Bài viết trên báo Văn Nghệ TPHCM số ra ngày 1/7/2021 đặt câu hỏi: “Nhà Nga học hàng đầu Việt Nam- Phạm Vĩnh Cư, người rất giỏi tiếng Nga cổ, nhà dịch thuật… đã đóng góp gì cho văn hóa Việt Nam đương đại? Cần giải thích cho bạn đọc thấy có thể thay thế triết học Mác – Lênin bằng triết học Soloviev như thế nào. Cứ tâng bốc nhau vô lối như thế này thì làm phiền bạn đọc lắm”.

 

KIÊU HÃNH LÀM NGƯỜI

 

NGUYỄN VĂN HỌC

 

Bài “… Niềm kiêu hãnh làm người” của Lã Nguyên trên Văn Nghệ (Hội Nhà văn) số 21, ngày 22-5-2021 là tiêu biểu, mẫu mực cho phê bình tâng bốc vô tội vạ. Kẻ sĩ ở thời đại này mà vẫn cảm thấy “kiêu hãnh làm người” thì chỉ là biểu hiện của tính nhân văn ở trình độ thấp.

Những tình cảm vui – buồn, tin tưởng – thất vọng, tự hào hãnh diện – chán nản ảo não… khi xuất hiện một cách chân thực trong hoàn cảnh của nó đều rất đáng trân trọng. Hoa hậu H’Hen Niê và các cô gái người dân tộc Êđê có thể hãnh diện vì họ không còn là Mọi Kontum nữa. Người dân Sóc Trăng và ngành Nông nghiệp Việt Nam có thể hãnh diện về người đồng bào đồng nghiệp ưu tú của họ – kỹ sư Hồ Quang Cua đã tạo ra được thứ gạo ngon nhất thế giới. Một em bé có thể rất hãnh diện về bộ quần áo mới hay tấm Bằng khen Học sinh giỏi v.v… Cuộc sống nó như thế. Nhưng kẻ sĩ thì không thể, không nên như thế. Bởi tầng lớp này là đại diện cho lương tri của một cộng đồng dân tộc, của một thời đại. Họ, trước hết phải lo nghĩ đến vận mệnh, số phận của dân chúng, của quốc gia dân tộc chứ không phải về ý nghĩa của đời mình, của cá nhân mình. Có thể kiêu hãnh về một thành tích cụ thể. Còn “kiêu hãnh làm người” thì hơi bị khó đấy!

Người xưa nói “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”. Kẻ thất phu còn phải có trách nhiệm huống gì kẻ sĩ phu. Các bậc hiền triết thời xưa có nhiều câu nói chí lý. Kẻ sĩ phải lo trước thiên hạ vui sau thiên hạ. Bậc đại trượng phu đau lòng vì việc nước nên thung dung mà lo việc nước. Kẻ sĩ mà diện bất sầu thì tư bất quảng v.v… (Vẻ mặt không ưu tư, u trầm thì suy nghĩ, tư tưởng không thể rộng rãi…), kẻ sĩ ăn chẳng cầu no (thực bất cầu bão)…

Nhìn ra thế giới ngày nay thì nhân loại đang bị đẩy vào cảnh đau khổ vô cùng. Chiến tranh đủ kiểu, lạnh rồi nóng rồi chiến tranh vi trùng, rồi chiến tranh thương mại… Rồi thiên tai do biến đổi khí hậu. Người dân châu Phi đói khát trên sa mạc. Nạn dịch Covid-19 và sinh hoạt tôn giáo ở Ấn Độ…

Con người đã sáng tạo ra vô vàn điều hay đồng thời đem lại đầy tai họa. Một nhà khoa học Pháp cho rằng con người đang suy thoái về loài (Con người không đoán trước được lịch sử tự nhiên của mình). Nhà bác học Stephan Haokin cho rằng với tốc độ khai thác như hiện nay, Trái Đất chỉ chịu đựng được 200 năm nữa thôi.

Ở trong nước, chỉ sau mấy chục năm mở cửa cho thị trường tự do, môi sinh môi trường đã bị khai thác tàn phá như thế nào? Đến cả một ngành Khoa học nhân văn cực kỳ quan trọng như Giáo dục đã xuống cấp như thế nào? Nếu phải ở trong nước sôi thì thầy trò sẽ lựa chọn như thế nào?

Trong văn học gần đây đã nói lên tâm trạng bất an trong cuộc sống. Một bước ra khỏi nhà là bất an. Ăn một miếng uống một hp là bất an. Không ăn không uống thì chết ngay. Mà ăn uống với thực phẩm không tin cậy thì chưa biết rồi sẽ ra sao. Ma túy ngày càng khủng khiếp. Những ma túy khác như cờ bạc, đề, hụi, cho vay không cần thế chấp, du lịch tâm linh, mại dâm trá hình…

Trong văn học từ Đổi Mới đến nay, mới thì có mới nhưng tư tưởng nhân văn và phương thức biểu hiện đều không mới hơn. Vẫn là thứ phê phán hiện thực. Cả tư tưởng và nghệ thuật đều chưa vượt qua được Nam Cao và Vũ Trọng Phụng…

Trong bối cảnh đó mà một nhà nghiên cứu văn học lại cảm thấy hãnh diện làm người thì quả là cá nhân, hẹp hòi, nông nổi và lạc điệu.

Có thể đây là dấu vết của các giáo trình Triết học những năm bảy mươi thế kỷ trước. Nhất là sau 1975. Con người sáng tạo nên tất cả. Vĩ đại lắm. Kiêu hãnh lắm. Thế giới cho ta! Vâng, đấy là hồi đấy! Bây giờ khác rồi.

Chẳng những cảm thấy niềm kiêu hãnh làm người mà còn hình dung, tưởng tượng nhà nghiên cứu đó cứ hiện lên sừng sững như những Đức ông, những bá tước nam tước trong văn học Nga!

Khen nhau như thế bằng mười hại nhau. Bắt chước nhân vật trong tiểu thuyết là hiện tượng thường gặp ở lớp bạn đọc phổ thông, trình độ thẩm mỹ thấp. Nếu có như thế thì nhà nghiên cứu kia chỉ là con vẹt, là thằng hề… khi cố bắt chước phong độ của nhân vật trong tác phẩm.

Đầu óc nô lệ, vọng ngoại của Lã Nguyên thể hiện rất rõ khi mượn lời của L. Tolstoi để ca ngợi đồng nghiệp của mình:

“L. Tolstoi chia người có học thành ba loại: học giả, trí giả và thức giả. Ông gọi học giả là người đọc nhiều sách; trí giả là người hiểu nhiều tri thức của thời đại; thức giả là người hiểu rõ ý nghĩa của đời mình. Như mọi nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học, Phạm Vĩnh Cư trước hết là một “học giả”, một “trí giả”. Đồng thời anh còn là một “thức giả” vượt lên trên mọi thói thường, không chịu để biến thành công cụ. Điểm khác biệt ở anh là niềm kiêu hãnh được “làm người”. (Bđd. Trg.13)

L. Tolstoi rất vĩ đại. Nhưng L. Tolstoi không phải là văn hóa Á Đông, văn hóa truyền thống Việt Nam. Các cụ Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Tố, Đặng Thai Mai, Trần Văn Giàu v.v… được gọi là các nhà Học giả đấy. Có phải họ chỉ đọc nhiều sách thôi? Đến thức giả thì không rõ Lã Nguyên có dịch đúng hiểu đúng L. Tolstoi hay không? Bởi vì, thức giả, trong truyền thống Á Đông là cao siêu lắm. Trạng Trình là bậc thức giả đấy. Cụ Nguyễn Văn Tố cũng có thể xem là bậc thức giả đấy. Cụ Đạm Trai Hồ Phi Huyền, là thầy học vừa là nhạc phụ của GS. Đặng Thai Mai, cũng là bậc thức giả. Cụ Hồ xem cụ Đạm Trai là người thông Thiên – Địa – Nhân. Vào giữa năm 1946, cụ Đạm Trai ra Hà Nội, đến thăm Cụ Hồ. Khi từ biệt, cụ Đạm Trai nói với Cụ Hồ: Xin Chủ tịch lưu tâm, thời mệnh trong thế cục này, chúng ta phải trải qua: Thiên đô bảo chủ quốc tồn, độn thổ trường kỳ kháng địch. Cụ Đạm Trai mất ở quê, làng Quỳnh Đôi, Diễn Châu – Nghệ An, ngày 25-12-1946. Xem Nhân đạo quyền hành. NXB Lý luận Chính trị. 2007. Trg.420.

Lời tiên tri của cụ Đạm Trai đã thành sự thật. Cụ Hồ và cụ Đạm Trai rất tâm đắc với nhau. Về lời tiên tri của cụ Đạm Trai thì Cụ Hồ đã thấy từ trước. Khi rời Tân Trào về Hà Nội tháng 8-1945, Cụ Hồ vẫn để một bộ phận ở lại. Cụ nói đại ý rồi có lúc chúng ta phải trở lại. Và trong khi đấu tranh với Pháp ở Hà Nội, Cụ Hồ đã cho chuẩn bị cơ sở kháng chiến trên chiến khu Việt Bắc.

“Làm người” là lựa chọn tự do của Phạm Vĩnh Cư. Đó là sự lựa chọn một tư thế sống đầy kiêu hãnh của con người có nhân cách ở đời” (Bđd. Trg.12).

Chúng tôi nghi ngờ thiện ý của Lã Nguyên trong mệnh đề trên.

Như trên đã nói, tự hào, kiêu hãnh ở mỗi cá nhân là trạng thái tình cảm đáng trân trọng nếu đó là tình cảm chân thực. Tình cảm cá nhân đó tương hợp với đạo lý đời sống. Một người bình thường có thể kiêu hãnh về việc làm nào đó của họ. Nhưng nhà học giả trí giả thức giả thì khác, phải ở bình diện khác, cấp độ khác, như đã nói trên. Còn Nhân cách của mỗi cá nhân là vấn đề tế nhị. Chê một ai đó thiếu nhân cách là không nên, nếu không có sở cứ. Khen một ai đó có nhân cách là chuyện dễ, nhưng phải thuyết phục. Nhân cách cuối cùng bộc lộ ở việc làm. Chúng tôi không dám nói về nhân cách của bậc Tam giả Đại nhân. Vì ai cũng có lòng tự trọng tự ái của mình. Chỉ hiềm vài việc còn thấy lăn tăn.

Có thể Tam giả Đại nhân xem Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh là một vinh dự, nên đã có Diễn từ khá hùng hồn long trọng. Chúng tôi ngược lại, lấy làm tiếc về cái Giải thưởng này. Đây là một áp-phe chính trị, một đầu tư chính trị, một mưu đồ chính trị. Đề cao cụ Phan để hạ thấp, phủ nhận Hồ Chí Minh. Hạ bệ được Hồ Chí Minh thì công ngang với Gorbachev. Giải thưởng này là một cách thức để tập hợp lực lượng cả trong và ngoài nước. Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã tuyên bố ngừng hoạt động. Thiển nghĩ, người có lương tri, có lòng tự trọng, không nên nhắc đến Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh làm gì. Trót đã nhận rồi thì cũng cho qua đi.

Cách dẫn giải của Lã Nguyên toát lên tinh thần chê chối, khinh bỉ cái quá khứ gần. Như những đứa con được gia đình làng nước nuôi nấng, gửi đi học tận phương trời xa, được thành tài. Nay trở về, bỗng quên ngay cha mẹ, gia đình, làng nước. Giá chỉ quên đi như một nhân vật kịch gần đây: Ông không phải là bố tôi…, thì đành một nhẽ. Đằng này, lại toàn những lời khinh bỉ cay nghiệt. Rằng không chấp nhận làm con rối cho hoàn cảnh. Rằng “Anh thuộc số ít những trí thức… có khả năng thấu tỏ ý nghĩa tồn tại của mình trong đời sống, với tư cách một cá nhân, chứ không phải như một con người công cụ…”. Rằng cái công việc làm phiên dịch ở Bộ Ngoại giao chỉ là làm cái lưỡi cho kẻ khác. Rằng chỉ gặp Hoàng Ngọc Hiến anh mới được làm người. Rằng phải làm việc ở Bộ Ngoại giao là một nỗi bất hạnh… Đúng là Cha mẹ nuôi con bằng trời bằng bể / Cho con đi học thành tài / Con thành tài con về con bảo / Thật là bất hạnh khi phải sinh ra ở cửa nhà ông bà…

Chúng tôi nghĩ rằng, Đảng, Nhà nước, hệ thống (theo cách nói của Lã Nguyên. Bđd. Trg.12), có đầy những sai lầm thiếu sót trong công cuộc tổ chức đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước trong chiến tranh và sau chiến tranh. Các anh đều là hạt giống đỏ cùng được đào tạo ở Liên Xô cũ. Nếu Đảng, Nhà nước, hệ thống này sai lầm, bất cập như thế nào, các anh cứ nói thẳng ra, nỡ nào cứ “gieo tiếng dữ” cho rời bậu ra”.

Thì nói ngay nhà Nga học hàng đầu Việt Nam, người rất giỏi tiếng Nga cổ, nhà dịch thuật… đã đóng góp gì cho văn hóa Việt Nam đương đại. Cần giải thích cho bạn đọc thấy có thể thay thế triết học Mác – Lênin bằng triết học Soloviev như thế nào. Cứ tâng bốc nhau vô lối như thế này thì làm phiền bạn đọc lắm!

Hà Nội, tháng 6-2021

 

 

Nguồn: Báo Văn Nghệ TPHCM số 649 ra ngày 1/7/2021