Sau khi đưa lại bài viết “Thơ Văn Giá và giá của thơ” trên báo Văn Nghệ TPHCM, trang lethieunhon.vn nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc và bạn viết. Trong đó có ý kiến khá thẳng thắn của ông Trần Hà Nam ở phường Phú Thọ, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Với tinh thần trao đổi văn chương, xin được giới thiệu nguyên văn.

 

GIÁ CỦA THƠ, GIÁ CỦA BÁO VÀ GIÁ CỦA NGƯỜI

TRẦN HÀ NAM

 

Kính gửi trang lethieunhon.vn!

 

Tôi là dân ngoại đạo văn chương. Hay nói đúng hơn, tôi chỉ là một người đọc, chứ không phải một người viết. Tôi đã đặt mua báo Văn Nghệ hơn 30 năm và càng ngày càng thất vọng về tờ báo này. Do đó, đến khi báo Văn Nghệ bộ mới ra mắt đầu tháng 7/2021, thì tôi rất phấn khởi. Dù ít dù nhiều, sự cải tiến đã mang đến hy vọng mới cho độc giả của báo Văn Nghệ.

Tôi không có điều kiện đọc báo Văn Nghệ TPHCM thường xuyên. Thỉnh thoảng trang lethieunhon.vn giới thiệu lại bài nào trên báo Văn Nghệ TPHCM, thì tôi hiểu rằng đó là một “vấn đề” đáng quan tâm. Tuy nhiên, đọc bài “Thơ Văn Giá và giá của thơ” của Chu Giang, tôi hơi ngạc nhiên về cách nghĩ, cách viết của một vị từng là Giám đốc Nhà xuất bản Văn Học.

Ông Chu Giang có quyền khen chê bài thơ “Mùa thi đổ lửa” của ông Văn Giá. Thế nhưng, cách phê bình của ông Chu Giang lại khá buồn cười. Lẽ ra, ông tập trung vào cái hay hoặc cái dở của “Mùa thi đổ lửa”, thì ông lại suy diễn lung tung sang nhiều chiều hướng khác. Phê bình thơ kiểu ông Chu Giang thì chả trách nền thi ca cứ đi thụt lùi.

Bài thơ “Mùa thi đổ lửa” của ông Văn Giá in trên số đầu tiên của báo Văn Nghệ bộ mới, theo tôi, không phải bài thơ hay. Có hai lý do để tôi không thích bài thơ của ông Văn Giá. Thứ nhất, cái tên “Mùa thi đổ lửa” là nhái theo “Mùa hè đỏ lửa” của Phan Nhật Nam. Thứ hai, cấu trúc bài thơ “Mùa thi đổ lửa” mô phỏng theo bài hát “Ngẫu hứng phố” của Trần Tiến. Nếu cả hai yếu tố ấy mà ông Văn Giá đều không biết, thì chứng tỏ ông là một cây bút nghiệp dư.

Thế nhưng, “Mùa thi đổ lửa” cũng không phải bài thơ dở. Nếu chỉ vì in bài thơ “Mùa thi đổ lửa” mà quy chụp như ông Chu Giang rằng “Cải cách, Đổi mới báo Văn Nghệ là cấp thiết. Nhưng xem ra lực bất tòng tâm” thì cũng không ổn. Một bài thơ không thể đại diện cho một số báo, và càng không chứng minh được gì cho một nỗ lực cải tiến tờ báo Văn Nghệ vốn trì trệ đã nhiều năm. Giá của thơ, khác giá của báo, và càng khác giá của người.

Ông Chu Giang từng làm Giám đốc Nhà xuất bản Văn Học, chắc cũng hiểu rằng làm báo văn chương thời buổi này rất khó. Báo thời sự, báo lá cải còn không sống nổi, huống hồ báo văn chương. Hội Nhà văn VN dám cải tiến báo Văn Nghệ đã là sự dũng cảm đáng khen ngợi. Không nên vì một bài thơ của một tác giả vốn không có nghề thơ, mà phủ nhận tinh thần sáng tạo và cống hiến của những người đang thực hiện báo Văn Nghệ bộ mới.

Với tư cách người đọc, qua 3 số báo cải tiến mà tôi đã được đọc, tôi tin tưởng vào sự đổi mới báo Văn Nghệ. Thế nhưng, là một người yêu quý báo Văn Nghệ, tôi bày tỏ chút lo ngại khi Hội Nhà văn VN lại chọn cao điểm chống Covid-19 để bắt tay đổi mới báo Văn Nghệ. Nếu nhẫn nại chuẩn bị lực lượng, chờ bớt dịch bệnh mới tung ra báo Văn Nghệ bộ mới, chắc chắn mọi chuyện sẽ hanh thông hơn.

                                         TDM, 20/7/2021