Nhà văn Sơn Tùng vừa tạ thế lúc 23h ngày 22/7, ở tuổi 93. Tang lễ của nhà văn Sơn Tùng được tổ chức từ 7h30 đến 8h30 ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, sau đó di quan về quê nhà và an táng tại làng Kim Lũy, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
NHÀ VĂN SƠN TÙNG, CUỘC ĐỜI VÀ TRANG VIẾT
THIÊN SƠN
Theo cách xưng hô của người xứ Nghệ thì tôi gọi nhà văn Sơn Tùng bằng cậu, còn với người miền bắc thì gọi là bác. Ở Hà Nội lâu năm nên tôi gọi là bác cho phù hợp với cách xưng hô thông thường nơi đây. Mẹ của nhà văn Sơn Tùng là chị gái của ông ngoại tôi. Mẹ tôi kém nhà văn Sơn Tùng 3 tuổi. Thời thơ ấu ở quê nhà văn Sơn Tùng với mẹ tôi là những người anh em rất thân thiết.
Tôi lớn lên trong thời kỳ cả nước nghèo đói sau giải phóng miền Nam. Từ bé đã được nghe mẹ nhắc đến nhà văn Sơn Tùng nhưng tôi không được gặp. Nhà văn Sơn Tùng rời quê hương từ những năm năm mươi, hoạt động ở tỉnh đoàn, sau ra học đại học Nhân dân rồi làm giảng viên đại học, làm báo Tiền phong. Từ năm 1964 ông vào chiến trường nam bộ lập báo Thanh niên giải phóng, rồi bị thương nặng trở ra bắc năm 1972. Do sức khỏe yếu nên ông ít về quê. Gia đình tôi lại lưu lạc vào tận trong Đồng Nai mấy năm, đến 1985 mới trở lại quê. Vì vậy, hè năm 1988 tôi mới được gặp nhà văn Sơn Tùng.
Tôi vẫn nhớ như in lần gặp đầu tiên ấy. Ông về thăm quê. Tổ chức một cuộc nói chuyện cho mọi người nghe và sau đó đến nhà thăm thầy mẹ tôi. Hiển hiện trước tôi là một người đàn ông có vầng trán rộng, mái tóc lấm tấm bạc chải ngược ra sau và phủ kín tai. Đôi mắt cương nghị ánh lên sau làn kính trắng. Ông mặc chiếc áo sơ mi màu xanh da trời. Các ngón tay trái co lại. Giọng ông hơi trầm, nhưng vang, truyền cảm. Phong thái nhẹ nhàng, hoạt bát, tao nhã. Ở ông toát lên sự cuốn hút lạ lùng. Ngày hôm sau đó, tôi cùng thầy tôi lên nhà văn hóa huyện Diễn Châu nghe ông kể chuyện về tuổi thơ và gia đình Bác Hồ. Hôm ấy ông đứng nói say mê từ sáng đến trưa, chỉ nghỉ vài tiếng buổi chiều lại nói cho đến gần tối. Không một mảnh giấy trong tay, các câu chuyện ông kể cứ kế tiếp nhau trong một mạch chuyện xuyên suốt khiến người nghe không thể rời được.
4 năm sau đó, khi tôi đã là sinh viên năm thứ 2 khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội thì tôi chủ động đến thăm ông. Năm đó tôi đã tập tuẹ làm thơ. Biết tôi đi theo đường văn chương, ông vui lắm. Trong lời đề tặng tôi cuốn Con người con đường ông ghi: “Vạn biến lôi phong nhất tâm văn đạo”. Sau này tôi càng hiểu đó là châm ngôn của chính ông và cũng là lời dặn dò ông dành cho tôi. Năm tháng qua đi tôi càng hiểu rằng, đường đời gian nan, sự đời biết bao bão tố, nhưng hãy kiên định đi trên con đường sáng tạo chân chính cho đến ngày thành công. Ông nghĩ vậy và suốt cuộc đời đã làm như vậy. Cũng từ những ngày tháng tuổi sinh viên đó, tôi đã dần trở thành một người được ông sẻ chia nhiều tâm sự sâu kín.
Suốt trong khoảng 15 năm, từ năm 1995 đến năm 2010, cứ mấy hôm tôi lại đến phòng khách của nhà văn Sơn Tùng ở ngõ Văn Chương. Đấy là một căn phòng hẹp chưa đến mười mét vuông, không kê bàn ghế. Khách đến phải ngồi xuống nền nhà. Từ khoảng 9, 10 giờ sáng đến chiều tối ít khi vắng khách. Đủ các loại khách: các văn nhân, các nhà trí thức nhiều lĩnh vực, các vị lãnh đạo, các nhà báo quốc tế, những người cùng quê, các cháu sinh viên… Nhiều buổi trưa khi khách về hết tôi thường được vợ ông là bà Hồng Mai mời ở lại ăn cơm. Tôi được chứng kiến những bữa cơm đạm bạc của nhà văn. Ông thường ăn một chút rau, một chút thịt hoặc cá và nửa bát cơm. Bữa cơm lúc nào cũng vui, râm ran chuyện. Sau bữa trưa, hai bác cháu thường trải giấy báo xuống nền, ngả lưng và trò chuyện xuyên trưa.
Thông thường ở phòng khách mọi người nói nhiều đến chuyện thế sự và văn chương thì câu chuyện giữa nhà văn Sơn Tùng và tôi những buổi trưa như thế hướng về ký ức, kỷ niệm, về dự định và những niềm khát vọng của ông. Nhiều lần ông nhắc đến thời thơ ấu ở quê và những kỷ niệm sâu sắc với giọng xúc động. Cha ông là một người hoạt động cách mạng trong phong trào 1930-1931 ở Nghệ An, cụ mất bất ngờ do bệnh khi tuổi còn sung sức. Nhà văn Sơn Tùng kể, năm ông mới hơn mười tuổi thì mồ côi cha. Trước khi ông cụ mất, gia đình ông nhiều phen vất vả vì bị giặc Pháp truy lùng. Sau ngày cha ông mất cảnh khó khăn còn nhân lên gấp bội. Cảnh mẹ góa con côi, cái buồn, cái nghèo đổ ập xuống gia đình ông. Hiu quanh. Hiu quạnh không biết kể sao cho xiết. Những ngày khổ đau ấy, cả làng, cả họ hàng đùm bọc nhau, giúp nhau từng củ sắn, củ khoai vượt qua những ngày đói khổ. Tình nghĩa đó, ân tình sâu nặng đó, dù bao nhiêu năm xa ông vẫn mang theo trong lòng, để rồi hơn năm mươi năm sau ông nhắc lại với tôi.
Tôi cố gắng học ở nhà văn Sơn Tùng nhiều điều, từ nghị lực sống, sự kiên định khổ luyện trên con đường văn chương, đến sự rộng mở bao dung trong tâm hồn, lòng nhân hậu, sự biết ơn cuộc đời, sự quan tâm đến những con người đau khổ… Và cũng chính từ những năm sinh viên ấy, ông thực sự đã trở thành một người thầy lớn của tôi trên đường văn và đường đời.
Sau 7 năm lăn lộn ở chiến trường, tháng 4 năm 1971 nhà văn Sơn Tùng bị thương do mảnh đạn M79. Ông Nguyễn Minh Triết, một người đồng chí thân thiết cùng cơ quan đã cõng nhà văn Sơn Tùng chạy qua những cánh rừng xác xơ bị cày xới vì bom đạn vào bệnh viện dã chiến cấp cứu khi máu ròng ròng chảy ướt đẫm tấm áo sau lưng. Tình cảm keo sơn đó giữa hai người bạn, hai người đồng chí là một tấm gương mẫu mực. Sau này ông Nguyễn Minh Triết trở thành Chủ tịch nước, còn nhà văn Sơn Tùng vẫn là một hàn sĩ. Thỉnh thoảng ông Nguyễn Minh Triết lại đến thăm người bạn cũ trong căn nhà xập xệ, ở một khu tập thể nghèo ở phố Khâm Thiên.
Năm 2010 khi nhà văn Sơn Tùng bị tai biến nặng, ông Nguyễn Minh Triết đã 2 lần đến bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện Y học cổ truyền thăm và kể lại câu chuyện sâu sắc nghĩa tình giữa ông và nhà văn Sơn Tùng cho các bác sĩ nghe, mong các bác sĩ tìm cách cứu chữa nhà văn. Năm 2010, đích thân ông Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định phong danh hiệu Anh hùng Lao động cho nhà văn Sơn Tùng, và đến tận hội Nhà văn trao quyết định ấy cho nhà văn. Đôi mắt ông rưng rưng xúc động khi cầm lấy bàn tay nhà văn co quắp và mọi sự đi lại của nhà văn chỉ còn nhờ vào chiếc xe lăn.
Nhà văn Sơn Tùng từ chiến trường B2 ra Hà Nội cuối năm 1971, sau thời gian điều trị dài. 14 vết thương khắp cơ thể ông, nhiều mảnh đạn trong sọ não không thể phẫu thuật lấy ra được, tay trái co quắp, tay phải chỉ còn ba ngón tay cử động, thị lực còn 1 phần 10, mất 81% sức khỏe. Thỉnh thoảng ông lại bị động kinh. Những khi mưa gió, có khi đang ngồi bỗng bị cơn co giật và ngã ngay xuống nền nhà. Từ chối đi điều trị dài ngày ở Trung Quốc, ông tự tập khí công và thiền định, tìm cách khôi phục dần sức khỏe. Những ngày đầu những năm 70 ấy nghèo đói, gian khó, bệnh tật, nhưng ông vẫn tranh thủ thời gian khi vết thương ít hành hạ thì cầm bút viết. Cũng những ngày ấy, những người bạn văn chương dần tụ hội trong căn phòng nhỏ của ông. Cùng ngồi xuống nền nhà, cùng đàm đạo chuyện thế sự, văn chương. Dần dần hình thành một câu lạc bộ nhỏ, ông gọi đó là Chiếu văn. Trong Chiếu văn có những người nổi tiếng như Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Minh Giang, Siêu Hải, Hoàng Nhật Tân…
Có một câu nói được nhà văn Sơn Tùng nhấn mạnh trong tiểu thuyết Búp sen xanh, và tôi nghĩ đó là thông điệp quan trong trong đời cầm bút của ông: “Mắt mù không đáng sợ bằng mắt sáng tim mù.” Có lẽ theo nhà văn Sơn Tùng, thiên chức của văn chương là chống lại sự mù lòa của trái tim con người. Hay nói cách khác, văn chương chống lại sự bất nhân, độc ác, lầm lạc, bội phản của con người. Sơn Tùng lặng lẽ làm việc trong nghèo khó, trong cảnh vết thương hành hạ hàng ngày. Như một người leo núi, ông lặng lẽ nhích từng chút, từng chút về cái đích mà ông hướng tới. Sơn Tùng có viết về chiến tranh qua các tiểu thuyết: Vườn nắng, Lõm; về danh nhân cách mạng qua các truyện lịch sử: Trần Phú, Nguyễn Hữu Tiến… Nhưng mảng sách thành công nhất của ông, để lại ấn tượng nhất là mảng sách về đề tài Hồ Chí Minh.
Có thể nói, trong văn học nghệ thuật hiện đại, Hồ Chí Minh là một đề tài lớn. Hàng trăm nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ đã tái hiện hình tượng của Bác qua những loại hình nghệ thuật khác nhau. Nhưng thành công và để lại ấn tượng trong đề tài này không dễ dàng. Đối với người cầm bút như Sơn Tùng, viết về một vĩ nhân lớn nhất của thời đại mình, với tất cả sự phong phú, phức tạp và nhạy cảm của đề tài, đòi hỏi ở ông sự nghiền ngẫm, sâu sắc và kiên định rất lớn. Trong những năm được gần ông tôi hiểu thêm về những khó khăn triền miên không bao giờ hết mà ông gặp phải. Có thể do cách nhìn hẹp hòi hạn chế, có thể là từ sự hời hợt nông cạn, và có thể do cả những đố kỵ từ một số người đã kìm hãm tự do sáng tác. Sơn Tùng luôn nỗ lực để viết bằng trái tim, bằng nhận thức của mình và trở thành một người có quan điểm độc lập trong việc đánh giá và khắc tạc hình tượng Hồ Chí Minh.
Trong tác phẩm Búp sen xanh xuất bản 1982, lần đầu tiên Sơn Tùng xây dựng một mối tình trong trẻo và kín đáo giữa Nguyễn Tất Thành và Út Huệ. Câu chuyện này gây cho nhà văn khá nhiều phiền phức. Có lúc cuốn sách đã bị đình bản. Nhưng rồi thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chú ý đến sự việc, đã đọc cuốn sách và giải tỏa khó khăn cho nhà văn bằng cách đồng ý cho cuốn sách tái bản. Thủ tướng còn đích thân viết lời tựa cho cuốn sách (mà nhiều năm sau đó nhà văn mới cho in). Trải qua thời gian, người đọc đã chấp nhận việc miêu tả về một vĩ nhân thời trẻ với những mối quan hệ bình dị, gần gũi với con người. Sơn Tùng đã góp phần hé mở cánh cửa để người đọc dần dần có thể khám phá những miền tâm tư sâu thẳm của nhân vật Hồ Chí Minh.
Nếu nhìn toàn bộ sáng tác của nhà văn Sơn Tùng về đề tài Hồ Chí Minh gồm các tiểu thuyết Búp sen xanh, Bông sen vàng, Trái tim quả đất và truyện ký Bác về, Nguyễn Ái Quốc qua ký ức một bà mẹ Nga… cùng hàng chục tác phẩm ngắn khác ta thấy ngòi bút của ông luôn nhất quán và có chủ kiến riêng. Sơn Tùng viết về Hồ Chí Minh bằng lòng ngưỡng mộ, say mê và tôn thờ. Ông dành cả cuộc đời của mình từ khi mới ngoài hai mươi tuổi đến năm hơn tám mươi tuổi để tìm hiểu về Bác. Những năm năm mươi của thế kỷ trước ông đã gặp anh trai và chị gái Bác Hồ để tìm hiểu về gia cảnh, về tuổi thơ của Bác. Khi trở thành thành viên của đoàn sinh viên Việt Nam dự hội nghị Thanh niên sinh viên thế giới năm 1955, lần đầu được đến Liên Xô, ông đã tranh thủ xin gặp ngay những người có hiểu biết về Bác trên đất Nga. Sau khi đất nước thống nhất ông đã cùng vợ là bà Hồng Mai vào Đồng Tháp trong những ngày bừa bộn vừa giải phóng miền nam để thăm mộ cụ phó bảng Sắc, tìm hiểu về nhân vật Lê Thị Huệ. Trở về Hà Nội ông tìm gặp những người gần gũi với Bác như Vũ Đình Huỳnh, Vũ Kỳ và sau này trở thành người được cụ Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp quý trọng chia sẻ thêm nhiều tư liệu quý.
Ngày nay những tác phẩm của nhà văn Sơn Tùng đã được hàng triệu độc giả biết đến và tìm đọc, nhưng không mấy ai tường tận nhà văn đã gạn lọc, đã mò mẫm trong khoảng thời gian mấy mươi năm, chấp nhận mọi sự khó khăn do hiểu nhầm, do nghèo đói để tìm kiếm những tư liệu độc đáo, có ý nghĩa nhằm khắc tạc nên hình tượng của vĩ nhân Hồ Chí Minh. Trong công việc sáng tác về Hồ Chí Minh, Sơn Tùng là một trong những người có công đầu trong việc tạo ra một hệ thống tư liệu gốc về gia đình, quê hương, về tuổi thơ, về những mối quan hệ của Hồ Chí Minh thời trẻ. Hệ thống tư liệu ấy, cùng với ngòi bút khắc tạc nghiêm cẩn và tài tình của ông đã làm sống lại không chỉ hình tượng vĩ nhân mà còn gợi mở thêm những tự liệu quý về những thời khắc lịch sử đầu thế kỷ 20. Trong các trang sách của ông cũng làm sống dậy những tinh hoa văn hóa cổ truyền, những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên ta.
Hơn mười năm nay nhà văn Sơn Tùng bị tai biến và không còn sáng tác được nữa. Ông vẫn ở trong một căn phòng xập xệ ở phố Khâm Thiên trong sự chăm sóc của bà Hồng Mai, một người vợ đã đồng hành cùng ông qua muôn nỗi gian truân, một người lặng lẽ phía sau góp sức cùng chồng tạo nên những tác phẩm lớn. Nhiều hôm tôi đến, cầm tay ông chỉ còn biết im lặng. Đôi mắt ông nhìn tôi, có lúc ứa ra những giọt lệ. Ông không nói được. Bàn tay ông truyền sang tôi một cảm giác ấm nóng lạ lùng.
Đề tài Hồ Chí Minh vẫn còn là một đề tài lớn vẫy gọi người sáng tác ở nhiều loại hình nghệ thuật và ở những thế hệ khác nhau. Nhưng những gì ông đã viết là sự đóng góp vô giá cho văn học. Và tôi nghĩ, vinh quang thuộc về những trái tim nhân hậu, những tâm hồn trong sáng vượt lên những cám dỗ, những lợi quyền, không khuất phục uy vũ, để sáng tạo nên những tác phẩm kết tinh giá trị và phẩm giá của dân tộc. Sơn Tùng là một người như vậy. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ngợi ca ông: “Nhà văn chỉ còn ba ngón tay mà vẫn bám được vào đời bằng nghề viết.” Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi ông là “người có trí mệnh.” Nghị lực của ông, tâm hồn trong sáng, cương nghị và khát vọng cống hiến của ông mãi là một tấm gương sáng ngời.
Nguồn: Facebook Thiên Sơn