Thơ Nguyễn Vĩnh Bảo rất người và rất đời. Thơ anh giản dị mà sâu lắng, nhiều gợi mở, gợi ý mà vẫn gần gũi, thân thuộc. Thơ ấy là thơ luôn neo bám vào hiện thực, từ hiện thực tâm trạng, từ khoảnh khắc tâm trạng mà chưng cất thành thơ.


TIẾNG SÔNG TRÔI GIỮA BỘN BỀ ÁO CƠM

ĐẶNG HUY GIANG

      “Hai phía một đời sông” là tên một tập thơ mới của Nguyễn Vĩnh Bảo (NXB Hội Nhà văn quý 2 năm 2021) sau những “Ngẫu hứng sông quê’, “Gửi người trong mơ”, “Ngược miền ký ức”, “Giấc mơ gió”, “Thả vào đêm sóng” được lần lượt xuất bản từ năm 2016 đến 2021.

Như vậy, chỉ trong vòng 6 năm trở lại đây, mỗi năm Nguyễn Vĩnh Bảo cho ra đời một tập thơ. Điều đó cho thấy năng lực sáng tạo dồi dào, cảm hứng tràn ngập, ý thức tự thân của một người đam mê thơ là rất rõ. Nhưng cái quan trọng là đến “Hai phía một đời sông”, ở một chừng mực đáng kể, thơ Nguyễn Vĩnh Bảo đã đến được cái đích cần đến: Lượng đã biến đổi thành chất. Đó cũng là kết quả không ngờ và có phần ngoài mong đợi, như người đã đi thì phải đến, đã đi thì khắc đến vậy! Làm được như thế không dễ, vì trên thực tế, nhiều người làm thơ viết nhiều nhưng càng viết càng luẩn quẩn, càng viết càng vòng vo, càng viết càng loãng, càng viết càng nhạt, càng viết càng xa mình.

   Rất nhiều nhà thơ luôn gắn bó với con sông của đời mình, coi con sông quê hương như là một phần cuộc đời mình, không thể tách rời. Nguyễn Vĩnh Bảo cũng vậy. Trong “Hai phía một đời sông”, anh có khá nhiều bài thơ viết về sông, đặc biệt là sông Chanh - con sông quê hương anh. Đó là “Như sông”, “Sông ơi!”, “Con về nương tựa sông Chanh”, “Trước sông quê”, “Trước sông”, “Lời ru”, “Tìm về nơi hò hẹn”, “Hỏi sông”…

     Với Nguyễn Vĩnh Bảo, sông Chanh là “ngọn ngành yêu thương” nên lúc nào anh cũng nghĩ nó chính là nơi nương tựa để “Đêm nằm nhớ những nẻo người mong manh” (“Con về nương tựa sông Chanh”). Trước sông quê, anh nhớ những kỷ niệm về mẹ và sông Chanh sâu đậm đến nỗi: “Mẹ ngồi giặt chiếc áo nâu/ mồ hôi mặn xuống một đầu con sông”, “Lời ru ấm cả đêm đông/ Lời ru võng cả triền sông quê nhà” (“Lời ru”) và chỉ với “Một con đò nhỏ đi về” thôi cũng khiến anh nhớ cả “Tiếng sông trôi giữa bộn bề áo cơm” (“Trước sông quê”). Và ký ức về con sông ấy luôn trở thành một phần máu thịt trong anh: “Sông Chanh còn vỗ khúc xưa/ Mẹ tôi vẫn kể…như vừa hôm qua”. Sông Chanh luôn làm cho Nguyễn Vĩnh Bảo day dứt trong cảnh “Thương cho thân phận nhà nông/ trông trời trông đất vẫn không thoát nghèo”. Con sông ấy gắn bó với thân phận nhà nông và thân phận con người. Nói một cách khác, thân phận con sông cũng không khác thân phận con người hay chính là thân phận con người: “Lở bồi/ hai phía ầu ơ/ Ngàn năm chảy đến bao giờ/ sông ơi!” (“Sông ơi!”). Dẫu “bao nhiêu sương khói đã thành ngày xưa” thì sông Chanh nói riêng và sông nói chung vẫn là nơi dung dưỡng cả vật chất và tinh thần một hồn thơ:

Những dòng sông chảy mãi đến bao la

Tới rộng lớn mới biết mình bé nhỏ

Có khi nao ngắm bờ quên bờ nhớ

Lở và bồi năm tháng đã nuôi ta?

                       (“Hỏi sông”)

    Tôi nghĩ, có lẽ xuất phát từ mấy câu thơ này và do gợi ý từ mấy câu thơ này mà Nguyễn Vĩnh Bảo rút ra được cái tên “Hai phía một đời sông” thật hay và thật có ý nghĩa cho tập thơ này.

“Hai phía một đời sông” có nhiều câu thơ, bài thơ đáng chú ý nói về tình yêu và có liên quan đến tình yêu. Có thể tìm thấy những kỷ niệm tình yêu, những dấu ấn tình yêu” ở nhiều chỗ trong nhiều bài thơ:“Tìm về nơi hò hẹn”, “Gửi em”, “Chớm đông”, “Hỏi người”, “Tôi còn mắc nợ…”, “Tất nhiên”, “Bài thơ đêm”, “Đêm Hàng Hành”, “Buồn lắm chẳng nói nữa”, “Không đề 2”, “Không lặp lại’…Nguyễn Vĩnh Bảo luôn giữ một mối tình và luôn theo anh suốt hành trình năm tháng. Mối tình ấy có thể là mối tình đầu đẹp đẽ và thơ mộng. Anh nhớ “nụ hôn vừa chớm…bất ngờ…nụ hôn” (“Gửi em”) và nhớ cả sự phải lòng của thuở đầu tiên ngay cả khi không còn thuộc về nhau nữa với một món nợ có phần thánh thiện: “Nợ em/ mơi mới chớm vừa/ nợ nụ hôn ấy/ ngày chưa tỏ tình”  (“Tôi còn mắc nợ…”).

Ở một góc độ khác, Nguyễn Vĩnh Bảo rất coi trọng sự thiêng liêng và giá trị đích thực, duy nhất, không chia sẻ của tình yêu. Vì thế mà trong “Buồn lắm chẳng nói nữa”, anh mới viết: “Nỗi đau tình yêu/ Vết rạn mặt trời/ Lấy chi hàn gắn?”. Vì thế mà trong “Tất nhiên”, anh mới viết: “Chúng ta tất nhiên có nhau/ Trong một mặt trăng không thể chia hai/ Trong một mặt trời không thể chia hai/ Và ngược lại…/ Một người trai và một người gái/ Chúng ta sinh ra lứa đôi”. Vì thế mà trong “Không lặp lại”, anh mới viết:  “Trái đất quay sinh ra/ lặp lại/ và lặp lại/ sinh ra/ nhưng không thể nào lặp lại hai ta”.

    Thơ Nguyễn Vĩnh Bảo hay nói đến hoặc gắn kết với cái quy luật và cái tất yếu. Anh khẳng định: “Đời ta rồi cũng như sông/ chảy mãi/ chảy đến mênh mông/ biển chờ…” (“Như sông”); “Ngược miền/ hạnh phúc, khổ đau/ hai chiều sáng - tối/ nhuốm màu/ nhân gian” (“Chỉ một mình anh”); “Không có gì anh coi là mất/ Không có gì anh coi là được/ Buồn mãi rồi vui, vui mãi rồi buồn/ Hai mặt bàn tay, hai mặt lá…” ( “Về anh”); “Vui buồn tự nhiên thu/ Son phấn và hương khói/ Vẫn trên con đường ấy/ Bao vui buồn đi qua (“Trên đường”); “Cái nửa không: Chưa hẳn chẳng tiếng cười/ Cái nửa có: Chưa hẳn không nước mắt/ Cái nửa cao: Sóng gió xa xôi/ Cái nửa thấp: Nắng mưa gần gũi” (“Tự nhiên”)…Trong “Tất yếu”, anh cho rằng “người lớn rồi sẽ già”, “người bé rồi sẽ lớn”, “biển có lý của biển”, “sông có lý của sông”, “gió có việc của gió”, “mưa có việc của mưa” để rồi đúc rút ra một quy luật gần như mang tính phát hiện:

Nhỏ bé như chiếc lá

Cũng còn có cuộc đời.

     Là người hiện đại, Nguyễn Vĩnh Bảo luôn sống với hiện tại: “Đời sống như con sông/ Sau lưng mãi núi non/ Trước mặt mãi biển cả/ Đừng nghĩ rồi tới lúc…” (“Đừng nghĩ rồi tới lúc…”) cho dù: “Lá vàng rụng trong chiều bối rối/ Vùn vụt từng tiếc nuối khôn nguôi” (“Một ngày”), cho dù: “Anh đang bơi, đang chạy một bên cầu/ Ở cái phía ít người đeo đuổi nhất/ Xâu chuỗi lại những gì đánh mất/ Thành chiếc vòng choàng cổ tương lai” (“Đơn lẻ”). “Cuối năm” - bài cuối cùng in trong “Hai phía một đời sông” có bốn câu thật triết lý, thật lạ,  mang nghĩa chấp nhận của mỗi đời người:

Trời cao, đất thấp

Chở, che muôn loài

Thời gian gẫy khúc

Ta mang phận người.

     Thơ Nguyễn Vĩnh Bảo rất người và rất đời. Thơ anh giản dị mà sâu lắng, nhiều gợi mở, gợi ý mà vẫn gần gũi, thân thuộc. Thơ ấy là thơ luôn neo bám vào hiện thực, từ hiện thực tâm trạng, từ khoảnh khắc tâm trạng mà chưng cất thành thơ. Thơ ấy cũng là thơ hữu ích trong đời sống hôm nay. Đó cũng là những gì rất đáng quý, rất đáng trân trọng trong thơ.