Tác giả Quan Văn Đàn trên báo Văn Nghệ TPHCM có bài trao đổi với nhà văn Phạm Ngọc Tiến về giá trị của “Nỗi buồn chiến tranh”. Đây là một bút danh rất lạ, và cách viết cũng rất lạ. Bởi lẽ, sau những ý kiến gay gắt còn có cả văn vần đong đưa “Văn chương càng ngẫm càng kinh. Những thiên tài lấy chữ trinh làm đầu

 

KHI NHÀ VĂN TỰ QUÊN MÌNH

Đó là nhà văn Phạm Ngọc Tiến khi ông ca ngợi Nỗi buồn chiến tranh để truy vấn vì sao cho đến nay chưa được Giải thưởng Nhà nước.

Tại sao lại như thế? Cứ danh chính ngôn thuận văn bản học thì tác giả Họ đã trở thành đàn ông – Tập truyện ngắn của Phạm Ngọc Tiến – có một truyện rất ấn tượng được lấy làm tựa sách. Truyện kể có một nữ Thanh niên xung phong hay quân nhân ở một binh trạm. Cô rất thương những chàng trai trẻ măng tơ chưa biết sự đời là gì vì chưa trở thành đàn ông. Họ ra trận và sẽ không bao giờ trở lại. Họ đi vào cái chết một cách trinh trắng. Cô nghĩ, hãy cho họ trở thành đàn ông trước khi vào trận. Dẫu có hy sinh, cũng với tư thế một người đàn ông. Và từ đó, đêm đêm, cô trao tình thương cho các chàng lính trẻ. Ngày qua ngày, làm sao kể hết được bao nhiêu đêm, bao nhiêu lần, bao nhiêu chàng trai được hưởng tình yêu thương, hiến dâng của cô, và họ đã trở thành đàn ông… Qua cái bìa sách, chỉ thấy hàng hàng lớp lớp những chiếc mũ cối úp sấp, biểu tượng cho những ngôi mộ, những người lính đã hy sinh, những người đàn ông đã ngã xuống.

Tứ truyện lạ, thật ấn tượng nhưng cứ băn khoăn day dứt. Người phụ nữ Việt Nam có truyền thống “Chữ trinh đáng giá ngàn vàng” (Kiều). Vì đó mà hạnh phúc. Vì đó mà bất hạnh đau khổ nếu bị mất đi. Thậm chí bị điên loạn, nhiều trường hợp dẫn đến tự quyên sinh. Vì vậy, tội hiếp dâm cao nhất đến kịch khung hình sự: tử hình.

Song người phụ nữ Việt Nam không cố chấp. Nhiều mối tình xuất hiện trong chiến tranh. Thậm chí qua một đợt trú quân ngắn ngủi. Và họ đã dâng hiến cho nhau. Sau chiến tranh, nhiều đứa bé ra đời mà không được nhận người cha vì cha đã hy sinh. Trên danh nghĩa cũng không được, vì là con hoang. Đau xót biết bao! Sự hiến dâng của các cô gái cho người yêu trước lúc ra trận là có thật. Và trong Nỗi buồn chiến tranh cũng có. Như cô Lan ở Nhã Nam mà sau này Kiên – nhân vật chính của Nỗi buồn chiến tranh – trở về, gặp lại. Đứa con của Lan là của đồng đội Kiên, đã ngã xuống ngay những ngày đầu vào trận. (Sđd. Trg.67-68).

Tình yêu đôi lứa và sự hiến dâng trinh tiết cho người yêu trước khi ra trận, thậm chí trong lúc âu yếm nhau, tình yêu không còn giới hạn gần gũi…

Truyện Họ đã trở thành đàn ông, có thể thông cảm thậm chí cảm phục tình yêu thương và sự hy sinh của cô gái như thế, nhưng cứ thấy gờn gợn…

Và bạn đọc sẽ được chứng kiến, ở Phương, nhân vật chính cặp đôi với Kiên, trong Nỗi buồn chiến tranh.

Tôi vừa đọc lại Nỗi buồn chiến tranh, bản in lần thứ 15, tìm lại đoạn Phương bị cưỡng đoạt, tước đoạt một cách tàn bạo trên toa tàu của đơn vị bộ đội tên lửa trong đêm ở ga Thanh Hóa. Khi bom đạn đầy trời trút xuống đoàn tàu thì cũng là lúc gã lính to con mặc áo lính thủy căng cứng, đổ ập xuống người Phương…

Sáng ra, Phương đã xơ xác. Cúc áo bật tung không còn cái nào. Nịt vú trật ra một bên. Ống quần lụa bên trái rách toạc lên đến bẹn. Từ chỗ đó, chảy ra, rỉ ra dòng máu như bị đỉa cắn. Sau đêm kinh hoàng đó, Phương hoàn toàn thay đổi…

“Một cái gì đã mất đi, một cái gì đã thay đổi giữa hai đứa, rõ ràng và trầm trọng mà không thể nói thành lời…

“Dù sao thì cũng không thể tởm hơn được nữa… Mà Kiên cũng đừng bận tâm làm gì… Việc của Kiên là trở về đơn vị. Còn trở ra hay trở vào, xin đừng lo!…

“Muốn coi như là đã chôn vùi, đã quên đi được cái gì trước hết là bản thân mình đừng một lời nào nhắc tới, và cũng mong không bao giờ phải nghe ai nhắc tới…

“ – Thế còn cái võng sao không mắc lên?

- Có lẽ không nên – Kiên nói khẽ – Của người ta. Mà người đó không chừng đã chết rồi.

- Của người chết à? Thế nhưng… thực ra thì chúng mình có còn ra cái gì, có còn cái gì nữa đâu mà phải e một cái gì”.

(Nỗi buồn chiến tranh. NXB Trẻ. Bản in lần thứ 15. 2019. Trg.292 – 319)

Đây là chương quan trọng nhất, là cái đinh của Nỗi buồn chiến tranh bộc lộ tư tưởng của nhà văn. Cả Phương và Kiên, đều đã chết – chết về phần hồn – trước khi Kiên ra trận. Sau đêm đó, Phương thấy cuộc đời tan nát. Cô sống buông thả. Coi như không có, không còn Kiên. Khi Kiên trở về sau ngày 30-4-1975, thì Phương đã có người đàn ông ở trong phòng của cô rồi (Sđd. Trg.103).

“Ký ức chẳng buông tha. Chúng mình đã lầm tưởng rằng có thể vượt qua được một hạt sạn – Phương nói với anh khi bỏ ra đi – Không phải là hạt sạn mà là một quả núi. Lẽ ra lần ấy em nên chết đi… Như thế thì chí ít em vẫn là cái gì tốt đẹp trong trắng đối với anh. Còn bây giờ em sống, sống cạnh anh nhưng là vực thẳm xấu xa và đen tối của đời anh. Phải không Kiên?” (Sđd. Trg.105).

Còn Kiên? Sau đêm đó, anh ra trận như một gã chiến binh vô lý tưởng, bất cần, ngay cả cái chết. Cứ phanh ngực áo đi ra trước những làn đạn. Và khi gặp địch thủ ở trạng thái bất khả kháng thì Kiên xả súng vào nó một cách tàn bạo, man rợ…

“ – Đồ cứt đái! – Kiên trả lời và xiết cò. Điểm xạ AK gần đến nỗi tên ngụy bật khỏi gốc cây như bị búng đi.

- Má…á…á… Kẻ bị giết a á rú lên thất thanh. Kiên rùng mình nhảy xổ tới. Đạn từ các gốc cây quạt châu lại. Mặc, Kiên nghiến răng, đứng phơi ra chúc họng súng xuống, điên cuồng nã từng phát, từng phát đánh đanh lên cái thân xác còn nóng hổi sức sống đang oằn oại đau đớn trong cơn rùng giật giãy chết. Máu phọt tóe lên ướt ống quần Kiên. Rồi, hai bàn chân in dấu đỏ lòm trên cỏ, anh lại từ từ đi thẳng đến những tên địch khác đang núp bắn, súng kẹp bên sườn một cách hờ hững, ngực áo phanh rộng. Không sợ hãi, không nổi hung lên. Mệt mỏi, âm thầm, vậy đấy…” (Sđd. Trg.21-22).

Phản tỉnh chiến tranh như thế thì đúng là người đầu tiên ở Việt Nam – và có lẽ duy nhất, vì chưa tác giả văn xuôi nào vượt qua được Nỗi buồn chiến tranh (Theo Book Riview: The first reflexion of Vietnamese war – Nguồn của triết gia Paul Nguyễn Hoàng).

Trở lại cô gái đã giúp cho Họ đã trở thành đàn ông. Dù có gờn gợn trái đạo lý Việt nhưng có lẽ bạn đọc đều thể tất – tuy nhà văn đã quá cường điệu. Trong thực tế, bao nhiêu nữ chiến sĩ, nhất là trong lực lượng tình báo, dân vận… đã hy sinh trinh tiết của mình, làm vợ bé, làm nhân tình để giải quyết những nhiệm vụ cực kỳ khó khăn mà chỉ có chị em mới có khả năng đó. Trinh tiết của người phụ nữ Việt Nam đã trở thành vũ khí. Ở khía cạnh khác, đối với chiến sĩ nam, họ cũng chịu đựng những mất mát về tình yêu và lòng chung thủy để gìn giữ, nâng niu, xây dựng cuộc sống. Như các nhân vật trong truyện ngắn Mùi thuốc súng của Nguyễn Văn Thọ. Những tình huống như thế có rất nhiều. Và ở đây, đã thể hiện lòng nhân hậu của người Việt Nam. Sự mất mát về tình cảm, về trinh tiết, về niềm vui sướng hạnh phúc “đáng giá ngàn vàng”, đã được dàn xếp rất đẹp lòng như Nguyễn Du đối với Thúy Kiều – Kim Trọng. Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường.

Như thế, sự dằn vặt, đau khổ, xem cuộc đời đã tan nát chỉ vì mất trinh tiết, dù ở trong một hoàn cảnh bạo liệt của chiến tranh như Phương và Kiên thực ra là một sự ích kỷ khủng khiếp. Sự ích kỷ này đã đẩy bao thân phận người phụ nữ phải tìm đến cái chết oan khiên. Như trong truyện Người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ từ thời Trần. Sự cao cả của nhà văn Nguyễn Dữ đã nâng người thiếu phụ nạn nhân của sự ích kỷ, lên hàng cao quý như bậc thánh thiện. Truyền thống của phụ nữ Việt Nam, khi đất nước lâm nguy thì sẵn sàng hy sinh, hy sinh tất cả. Kể cả tình yêu, tình vợ chồng, lòng chung thủy, trinh tiết.

Như vậy, Kiên và Phương là những con người ích kỷ, vô cùng ích kỷ. Họ đã chết không phải vì bom đạn chiến tranh mà vì sự ích kỷ, đã coi cá nhân mình – đôi lứa mình tình yêu của mình cao hơn tất cả…

Càng đề cao, ca tụng Nỗi buồn chiến tranh bao nhiêu, P.N.T càng tự vã vào mình bấy nhiêu. Đấy là logic của Văn học so sánh trong một trường hợp cụ thể!

TB: Ở bản in lần thứ 15 của Nỗi buồn chiến tranh, đoạn mô tả Phương bị cưỡng đoạt trên toa tàu có viết lại, thay đổi chi tiết nhưng cái sự Phương bị phá trinh, cướp trinh vẫn cứ lồ lộ. Vậy xin tặng các nhà văn mấy câu lẩy Kiều:

Kiều ơi có nhớ ngọn nguồn
Chớ về nơi có nỗi buồn chiến tranh
Nếu không còn vẹn chữ trinh
Không còn nhân nghĩa nhân tình Kiều ơi!
Quốc gia đại sự – chuyện người
Còn đây đây khóc cuộc đời mất trinh
Văn chương càng ngẫm càng kinh
Những thiên tài lấy chữ trinh làm đầu!

QUAN VĂN ĐÀN 

Nguồn: Văn Nghệ TPHCM số 648