Tư liệu cho nghiên cứu nói chung và nghiên cứu văn học cũng phải đạt yêu cầu là tư liệu sạch. Thực phẩm không sạch gây bệnh tật có giới hạn. Tư liệu văn học không sạch gây ô nhiễm bệnh tật lâu dài, lan tỏa, truyền đời này sang đời khác.


TƯ LIỆU SẠCH CHO NHÀ NGHIÊN CỨU

LÊ THANH HOA

 

Giáo sư Mai Quốc Liên cho rằng “tư liệu là không khí của nhà nghiên cứu” (Tiểu luận và Phê bình văn học”. NXB Văn học. H.2011. Trg.308). Thiếu không khí hoặc không khí bị ô nhiễm, không sạch thì sự sống bị đe dọa, ít là bệnh tật, nặng là tử vong. Tư liệu cho nghiên cứu nói chung và nghiên cứu văn học cũng phải đạt yêu cầu là tư liệu sạch. Thực phẩm không sạch gây bệnh tật có giới hạn. Tư liệu văn học không sạch gây ô nhiễm bệnh tật lâu dài, lan tỏa, truyền đời này sang đời khác.

Chúng tôi không tán thành tư tưởng chính trị và nghệ thuật của ông Phạm Quỳnh nhưng rất tán thành việc ông đưa ra phương pháp nghiên cứu sử học. Theo đó phải qua các bước:

1) Định chương trình nghiên cứu

2) Phân tích sử liệu

3) Khôi phục khung cảnh lịch sử

4) Phán đoán mọi việc

5) Kết cấu văn chương.

Ông Phạm Quỳnh đã thuật lại quan niệm và phương pháp sử học của các học giả người Pháp, gồm nhiều điều mục nữa. Ở đây chúng tôi chỉ lưu ý đến mục Định chương trình nghiên cứu, gồm các bước sau:

a) Tìm sử liệu

b) Lọc sử liệu

c) Hạch sử liệu.

(Thượng Chi văn tập. NXB Văn học – 2006. Trg.324-325)

Trong các bước trên, chúng tôi rất chú trọng vào hạch sử liệu, vận dụng vào nghiên cứu văn học là phải xét xem văn liệu đó có xác thực không, tức là phải kiểm chứng được khi cần thiết. Công việc này bạn đọc thông thường ít quan tâm. Nhưng người nghiên cứu thì phải xem xét chu đáo. Bên cạnh đó, những người làm nghề biên tập, biên soạn thường phải giám định các tư liệu được tác giả vận dụng, cũng cần có thao tác như nhà nghiên cứu.

Lý thuyết như thế, nhưng trong thực tế thì rất phong phú phức tạp. Có những tư liệu sai, tức là không sạch, là do sự cố ý của nhà nghiên cứu cho phù hợp với mục đích của họ. Có trường hợp là không “hạch tư liệu”, không xem xét, tra cứu xem tư liệu đó có xác thực không. Xin nêu một số ví dụ.

1/

Trên MXH ngày 22-6-2021, Facebook Batinh Vietnam có bài ca ngợi nhà thơ Hoàng Cát, nói đến vụ “Cây táo ông Lành”… Rằng ông Lành ở đây là Tố Hữu, có bút danh Lê Tư Lành… Chúng tôi có phản hồi: Ông Lành hay Anh Lành với Lê Tư Lành là hai người khác nhau. Và FB. Batinh đưa ra nguồn của tư liệu trên là …//nghiencuu.com (do nguồn dẫn trong FB. Batinh chữ viết đọc không rõ, nên tác giả bài này tạm để dấu …). Nhân vật. Tố Hữu – Người kể sử. Tố Hữu. Bút danh Lê Tư Lành…

Tư liệu trên là không đúng vì FB. Batinh không “hạch tư liệu”. Không có gì khó. Nếu Tố Hữu còn có bút danh là Lê Tư Lành thì nó phải thể hiện ở văn bản nào. Chúng tôi chờ đợi Batinh Vietnam đưa ra văn bản thể hiện Lê Tư Lành là bút danh của Tố Hữu. Còn hiện tại chúng tôi thấy Lê Tư Lành là nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa, sinh năm 1914 ở Duy Tiên, Hà Nam, là Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường trực Quốc hội Khóa I. Sau này Cụ làm việc ở Bộ Văn hóa và Viện Bảo tàng Lịch sử. Cụ Lê Tư Lành mất năm 1995. Cụ là tác giả quyển Vụ án Hương Cảng, NXB Thế giới. H.2014. Mấy dòng sơ lược về tiểu sử của Cụ Lê Tư Lành là dựa vào quyển sách trên, bạn đọc có thể kiểm chứng.

2/

Trong bài Giá trị văn học của Tạp chí Nam Phong đã in trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học năm 2018 (Viện Văn học), vừa đăng lại trên vanvn.vn (Hội Nhà văn Việt Nam), ngày 20-6-2021, có đoạn viết:

“Về Phạm Quỳnh: Hồ Chí Minh nói với Tôn Quang Phiệt ngay sau khi sự việc mới xảy ra: Giết một học giả như vậy thì nhân dân được gì? Cách mạng được lợi ích gì? Tôi đã từng gặp cụ Phạm ở Pháp. Đó không phải là một người xấu”

(Nguồn: http://www.vusta.vn.vi/news Thong tin – Su kien)

Tư liệu trên là rất sai. Cụ Tôn Quang Phiệt được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời Thừa Thiên – Huế từ ngày 23-8-1945. Cụ là người trong cuộc về sự kiện Phạm Quỳnh bị xử ở Huế cuối tháng 8-1945.

Chủ tịch Ủy ban Cách mạng lâm thời ở Thừa Thiên – Huế là rất bận rộn, căng thẳng, làm sao có thời gian ra ngay Hà Nội để báo cáo với Cụ Hồ. Mọi sự kiện ở Huế từ 23-8-1945 cho đến sau ngày Bảo Đại thoái vị chắc chắn phái đoàn Chính phủ do ông Trần Huy Liệu biết và phải được báo cáo đầy đủ với Chủ tịch Chính phủ. Vậy thì việc Cụ Tôn Quang Phiệt ra Hà Nội ngay sau sự kiện xử Phạm Quỳnh để báo cáo với Chủ tịch Chính phủ là bịa đặt nhằm “tạo cớ” cho sự bịa đặt tiếp theo là lời Cụ Hồ nói về Phạm Quỳnh. Vì Cụ Tôn Quang Phiệt được bầu vào Quốc hội Khóa I và đến khoảng tháng 2-1946, Cụ mới ra Hà Nội để họp Quốc hội (Nếu đem “hạch văn liệu” là thấy rõ: Hồi ký của Cụ Tôn Quang Phiệt được in trong bộ sách Tôn Quang Phiệt 1900-1973 do Tôn Gia Huyên – PGS Chương Thâu – PGS.TS. Tôn Thảo Miên biên soạn. GS. Nguyễn Đình Chú giới thiệu, NXB Văn học. H.2014, là văn bản chính thức về cuộc đời và sự nghiệp của Tôn Quang Phiệt. Tại sao khi viết về Phạm Quỳnh và các sự kiện ở Huế và Hà Nội các năm 1945-1946, các nhà nghiên cứu như Trần Văn Chánh, GS. Văn Tạo – nguyên Viện trưởng Viện Sử học, GS. Phong Lê – nguyên Viện trưởng Viện Văn học, Chủ tịch Hội Kiều học… không dựa vào những nguồn tài liệu chính thức mà chỉ dựa vào những nguồn không đáng tin cậy, không kiểm chứng được.

3/

Câu “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn” được ca ngợi như là Danh ngôn của Phạm Quỳnh thực ra là một văn liệu rất không sạch. Rất tiếc, nó đã được giới nghiên cứu văn học trích dẫn, ca ngợi suốt gần thế kỷ từ 1941 đến nay, 2021.

Một văn liệu rất không sạch như thế nào?

Nguyên câu này là của Hoài Thanh viết ở Lời nói đầu quyển Thi nhân Việt Nam năm 1941. Hoài Thanh lúc đó đang rất vị nghệ thuật, thấy câu văn hay thì trích dẫn mà không suy xét đến tính phản khoa học và chính trị của nó. Câu Hoài Thanh trích chỉ là một nửa câu của Phạm Quỳnh trong bài Diễn thuyết ở Lễ kỷ niệm Nguyễn Du năm 1924, được đăng toàn văn trên Nam Phong số 86 năm 1924. Câu đó thế này:

“Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn. Có gì mà lo, có gì mà sợ. Còn điều chi nữa mà ngờ”.
Câu này vừa sai về học thuật vừa phản động về chính trị. Năm 1924 mà bảo nước ta còn, có gì mà lo, mà
sợ, mà ngờ… Các Cụ Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng đương thời đã vạch rõ bản chất ám muội của Phạm Quỳnh. Nếu muốn hiểu Phạm Quỳnh đối với Truyện Kiều như thế nào phải đọc bài Truyện Kiều ông viết năm 1919, bài Diễn thuyết năm 1924 và chính sách “dây thừng văn hóa” của Thực dân Pháp qua Nam Phong.
Đến năm 1965, Hoài Thanh đã tự phê bình về câu trích “Truyện Kiều còn…”. Thế mà từ đó đến nay, nhất là gần đây, các Giáo sư Nguyễn Đình Chú, Phong Lê, Trần Đình Sử và rất nhiều người khác cứ nhắm mắt dẫn lại một văn liệu không sạch.

Chúng tôi đã nói rất nhiều lần về sự việc này. Nhưng “cái đức Nghị Quế” trong giới nghiên cứu ở ta xem ra vẫn còn sâu nặng lắm. Cho nên Ếch cứ kêu mà Mưa cứ dầm dề. Xem ra chỉ bạn đọc là người chịu thiệt, vì cứ phải thưởng thức, tiếp nhận những văn liệu không sạch.

 

4/

Văn liệu không sạch không chỉ là một dẫn liệu là một câu, một đoạn văn mà có khi là cả một bản thảo, một quyển sách. Dưới đây là một quyển sách có rất nhiều nội dung “chưa sạch”. Đó là quyển Hồi ức tuổi thơ Tôi và làng tôi. Một đoạn văn, một hồi ức sai rất điển hình không chỉ về tri thức văn hóa mà còn về tính nhân văn. Đoạn kể về đôi giày chiến lợi phẩm lấy được ở chiến dịch Hòa Bình năm 1952, bên trong một chiếc giày vẫn còn khúc chân to đùng của thằng Tây! (Tôi và làng tôi. NXB Thanh Hóa, in lần thứ 3 năm 2020. Trg.42).

Điều đáng nói, đáng cảnh báo với giới văn hóa và văn học là một quyển sách sai và kém, một văn liệu không sạch đến như thế mà vẫn được nhiều nhà lý luận – phê bình – nghiên cứu, giảng dạy văn học (bậc Đại học) và nhiều cơ quan truyền thông tung hô hết lời.

 

5/

Bản dịch Nghìn lẻ một đêm của T.X.H do NXB Văn học ấn hành năm 2002. Đây có lẽ là vụ việc khá lớn trong đời sống văn hóa – văn học và chính trị. Đến mức các Đại biểu Quốc hội lên tiếng chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa. Trước khi giới thiệu lại một số văn bản, chúng tôi muốn nói rằng, bản thảo “Nghìn lẻ một đêm” của ông T.X.H là một văn liệu không sạch, vì đạo lại bản dịch của ông Phan Quang. Ở đây có lỗi của người biên tập, không đối chiếu hai bản dịch. Có rất nhiều văn bản, bạn đọc có thể xem ở “Phan Quang – Bạn và nghề”. NXB Văn học – 2012. Từ bài Một vụ trộm văn trắng trợn”. Trg.133. Do khuôn khổ bài báo, chúng tôi xin đăng lại Thư trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ VH-TT và Lời giải trình của Giám đốc NXB Văn học.

 

THƯ TRẢ LỜI CHẤT VẤN

Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 2003

Kính gửi:

- Đại biểu Quốc hội Phan Trung Lý(*)

- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

- Văn phòng Quốc hội

- Văn phòng Chính phủ

Bộ Văn hóa – Thông tin nhận được công văn số 247/CV-KH3 của Văn phòng Quốc hội về việc yêu cầu trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Phan Trung Lý – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa VI.

Bộ Văn hóa – Thông tin xin trả lời như sau:

Câu hỏi:

Chúng tôi nhận được ý kiến của một số cử tri và qua các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc Nhà xuất bản Văn học in tác phẩm “Nghìn lẻ một đêm”. Các ý kiến trên cho rằng đây là việc làm sai trái vi phạm pháp luật về xuất bản và quyền tác giả. Ông T.X.H. (tên tác giả được ghi trong sách xuất bản lần này) đã lấy nguyên văn bản dịch của Phan Quang (sách đã được NXB Văn học xuất bản trước đây).

Trả lời:

Tháng 4-2003, sau khi một số báo, đài phản ánh NXB Văn học gần như cùng lúc cho xuất bản hai bộ sách “Nghìn lẻ một đêm” dịch giả khác nhau, nhưng nội dung bản dịch gần như giống nhau, nhiều đoạn sao chép nguyên văn bản dịch của Phan Quang. Bộ Văn hóa – hông tin đã yêu cầu NXB Văn học kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của Nhà xuất bản.

Chấp hành ý kiến chỉ đạo của Bộ Văn hóa – Thông tin, NXB Văn học đã thực hiện các biện pháp để khắc phục những sai sót của mình (xin gửi báo cáo của NXB Văn học kèm theo).

Cục Xuất bản cũng đã cử cán bộ gặp ông T.X.H. thẳng thắn trao đổi những ý kiến phê phán của độc giả cũng như báo chí để ông T.X.H. nhận rõ những sai sót của mình và cùng tìm ra cách giải quyết.

Đến nay chúng tôi được báo cáo lại là tháng 5-2003 ông T.X.H. đã đến gặp ông Phan Quang tại nhà, xin lỗi và được ông Phan Quang chấp nhận “khép lại vụ việc”.

Qua vụ việc nêu trên, Bộ Văn hóa – Thông tin đã yêu cầu Lãnh đạo NXB Văn học nghiêm túc kiểm điểm trong việc thực hiện các quy định pháp luật về bản quyền và hoạt động xuất bản nói chung, không để tái diễn những vi phạm tương tự. Sắp tới, Bộ Văn hóa – Thông tin sẽ tổ chức một lớp tập huấn nghiệp vụ về pháp luật trong hoạt động xuất bản cho đội ngũ lãnh đạo các nhà xuất bản để củng cố kỷ cương, góp phần lập lại trật tự trong hoạt động xuất bản.

Bộ Văn hóa – Thông tin xin báo cáo kết quả giải quyết sự việc nói trên; xin chân thành cảm ơn Đại biểu Quốc hội Phan Trung Lý – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin
Phạm Quang Nghị

——————————-
(*) PGS.TS Luật Phan Trung Lý hiện là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (khóa 13).

 

GIẢI TRÌNH

Nhà xuất bản Văn học xin phúc đáp công văn số 2422/VHTT-VP ngày 5 tháng 6 năm 2003 như sau:

- Ông T.X.H. là chuyên viên chính, về công tác tại NXB Văn học từ năm 1981 và về hưu năm 1992. Là tác giả, dịch giả của hơn 70 cuốn tiểu thuyết. Vì cả tin là cán bộ cũ của cơ quan, lại là dịch giả quen thuộc nên người biên tập không phát hiện ra sai lầm của ông H.

- Tiếp thu ý kiến bạn đọc, Nhà xuất bản đã xin lỗi dịch giả Phan Quang – cũng là cộng tác viên lâu năm, thân thiết của NXB Văn học, và yêu cầu ông T.X.H. đến nhận lỗi với ông Phan Quang. Ông T.X.H. đã đến xin lỗi ông Phan Quang về việc làm trên. Ông Phan Quang đã chấp nhận lời xin lỗi của ông H.

Vì ông Phan Quang và ông T.X.H. đều là người thân thiết với Nhà xuất bản, đều là người cầm bút có tên tuổi và đã cao tuổi, đều ngoài 70 nên Nhà xuất bản muốn lấy việc để sửa việc bằng cách in lại bộ “Nghìn lẻ một đêm” của Phan Quang sau đó họp báo phát hành và công bố bản dịch của T.X.H. là vi phạm đạo đức nghề nghiệp và không có giá trị. Công việc này NXB Văn học đang tiến hành khẩn trương. Đích thân dịch giả Phan Quang đang sửa bản in thử.

- Trong các thứ Đạo Chích thì Đạo văn là ô nhục nhất, muôn đời không xóa được. Kẻ sĩ xưa nay lấy danh làm trọng. Tự làm ô danh thì đấy là sự trừng phạt nặng nề nhất nên đối với ông T.X.H., NXB Văn học không muốn làm thêm một việc sẽ là bất nhẫn đối với một người cao tuổi, mà tự nhận trách nhiệm trước công luận để làm bài học kinh nghiệm, khắc phục sửa chữa sai lầm không để cho những kẻ đạo văn còn đường trà trộn.
Xin trân trọng kính báo.

Giám đốc NXB Văn học
Nguyễn Văn Lưu

 

 

Nguồn: Văn Nghệ TPHCM số 650