Về quê không phải đô thành Sài Gòn không còn phồn hoa, đêm đêm lấp lánh ánh đèn màu rực rỡ nữa, mà vì hết việc làm, vì an toàn sức khỏe và điều cơ bản nữa là để bớt gánh nặng cho người Sài Gòn.

 

VỀ QUÊ CÁCH LY

 SƯƠNG NGUYỆT MINH

 Những người ly hương ai mà không đau đáu mong về chốn quê. Ở nơi đất mới ăn nên làm ra có thể an cư lạc nghiệp, yên phận chọn làm quê hương thứ hai. Còn nơi chốn mới chỉ là trạm dừng chân kiếm sống, chỉ là nơi hành nghề tạm thời thì sợi giây liên hệ với quê hương lỏng lẻo mong manh lắm. Bình thường, mọi chuyện đi về theo nhu cầu chẳng có gì đáng nói, đáng kể; nhưng “thiên tai địch họa”, “tắt lửa tối đèn” khó khăn hoạn nạn ở đất mới, ở quê hương thì lại có sự lựa chọn về quê hay ở lại?

Qua hai lần giãn cách xã hội toàn thành phố theo chỉ thị 15 phòng chống dịch, người Sài Gòn đi qua một tháng khó khăn, tơi tả, nhưng dịch bệnh vẫn không giảm đành gồng mình cách ly xã hội thêm 14 ngày nữa theo chỉ thị 16, bắt đầu từ ngày 9/7/2021 “nhà nào ở yên nhà ấy, xã phường nào ở nguyên phường xã ấy…”. Cũng ngày 9/7/2021, số lượng người nhiễm Sar-Cov-2 bắt đầu đà tăng nhanh, cả nước có 1798 người nhiễm Covid-19, thì Sài Gòn đã chiếm 1625 ca. Sau 15 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, ngày 23/7 số ca lây nhiễm Covid của cả nước đã vọt lên 7307, riêng Sài Gòn có tới 4913 ca. Từ đầu đại dịch Covid đến nay (28/7), toàn quốc đã hơn 110000 ca lây nhiễm, hơn 500 người chết.

Sài Gòn đang trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4. Nhưng Sài Gòn chưa hết thời gian giãn cách, thì Chính phủ lại thực hiện cách ly xã hội Sài Gòn và 19 tỉnh thành phía nam để chống dịch. Đúng là “bẩy ngày ba bão”, cách ly, giãn cách xã hội là cần thiết để đẩy lùi đại dịch viruscorona. Chấp nhận hy sinh một phần kinh tế, dân sinh để ưu tiên cho tuyến đầu chống dịch Covid-19. Thế là đường phố vắng tanh. Doanh nghiệp nhỏ phá sản. Doanh nghiệp vừa ngắc ngoải. Doanh nghiệp lớn cầm hơi. Họa hoằn có doanh nghiệp cho nhân viên ở nhà làm việc online thì hưởng 50% lương (cũng là may mắn), còn lại là thất nghiệp. Mưu sinh để sống, mưu sinh cũng góp một phần xây dựng Sài Gòn tươi đẹp. Vậy mà, đùng một cái... Covid-19, đảo lộn tất cả.

Nhà xưởng đóng cổng, công nhân nghỉ việc, chợ đầu mối chợ truyền thống đóng cửa, chỉ các siêu thị mở cửa. Chỗ này thiếu lương thực, chỗ kia thiếu thực phẩm. Người nghèo thợ hồ, bán vé số, nhặt ve chai, bốc vác… “ráo mồ hôi là hết tiền” có nguy cơ dứt bữa. Khó khăn chồng gian nan. Ở lại thì thất nghiệp, không việc làm mà vẫn phải ăn, phải sống. Có nhà kinh tế ổn định thì chỉ lo thiếu rau. Có nhà thiếu tiền thì... dứt bữa. Đói. Đói mà trùng trùng giãn , cách ly, có nơi còn phong tỏa. Về quê thì đường xa ngàn trùng, giao thông bỗng chốc khó khăn, tiền dải dọc đường. Về quê cũng phải khai báo y tế, cách ly tập trung 14 ngày, chứ đâu phải được về ngay cổng nhà mình mừng vui nước mắt ngắn dài, ôm chầm lấy người thân. Vậy mà, vẫn nhiều người lựa chọn… về quê.

Về quê thôi! Về quê không phải đô thành Sài Gòn không còn phồn hoa, đêm đêm lấp lánh ánh đèn màu rực rỡ nữa, mà vì hết việc làm, vì an toàn sức khỏe và điều cơ bản nữa là để bớt gánh nặng cho người Sài Gòn. Về quê, ấm áp người thân lâu ngày gặp nhau, có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, no đói có nhau qua thời dịch dã.

***

Có một chuyện lạ lùng thời đại dịch Covid-19:

Bốn người dân đèo nhau trên hai cái xe đạp, khi đến chốt kiểm soát Chung Mỹ ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận thì bị dừng lại làm các thủ tục phòng chống dịch. Chuyện vỡ ra. Hóa ra, giữa những xe cộ hối hả xuôi về phương nam cứu trợ, chống dịch, thì có bốn mẹ con nhà nghèo đi xe đạp từ Đồng Nai về quê Nghệ An cách ly Covid. Người già nhất nhất là bà Nguyễn Thị Hương 50 tuổi, cùng các con Vũ Thị Thanh Thanh 30 tuổi, Võ Thanh Bình 28 tuổi, và Võ Thanh Trinh 15 tuổi.

Vì sao phải làm “cuộc trường chinh” dài về quê dằng dặc gần 1400 cây số bằng hai chiếc xe đạp? Dọc đường ốm đau, mưa gió, nắng nóng miền trung, rồi xe thủng lốp, sang vành, vỡ bi thì sao? Sao không chọn phương án khác? Thì ra, bốn mẹ con kéo nhau vào Nam làm ăn, dịch Covid-19 bùng phát. Giãn cách hết đợt này đến đợt khác. Hết việc làm cũng có nghĩa là cạn tiền, mà vẫn phải ăn phải sống. Gia đình họ bàn nhau… về quê, chứ ở lại đến lúc hết tiền thì sống làm sao? Kéo nhau ra đứng ở quốc lộ cả ngày không bắt được xe, bởi đã giãn cách, cách ly thì xe cũng dừng chạy, trừ xe công vụ xe chống dịch. Họ đành mua hai chiếc xe đạp, mỗi chiếc 350 ngàn đồng. Trời đất ơi! “Con ngựa sắt” cũ vài trăm ngàn đồng mà dám tung vó làm cuộc “trường chinh” trên đường thiên lý Bắc-Nam cả ngàn cây số? Cũng là đường cùng của người nghèo khó khăn?

Hành trình của bốn mẹ con bắt đầu từ huyện Trảng Bom ngược bắc về huyện Nghi Lộc, Nghệ An, bắt đầu đi từ ngày 9/7/2021 đến 19/7 thì đến chốt Chung Mỹ. Dọc đường, mệt thì dạt vào chỗ nào có bóng dâm mà nghỉ, lại sức rồi lại đi, chiều tối tìm chỗ an toàn ngủ qua đêm. Tiền còn lại quá ít, hàng quán bên đường đóng cửa, trời miền trung nắng nóng, mệt, đạp xe oặt ẹo. Mười ngày “thiên lý” họ chỉ đi được gần 300 cây số, cứ tốc độ rùa bò trên đường thế này, có thể phải gần 40 ngày nữa, bốn mẹ con người đàn bà khốn khổ mới về tới quê huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Một người đồng hương Nghệ An làm ăn ở Ninh Thuận tên là Nguyễn Xuân Quân biết chuyện, ông hướng dẫn bốn mẹ con bà cháu vào ga Tháp Chàm. Nhà ga bố trí cho bốn mẹ con nghỉ ở phòng chờ, mua bánh chưng, nước uống hỗ trợ chu đáo. Họ được test nhanh Covid-19 ở một trạm y tế của thành phố Tháp Chàm, may mắn tất cả đều âm tính. Ông Quân mua vé tầu cho 4 người về quê.

Chuyện 4 mẹ con đi xe đạp đèo nhau trên đường “thiên lý” về quê chấn động mạng xã hội, nhiều người hảo tâm giúp đỡ, nhưng mẹ con họ chỉ xin lấy đủ dùng trên đường về quê, còn nhường cho người khó khăn hơn. Xuống tầu ở ga Vinh, họ làm các thủ tục khai báo y tế. Huyện Nghi Lộc cho 2 xe ra tận ga đón người và chở xe đạp về Trạm y tế xã thực hiện cách ly. Còn một thời gian ngắn nữa bốn mẹ con mới được về nhà ùa vào vòng tay của người thân. Cuối cùng, họ cũng về đến quê, rút ngắn được gần 40 ngày, tránh được những rủi ro bất trắc dọc đường rất có thể xảy ra. Về quê cách ly cũng hồi hộp, gian nan, gian khó ngàn trùng.

Cùng thời gian với cuộc “trường chinh” bắc nam của 4 mẹ con quê Nghệ An thì lại có “cuộc hành trình vĩ đại” của 30 người đi bộ từ thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định về huyện miền núi Ba Tơ, Quảng Ngãi. Hóa ra, dịch ệnh Covid-19 tràn lan, ở đâu cũng nhao nhao thực hiện giãn cách. Họ thất nghiệp, mất việc làm. Hết tiền, không tìm được phương tiện giao thông. Họ quyết định… đi bộ về quê. Cuốc bộ bộ từ 2 giờ chiều hôm trước, đến trưa hôm sau cả đoàn đến chốt kiểm dịch đèo Bình Đê, nơi phân chia địa giới hai tỉnh Bình Định-Quảng Ngãi thì họ hết lương thực, đói lả. Anh em ở chốt kiểm dịch tặng mì ăn liền, sữa, nước uống hỗ trợ bà con dùng cho lại sức. Sau đó, hỗ trợ xe ô tô chở đoàn về tận quê. Cuộc đi bộ bắt đắc dĩ kết thúc giữa chừng với niềm vui và cảm động xôn xao cả nước.

Trước đó cũng có cuộc đi bộ suốt ngày xuyên đêm trên đường thiên lý nam-bắc của 47 bà con dân tộc thiểu số Hre. Cái đích là quê huyên Ba Tơ với chặng đường xa ngái 400 cây số. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các doanh nghiệp nhỏ chết hẳn, các doanh nghiệp vừa thì ngắc ngoải, đến lao động thủ công ở các chủ nhỏ cũng không có việc làm. Thất nghiệp. Tiền cạn. Phương tiện giao thông thì hầu hết ngừng hoạt động. Trong ba mươi sáu chước, thì chước đi bộ về quê là phù hợp nhất. Đoàn người gồm 31 nam, 16 nữ đã đi được 50 cây số, đến khu vực xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa thì công an địa bàn phát hiện. Họ được đưa đi test nhanh Covid, kết quả không có người nào dương tính. Đồng bào được hỗ trợ cơm, mì ăn liền, nước uống. Cuộc đi bộ “hồi hương” bất đắc dĩ cuối cùng cũng bất thành, bởi họ được hỗ trợ về quê huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi bằng 2 chiếc ô tô của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa. Một cái kết có hậu, một may mắn bất ngờ, một niềm vui nhân đôi. Nhưng, giữa dòng đời xô dạt, giữa mênh mông ngổn ngang nỗi lo và cả hãi sợ Covid-19 nữa, được mấy người về quê may mắn? Bao nhiêu người đã trở về quê, đang trở về quê, sắp về quê được may mắn, được hỗ trợ lương thực, thực phẩm ăn dọc đường, được hỗ trợ phương tiện giao thông?

***

Không còn nghi ngờ gì nữa mà đã trở thành sự thật: Có một làn sóng tản cư thời dịch dã Covid-19, có người nói một cách nặng nề là “chạy nạn”, là “di tản”? Tôi cho rằng đó là cuộc về quê khi nơi đang sống tạm thời bất an, khi nơi chốn bất ngờ làm ăn khó khăn, đến lúc yên hàn thì lại tạm biệt quê hương trở lại nơi mình vừa ra đi. Làn sóng tản cư mạnh mẽ nhất là chục hàng vạn người từ Sài Gòn về các tỉnh miền Tây, miền Đông, miền Trung, thậm chí về cả miền Bắc nữa. Cái làn sóng tản cư ấy còn từ các tỉnh thành có dịch dã Covid về quê là các tỉnh còn tương đối yên lành.

Người ta thấy một lượng người tăng đột biến, rất đông ở các tỉnh phía nam về quê. Chốt kiểm soát dịch ở đèo Bình Đê giáp danh Bình Định và Quảng Ngãi, mỗi ngày trung bình khoảng 500 người và phương tiện (chủ yếu là xe máy) từ Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh vào địa phận Quảng Ngãi.

Hàng đoàn người bị dồn lại ở chốt kiểm soát dịch Cai Chanh tại xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp, Đắk Nông - cửa ngõ phía Tây Nam vào Tây Nguyên. Họ xếp hàng dài chờ khai báo y tế, đo nhiệt độ, và đợi “thông chốt”. Báo chí đưa tin rằng: “Ông Phan Nhật Thanh - Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp cho biết, ngày 16/7/2021 có khoảng 8.000 lượt người đi qua chốt kiểm soát dịch, ngày 17/7 tăng lên hơn 10.000 lượt người…”. Chỉ một cửa ngõ đường bộ vào Tây Nguyên thôi, đã không đếm hết số người về quê. Vậy thì còn bao nhiêu cửa ngõ nữa, bao nhiêu đường đi lối tắt nữa và bao nhiêu người trở về Tây Nguyên giữa thời dịch dã? Thế còn các tỉnh thành khác, các vùng miền khác là bao nhiêu người từ Sài Gòn, từ các vùng dịch Covid trở về quê? Chịu! Không thể thống kê hết.

Hà Nội có may mắn không bị giãn cách, cách ly không? Không! Ngày 24/7, Hà Nội cũng cách ly xã hội như Sài Gòn rồi. Có một làn sóng "tản cư" như Sài Gòn khong? Sẽ có bao nhiêu người an cư lạc nghiệp ở Hà Nội như một quê hương thứ hai, bao nhiêu người từ thôn quê ra Hà Nội làm ăn,… rồi sẽ phải "tản cư" trở về quê tìm sự an lành?