Có một người đàn ông đến bên bàn của tôi cầm cuốn sách lên nhìn bìa sách rồi lật lật mấy trang, sau đó nhìn tôi. Tôi rất phấn khích, cuối cùng đã có người đọc. Điều làm cho tôi xúc động hơn là anh ta chọn một mục ở trong sách và đứng đọc, trong lúc đọc thỉnh thoảng anh ta lại liếc nhìn tôi...


LÀM NHÀ VĂN KHÔNG DỄ GÌ

JACK RITCHIE (Mỹ)

Cuốn sách đầu tiên của tôi cuối cùng cũng đã được xuất bản. Để tạo khí thế cho việc tiêu thụ cuốn sách đó, hiệu sách mời tôi đến tổ chức một hoạt động ký tên lưu niệm vào sách khi bán.

Ngày hoạt động hôm đó, tôi đến hiệu sách rất sớm. Sách của tôi bày bán đã được xếp trên một cái bàn và tôi vui mừng ngồi sau cái bàn chuẩn bị cho công việc của mình. Nhìn trong hiệu sách lúc này vẫn chưa thấy có độc giả nên tôi hỏi ông giám đốc nhà sách đã đọc sách của tôi chưa, vị giám đốc mỉm cười nói: “Không, tôi không thể đọc từng cuốn sách trong nhà hàng của tôi được”.

Dần dần, đã có người đến hiệu sách, tôi lại nói với ông giám đốc: “Ông giám đốc, xin cho bảo vệ đứng bên cạnh tôi, tôi sợ rằng người mua đông có thể khó khăn cho tôi khi ký vào sách”. Ông giám đốc đồng ý theo yêu cầu của tôi.

Chắng bao lâu, một người phụ nữ đi về phía tôi, tôi rất vui cầm sẵn bút nhưng người phụ nữa ấy lại nói: “Tôi không biết sách của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami bày ở chỗ nào?”.

Tôi như bị dội một gáo nước lạnh nhưng vẫn không bỏ qua: “Tôi cũng không biết sách của Murakami bày ở chỗ nào nhưng cô mua cuốn sách này đi nó cũng có sức hấp dẫn như sách của Murakami đấy”. Người phụ nữ nhìn tôi rồi bỏ đi chỗ khác.

Thời gian từng giây từng phút chầm chậm qua đi nhưng đến 12 giờ 30 mà chưa bán được cuốn sách nào. Tôi lo lắng hỏi ông giám đốc: “Ông chắc chắn đã cho quảng cáo trên báo rồi chứ?”.

“Đương nhiên rồi, nếu không có người biết thì việc tổ chức hoạt động cho chữ ký sẽ có ý nghĩa gì?”. Nói xong, ông ta điều bảo vệ đi làm việc khác. Tôi thấy bảo vệ đi trong lòng vô cùng thất vọng: “Đúng rồi, tình hình như thế này chả nhẽ lại cần bảo vệ à?”.

Cuối cùng, có một người đàn ông đến bên bàn của tôi cầm cuốn sách lên nhìn bìa sách rồi lật lật mấy trang, sau đó nhìn tôi. Tôi rất phấn khích, cuối cùng đã có người đọc. Điều làm cho tôi xúc động hơn là anh ta chọn một mục ở trong sách và đứng đọc, trong lúc đọc thỉnh thoảng anh ta lại liếc nhìn tôi. Tôi nhìn anh ta với nét mặt tươi cười nhưng sau đó anh ta đặt cuốn sách xuống chỗ cũ và đi sang chỗ khác.

Đến khoảng 1 giờ chiều, một người phụ nữ dắt một đứa trẻ đi đến, hy vọng trong lòng tôi lại được đốt lên nhưng hai mẹ con người phụ nữ đến cách tôi ba bốn mét rồi dừng lại. Người mẹ chỉ chỉ tôi rồi nói với đứa trẻ: “Con biết không, ông ta là nhà văn nhưng không nổi tiếng như “Harry Potter” nhưng cũng là nhà văn”.

Đứa con nói: “Con có thể mua sách của ông ta không?”.

Người mẹ nói: “Cuốn sách đó không thích hợp với trẻ em nhưng con có thể đến xin chữ ký của ông ấy, có lẽ một ngày nào đó ông ta cũng sẽ nổi tiếng giống như nhà văn DrSeuss” (nhà văn viết cho trẻ em nổi tiếng người Mỹ Dr. Seuss, cuốn sách đầu tiên của ông trước khi xuất bản bị 23 nhà xuất bản cự tuyệt).

Nghe cuộc nói chuyện giữa hai mẹ con họ suýt nữa thì tôi ngất đi.

Thời gian lại chầm chậm trôi qua, một người đàn ông đến trước mặt tôi vẻ rất niềm nở: “Ông có nhớ ra tôi không?”. Tôi nhìn ông ta nhưng không thể nhớ được đã gặp ông ta ở đâu, nhưng tôi vẫn nói: “Đương nhiên là tôi nhớ!”.

“Vậy tên tôi là gì?”.

“Để tôi nghĩ đã”. Nói xong tôi giả vờ trầm tư, một lúc sau, tôi vỗ vỗ đầu nói: “Trung đội phi cơ chiến đấu 113 của thủy quân lục chiến thời chiến tranh Hải Loan. Chúng ta đã cùng ngủ trong lều sao tôi lại không nhớ được? Ông là James”.

“Không, không phải. Tôi là Suriva”.

“Ồ, đúng, đúng rồi. Ông mua một cuốn sách chứ?”.

“Chúng ta là những đồng đội cũ, tặng cho tôi một cuốn được không?”.

Tôi nhìn đống sách ở trên bàn từ sáng đến giờ vẫn nguyên xi, tôi nghiến răng lấy một cuốn ký tên mình rồi đưa cho ông ta.

Ông giám đốc nhìn tôi ký tên ở trang đầu cuốn sách, nói: “Cuốn sách này tính vào ông đấy”. Tôi gượng cười gật gật đầu.

Đến khoảng 3 giờ chiều, trừ cuốn sách mà tôi tặng cho người đàn ông lạ kia thì số sách của tôi vẫn không bán được cuốn nào, tôi vô cùng chán nản. Cuối cùng tôi quyết định tự an ủi mình và nói với ông giám đốc: “Tôi sẽ ký tên lên những cuốn sách chưa bán được ở trên bàn”.

Ông giám đốc xua xua tay phản đối: “Ông không được làm như vậy. Nếu ông ký tên vào những cuốn sách đó thì chúng tôi không thể trả nó lại cho nhà xuất bản được”.

“Vậy thì, xin cảm ơn ông đã mời tôi đến hiệu sách tổ chức hoạt động có ý nghĩa này”. Nói xong tôi đứng dậy đi khỏi hiệu sách, đến cả bút cũng không cầm theo.

NGUYỄN THIÊM (dịch)

 

Nguồn: Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 656