Đỗ Bích Thúy thiết kế nhân vật của mình vào mối tình tay ba, không phải chê trách, lên án họ, mà thông qua những dày vò nội tâm, chị muốn truyền tải cái nhìn đầy nhân văn về thân phận con người. Say khác với các nhân vật nữ trong truyện của Đỗ Bích Thúy ở sự đan cài giữa vẻ đẹp truyền thống và vẻ đẹp hiện đại.
TIẾNG GỌI BẢN NGÃ
HOÀNG THỤY ANH
Bộ ấn phẩm Về, vừa được nhà văn Đỗ Bích Thúy ra mắt vào trung tuần tháng 4/2021, gồm 4 cuốn: Người yêu ơi, Bóng của cây sồi, Thương nhau như người thân, Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, trong đó có hai tác phẩm mới là tiểu thuyết Người yêu ơi và tản văn Thương nhau như người thân (Nxb Văn học & Công ty Cổ phần VHTT Liên Việt ấn hành, 2021). Về là tiếng hót của bản ngã và cội nguồn, được cất lên từ những thanh âm tinh tế, đằm thắm, mượt mà, giàu chất thơ, đậm bản sắc núi rừng. Trong đó, giai điệu Người yêu ơi không chỉ thể hiện cách sống, cách nghĩ của người miền núi mà còn đánh thức con người hướng về, vươn tới sự sống động của bản ngã.
Say là nhân vật nữ trung tâm trong Người yêu ơi. Đỗ Bích Thúy sắp đặt Say vào tình huống tréo ngoe, mối tình tay ba giữa Quả với hai chị em Hờ và Say, rồi căng khổ đau ấy lên toan đời của Say. Say được chị xây dựng dựa vào kĩ thuật soi gương, phân rã mình ra làm hai, cái tôi ngoài gương nhìn ngắm cái tôi trong gương. Một con người sống cho Sò, một con người sống cho Quả. Hai con người này đối thoại và tranh biện với nhau. Chị chú ý đến cái tôi thứ hai, cái tôi trong gương, cái tôi sống trong kí/ẩn ức của Say, khiến Say phải tự lừa dối mình, lấy những khát khao, ham muốn với Quả đắp lên cảm giác với Sò. Những cảm xúc mà Say có được mỗi lần bên Sò dường như chỉ là sự vay mượn từ Quả. Không phải Say không nghĩ cho Sò. Say đã cố gắng kìm nén những cảm xúc về Quả, song cái hôm ở lều canh ngô, cái hôm đầu tiên Say trở thành người đàn bà ấy, chưa bao giờ buông tha. Để rồi những ẩn ức về Quả như nước chảy, cứ ùa vào Say. Say thấy cái lỗi của mình khi thể xác đã thuộc về Sò, còn tâm hồn thì không, dù Say từng nhủ với bản thân sẽ cắt đi, khoét đi, quên đi tất cả, trở thành một người vợ Mông tốt.
Vì sao Say lại khôn nguôi nhớ đến Quả như thế? Vì Say đã yêu Quả qua tình yêu của chị mình. Tình yêu của Hờ và Quả vô tình nhen nhóm trong Say, làm Say có lần giả vờ là Hờ xem Quả đối xử như thế nào! Hơn nữa, Say là người đầu tiên mặc chiếc áo cưới, mà đáng lý ra phải thuộc về Hờ. Chuyện gì đến phải đến. Thời điểm da thịt Quả và Say “dính chặt lấy như chân con tắc kè dính vào cỏ cây” (tr.60), diễn ra trong quá trình sang chấn tâm lí (hoảng loạn khi Hờ bị dòng sông cuốn đi), chứ không hề có chủ ý, sắp xếp. Bị hoàn cảnh tác động, Say mang chấn thương tâm lí ấy nén sâu vào đáy lòng. Nhưng Say chưa bao giờ tha thứ cho mình, Say luôn sống trong mặc cảm, khi nào cũng thấy có lỗi, là kẻ dối trá với Hờ, với Sò. Mặc cảm giả dối ấy vo lại, dồn nén lại trong những năm tháng bên Sò. Say liên tục tự vấn mình, đặt mình trong những phản biện: “Say là cái loại vợ gì vậy? Loại đàn bà gì vậy?” (tr.36). Say hiểu Quả không phải là người yêu, cũng không phải là người yêu cũ, nhưng cái tình cảm không dễ gì gọi tên này cứ bủa vây, ăn mòn Say.
Say đã rất nhiều lần muốn gạt bỏ mặc cảm ấy, cơ mà, càng gạt bỏ Say càng bị mắc kẹt trong đó. Khi mặc cảm, tội lỗi được nhìn bằng ý thức thì nó lại tạo thành sức mạnh, dẫn đường cho cái tôi bên trong nổi loạn, vượt ra khỏi mọi giới hạn để chứng thực sự hiện hữu của nó. Cái tôi chấn thương của Say ở phương diện này còn biểu hiện sự không mãn nguyện, ức chế về tình cảm. Và đó là lí do Say hiện thực hóa ham muốn với Quả lên Sò. Trong sự song trùng cảm xúc, Say cũng không tìm được sự thỏa mãn với Sò như khi ở bên Quả. Quá trình song trùng cảm xúc ấy lại thôi thúc Say tiếp tục chọn lựa, giải tỏa những vướng mắc luôn đè nặng.
Đỗ Bích Thúy thiết kế nhân vật của mình vào mối tình tay ba, không phải chê trách, lên án họ, mà thông qua những dày vò nội tâm, chị muốn truyền tải cái nhìn đầy nhân văn về thân phận con người. Say khác với các nhân vật nữ trong truyện của Đỗ Bích Thúy ở sự đan cài giữa vẻ đẹp truyền thống và vẻ đẹp hiện đại. Ở Há Khó Cho, Say là một y tá có trách nhiệm, yêu thương con trẻ. Say dửng dưng, lạnh nhạt nhưng quả thật trong những ngày tháng sống với Sò, Say chưa bao giờ để cái tôi cá nhân trượt ra khỏi cái tôi đạo đức. Sự vượt rào có chăng chỉ là lời nói sẽ đi Khâu Vai và những lớp sóng vỗ ào ạt trong lòng Say, chỉ Say biết mà thôi!
Cái may mắn là Say có được một người chồng hết sức yêu thương mình, chứ không như ông Hầu Mí Chơ bỏ bà Lò Thị Mỷ đi theo người khác. Tuy nhiên, Say muốn tự làm chủ số phận của mình, muốn sống có giá trị, sống thực với cảm xúc của mình chứ không phải che đậy bằng sự im lặng “vừa thăm thẳm như vực sâu vừa nặng nề như những đám mây che kín cả bầu trời” (tr.8). Nên, quyết định đi Khâu Vai cho bằng được của Say, mặc kệ Sò có chấp nhận hay không, mặc kệ mẹ Say cấm đoán, như muốn cởi bỏ mặt nạ của cái tôi đạo đức để được một lần vì đòi hỏi của cái tôi cá nhân. Các chiều kích của cõi lòng cứ xoay liên tục, phơi bày lớp này đến lớp khác.
Càng nhiều cản trở, dồn nén, Say càng mong muốn giải phóng những ức chế: “Dù thế nào cũng chỉ sống có một lần này thôi. Được làm người đã may mắn rồi. Thế thì phải sống thế nào để sau này già, thật già, trước lúc hấp hối xung quanh đầy con cháu không phải mấp máy mồm nói rằng còn việc ấy việc kia tao chưa kịp làm” (tr.199). Sự vận động, thay đổi bản ngã của Say cũng là cú hích giúp Say vượt thoát khỏi những nhàm chán của bản thân, sống đúng với bản ngã, cho dẫu phải đánh đổi, rơi vào đày ải, khổ đau khác. Mặc định người phụ nữ miền núi hi sinh, cam chịu, an phận được Đỗ Bích Thúy cởi bỏ. Hạnh phúc của họ không còn bó hẹp, chôn chặt quanh bếp, lưng núi, nương rẫy, mà đã rộng mở, biết giải phóng cảm xúc, phản kháng những gì nhàm chán, tẻ nhạt.
Hành động bên ngoài và bên trong của Say đối kháng nhau, càng đối kháng thì sự giãy giụa đòi được sống cho cái tôi càng mãnh liệt. Quá trình Say bộc lộ sự mãnh liệt của bản ngã hẳn nhiên không thể thiếu sự tác động, chi phối của những nhân vật khác như Hờ, Sò, Quả, mẹ Quả, mẹ Say, cô Cho và đứa bé. Hờ là chị của Say. Hờ là cái khung để Đỗ Bích Thúy căng tấm toan đời của Say lên. Sự ra đi của Hờ cùng những lắt cắt truy nguyên về miền quá khứ đầy tiếng cười của hai chị em vừa gặm nhấm nỗi lòng của Say vừa đưa Say từ một người đứng bên ngoài mối tình Hờ - Quả trở thành người đứng bên trong, sẵn sàng hứng chịu, tháo gỡ những bế tắc. Sò là mẫu người đàn ông Mông mẫu mực, thương vợ. Nhưng Sò và Say sống bên nhau, chung một nhà mà như là khách, như là người dưng.
Sò càng nghĩ về Say nhiều bao nhiêu thì Say lại càng nghĩ về Quả bấy nhiêu. Sò càng tốt với Say bao nhiêu thì Say càng lạnh lùng bấy nhiêu. Họ cứ rượt đuổi nhau trong trò chơi trốn tìm như thế! Sò không hẳn là nhân vật hoàn toàn im lặng trước sự lạnh nhạt, lúc nào cũng muốn gây chuyện của Say. Hành động Sò cầm kéo muốn cắt hết váy, áo, tạp dề, khăn, xà cạp,… của Say như cho thấy những dồn nén đang ứ trong lòng, chưa thể nào khuây khỏa. Từ điểm nhìn, mối quan hệ với Sò, tính cách của Say bộc lộ rõ hơn. Sò là cái gương để người đọc thấy được những biến chuyển đang giằng xé trong Say; để Say nhận ra những lỗi lầm và ước vọng bản ngã của mình; để Say tự đập vỡ những khoảng lặng đang trì níu, trở lại với hạnh phúc mà Say đang có, đang được Sò yêu thương. Quả chưa bao giờ quên được Say mặc dù Quả đã có Giàng Thị Cho, người vợ đang mang bầu đứa con của mình. Sự trở về Há Khó Cho của Quả là sự trở về của kẻ dám đối diện với bản ngã, chứ không muốn mãi là kẻ trốn chạy. Bởi trốn chạy đã 5 năm nhưng Quả có quên được Hờ và Say đâu!
Quả xuất hiện như cời lên lớp than tàn tro còn ấm nóng của Say, đặt Say đứng giữa hai con đường: Vì hạnh phúc gia đình hay vì tiếng nói cá nhân. Trước Quả, tâm hồn của Say liên tục bị quấy đảo, thụ động và chủ động, chấp nhận và chống cự, mặc cảm và tự tin, thầm lặng và sôi nổi,… Điểm nhìn từ mẹ Say, mẹ Sò, mẹ Quả và cô Cho cũng thế, đều làm cho hành trình đi đến bản ngã của Say thêm phần quyết liệt. Đặc biệt, hình ảnh đứa bé, con của Quả và Cho, ra đời trùng với đoạn Say sắp sửa rời Há Khó Cho đi Khâu Vai, như thức tỉnh cái bản ngã đầy khao khát của Say. Lúc này, cái tôi cá nhân bị kiềm chế, đứng đằng sau cái tôi đạo đức. Sự thơ ngây, trong trẻo, vô tội của đứa trẻ như bù đắp, lấp vào những vết nứt đã toang hoác lâu nay của Say, giúp Say tranh đấu bản thân, vượt qua những day dứt, lầm lỗi với Sò và thanh lọc tâm hồn của mình.
Như vậy, từ điểm nhìn nội quan, ngoại quan, đơn tuyến, phức hợp, Đỗ Bích Thúy đã phơi trải tính cách, tâm hồn của Say một cách chân thực, sâu sắc, khéo léo. Tính cách và số phận của Say liên tục dịch chuyển, cật vấn, vừa là một nhân vật muốn kiệt cùng với sự chân thật và tự do, vừa muốn cáo buộc, lên án chính mình. Trong đó, Sò và Quả là hai mảng màu chủ đạo, vẩy lên toan đời của Say, đẩy Say đến tột cùng của dằn vặt, trở trăn.
Gắn bó, so sánh con người với thiên nhiên cũng là một thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của Đỗ Bích Thúy, góp phần làm nổi bật phận số con người miền núi phía Bắc. Nếu trong Bóng của cây sồi, Phù trải lòng ra với cây sồi, thì trong Người yêu ơi, chị để Say trải lòng với cây mận. Cây sồi cho Phù sự mạnh mẽ, bản lĩnh nhưng không cho Phù sự chiến thắng bản ngã, không dám cất lên tiếng nói của nội tâm với Kim. Cây mận lại cho Say sự tự tin vươn lên, thổ lộ những điều thầm kín và chiến thắng bản ngã. Chị đã lấy sinh mệnh, khả năng sinh sản của cây mận biểu trưng cho tính cách, thân phận của người phụ nữ. Trong nhọc nhằn có hạnh phúc, trong hạnh phúc có nhọc nhằn: “Cây mận giống người đàn bà, phải đổi vẻ đẹp của mình để lấy những đứa con… Những miếng vỏ già vỡ ra khiến thân cây đầy vết nứt, giống những vết nứt ở gót chân đàn bà Mông vào mùa đông. Nhưng gầy thì gầy, nó vẫn cho đầy quả” (tr.24-25). Hạnh phúc và nhọc nhằn, mọi lẽ, đều là hai bến bờ cần thiết, quan trọng, giúp con người không ngừng truy tìm bản thể, truy tìm gốc gác của mình.
Khi Say thấy quả mận như đứa trẻ mới chào đời, tức là cây mận đã có sự tác động đến nhận thức, diễn biến tình cảm trong cõi lòng của Say. Hay nói cách khác, cây mận cũng là tấm gương phản chiếu khát khao rất bản năng của người phụ nữ, đó là bản năng được làm mẹ. Khi Say rơi vào lúng túng, không biết đi Khâu Vai gặp Quả hay quay trở về với Sò, thì cây mận lúc lỉu quả như là người mẹ cho Say sà vào lòng mà rũ hết những nhọc nhằn của phận số; như thúc giục Say đổi thay để hòa nhập và “tái sinh”: “… khi những bông hoa mận đã ngập trong nước đục và biến mất trong phút chốc, Say chỉ cảm thấy như là một sợi dây vốn đang siết chặt lấy cổ mình đã tự dưng được gỡ ra” (tr.205).
Người yêu ơi của Đỗ Bích Thúy không chỉ mang đến cách cảm cách nghĩ hồn hậu, giản dị của người miền núi mà còn thể hiện vẻ đẹp của người phụ nữ hiện đại, với những biến động, kịch tính của nội tâm. Cuốn tiểu thuyết vì thế đã khẳng định phong cách, quan niệm, chiều sâu tư tưởng của chị trong địa hạt xây dựng kiểu con người đa ngã.