Việc đối lập kiểu nhà thơ Tố Hữu với kiểu nhà thơ Nguyễn Duy, về hình thức, dường như không có vấn đề gì, nhưng về lịch sử, là phản khoa học. Cần phải có quan điểm lịch sử trên mọi cái nhìn vào hiện thực... Đặt nhà thơ – chiến sĩ bên nhà thơ chúng sinh là một sự hàm  hồ mang dụng ý bất thiện. Vậy nhà thơ – chiến sĩ có mang phẩm chất của chúng sinh không? Có nói lên tiếng nói của chúng sinh không?

  

THẢO MAI LOẠI HÌNH TÁC GIẢ

 VƯƠNG ÂN SỦNG

 Trên vanhocsaigon.com hôm rồi có hai thông tin đáng chú ý: Chữ và Nghĩa: Thảo Mai nghĩa là gì? của PGS.TS. Phạm Văn Tình đã đăng trên TT&VH. Và Khi nhà phê bình thách thức văn học sử đương đại của GS. Trần Đình Sử.

Theo tác giả Phạm Văn Tình thì Thảo Mai là tên cô cung nữ trong cung vua Thủy Tề, cô này thêu dệt bịa đặt gán tội cho người khác, sau bị vạch mặt chỉ tên. Từ đó, Thảo Mai trở thành từ ngữ chỉ loại người gian lận bịa tạc xu thời vụ lợi trước sau bất nhất. Cái đồ thảo mai… đấy là câu thường nghe trong dân gian có ý phê phán một người nào đó.

Khi nhà phê bình thách thức văn học sử là lời GS. Trần Đình Sử giới thiệu cuốn “Nguyễn Duy – Nhà thơ hiện đại Việt Nam” của nhà nghiên cứu – nhà giáo, PGS.TS. Lã Nguyên. Đại ý, trước đến nay chỉ xem văn học theo thời gian. Sự khác biệt được tính bằng giai đoạn: Văn học chống Pháp, Văn học chống Mỹ, Văn học đổi mới… rồi nêu các tác giả tiêu biểu. Còn Lã Nguyên, ở đây đã thực hành phân tích diễn ngôn để loại hình hóa các dòng văn học trong nội bộ của nó. Tác giả ở đây được xem xét như là một kiểu tác giả và tác phẩm của họ thuộc vào một kiểu, một loại hình nghệ thuật. Như Tố Hữu là kiểu nhà thơ – chiến sĩ, nhà thơ của tính Đảng, viết theo sự đặt hàng của Đảng… Còn Nguyễn Duy là nhà thơ của chúng sinh nói lên tiếng nói đời thường của tầng lớp dưới đáy “không mảy may quan tâm đến chuyện lớn lao dời non lấp bể”… Sự khác biệt giữa hai kiểu nhà thơ, hai loại hình thơ, hai dòng thơ này là khác biệt từ nhãn quan nghệ thuật. Khác về nguyên tắc trong nhãn quan nghệ thuật (T.Đ.S). Sáng tác của Nguyễn Duy không phải là phiên bản của văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa còn của Tố Hữu đương nhiên là rất XHCN!

Theo chúng tôi thì điểm xuất phát của Lã Nguyên và Trần Đình Sử là chủ nghĩa hình thức. Các ông muốn quy thực tiễn sáng tác vào loại hình nghệ thuật. Sẽ có nhiều kiểu nhà thơ (tác giả) khác nhau và họ sẽ sản sinh ra nhiều loại hình sáng tác (tác phẩm) khác nhau.

Trong đời sống thì phương pháp loại hình hóa có tác dụng của nó. Chẳng hạn cà phê có các loại hình theo chất lượng, loại I, II, III, rồi cà phê cứt chồn. Rồi cà phê hòa tan, cà phê fin, cà phê pha sẵn v.v… Vận dụng phương pháp loại hình vào đời sống nghệ thuật đương nhiên cũng có tác dụng của nó. Nhưng không phải là tất cả, là tối ưu. Chưa nói là sự vận dụng mang tính chủ quan, có những mục đích nhất định.

Như đã nói, mục đích của Lã Nguyên và Trần Đình Sử là muốn loại hình hóa văn học ít ra là thời kỳ 1945-1975. Các vị đã qui giản lại ở hai nhà thơ tiêu biểu cho hai loại hình: Tố Hữu – kiểu nghệ sĩ – chiến sĩ. Còn Nguyễn Duy là kiểu nhà thơ chúng sinh, đúng hơn là kiểu nhà thơ của chúng sinh. GS. Trần Đình Sử đã khu biệt hai kiểu nhà thơ như thế này:

“Một đằng là kiểu nhà thơ chiến sĩ sinh ra từ sự kiện cách mạng, mang sứ mệnh thiêng liêng, đảm nhiệm việc tuyên truyền lý tưởng, ca ngợi chế độ, lãnh tụ và quần chúng nhân dân đi theo Đảng “Sống cùng Đảng chết không rời Đảng”, vạch ra những chân lý lớn của thời đại, cổ vũ chiến đấu cho lý tưởng sáng ngời, chỉ nói tiếng nói của Đảng và Cách mạng. Một đằng là kiểu nhà thơ chúng sinh, sinh ra như mọi đứa trẻ ở thôn quê, lớn lên trong mọi hoàn cảnh đời thường, nói tiếng nói của tầng lớp dưới đáy, đời thường, tình cảm cha mẹ, vợ con, bà cháu với chủ nghĩa yêu nước sâu xa mà giản dị, thuần phác và khát vọng về cuộc sống mộc mạc, yên bình, phóng khoáng…”.

 

“… Tố Hữu là người lãnh đạo, ông quán triệt tính Đảng sâu hơn, còn với nhà thơ – người lính như Nguyễn Duy, ông chỉ cảm nhận thế giới như người thường, quan tâm sự sống cái chết, buồn vui của đời người thường dân, không mảy may quan tâm đến chuyện dời non lấp biển…” (Lời giới thiệu Sđd.).

Bản thân phương pháp loại hình hóa là không có hại gì nhưng sự vận dụng của Lã Nguyên và Trần Đình Sử là có vấn đề. Qua giọng văn của GS. Trần Đình Sử ta thấy toát lên tinh thần mặc cảm. Các ông khu biệt, đối lập chủ nghĩa hiện thực XHCN, văn học mang tính Đảng, kiểu nhà văn – chiến sĩ với nhà văn chúng sinh, với quần chúng nhân dân, với tầng lớp dưới đáy, với cuộc sống thường nhật. Quan điểm đó hoàn toàn hiện thực và phản lịch sử. Đây là một thâm ý của Trần Đình Sử. Ngay từ 2014, ông đã cho rằng lý luận văn nghệ Mác – Lênin đã sụp đổ, không còn nơi nương tựa, lý luận văn học Nhà nước đã mất thiêng. Thơ Tố Hữu chỉ là thơ tuyên truyền cổ động không có giá trị gì và xa hơn là văn học Cách mạng và Kháng chiến 1945-1975 cũng chung số phận đó. Trần Đình Sử đã mượn lời Lã Nguyên, mượn việc làm của Lã Nguyên để tỏ chí mình, của người phúc ta đấy thôi. Đây là cặp bài trùng. Xem hai vị tâng bốc nhau trong cuốn Phê bình ký hiệu học của Lã Nguyên – được Giải thưởng Phan Châu Trinh – thì thấy rõ.

Việc đối lập kiểu nhà thơ Tố Hữu với kiểu nhà thơ Nguyễn Duy, về hình thức, dường như không có vấn đề gì, nhưng về lịch sử, là phản khoa học. Cần phải có quan điểm lịch sử trên mọi cái nhìn vào hiện thực.

Đảng và nhân dân, Đảng và chúng sinh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc là một khối thống nhất. Đảng là đội tiên phong của dân tộc trong cuộc cách mạng đó. Nếu Đảng không vì dân vì nước thì không thể đoàn kết được dân tộc. Thực tiễn như thế. Trong công cuộc đó, mỗi người ở mỗi vị trí công việc, mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng đều chung lý tưởng và mục đích. Đương nhiên, ở vị trí công tác của Tố Hữu thì trải nghiệm đời sống và sáng tác thơ ca của ông khác với Nguyễn Duy. Tố Hữu nói lên tiếng nói của cuộc sống trong hoàn cảnh của mình. Nguyễn Duy nói lên tiếng nói của cuộc sống trong hoàn cảnh của mình. Cùng hòa lại thành tiếng nói của cuộc sống cách mạng qua thơ ca. Phân chia thành nhà thơ chúng sinh và nhà thơ chiến sĩ là hoàn toàn võ đoán, không thực tế. Không thể bê y nguyên cách nói về văn học hiện thực phê phán thế kỷ XIX về các nhà văn đã mô tả, phản ánh, nói lên tiếng nói của tầng lớp dưới đáy xã hội bị áp bức như anh Pha, chị Dậu, Chí Phèo v.v… Xã hội Việt Nam sau tháng 8-1945 vẫn có các đẳng cấp có địa vị và thực lực kinh tế khác nhau nhưng không có tầng lớp dưới đáy như trước đây. GS. Trần Đình Sử không phải là người Thanh Hóa nên chúng tôi thể tất với ông. Nhưng với PGS.TS. Lã Nguyên thì cần phải nhắc nhở, vì ông quê ở Đông Sơn – Thanh Hóa. Rằng nhà văn Nguyễn Trần Thiết quê ở Hoằng Hóa – Thanh Hóa vốn là một cố nông, đi ở cho địa chủ. Cách mạng đến rồi kháng chiến, ông đi theo bộ đội, làm liên lạc. Từ mù chữ ông được học rồi phấn đấu trở thành nhà văn quân đội. Nên xếp ông vào loại hình nhà văn nào?

Trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc thì Đảng và Dân là một khối thống nhất. Làm theo chỉ thị của Đảng là vì lợi ích của Dân. Vì Dân mà Đảng đứng ra tổ chức, lãnh đạo Dân. Nếu có viết theo chỉ thị của Đảng theo đơn đặt hàng của Đảng thì cũng là vì Nước, vì Dân. Có lẽ các ông không biết quyển Người Việt cao quý của nhà văn Vũ Hạnh lấy bút danh là A. Pazzi là viết theo gợi ý của Đảng thông qua một cán bộ cụ thể là ông Trần Bạch Đằng. Nhà văn Vũ Bằng sống và viết ở miền Nam trước 1975 là theo lệnh của Đảng đấy.

Đặt nhà thơ – chiến sĩ bên nhà thơ chúng sinh là một sự hàm  hồ mang dụng ý bất thiện. Vậy nhà thơ – chiến sĩ có mang phẩm chất của chúng sinh không? Có nói lên tiếng nói của chúng sinh không?

Lại nhắc lại với PGS.TS. Lã Nguyên, nhà thơ Cầm Giang tức Cầm Vĩnh Ui tức Bạc Văn Ùi tức Lê Gia Hợp quê ở làng Nguyệt Viên, Hoằng Hóa – Thanh Hóa. Thơ của ông là có tiếng nói của chúng sinh, đại diện cho chúng sinh không? Ông hãy nhớ lại các bài thơ Núi Mường Hung dòng sông Mã; Em là con gái Châu Yên; Nhớ vợ; Em tắm… xem có là tiếng nói, là tâm sự, tình cảm của chúng sinh không? Trong hai câu thơ của nữ sĩ Anh Thơ: Người đàn bà ấy áo xanh / Chiều chiều hái củi nghiêng mình bên nương… (Kể chuyện Vũ Lăng) có chút gì vương vấn với chúng sinh không?

Theo chúng tôi, nghiên cứu thơ Nguyễn Duy cần phân biệt các giai đoạn, thời kỳ sáng tác và các trạng thái tình cảm khác nhau. Khi Nguyễn Duy còn ở trong quân đội, là nhà thơ – chiến sĩ thực thụ, thời kỳ trước giải phóng miền Nam, thơ của ông có những giá trị đã được khẳng định. Sau đó, trong tình hình đất nước diễn biến phức tạp, ông có những bức xúc chính đáng và cho đến hôm nay ông vẫn đau đáu đau lòng về việc nước với tinh thần công dân. Đó là điều rất đáng trân trọng.

Ông cũng có lúc xử sự cực đoan. Nhưng gần đây ông đã tuyên bố ly khai với Văn đoàn độc lập và ra khỏi Hội Nhà văn Việt Nam, làm một nghệ sĩ tự do. Chúng tôi trân trọng sự lựa chọn của ông. Chúng tôi nghĩ, các nhà nghiên cứu cần khám phá khẳng định giá trị thơ Nguyễn Duy ở hai tiêu chí: tính nhân văn và tính dân tộc. Còn khoác cho ông cái áo nhà thơ chúng sinh thì cái đoạn nhà thơ chiến sĩ rất thực thụ Có người ngủ thế nên quen / Đã nghe sợi tóc bạc trên tay mình… (Bầu trời vuông). Câu Ai chưa uống nước ngô non / Là chưa biết hết cái ngon của đồng được viết khi ông đang mặc áo lính. Có phải là rất chúng sinh trong tâm hồn một nhà thơ – chiến sĩ hay không? Cái đoạn ấy bây giờ phải gói ghém vào đâu? Sao lại chặt đôi cắt khúc con người nhà thơ ra như thế? Nếu thật sự muốn vận dụng phương pháp loại hình hóa thì chúng tôi nghĩ các vị nên tìm đến các nhà thơ khác mang tính điển hình, như Đoàn Văn Cừ chẳng hạn. Còn văn học giai đoạn 1945-1975 không nên loại hình hóa thành nhà thơ – chiến sĩ và nhà thơ chúng sinh mà ông Lã Nguyên tiếp tục hơi vụng về công trình của người đồng hương đã quá cố, quyển Nguyễn Duy – nhà thơ thảo dân của cố tác giả Chu Văn Sơn và có phải được gợi ý từ công trình của cố GS. Phan Ngọc: Đỗ Phủ – nhà thơ dân đen.

Cả Lã Nguyên và Trần Đình Sử đang làm một áp-phe chính trị và nghệ thuật, là tâng nịnh Nguyễn Duy để hô hào một hướng nghiên cứu xu thời vụ lợi mà thôi. PGS.TS. Lã Nguyên chỉ là bàn tay cánh tay vươn dài của GS. Trần Đình Sử. Mà vị giáo sư này, qua Thi pháp thơ Tố Hữu – 1987; Trên đường biên của lý luận văn học – 2014, Tổng chủ biên và Chủ biên SGK, nhất là cuốn Ngữ văn 9 (đồng chủ biên) và gần đây nhất là Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thẩm định SGK lớp Một. Và không nên quên một bài viết rất đáng giá của ông trong công trình tập thể Một thời đại văn học mới (1987). Ngày đó ông ca ngợi văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa cùng thành tựu đưa chính trị vào văn học lên tận cửu trùng đài!

Cuộc chiến giữa các Giáo sư khoa Ngữ văn ĐHSPHN quả là quyết liệt và lâu dài. Lần này các Giáo sư T.Đ.S và L.N lại mượn loại hình diễn ngôn để quyết hạ thơ Tố Hữu!

Cuộc sống diễn biến vô cùng nhanh chóng và phức tạp khó mà dự đoán. Chỉ nên có niềm tin nếu đã được xác quyết và thử thách. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc là một giá trị văn hóa vĩ đại của dân tộc. Văn học – nghệ thuật trong giai đoạn đó đã hoàn thành trách nhiệm lịch sử, có những đóng góp nhất định.

Nghiên cứu nó để rút lấy bài học kinh nghiệm. Muốn định danh định vị Nguyễn Duy là cổ điển – hiện đại hay hiện đại – cổ điển hay cổ điển – hiện đại – vị lai đều được – Nguyễn Duy xứng đáng như thế. Nhưng bảo Sáng tác của Nguyễn Duy không phải là phiên bản của văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa thì Lã Nguyên còn lâu mới bằng Sơn Tỷ! ((Sơn Tỷ là người gánh thuê rất độc đáo ở ga Thanh Hóa. Đã giao giá rồi thì thêm 1 đồng không lấy. Thiếu 1 đồng bớt 1 đồng, Sơn Tỷ gánh trả trở lại chỗ xuất phát, không lấy đồng nào, để dạy cho một bài học! Truyện ngắn của Nguyễn Sơn Hà theo nguyên mẫu ở ga Thanh Hóa).

Tháng 7-2021

 

Nguồn: Văn Nghệ TPHCM số 652 ra ngày 22/7.