Bọn sinh viên biên kịch- đạo diễn Nga cùng khóa, lúc trà dư tửu hậu thường sởi lởi nói thật với tôi: Đọc truyện, xem phim nước chúng mày có khác gì đọc văn chương, xem nghệ thuật của nước chúng tao những năm 1949, 1950 đâu. Cũng toàn là chuyện ùng oàng, dũng cảm thừa thắng xông lên cả! Cũng là những bài báo kéo dài, dàn mỏng ra, tả trời tả mây thêm chút ít và gọi là văn chương thôi...


CHỢT NHỚ… VÀ KHÓ QUÊN…

TÔ HOÀNG

Những năm 1960, 1970 gì đó, ở Hà Nội trong anh em viết văn, hay chuyền nhau câu chuyện sau:

Năm  nhà văn Việt Nam sang thăm Liên Xô: Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Xuân Diệu được Ilya Erenbuorg tiếp. Chỉ riêng cụ Nguyễn Tuân ngồi nói chuyện được với Erenbuorg, còn bốn vị kia thơ thẩn dạo gót quanh phòng xem những bức tranh treo trên tường...

Tôi đồ rằng đó là chuyện...phịa !

Những năm 1980 tôi ở Moskva, nhiều lần tới thăm các đoàn nhà văn Việt Nam sang Liên Xô. Bạn quen bố trí cho các nhà văn ta ở tầng 7 hoặc tầng 8 khách sạn Ucraina. Khách sạn này nằm ở trung tâm Moskva đấy, nhưng cũng chỉ thuộc loại B hoặc B (+.) Thú thật, tôi chưa bao giờ gặp các nhà văn Xô Viết tiếng tăm nào ra thăm hỏi, trò chuyện với các đồng nghiệp VN cả, ngoài mấy ông Chop, Chev… dịch giả văn học Việt sang tiếng Nga.

Để "ra oai" mình hơn người, các nhà văn VN thường xuống kiốt mua mấy tờ báo tiếng Pháp đặt trên lò sưởi trong phòng (Dĩ nhiên ở kiốt cũng chỉ bán tờ “Humaniter của Đảng Cộng sản Pháp thôi, chứ không có tờ báo Pháp nào khác). Về khoản này, thì các nhà văn Xô Viết (trừ Erenburg hay vài ông nữa..) thua kém các nhà văn VN rồi (cỡ Nguyễn Đình Thi, Chế lan Viên..)

Lại nhớ tiếp: Cuối năm 1980, làm phiên dịch cho đoàn học viên Khóa 3 sang tập huấn 3 tháng tại Học viện Gorki. Lên lớp được 2, 3 tuần các ông Vũ Quần Phương, Bế Kiến Quốc, Thạch Quỳ… cứ liên tiếp giục giã tôi nói với nhà trường phải mời bằng được những C.Aitomatov, Evtushenko, I.Bondarev hay nhà thơ kiêm ca sỹ đang nổi Vưisotsky… đến trò chuyện về kinh nghiệm nghề. Dĩ nhiên tôi chả ngớ ngẩn gì mà chuyển ý kiến ấy cho ban giám hiệu nhà trường.

Vì sang Nga- Xô chỉ một vài năm, tôi hiểu ngay ra trong văn chương, nghệ thuật cũng tồn tại lằn ranh NƯỚC LỚN- NƯỚC NHỎ, VĂN HÓA CỦA NHỮNG XỨ SỞ VĂN MINH và VĂN HÓA CỦA NHỮNG XỨ SỞ TẦM TẦM hoặc LẠC HẬU. Bọn sinh viên biên kịch- đạo diễn Nga cùng khóa, lúc trà dư tửu hậu thường sởi lởi nói thật với tôi: Đọc truyện, xem phim nước chúng mày có khác gì đọc văn chương, xem nghệ thuật của nước chúng tao những năm 1949, 1950 đâu. Cũng toàn là chuyện ùng oàng, dũng cảm thừa thắng xông lên cả! Cũng là những bài báo kéo dài, dàn mỏng ra, tả trời tả mây thêm chút ít và gọi là văn chương thôi...

K thêm xíu: 

Đầu những năm 1980, lần đầu tiên tạp chí "Văn Học Nước ngoài" của Liên Xô (chuyên giới thiệu văn chương thế giới) đăng trọn vẹn tiểu thuyết "Miền cháy" của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Tôi nhớ, khi còn ở trong nước, tôi và bạn bè văn chương cho rằng đấy là một tác phẩm hay, mô tả chân thực về sự khốc liệt, ghê gớm của cuộc chiến tranh, đặc biệt là ở vùng đất Quảng Trị. Tôi tin là thế và rất tự hào đưa mấy thằng bạn thân người Nga đọc. Nửa tháng, rồi một tháng không thấy chúng trả sách, cũng không thấy chúng trao đổi gì với tôi. Bực quá, nhưng dấu trong bụng và đòi lại.

Cuốn tạp chí nói chung là còn rất mới. Tôi tự ái, mắng chúng nó không chịu đọc. Chúng thanh minh, có đọc nhưng cũng lướt qua thôi. Hỏi không hấp dẫn hay còn vì sao nữa? Đáp: Vì cũng là chuyện bên ta giết một thằng bên kia, nhưng bà mẹ của thằng bên kia vẫn quý mến, thương yêu thằng bên ta.Có gì mới đâu!

Chê chúng nó lướt phướt qua loa… Chúng cười: trong "Miền cháy" cũng tìm ra được một chi tiết mới, lạ đấy! Là gì, vặn thêm. Đáp: Là ở vùng chiến sự ác liệt  bom đạn thiêu trụi từng mầm cỏ xanh như thế ,  lại có những con chuột hoang không biết ăn gì mà to như những con mèo...