Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X dự kiến sẽ được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào cuối năm nay. Ðây là một sự kiện thu hút sự chú ý của giới làm nghề. Một số nhà văn, nhà thơ ở các địa phương đã chia sẻ với chúng tôi những gợi mở về câu chuyện hỗ trợ hiệu quả cho các cây bút trẻ.

 

@ Theo dõi nhiều gương mặt trẻ được giới thiệu tác phẩm trên website vanvn.vn của Hội thời gian qua, các anh, chị có thể chia sẻ đôi điều?

Trần Sang (Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật An Giang, phụ trách tạp chí Thất Sơn): Về công tác chuẩn bị cho Hội nghị, tôi thấy có sự bài bản, khách quan, và cẩn trọng. Những gương mặt được giới thiệu đã bao quát được các vùng miền, các cây bút đang nổi, các lĩnh vực..., nhất là những tác giả dân tộc thiểu số và vùng sâu, vùng xa, biên giới. Với việc tiếp nhận giới thiệu từ các nhà xuất bản, báo chí và những nhà văn uy tín..., tin rằng, Hội sẽ lựa chọn được "đội hình" đẹp, đều và tiêu biểu...

Nie Thanh Mai (Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Ðắk Lắk, Ủy viên Ban Nhà văn nữ - Hội Nhà văn Việt Nam): Theo tôi, đây là lần chuẩn bị sớm, công phu nhất từ trước đến nay. Sự vào cuộc của các tổ chức Hội trong việc giới thiệu các bạn viết trẻ sôi nổi và khá công tâm. Nhiều gương mặt đã nổi bật trên diễn đàn và cả những gương mặt đang từng bước được giới thiệu, cho thấy những tín hiệu sáng.

Hoàng Thanh Hương (Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tuyên giáo - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, Ủy viên Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam): Ðang có nhiều thay đổi trong cách chuẩn bị cho Hội nghị, cách làm mới, tạo cơ hội cho những cây viết trẻ được giới thiệu. Như tại Tây Nguyên, tôi và nhà thơ Phan Hoàng, nhà văn Thu Loan, nhà thơ Lê Vi Thủy đã tham gia giới thiệu được một số bạn đang làm việc tại các tỉnh: Ðắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Ðồng… Theo dõi nhiều tác phẩm được giới thiệu trên website của Hội, tôi nhận thấy các bạn viết: Trẻ, trình độ học vấn tốt, có tài năng và tiềm năng.

 

Nhà văn Hoàng Thanh Hương.

@ Các anh chị kỳ vọng gì ở các bạn trẻ đó?

Nie Thanh Mai: Ðây là dịp các bạn trẻ, nhất là bạn viết ở vùng sâu, vùng xa có thể nhìn đúng thực lực của mình, để chọn lựa cách nhìn và hướng đi. Ra biển lớn, đối diện những cơn sóng lớn hơn, nếu đủ vững vàng và bền bỉ, họ sẽ nhanh chóng trưởng thành hơn, đó là điều tất yếu.

Hoàng Thanh Hương: Tôi mong hội văn học nghệ thuật địa phương có cách tìm "nguồn trẻ", đặc biệt "những hạt mầm" là người dân tộc thiểu số. Cần có chương trình phối hợp các nhà trường cấp 2, 3, cao đẳng, đại học và tổ chức các cuộc thi theo từng cấp để nhằm chủ động tìm kiếm những em có khả năng sáng tác. Qua đó khuyến khích các em viết, gửi tác phẩm cho báo, tạp chí văn học nghệ thuật địa phương. Ðồng thời hỗ trợ, bồi dưỡng sáng tác cho các em mỗi dịp hè và hỗ trợ sâu sát để các em phát huy năng khiếu. Rộng hơn là tạo điều kiện để các em giao lưu tại các hội nghị, hội thảo dành cho văn học trẻ…

 

@ Các cây bút trẻ đó còn gặp phải những hạn chế gì về điều kiện sáng tác, giao lưu nghề nghiệp, cơ chế hỗ trợ?

Trần Sang: Hiện nay khoảng cách vùng miền không còn quá chênh lệch, với laptop, iPad, điện thoại thông minh, các bạn đã "nối mạng" với thế giới rộng lớn. Có thể nói các cây bút trẻ vùng sâu, vùng xa lại có lợi thế hơn các bạn ở thành thị, ở trung tâm, là các bạn có vốn sống, có một "vùng đề tài" về nông thôn, biên giới, dân tộc và được đắm mình trong một "vùng văn hóa" của tình làng nghĩa xóm... Tuy nhiên, địa bàn này vẫn có những hạn chế như chậm tiếp cận với cái mới, do đó bạn viết khó thay đổi cách viết của mình. Cũng như các bạn còn thiếu môi trường sinh hoạt văn chương chuyên nghiệp và cơ hội giao lưu nghề nghiệp để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật sáng tác... Thậm chí còn ít cơ hội tham dự như "người trong cuộc" vào những hoạt động, sự kiện văn chương nổi bật của nước nhà...

Nie Thanh Mai: Trong xu thế lên ngôi của mạng xã hội như ngày nay thì việc để tác phẩm được phổ biến rộng rãi và nhiều người biết đến cũng có nhiều thuận lợi. Ðồng nghĩa các bạn trẻ có nhiều cơ hội để giao lưu, học hỏi lẫn nhau trên môi trường mạng, facebook… Mặc dù vậy, không ít bạn ở vùng sâu, vùng xa chưa thật tự tin. Một phần vì điều kiện địa lý, công việc và cuộc sống, các bạn không nhiều cơ hội gặp gỡ để trao đổi trực tiếp. Và còn những khó khăn thường nhật khiến các bạn khó có thể bỏ tiền để in ấn tác phẩm hay quảng bá rộng rãi đến công chúng.

 

Nhà văn Niê Thanh Mai.

@ Ở địa phương các anh chị, đang và sẽ có những hoạt động nào dành cho các cây bút trẻ, nhất là các bạn người dân tộc thiểu số, ở vùng sâu, vùng xa?

Trần Sang: An Giang đang có lực lượng viết trẻ tương đối đều và chất lượng tốt so khu vực. Bảy năm liên tiếp, các bạn giành giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (năm giải Tác giả trẻ, hai giải khuyến khích) cùng nhiều giải từ các cuộc thi văn chương uy tín của báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ... An Giang có các câu lạc bộ văn thơ ở trường học, Câu lạc bộ Văn học trẻ của tỉnh; mở chuyên mục Sáng tác trẻ trên tạp chí văn nghệ địa phương; tổ chức những chuyến thực tế, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm, in các tuyển tập văn học trẻ, đầu tư in tác phẩm đầu tay chất lượng của các tác giả trẻ.

Nie Thanh Mai: Nhiều năm qua, Hội Văn học Nghệ thuật Ðắk Lắk chúng tôi đồng hành với các bạn, nhất là các bạn người dân tộc thiểu số trong việc đăng tải tác phẩm trên tạp chí Chư Yang Sin; trao đổi chuyên môn trực tiếp hoặc gián tiếp; giúp đỡ để các bạn có thêm điều kiện cọ xát và học hỏi. Hội đang xây dựng Câu lạc bộ Văn học Nghệ thuật trẻ để các bạn có thêm sân chơi và trao đổi về chuyên môn.

Nhà văn Trần Sang

@ Các anh chị có gợi mở gì đối với hoạt động nghề nghiệp dành cho các bạn trẻ?

Hoàng Thanh Hương: Về phía cấp ủy, chính quyền, các hội văn học - nghệ thuật địa phương, các cơ quan liên quan, cần quan tâm thiết thực, có khen thưởng động viên kịp thời khi các bạn đạt thành tích cao tại các cuộc thi văn học - nghệ thuật trong tỉnh, trong nước; tìm kiếm, hướng dẫn, kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; cử đi bồi dưỡng tập huấn kỹ năng viết; cử các bạn tham gia các hội thảo, hội nghị do địa phương, trung ương tổ chức để mở mang mối quan hệ đồng nghiệp trong giới viết văn và nâng cao hiểu biết về sáng tác văn chương; bố trí sử dụng phù hợp chuyên môn và năng khiếu họ đang có tại địa phương, đơn vị…

Nie Thanh Mai: Trong khả năng của mình, tôi cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ các bạn trẻ một cách tốt nhất. Như những gì tôi đã từng nhận được từ những người đi trước. Hơn thế, tôi luôn nghĩ, các bạn trẻ muốn đi cùng văn chương chặng đường dài thì cho dù ở bất cứ nơi nào, ở thành phố hay vùng sâu, vùng xa đi chăng nữa thì bản thân các bạn cũng phải nỗ lực hết sức mình, tìm tòi, học hỏi và tự rèn luyện. Và khiêm tốn để biết mình đang ở đoạn nào của con đường đi đến với văn chương, nghệ thuật.

 

@ Xin cảm ơn chia sẻ của các anh, chị!

 

QUANG HƯNG - Nhân Dân cuối tuần