Trong lá thư đầu tiên mà Chủ tịch Hội Nhà văn VN khóa 10 - Nguyễn Quang Thiều gửi đến toàn thể hội viên, đã nhấn mạnh mong muốn được đối thoại thẳng thắn giữa những người cùng chung chí hướng văn chương. Nhà văn Lê Đình Trường từ Cà Mau vừa có ý kiến về những bất cập của hệ thống báo chí trực thuộc Hội Nhà văn VN.

 

 

Cà Mau, ngày 10 tháng 8 năm 2021 

Kính gửi: Ông Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam,

Thưa ông, tôi là Lê Đình Trường, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hiện tôi đang ngụ cư tại thành phố Cà Mau.

Từ lâu, tôi đã rất sốt ruột khi đọc các ấn phẩm báo chí của Hội Nhà văn VN: Báo Văn nghệ, Nhà Văn và Tác Phẩm… Ban Chấp Hội chưa hề làm một cuộc khảo sát xã hội về chất lượng báo chí thuộc Hội Nhà văn VN? Có độc giả nào đọc hết 3 trang báo không? Tira phát hành? Sự hiện diện của Báo Văn Nghệ trên các quầy báo toàn quốc? Ai mua, ai đọc; ai khen, ai chê? Hoàn toàn bặt vô âm tín. Hoàn toàn rơi vào hư không, không một tiếng vang… Có chăng, chỉ là bạn bè cùng nghề(?) khích lệ nhau.

Tôi từng nhìn thấy những chồng báo của Hội gửi cho các hội viên, sau nhiều tháng những tờ báo ấy vẫn nằm im, mới nguyên trong bọc nilon, có nhiều người không buồn mở trang báo, dù chỉ để lướt qua. Các ấn phẩm báo chí của Hội đã không cho bạn đọc cảm giác chờ đợi cùng sự háo hức chờ đón tác giả, chờ đón tác phẩm mới.

Tôi nghĩ rằng, báo văn chương của Hội đang đi vào tuyệt lộ.

Kinh phí ổn định từ ngân sách quốc gia, xuất bản đều đặn, không hề trải qua những cuộc bể dâu, thế nhưng tự thân đã thay đổi nhiều diện mạo: Tác Phẩm Mới, Nhà Văn, Nhà Văn và Tác Phẩm, Nhà Văn và Cuộc Sống, Thơ, Văn Học Nước Ngoài… Rốt cuộc thì sao? Không có thơ hay, tôi rất cố gắng, nhưng vẫn không thể đọc hết 5 bài thơ hoặc một truyện ngắn trong một tờ báo; bình luận chính trị của báo tờ cũ kỹ, không phù hợp với thời sự – nịnh nọt chính quyền lộ liễu (kẻ sĩ Bắc hà đâu phải thế)…; giới thiệu văn học nước ngoài không có hệ thống, không có sự hoạch định trình bày trước sau về bút pháp, về tư tưởng các giả tác phẩm một cách khoa học và khách quan.

Thế hệ cán bộ, du học sinh Việt Nam được đào tạo ở Nga đã lão hóa, thì văn chương hiện thực XHCN cũng mất tiêu. Hôm nay, các dịch giả thông thạo ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức… trên lĩnh vực văn chương, những người thực sự giỏi chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Rải rác các tác phẩm gọi là chuyển ngữ từ văn chương phương Tây qua Việt ngữ, hành văn một cách thô thiển như nhờ Google dịch tự động rồi “dịch giả” vuốt lại tiếng Việt cho phẳng. Qua bản dịch, các danh tác nước ngoài trở nên vô tính, không thể hiện nổi bút pháp và tư tưởng của tác giả, và bản thân dịch giả cũng không thể hiện phong cách riêng của mình…

Hơn thế, họ đón chiều thị hiếu, qua đó, họ chọn lựa tác phẩm nặng về thương mại và chia nhau dịch một cách tốc hành.

Nhận thấy thế, và nghĩ thế, thiệt buồn quá hen!

***

Ban biên tập không có SỰ KHAO KHÁT, KHÔNG CÓ TƯ DUY KHÁC BIỆT, KHÔNG CÓ động lực cải cách, không có trình ngoại ngữ… Cũng đúng, vì nghĩ khác biệt, cách tân, đổi mới cũng lĩnh bao nhiêu lương đó, biết đâu lại thêm phần nguy hiểm, cho nên, theo lối mòn là lối an toàn – là lối văn chương nghèo nàn, nhưng bền vững. Quả thật, bao năm, vẫn những con người đó trụ trì, họ trụ trì một cách bền vững, cho nên, các ấn phẩm sơ cấp, trung cấp vẫn tồn tại một cách bền vững.

Phải chi Ban biên tập nghĩ về và nghĩ thêm chút xíu nữa: kinh phí làm báo là tiền thuế của dân (người mẹ bán hàng rong, ông vá xe đầu đường, chàng trai chạy xe ôm, người phu quét đường…) thì họ sẽ ngày đêm quặn thắt, lo nghĩ sao cho mỗi tờ báo xuất bản phải là tinh huyết, là tinh lệ, tinh túy… được chắt lọc từ sự SÁNG TẠO. Nhưng hàng ngày và mỗi ngày Ban biên tập có nghĩ thế không? CẦM SẢN PHẨM HỌ LÀM RA, tôi nghĩ: Không. Chắc chắn họ không hề nghĩ tới, càng không hề nghĩ về… Nhưng khi tổng kết, họ đã dùng những ngôn từ có cánh cho văn chương mà họ đã làm ra. Đọc những bảng tổng kết quen thuộc từ những thợ chữ ấy… (điển hình là Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ tại Đại hội 2020), nghĩ rằng hàng năm vào mùa giải, Việt Nam sẽ cầm chắc Nobel.

Nhưng đã bao nhiêu thế hệ nhà văn rồi, Nobel văn chương cho Việt Nam ngày càng mờ mịt. Hay là không cần nữa, chỉ trong nước khen nhau là đủ, là chúng ta đã lên mây.

Việt Nam cần một và chỉ một Nobel văn chương để chứng thực tâm và tài cùa người Việt cầm bút.

Năm 2016, khi nhạc sĩ người Mỹ, Bob Dylan, được Viện Hàn lâm Thụy Điển xướng tên trong mùa giải Nobel văn chương “vì ông đã sáng tạo cách diễn đạt đầy chất thơ trong các bản hạc truyền thống Mỹ”. Vài dòng ca từ trực diện, không phiêu chút nào của Bob Dylan: “When the rain is blowing in your face/And whole the world is on your case/ I could offer you a warm embrace/To make you feel my love”.

Tôi bàng hoàng cả người, nghĩ rằng, ở Việt Nam nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hay hơn nhiều. Trịnh Công Sơn thấu thị trong tình yêu (tóc em từng sợi nhỏ rớt xuống đời làm sóng lênh đênh, hoặc ngày sau sỏi đá cũng còn có nhau); thấu thị chiến tranh (khi đất nước tôi không còn chiến tranh, mẹ già lên núi tìm xương con mình); thấu thị trong tình tự dân tộc (Giòng máu anh em đã nhuộm mặt trời, Cùng xương khô lên tiếng nói, Đời sống ấm êm nhân danh con người)… ca từ trong hàng trăm tác phẩm của Trịnh Công Sơn, quả thực mê hồn, đẹp đẽ, xuất chúng… từ thành thị đến nông thôn, mọi tầng lớp đều nghe hoặc hát nhạc của ông… Ông không chỉ là nhạc sĩ mà còn là thi sĩ bậc nhất Việt Nam. Ông xứng đáng là ứng viên của giải Nobel văn chương. Nhưng khi ông còn sống, ngay cả việc đề cử ông là ứng viên cho giải Nobel, Hội Nhà văn và Ban đối ngoại không biết và không hề đề cập tới…

Hội Nhà văn cò lời nào ngụy biện cho trường hợp trên không? Vâng, hãy ngụy biện, nghe những lời ngụy biện chuyên nghiệp cũng là một sự phấn chấn trong phút chốc, và sau đó thì “ta ru ta ngậm ngùi” hoặc “người về soi bóng mình giữa tường trắng lạnh căm”.

Vì văn chương đương đại nước nhà chưa có đỉnh cao, nên phiền muộn, tôi viết vậy thôi.

Kính gửi đến ông và gia đình những lời chúc tốt đẹp nhất.

Trân trọng.

Những ngày giãn cách làn sóng Covid-19 lần thứ IV

                 LÊ ĐÌNH TRƯỜNG

 

 

Kính thưa nhà văn Lê Đình Trường,

Trước hết, thay mặt Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa 10 xin biết ơn ông về những điều ông đề cập trong thư.

Những điều ông viết chính là những dằn vặt và đầy trách nhiệm của một nhà văn có lương tâm đối với nền văn học nước nhà. Chúng tôi cũng nhận biết những điều cơ bản của các vấn đề mà ông đề cập trong thư.

Ban Chấp hành khóa 10 đã bắt tay vào các công việc như là một chiến lược để thay đổi nhiều lĩnh vực hoạt động của Hội như báo, tạp chí, xuất bản, xét kết nạp, xét giải thưởng, xây dựng chiến lược cho văn học thiếu nhi và văn học trẻ, xây dựng chiến lược quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới.

Thực tế, Báo Văn Nghệ, Tạp chí Nhà Văn & Cuộc Sống, trang Vanvn.vn… đã quyết liệt thay đổi và đang trên đường thay đổi từng số cho dù mọi thay đổi đều vô cùng khó khăn. Nhưng cho dù khó khăn thế nào thì chúng tôi vẫn phải làm.

Nếu không có tư duy đổi mới, nếu không vì một cái chung thực sự và nếu không dám dấn thân thì mọi điều sẽ vẫn như vậy và càng ngày càng trở lên tệ hại hơn. Nếu Ban Chấp hành lại tiếp tục ru ngủ nhau, tiếp tục thỏa hiệp và tiếp tục tránh né thì sẽ chẳng làm được điều gì mà các hội viên và người yêu văn chương Việt Nam chờ đợi và đòi hỏi.

Đại dịch Covid-19 đã làm cho mọi chúng ta gặp bao trắc trở. Nhưng Ban Chấp hành đã tìm mọi cách để thúc đẩy cuộc đổi mới Hội Nhà văn Việt Nam ở mọi nghĩa. Xin ông hãy tin các ủy viên Ban Chấp hành là những người có lòng tự trọng, có khát vọng và có ý chí để thay đổi. Không ai có thể cản được khát vọng của chúng ta để làm cho nền văn học ngày một hay hơn và đúng với bản chất của văn chương từ khi nó sinh ra.

Một lần nữa xin cám ơn ông với tất cả tấm lòng của mình viết thư cho chúng tôi.

Mong ông tiếp tục đồng hành cùng Ban Chấp hành bằng chính những góp ý chân thành và sâu sắc của mình.

Kính chúc ông và gia đình mạnh khỏe và đi qua cơn đại dịch Covid 19.

Kính thư!

NGUYỄN QUANG THIỀU