Giáo sư Trần Đình Sử khuyến cáo: “Giáo dục có tiến bộ hay không then chốt là ở thời điểm này, thưa ông Bộ trưởng! Bộ trưởng không nên buông lỏng cho mấy ông thứ trưởng, cục trưởng cục khảo thí muốn làm gì thì làm”.

 

GIẢI PHÁP CHẤN CHỈNH TỆ NẠN “DẠY VĂN MẪU” TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG HIỆN NAY

 TRẦN ĐÌNH SỬ

 Tình hình “dạy văn mẫu” hiện nay đang tràn lan, đặc biệt là từ lớp 4 lớp 5 tiểu học cho đến THCS và THPT. Tình hình dịch bệnh, học trực tuyến gặp khó khăn, muốn duy trì việc học, nhiều thầy cô, nhà trường đều muốn học “văn mẫu” cho học sinh dễ học. Đó chỉ là tâm lí ngắn hạn. Câu chuyện chấn chỉnh muốn nói đây là chuyện vừa cần kíp, vừa lâu dài, nhất định khắc phục cho được việc “dạy văn mẫu” đáng xấu hổ. Câu chuyện này bảo khó cũng rất khó, vì phải rất công phu, nhưng bảo dễ thì cũng hoàn toàn có thể làm được. Bởi vì hiện tượng này chỉ mới xuất hiện trong 30 năm trở lại đây với xu hướng buông lỏng chỉ đạo trong giáo dục và nhiềut hứ khác trong cả nước. Tôi nghĩ, câu chuyện này không chỉ có ở môn ngữ văn mà thôi đâu. Các môn khác cũng có mẫu dưới các hình thức khác. Hễ có luyện là có mẫu. Xin hãy trở lại việc chấn chỉnh môn ngữ văn.

 

1.

Việc đầu tiên là toàn ngành giáo dục, từ bộ trưởng, thứ trưởng phụ trách chuyên môn, vụ tiểu học, vụ trung học, Cục khảo thí, các sở từ giám đốc sở, chuyên viên ngữ văn đến các hiệu trưởng, bộ môn ngữ văn các trường, và cả các hội phụ huynh của trường ở các cấp và toàn xã hội đều cần nhận thức được thực trạng dạy văn mẫu trầm trọng thế nào, nguy hiểm thế nào, tác hại thế nào, để quyết tâm thay đổi thực trạng. Chỉ cần một khâu trong các khâu vừa nêu thiếu quyết tâm, xuê xoa, thôi kệ, thì công việc sẽ không thành hoặc bị biến tướng, rồi đâu sẽ vào đấy như cũ. Có thể và cần phải phát động cả một phong trào thi đua khắc phục tệ dạy văn mẫu trong các nhà trường trong cả nước. Có thể phải chấp nhận bước đầu, điểm học và thi của môn ngữ văn sẽ bị thấp trong một thời gian ngắn.

Một điều cần lưu ý là giáo dục đang được toàn xã hội quan tâm, cho nên sẽ có nhiều ý kiến này nọ về giáo dục. Có ý kiến đúng, xây dựng, mà cũng có rất nhiều ý kiến của những người không hiểu gì về giáo dục cả. Bộ phải thường xuyên tổ chức tuyên truyền, tạo diễn đàn đối thoại để cho xã hội thông hiểu và đồng cảm thì công việc này mới thành công được. Tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, ai cũng muốn lãnh đạo giáo dục hết thì giáo dục thành cái gì?

 

2.

Cở sở để khắc phục tệ nạn dạy văn mẫu là chương trình giáo dục ngữ văn phổ thông đã công bố năm 2018. Đó là chương trình tuy còn có ít nhiều hạn chế mặt này, mặt khác, song thực sự đó là chương trình giáo dục chống văn mẫu, nâng cao năng lực ngữ văn cho học sinh các câp. Theo đúng chương trình này thì mọi “sách mẫu” chẳng bao lâu sẽ trở thành rác rưởi hết. Bộ phải lãnh đạo toàn ngành thực hiện chương trình này như một pháp lệnh. Các nhân sự của Bộ, từ bộ trưởng đến các vụ, cục trưởng, chuyên viên đều không có quyền tùy tiện thay đổi chương trình này trong quá trình chỉ đạo, vì đó là vi phạm luật giáo dục.

 

3.

Sách giáo khoa ngữ văn mới đang được viết theo cách cuốn chiếu, đã có sách các lớp 1, 2 và lớp 6, có thể có chỗ này chỗ kia có người chưa ưng ý, song căn bản đó là sách viết theo chương trình chống văn mẫu, nâng cao năng lực ngữ văn cho học sinh. Muốn thực hiện chương trình thì giáo viên phải nghiên cứu kĩ, thực hiện việc dạy học cho tốt. Lúc đầu có thể bở ngỡ ít nhiều, nhưng dần dần quen thì sẽ thấy hợp lí. Sách giáo khoa cũng không bắt buộc giáo viên răm rắp tuân theo, mà họ có quyền điều chỉnh, sáng tạo, chủ động trong cách dạy, tất nhiên phải hiểu đúng tình thần của chương trình, không được làm biến tướng chương trình của nhà nước.

 

4.

Cần thay đổi tận gốc phương pháp dạy học ngữ văn theo hướng dạy học đọc hiểu văn bản (không riêng gì văn bản văn học) và làm văn sáng tạo. Sức ỳ của lối dạy giảng văn, “nhá chữ” xưa cũ rất nặng nề. Nhiều thầy cô thích khoe tài giảng hay, nói khéo, nói ngọt trên lớp, mà không thấy rằng tài năng đích thực của thầy cô thể hiện ở chỗ dạy cho học trò có năng lực đọc hiểu được văn, viết được bài làm văn có ý riêng sáng tạo. Thầy cô nói hay cũng có tác dụng truyền cảm hứng cho các em, nhưng nói càng nhiều thì càng ức chế sức suy nghĩ tượng tượng của các em. Các em thấy không có gì để nói thêm nữa, thế là chỉ có cách học mẫu của thầy mà thôi. Thầy cô nên ít nói mà gợi mở nhiều cho học sinh tư duy, bớt khoe tài mà khích lệ những mầm mồng biết suy nghĩ của học trò. Biết thực hiện nhiều bài tập phát huy sức sáng tạo cho người học.

Đọc hiểu văn bản chẳng có gì cao siêu, mà là yêu cầu học sinh đọc hiểu câu chữ trong bài, mối liên kết các câu, đoạn, câu chuyện, nhân vật, hình ảnh… để từ đó ngộ ra cái chủ đề, tình cảm, thông điệp của người viết. Cũng không yêu cầu mọi học sinh đều phải hiểu và phát biểu răm rắp như nhau, miễn là cái ý mà học sinh nắm bắt được có căn cứ vào câu chữ, hình tượng trong bài là khuyến khích. Chống cách hiểu mò như thầy bói sờ voi.

Muốn được thế, học sinh phải được rèn luyện rất kĩ từ tiểu học, qua THCS cho đến THPT, thì năng lực ngữ văn mới hình thành được. Hiện nay, các hình thức câu hỏi, các kiểu bài tập trắc nghiệm dùng cho môn ngữ văn, theo nhận xét của tôi, thì chưa được đa dạng, nhiều chỗ chưa đúng và chưa thành thục vì không dựa vào văn bản. Chỗ này cần dịch thuật giới thiệu các tài liệu nước ngoài, biên soạn tài liệu mới và các trường cần học tập, để cho thành thục. Cứ nhìn vào mấy câu trắc nghiệm và câu hỏi đọc hiểu trong các đề thi quốc gia môn ngữ văn thì thấy rõ.

Dạy làm văn hiện vẫn là khâu yếu. Chấm bài thật kĩ lại là khâu yếu hơn. Sửa bài phải uốn nắn từng câu, từng cách diễn đạt. Điều cần làm là dạy quan sát, dạy nêu nhận xét, tập diễn đạt, tập viết. Nên lưu ý, việc chống dạy học văn mẫu, không có nghĩa là giáo viên không cung cấp mẫu cho học sinh.

Nghề dạy học xưa nay đều yêu cầu thầy cô làm “thị phạm”, tức là làm mẫu. Lớp 1 phải tập tô, tức đồ theo mẫu chữ cái, khi đã quen thì vứt mẫu để viết buông. Làm văn cũng vậy, lúc đầu phải theo mẫu dàn bài, mở bài, thân bài, kết bài. Tập lập dạn ý theo một đề bài nào đấy đề biết thể thức một bài văn. Thậm chí phải biết có nhiều cách mở bài, kết bài. Khi đã quen thì tự do tung tẩy.

Thị phạm là yêu cầu lúc ban đầu. Nhưng rât quan trọng, không được coi nhẹ. Yêu cầu cần đạt của chương trình là học sinh tự viết được bài văn thông thường theo một đề bài phổ thông. Nhưng muốn học giỏi văn thì người học phải đọc nhiều văn, năng đọc sách, để cho câu văn, lời thơ nhập được vào hồn mình. Không đọc thì không có gì hết. Chương trình đã có đề ra yêu cầu số lượng đọc, mà tôi sợ chắc là khó thực hiện. Mà đây là chỗ rất yếu của người Việt Nam hiện nay, chỉ số đọc sách có thể nói gần như thấp nhất thế giới, không khéo thấp nhất Đông Nam Á. Chừng nào thói quen này chưa thay đổi thì nâng cao chất lượng ngữ văn còn gặp khó không dễ vượt qua.

 

5.

Dứt khoát phải thay đổi cách thi và ra đề thi cuối năm, cuối cấp, các kì thi quốc gia bằng cách bỏ hẳn lối thi đếm ý chấm điểm. Chấm dứt ngay cái tư tưởng học gì thi nấy, nghĩa là học bài nào thi bài ấy, rất sai lầm, vì đây là học năng lực, không phải học ngữ liệu. Ngữ liệu đề thi không lấy lại các bài đã học trong sách giáo khoa. Người ra đề phải tìm các văn bản khác có độ khó tương đương. Ngữ liệu không được quá dài. Bỏ các câu hỏi kiểu nhà văn sinh năm nào, bài văn thuộc phương thức biểu đạt gì, hoặc thể thơ gì quá đơn giản và ít có ý nghĩa. Tuỳ vào nội dung đặc điểm của văn bản mà ra các câu hỏi thích hợp, nhưng trong đó ít nhất có câu hỏi về nội dung, phân tích hình tượng, phân tích câu chữ. Lí giải một vấn đề (nghị luận) và có phần trắc nghiệm đọc hiểu. Khi học sinh đã quen với các kiểu bài tập này trong quá trình học tập thường niên rồi, thì các câu hỏi này sẽ chẳng có gì là khó đối với các em cả. Vấn đề là viết thế nào cho hay, cho sâu sắc mà thôi.

 

6.

Bộ trưởng Bộ GD & ĐT mở cuộc chiến chống tệ nạn dạy”văn mẫu”vào thời điểm này là rất đúng lúc. Vì chúng ta đang bước vào thực thi chương trình giáo dục mới. Bốn năm nữa là xong thời hạn viết sách giáo khoa mới và dạy theo chương trình mới và sách giáo khoa mới. Bốn năm tới sẽ là bốn năm tập dượt. Đây là thời điểm vàng đề thực hiện triệt để theo chương trình mới. Xin đừng lấy lý do hiện vẫn có bộ phận học theo sách cũ để mà thi theo cách cũ. Hết bốn năm nữa, nếu thực hiện tốt, với tinh thần quyết liệt, không khoan nhượng như đảng ta vốn có, chắc chắn chúng ta sẽ loại bỏ được tệ nạn này. Và từ bốn năm sau, cách học mới sẽ được củng cố, trình độ học sinh sẽ dần dần được nâng lên theo chương trình mới.

Giáo dục có tiến bộ hay không then chốt là ở thời điểm này, thưa ông Bộ trưởng! Bộ trưởng không nên buông lỏng cho mấy ông thứ trưởng, cục trưởng cục khảo thí muốn làm gì thì làm.

28/8/2021

 

 

Nguồn: Facebook Trần Đình  Sử