Nhà thơ Vũ Từ Trang qua đời ngày 12/7/2020, vậy là 1 năm đã trôi qua. Tiểu thuyết “Và khép rồi lại mở”, Vũ Từ Trang hoàn thành gấp rút trên giường bệnh điều trị căn bệnh ung thư quái ác cũng là cuốn sách kể chuyện làng. Mặc dù đã được tiểu thuyết hóa nhưng tác phẩm vẫn mang bóng dáng, hồn cốt của làng Trang Liệt quê anh ở xứ Kinh Bắc

 

VỀ QUÊ HƯƠNG NHÀ THƠ KINH BẮC

NGUYỄN THỊ LAN

 

(Bài viết này xin được dâng lên nhà thơ, nhà văn Kinh Bắc- Vũ Từ Trang nhân một năm ngày mất 12/7/2020- 12/7/2021 của anh)

 

Lần lữa mãi, đã bao lần hẹn hò cùng bạn bè về thăm quê nhà thơ Vũ Từ Trang ở làng Trang Liệt, xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). nhưng lần đầu tiên về quê anh, đau buồn thay, cũng là lần đưa tiễn anh về cõi vĩnh hằng.

…Đưa anh về quê, thật bồi hồi xúc động khi đặt chân lên những con đường Vũ Từ Trang từng đi, từng gắn bó yêu thương từ khi còn thơ bé.

Vũ Từ Trang yêu quê hương biết mấy.

Cuốn tiểu thuyết “Và khép rồi lại mở”(VKRLM) anh hoàn thành gấp rút trên giường bệnh điều trị căn bệnh ung thư quái ác cũng là cuốn tiểu thuyết kể chuyện làng. Mặc dù đã được tiểu thuyết hóa nhưng tác phẩm vẫn mang bóng dáng, hồn cốt của làng Trang Liệt quê anh. Đó là cuốn “ sử thi của đời tư” mà nhà văn Hoàng Minh Tường đã gọi là “ gia phả làng”.Ở đó, có miền quê yêu dấu của anh với bao di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; có những con người mà anh yêu dấu: bao thân phận người dân trong làng, những người thân trong họ, những người thân yêu trong gia đình. Vì vậy, ở đây chúng tôi không thấy làm lạ khi những người hậu sinh của làng thường tự hào nói: ông Đình (tên khai sinh của nhà thơ là Vũ Công Đình) viết về chỗ này, chỗ kia…

Theo con ngõ nhỏ lát gạch nghiêng, chúng tôi đặt chân lên ngôi nhà anh-ngôi nhà đã bao lần đi vào thơ và tiểu thuyết của Vũ Từ Trang. Ngôi nhà tổ phụ được xây cách đây gần một thế kỷ, mặc dù được tu sửa nhưng vẫn còn nguyên dáng vẻ cổ xưa. Cổng nhà kiến trúc cổ, phía trên đắp dòng chữ 1930. Nhà ba gian hai trái, lợp ngói mũi hài. Trong nhà, bàn thờ chính giữa với hoành phi câu đối, phản gỗ, tủ chè, tràng kỷ. Một bức ảnh to (chắc mới hoàn thành) in ảnh trang bìa 19 tác phẩm của nhà văn. Gian trong treo vài bức ảnh chụp các văn nhân, thi sỹ đã đến chơi nhà. Tất cả đều in dấu thời gian và gợi cho người nhìn ngắm những bâng khuâng, hoài cảm…

Bên ngoài là cái sân gạch với cây hoa mộc, cây khế ngọt, chum sành đựng nước. Rồi cây trầu không xanh tốt quấn quanh hai cây cau vươn lên cao vút, in bóng trên nền trời xanh. Đứng dưới cây, tôi chợt nhớ đến những câu thơ của Vũ Từ Trang trong bài “Ẩn ức”. Bài thơ Vũ Từ Trang làm khi đã mắc bệnh, anh về quê và thắp nén nhang lên bàn thờ gia tiên. Thật hào hứng và xúc động, tôi đã đọc cho mọi người nghe: “Có phải mẹ về/ Mà giàn trầu rung lá/ Mà hoa cau thơm ngần sân nhà ta…”.

Ngôi nhà, từ nội thất đến vườn tược đều được bài trí đẹp, hợp lý, gọn gàng ngăn nắp và vô cùng tinh tế, chứng tỏ chủ nhà là một người chỉn chu, duy mỹ.

Chúng tôi tranh thủ đi thăm thú khắp làng, nơi chôn rau cắt rốn của nhà thơ.

Làng Trang Liệt, một làng quê cổ kính và trù phú của vùng Kinh Bắc, có bề dày thẳm sâu của văn hóa, tập tục. Người làng kể rằng tên làng đã có từ thời Lý, tức là đã ngót nghìn năm. Làng có những cổng làng bề thế vào loại đẹp nhất nhì xứ Kinh Bắc, những mái đình đao cao vút, những chùa trên chùa dưới u tịch, những hoành phi câu đối. Rồi những cây cổ thụ đến hàng nghìn năm tuổi được gắn biển “Cây di sản”, những giếng làng đã mấy trăm năm. Chúng tôi đã vào thăm một ngôi nhà cổ hàng trăm năm xây toàn gạch trần đã mòn vẹt theo năm tháng. Chủ nhà là cụ bà đã ngót trăm tuổi, cũng già nua cũ kỹ như căn nhà. Tất cả phủ kín bóng thời gian với cái giại (cái phên đan bằng tre ngâm dựng trước cửa nhà trên, nhà ngang) bạc phếch nắng mưa mà chủ nhà nói đã có đến trăm năm nay, và cái cửa bức bàn chứa đựng hồn quê, nếp quê.

Làng đã lên phố, những Phố Trang Liệt 1, Phố Trang Liệt 2, Phố Trang Liệt 3 nhưng cái hồn làng chẳng thể mất đi, nét quê mùa trăm năm vẫn vọng về. Vẫn còn đó những ngõ nhỏ quanh co râm mát, những con đường lát gạch nghiêng, lát đá bình dị, những vườn khế ngọt xanh mướt đặc sản nổi tiếng khắp vùng. Thôn dã yên bình, êm ả với những vẻ đẹp xưa cũ…

Ngồi nghỉ bên quán nước ven đường, chúng tôi nhìn ngắm. Xa xa là cánh đồng lúa. Chợt nhớ đến đoạn văn tả cánh đồng tháng Mười sau vụ gặt trong tiểu thuyết VKRLM của nhà văn Vũ Từ Trang: “Cánh đồng thênh thang còn trơ gốc rạ. Bầu trời cao ráo và rộng thênh. Những đám khói đốt đồng thơ thới và bình yên…”. Đó là những trang viết đầy chất thơ và hoài niệm của một nhà thơ. Ngồi nhìn ngắm và lại tự hỏi: Đâu cánh đồng nào ngày xưa chú bé Vũ Công Đình cùng bạn mục đồng chơi trò đốt rạ, nướng muỗm, bắt chuột, bắt châu chấu, đánh khăng? Và đâu, nơi Vũ Công Đình cùng bạn bè tuổi thơ sinh hoạt đội thiếu niên với những điệu nhảy múa dưới ánh trăng vàng huyền diệu. Cái ánh trăng trong ngần ấy đã được nhà văn nhắc đi nhắc lại như một thiên đường đã mất, như hạnh phúc của đời người một đi không trở lại trong cuốn tiểu thuyết VKRLM.

Tất cả những cảnh và người ấy, những di sản của quê hương ấy như một mảnh đất màu mỡ của chàng lực điền Vũ Từ Trang. Từ đây, những trang viết vạm vỡ như những quả ngọt trái chín của anh ra đời. Anh đã viết về cái làng quê yêu dấu ấy như để trả món nợ ân tình với gia đình và quê hương, trả món nợ văn chương, món nợ đời cho đến những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời mình.

Yêu quê hương, cũng trong cuốn tiểu thuyết VKRLM, nhà văn đã mượn nhân vật “tôi” để nói lòng mình; “Mảnh đất quê, chứa chất bao xương thịt, bao hồn cốt những người ruột thịt tôi ở đó. Hỏi làm sao tôi nguôi ngoai được”. Và hôm nay anh “trở về” để hòa cả thể xác lẫn linh hồn của mình vào mảnh đất quê hương.

Quê hương với bao tập tục, lễ nghi về ma chay…mang tính cộng đồng  được Vũ Từ Trang miêu tả thật chân thực, sinh động trong cuốn tiểu thuyết cuối cùng của đời mình, hôm nay như được tái hiện trong đám tang anh.

…Việc đào huyệt là việc của hàng xóm. Việc khênh áo quan chuyển ra đồng bao đời nay vẫn là việc của ban chạ. Ban chạ của làng gồm 49 người mà dân làng tôn kính gọi là quan viên chạ. Các quan viên chạ sẽ chuyển quan tài ra xe tang, kéo xe tang ra huyệt và hạ huyệt. Tập tục gánh việc chạ chỉ riêng có ở làng Vũ Từ Trang.

Tôi còn nhớ như in cái buổi chiều tê tái ấy. Khi trưởng chạ cầm thanh la  nện ba tiếng “phèng, phèng, phèng”, cả không gian như vỡ òa, nức nở…Đám tang đi dài rồng rắn đưa nhà văn của quê hương về nơi an nghỉ cuối cùng.

Con người ấy đã mãi mãi ra đi.

Người ta cho rằng mỗi người đều ứng với một ngôi sao trên trời, khi ngôi sao tắt tức là người đó qua đời. “Ngôi sao” Vũ Từ Trang vừa tắt. Nhưng với chúng tôi: bạn bè, người thân, những độc giả... “ngôi sao” ấy không tắt mà vẫn tiếp tục tỏa sáng bởi văn sản đa dạng, phong phú mà anh để lại với 19 cuốn sách, ngót 5000 trang viết ở các thể loại: thơ, khảo cứu, chân dung văn học, truyện dài, tiểu thuyết. Anh thực sự là “một tài hoa toàn diện của quê hương Kinh Bắc”, một “tâm hồn Kinh Bắc”. “Ngôi sao” ấy không tắt bởi tâm hồn, trí tuệ, nhân cách, tấm lòng của một người con Kinh Bắc nhân hậu, tử tế, hết lòng vì mọi người luôn sáng mãi. Với chúng tôi, anh “chết’ nhưng chưa phải là “hết”. Anh vẫn tiếp tục “sống” theo một cách khác, “sống” trong tình yêu nỗi nhớ, trong tâm tưởng, trong sự quý trọng của mọi người.

Anh Vũ Từ Trang, hôm nay đứng ở nơi đây, mảnh đất quê hương anh, sao thấy gần gũi, thân thương, ấm áp nhưng cũng thật xa xôi. Tất cả như đang dần trôi vào dĩ vãng bởi người đã đi xa. Và càng thấm thía câu nói của ai đó: “Chết, đó là sự ly biệt tàn nhẫn, là sự chia rẽ kinh khủng nhất”. Muốn nói những lời thì thầm thương nhớ để vĩnh biệt, bỗng chốc thấy lòng mình trống rỗng như vừa mất đi một cái ghì thật quý giá.

 Được hít thở dưới ánh mặt trời, được có mặt trên thế gian này là một hạnh phúc. Thương tiếc anh, bởi anh yêu cuộc sống, anh còn giàu năng lượng sống, năng lượng sáng tạo biết bao nhiêu.Vũ Từ Trang ơi, hãy tin: chúng tôi sẽ sống thay anh, sẽ: “ sống đẹp những ngày anh chưa kịp sống”, sẽ “yêu trọn những gì anh chưa kịp yêu”.

Hãy yên nghỉ nhé, anh Vũ Từ Trang!


                                                                                  Hải Dương 2020-2021