Covid-19 vẫn còn chưa phải là đại dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người. Xin đừng vỗ về số phận. Một năm rưỡi vừa qua đã cho thấy toàn cầu hóa, sự gia tăng du lịch hàng không và sự gần gũi ngày càng tăng của con người với động vật - nói ngắn gọn là việc hiện đại hóa - đã khiến nhân loại dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn
VẮC XIN CHO ĐẠI DỊCH TOÀN CẦU (1)
Bài trên báo FOREIGN AFFAIRS - Mỹ
Do đó, để duy trì cách sống của chúng ta đòi hỏi những thay đổi sâu sắc, ví như làm gì đây để tương tác với thế giới tự nhiên, cách chúng ta nghĩ về việc phòng chống dịch bệnh và cách chúng ta ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu phải như thế nào? Yêu cầu này cũng đòi hỏi ngay cả các nhà lãnh đạo thế giới theo chủ nghĩa dân túy cũng phải suy nghĩ với tầm nhìn toàn cầu. Ích kỷ và chủ nghĩa dân tộc là có hại khi nó trở thành một căn bệnh truyền nhiễm chết người lây lan khắp thế giới theo cấp số nhân với tốc độ của một chiếc máy bay phản lực. Trong một đại dịch, sự quan tâm, chăm lo cho nội tại một quốc gia cũng như cho toàn cầu phải đồng cân đồng lạng đều như nhau...
Đã đến lúc phải nói thẳng ra rằng: Virus xuất hiện trong đại dịch Covid-19 sẽ không trốn lẩn đi đâu. SARS-CoV-2 không thể bị tiêu diệt vì nó đã hiện diện ở hơn một chục loài động vật khác nhau. Đối với con người, khả năng miễn dịch cộng đồng trên phạm vi toàn cầu từng được coi như giải pháp duy nhất là không thể đạt được. Hầu hết các quốc gia đơn giản là không có đủ vắc-xin, và thậm chí ở một số quốc gia may mắn có đủ, thì quá nhiều người từ chối tiêm chủng. Kết quả là, thế giới sẽ không đạt được đến mức mà tại một thời điểm hội đủ số người cần thiết có khả năng miễn dịch, để ngăn chặn sự lây lan của vi rút trước khi các chủng nguy hiểm mới xuất hiện – những virut dễ lây nhiễm hơn, kháng vắc xin hơn và thậm chí có khả năng “đánh lừa” các xét nghiệm chẩn đoán hiện có. Những "siêu chủng" như vậy có thể ném thế giới trở lại nguồn gốc của một đại dịch. Và có thể năm 2020 sẽ lại đến trên hành tinh này.
Thay vì biến mất, virus có khả năng bùng phát khắp thế giới như một quả bóng bàn trong nhiều năm tới. Một số quốc gia - câu chuyện thành công đã là của ngày hôm qua, hiện đang đối mặt với những đợt bùng phát lớn mới. Nhiều nước trong số đó là những “ ốc đảo vàng “ đã kiềm chế được đại dịch thông qua việc kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, thử nghiệm, truy vết và cách ly tuyệt vời, nhưng lại không thể có được vắc xin tốt. Lấy ví dụ, Đài Loan và Việt Nam, những quốc gia có số ca tử vong thấp đến mức ấn tượng cho đến tháng 5 năm 2021, nhưng hiện nay, do tình trạng không được tiêm chủng nên tình hình đã thay đổi đáng kể. Nhưng ngay cả những quốc gia đã tiêm phòng cho hầu hết dân số của họ dịch cũng sẽ dễ bị bùng phát do một số chủng vi rút mới gây ra. Rõ ràng, đây chính xác là những gì đã xảy ra ở một số điểm nóng, chẳng hạn như Chile, Mông Cổ, Seychelles và Vương quốc Anh. Virus không biến mất ở bất cứ đâu. Câu hỏi đặt ra là chúng ta cần làm gì để chính chúng ta cũng không biến mất?
Đánh bại đại dịch không chỉ đòi hỏi nhiều hơn nữa tiền và nguồn lực - đó còn là vấn đề về ý tưởng và chiến lược. Năm 1854, ngay trước khi lý thuyết về vi trùng được phát minh, bác sĩ John Snow đã ngăn chặn một trận dịch tả ở London bằng cách truy tìm nguồn gốc của nó từ một cái giếng bị ô nhiễm; sau đó ông thuyết phục các nhà lãnh đạo cộng đồng tháo tay cầm ra khỏi máy bơm giếng, dịch bệnh đã dừng lại. Bệnh đậu mùa lan tràn ở Châu Phi và Ấn Độ vào những năm 1970. Nhà dịch tễ học William Foege, người làm việc tại một bệnh viện ở Nigeria, nhận ra rằng lượng vắc xin nhỏ mà người ta đã cung cấp cho ông không đủ để tiêm chủng cho tất cả mọi người. Và ông đã nghĩ ra một cách mới để sử dụng vắc-xin, không nhắm vào những người tình nguyện hoặc những người có mối quan hệ tốt, mà là những người có nguy cơ sắp mắc bệnh. Vào cuối thập kỷ này, nhờ vào chiến lược đó, ban đầu là việc thực hiện điều được gọi là "kiểm soát và ngăn chặn" và sau đó là "tiêm chủng vòng", đã loại bỏ bệnh đậu mùa. Một chiến lược như vậy, được áp dụng cho thế kỷ 21, cùng với việc tiêm chủng hàng loạt nhanh hơn cho dân số, dường như cũng có thể giúp chúng ta chặn được thời điểm bùng nổ của covid-19 trong lịch sử loài người.
Để chống lại đại dịch hiện nay, dịch tễ học cũng có những công cụ có thể cho phép đưa thế giới trở lại trạng thái cuộc sống tương đối bình thường giúp chúng ta có thể sống chung với SARS-CoV-2, như chúng ta đã từng học cách sống chung với các bệnh khác như cúm và đậu mùa. Chìa khóa là coi vắc xin như những nguồn lực di động có thể được triển khai nhanh chóng đến những nơi chúng cần thiết nhất: những điểm nóng nơi tỷ lệ lây nhiễm cao và nguồn cung cấp vắc xin hạn chế. Hoa Kỳ, được trang bị đầy đủ vắc-xin, có đủ khả năng để dẫn đầu những nỗ lực này với một phiên bản hiện đại hóa của chiến lược đấu tranh với bệnh đậu mùa.
Trong khi đó, các chính phủ phải sử dụng các công nghệ mới để phát hiện và ngăn chặn các ổ dịch tốt hơn nữa. Điều này có nghĩa là sử dụng hệ thống thông báo để nhanh chóng cảnh báo mọi người về khả năng lây nhiễm. Và điều đó có nghĩa là mở rộng khả năng giải trình tự toàn bộ bộ gen của vi-rút để các nhà nghiên cứu có thể nhanh chóng xác định chủng nào ở đâu và loại vắc-xin nào hoạt động tốt nhất chống lại từng chủng. Tất cả điều đó sẽ cần tiến hành càng nhanh càng tốt. Các quốc gia càng chậm tiêm chủng cho những người có nguy cơ lây lan bệnh tật cao nhất, thì càng có nhiều chủng vi rút.
Cũng cần phải đổi mới một cách căn bản hệ thống ứng phó với đại dịch quốc tế. Như cuộc khủng hoảng hiện tại đã cho thấy, hệ thống đang bị thiếu vốn, chậm chạp và dễ bị chính trị can thiệp một cách nguy hiểm. Với sự trỗi dậy của các xu hướng dân tộc chủ nghĩa trên khắp thế giới, các quốc gia cần tìm ra cách những cách thức hợp tác cùng nhau để cải cách các tổ chức y tế công cộng toàn cầu tức những tổ chức sẽ chịu trách nhiệm dẫn đầu cuộc chiến lâu dài chống lại Covid-19. Những cơ quan này cần được bảo vệ và trao quyền để chúng có thể hoạt động nhanh hơn trước đây.
Đại dịch liên quan nhiều đến niềm tin của chúng ta vào những câu chuyện cổ và những phép màu. Vào đầu năm 2020, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã phủ nhận rằng những gì bắt đầu bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc, có thể lan rộng ra toàn thế giới. Nhiều tháng trôi qua, các chính phủ tưởng tượng rằng vi rút có thể được ngăn chặn thông qua các biện pháp kiểm soát biên giới và sự lây lan của nó sẽ chậm lại một cách kỳ diệu khi thời tiết ấm áp. Họ cho rằng kiểm soát nhiệt độ có thể xác định bất kỳ ai mang vi rút, rằng các loại thuốc hiện có có thể được sử dụng lại để giảm thiểu bệnh tật và sự lây nhiễm tự nhiên đó sẽ dẫn đến khả năng miễn dịch bền vững. Nhưng tất cả những giả định ấy hóa ra là sai. Khi con số người thiệt mạng ngày càng tăng, nhiều nhà lãnh đạo các nước tiếp tục phủ nhận điều này. Bác bỏ khuyến nghị của các nhà khoa học, họ đã không tổ chức hợp lý việc đeo khẩu trang và thực hiện việc giãn cách xã hội rộng rãi,kể ngay đến khi đã tích lũy được bằng chứng về nhu cầu cấp thiết của các biện pháp này. Giờ đây các chính phủ còn cần phải nhận ra một sự thật đáng xấu hổ khác, rằng điều mà nhiều người hy vọng sẽ chỉ là một cuộc khủng hoảng ngắn hạn thì thay vào đó sẽ là một cuộc chiến lâu dài và chậm chạp chống lại một loại virus có khả năng phục hồi đáng kể.
TÔ HOÀNG
( Chuyển ngữ qua tiếng Nga )