LÊ MINH QUỐC
Cùng với Truyện Kiều, Lục Vân Tiên cũng là tác phẩm văn học lừng danh đã được nhiều thế hệ cực kỳ yêu thích “gối đầu giường”, nhớ nằm lòng. Thế nhưng khi bình câu thơ lúc Vương Tử Trực nói với Võ Công: “Vợ Tiên là Trực chị dâu/ Chị dâu em bậu dám đâu lỗi nghì”. Nhiều người đã có ý kiến chê bai - nói như nhà thơ Xuân Diệu, đó là “cái sai văn phạm khổng lồ”.
Từ năm 1972, trong tập sách “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam” (NXB Văn Học tái bản năm 1987), tác giả “Gửi hương cho gió” bình luận: “Tiếng Việt Nam ta nói “chị dâu của Trực” chứ không ai đảo ngược theo lối tiếng Trung Quốc như vậy. Tôi dám chắc Nguyễn Đình Chiểu không đến nỗi túng vần đến cái mức viết ẩu. Tôi muốn hiểu cái khổ tâm của nhà thơ, nhà thơ thấy văn phạm Trung Quốc có cái hay của nó; thơ Lý Bạch: “Phù vân du tử ý” là ý của du tử, gọn và đẹp biết bao. Nhà thơ của chúng ta muốn chọc thử cái lưới luật của ngôn ngữ mình, tiếng mình xem sao, “Vợ Tiên là Trực chị dâu” là một thí nghiệm không thành công” (tr. 230).
Không dừng lại đó, ông Hồng Dân đánh giá câu thơ: “dễ dãi, chưa trau chuốt” (Tạp chí Ngôn ngữ - số tháng 3.1972); năm 1980, nhóm thực hiện “Nguyễn Đình Chiểu toàn tập” (NXB ĐH và THCN) khẳng định: “Tác giả theo cú pháp chữ Hán”. Rồi, trên báo Văn Nghệ TP.HCM ra ngày 2.7.1998, ông Lê Hữu cũng cho rằng, “một câu viết sai ngữ pháp”.
Gần đây, trên tạp chí Trí Thức Xanh ra ngày 6-8-2020, trong bài báo “Tài năng cũng có những lúc… “chập mạch”, ông Nguyễn Đình San lại “lôi” câu thơ này ra châm biếm: “Thật không thể tưởng tượng nổi người thi sĩ khiếm thị trứ danh ấy lại có thể có những phút… “chập mạch” để hạ bút viết những câu thơ: “Vợ Tiên là Trực chị dâu/ Chị dâu em bậu, dám đâu lỗi nghì”. (Ý: Vợ Lục Vân Tiên là chị dâu của Vương Tử Trực nên Trực không thể hỗn hào để có tình ý được). “Chị dâu Trực” mà đảo ngược lại thành “Trực chị dâu” thì… không còn gì để nói”.
Ối dào, các ý kiến này đúng hay sai? Sai chỗ nào? Nếu không phân tích chu đáo, e rằng, nỗi oan về câu thơ của cụ Đồ còn kéo dài mãi.
Trước hết xin nói luôn, về từ trực tùy ngữ cảnh, còn được hiểu là “sực, chợt, bất giác” như Việt Nam tự điển (1971) đã ghi nhận; không những thế, còn được hiểu là “Chực, chờ ở một nơi”. Vâng, trực còn hiểu là chực.
Cha chài chú chóp chơi chung chạ
Chả chính chuyên chi chớ chực chờ
Từ “chực chờ” qua câu thơ trào phúng của Thảo Am Nguyễn Khoa Vy, ta thấy tự trong từ “chực” đã hàm nghĩa “chờ”. Dù Đại từ điển tiếng Việt (1999) chỉ ghi nhận “chực hờ/ chực hờm” theo nghĩa chực sẵn, chờ sẵn để làm ngay một việc gì đó, nhưng người nghe/ đọc vẫn chấp nhận “chực chờ”. Không nhớ thành ngữ có câu “Ăn chực nằm chờ” đấy sao. Thế nhưng, “chực” không chỉ có thế. Có người vợ bảo chồng: “Cưng ơi, kê lại cái tủ đi. Chông chênh quá, nó chực ngã”, là nói đến một tình trạng sắp xảy ra trong tình thế bất lợi. Nhận thấy người chồng còn chần chừ, cô nàng giận dỗi: “Sắp xếp chưa đâu vào đâu, thế mà anh đã chực đi nhậu”, là than phiền sự nóng lòng, sốt ruột, mong mỏi của chồng.
Với “chực”, trong Nam còn có thêm một vài từ khác, có lẽ nay lạ tai với nhiều người nhưng đã từng tồn tại. Đại Nam quốc âm tự vị (1895) giải thích, “chực tiết”: Giữ tiết, giữ nết, không chịu cải tiết, không chịu cưới vợ lấy chồng…; “chực vàm”: Chờ đợi, nhóng đợi”. Những từ này, biến mất từ lúc nào? Không rõ. Chỉ biết, Nam bộ đã tồn tại câu ca dao: “Dầu ai gieo tiếng ngọc/ Dầu ai đọc lời vàng/ Bông sen hết nhụy bông tàn/ Em đây chực tiết như nàng Nguyệt Nga”.
Như đã biết, “chực” còn hàm nghĩa là “chờ”, vì lẽ đó, nhà nghiên cứu Long Điền cho rằng: “chầu” do hai tiếng “chờ” và “hầu” ghép lại”. Vậy “chầu” là chờ để hầu, nghĩa là ngồi yên để sẵn sàng: chờ để người sai, để hầu người” (Việt ngữ tinh nghĩa từ điển, NXB Quảng Văn Thành - 1959, tr. 165). Ngẫm ra, cũng có lý chăng? Thế nhưng một khi “chầu” đã “xe tơ kết tóc” với “chực”, lại lắm chuyện ra phết.
Chẳng hạn, vừa bước vào cơ quan, ngồi bịch xuống ghế, ném ịch xấp hồ sơ lên bàn, vị giám đốc thốt ra: “Ối dào, chầu chực cả buổi mà có nộp đơn được đâu”. Ta hiểu, anh chàng này mất thời gian chờ dài cổ, ngồi mòn ghế, đứng rã chân lại chẳng nên trò trống gì. Nhưng nghe câu: “Anh nói ai? Tay X đó à? Hắn ta chỉ chầu chực các sếp lớn là giỏi”. Ta hiểu, kẻ đó luôn hầu hạ, điếu đóm những ai có địa vị cao hơn mình.
Khi “chầu” không đi chung “chực”, lại ghép với một vài từ khác, lại hàm nghĩa ám chỉ ai đó đã “Ăn xôi nghe kèn”, đã ngủm củ tỏi, đã đi buôn muối - thử liệt kê xem sao: chầu trời, chầu diêm vương, chầu ông bà ông vải, chầu Phật… Đọc một vài văn bản cổ, gặp từ “chầu cau”, ta cứ ngỡ sai morat. Phải là “trầu cau” chứ? Ai cũng biết “Miếng trầu là câu chuyện”, chỉ cần gõ từ khóa “trầu cau trong ca dao” ngay tắp lự, Google đã chỉ ra: “Khoảng 1.100.000 kết quả (0,40 giây)”.
Thật ra, từ “chầu cau” hoàn toàn có thật, theo nhà từ điển Huỳnh Tịnh Paulus Của: “Chầu cau: Một đống cau buồng chất giụm lại, nguyên số là 100 trái đủ đầu; 12 chầu là một thiên”. Trong cách tính ngày xưa, “một thiên” là 1.000, từ giải thích trên, hóa ra “một chục” là 12, chứ không phải 10. Rắc rối chưa? Đã thế, lại còn “chầu vải”, nghĩa là sao? Là “phần tấm vải xé ra chừng 20 thước ta”, Nam ngữ chính tả tự vị (1932) cho biết.
Thành ngữ có câu: “Chàng nên quan cả, thiếp nên chầu bà”. “Chầu bà” là chỉ vị phu nhân tôn quý. Còn “chầu văn” là lối hát cổ truyền theo nhiều làn điệu để ca ngợi thần thánh khi cúng bái, lên đồng như chầu văn bà chúa Liễu, cậu hoàng Bơ… “Khăn chầu áo ngự” là khăn áo lúc hầu bóng. Từ điển Wikipedia, còn nêu tên gọi tương đương với “chầu văn” là “hát văn/ hát bóng”.
Mà, với người miền Nam “hát bóng” lại thêm hàm nghĩa khác. Chẳng hạn, hai người trò chuyện: “Nè, tối anh em mình xem hát bóng nhá?” là họ hẹn nhau cùng đi xem chiếu bóng, chiếu phim. Nghe bạn nói thế, người kia bèn “gài độ” ngon lành: “Ủa, bồ tèo mới trúng mánh à? Đãi nhau một chầu có nhằm nhò gì?”. “Chầu” còn nhằm chỉ khoảng thời gian nhất định, như bạn bè rủ nhau đi ăn một chầu; là một dịp: “Đi buôn gặp chầu, đi câu gặp chỗ”. Có lẽ, tâm trạng ngao ngán nhất vẫn là lúc không được dự chính thức, chỉ “chầu rìa” tức ngồi ngoài xem người ta chơi bời, ăn nhậu nọ kia mà mình không được dự phần. Còn có thể kể thêm: chầu hầu, chầu hờ, chầu hẫu, chầu chực… Vua Lê Thánh Tôn (1442-1497) có câu thơ:
Trống dời canh còn đọc sách,
Chiêng xế bóng chửa thôi chầu.
Xin thưa, “chầu” này, phải hiểu là ngự chầu, tức ngài ngồi tại triều, nơi trang trọng, uy nghi nhất để bàn luận, nghe bá quan văn võ tâu việc đại sự. Hoàn toàn không liên quan gì đến theo nghĩa chầu chực. Từ “chầu” hiểu theo nghĩa câu thơ của vua Lê Thánh Tôn, chính do từ “triều” mà ra vậy. Bằng chứng, trong tiếng Việt còn có: lui chầu, tan chầu, mãn chầu… hoàn toàn nằm trong ngữ cảnh của “triều”. Sở dĩ, dám cả gan “Đánh trống qua cửa nhà sấm”, bởi vì rằng, trong Việt ngữ chính tả từ vị, nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ đã cho biết: “chầu”, chính là từ “triều” đấy thôi.
Trở lại với câu thơ “Vợ Tiên là Trực chị dâu”. Vậy, từ trực này có hàm nghĩa gì qua các thí dụ vừa nêu trên?
Đại Nam quốc âm tự vị (1895) của ông Huỳnh Tịnh Paulus Của là người miền Nam giải thích, “trực” có các nghĩa: “Ngay thẳng, mực thước, cách thế”, thí dụ, tùy theo ngữ cảnh mà có: “Chính trực: Ngay thật; Trung trực: Ngay tin, trung hậu; Trực tình: Thật tình, thật lòng”. Việt Nam tự điển (1970) của Lê Văn Đức, “Trực: Mực, cỡ, chừng, mức độ”.
Trong các nghĩa này, xét ra, câu nói của Vương Tử Trực: “Vợ Tiên là trực chị dâu/ Chị dâu em bậu dám đâu lỗi nghì”, là nhằm ngụ ý “cách thế” - tức nói về phép tắc, lề lối. Trực cũng đồng nghĩa với mức/ mực - theo Đại Nam quốc âm tự vị, vậy, ta hiểu “vợ Tiên” đối với Trực và Trực đã thừa nhận ở mức/ vị thế/ vị trí là chị dâu. Do nhân vật tên Trực/ Vương Tử Trực, khi phiên âm từ chữ Nôm ra chữ quốc ngữ, người ta mặc định phải là Trực, vì thế các bản in đều viết hoa từ “trực”, tức mặc nhiên cho rằng đó là danh từ riêng nhằm chỉ nhân vật Vương Tử Trực. Thật ra không phải đâu, nếu hiểu đúng, viết đúng phải là “Vợ Tiên là trực chị dâu”. Trực trong ngữ cảnh này là danh từ chung.
Theo tình tiết câu chuyện, ta biết, lúc hay tin: “Rằng, Vương Tử Trực chiếm rày thủ khoa”, Võ Công sau khi ám hại Lục Vân Tiên vì “Rể đâu có rể đui mù thế ni”, bèn lăm le, gạ gẫm gả con gái là Võ Thế Loan cho Trực, dù trước đó hai họ Võ - Lục đã hứa hẹn se duyên. Trực thẳng thừng từ chối với lý do: “Vợ của (bạn) Lục Vân Tiên dứt khoát là/ đúng là/ rõ ràng là chị dâu (của tôi). Vậy, không thể kết hôn, (tôi) không dám lỗi với đạo nghĩa”.
Hơn nữa, xét về vai vế, tuổi tác, Trực chỉ là hàng con cháu của Võ Công, là người có ăn có học, lẽ nào anh ấy lại hỗn láo nói trống không chỉ mỗi từ Trực? Nói nhỏ nghe chơi, dù có giận mất khôn mà buột miệng tự xưng Trực này/ Trực nọ với Võ Công - dù ông ta có nói sàm, nói quấy đi nữa thì cụ Đồ Chiểu cũng vả ngay vào mồm của Trực đấy chứ? Lối xưng hô phải đâu ra đấy, không thể ăn nói theo kiểu cá mè một lứa. Vương Tử Trực không phải hạng đá cá lăn dưa như Trịnh Hâm dám ngoác mồm ra mắng ông quán - người đáng tuổi cha tuổi chú:
Hâm rằng: Lão quán nói nhăng
Dẫu cho trải việc cũng thằng bán cơm
Trái lại, Trực là người biết trước biết sau, ngay lúc lần đầu kết bạn với Lục Vân Tiên đã nhún mình: “Tình cờ mà gặp nhau đây/ Trực rằng: “Xin nhượng Tiên rày làm anh”, đó là mẫu người khiêm tốn, hiểu đạo lý, phép ứng xử ở đời - nói như ca dao miền Nam là: “Lên xe nhường chỗ bạn ngồi/ Nhường nơi bạn dựa, nhường lời bạn phân”. Tính cách ấy, không thể ngạo mạn “Trực này Trực nọ” với Võ Công.
Ở đây, Trực chọn cách trả lời có lý có tình, thẳng như mực tàu: “Vợ Tiên là trực chị dâu/ Chị dâu em bậu dám đâu lỗi nghì”, đã khiến: “Võ Công hổ thẹn xiết bao/ Ngồi trân khôn cãi lẽ nào cho qua”. Cách nói của Vương Tử Trực không hề nôm na, sai văn phạm, sai cú pháp gì sất mà rõ ràng mạch lạc, dứt khoát, không ầu ơ ví dầu, không nửa nạc nửa mỡ, không ba rọi là một trong những câu thơ nêu bật tính cách lễ nghĩa của nhân vật người miền Nam. Với câu “Chị dâu em bậu, dám đâu lỗi nghì”, ta hiểu bậu là bạn; nghì là nghĩa/ ngãi là “Lẽ trung chính, điều nhơn hậu, phải lễ phải phép” - ông Huỳnh Tịnh Paulus Của giải thích.
Xin nhắc lại lần nữa, ý nghĩa sâu sắc câu nói Vương Tử Trực vẫn là từ “trực”: “Vợ Tiên là trực chị dâu”- nhằm khẳng định vai trò của “vợ Tiên”, chứ nó không phải danh từ riêng như lâu nay nhiều người đã nhầm lẫn.
Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng