Hoa hậu Việt Nam 1994- Nguyễn Thu Thủy vừa qua đời ở tuổi 45, là một phụ nữ say mê với việc đọc và viết. Chị từng thổ lộ: “Tôi viết được kha khá nhưng chưa đến thời điểm công bố và phát hành. Chắc là trong tương lai tôi sẽ ra mắt một vài cuốn tiểu thuyết”. Xin được giới thiệu truyện ngắn “Thành phố mưa phùn”, một trong số ít tác phẩm mà Hoa hậu Nguyễn Thu Thủy lúc sinh thời đã tự tin giới thiệu với công chúng.

 

THÀNH PHỐ MƯA PHÙN

 

Truyện ngắn của NGUYỄN THU THỦY

 

...Cô chẳng hiểu sao mình lại lạc vào giữa thành phố này. Thành phố mùa xuân ẩm ướt.

Cô thức dậy lúc 4 giờ kém 10 phút sáng như mọi khi. Không khí trong phòng khô ráo hơn bên ngoài cửa sổ. Phòng cô và bên ngoài được ngăn nhờ lớp cửa kính dày. Cửa chống ồn, chống nhiệt khung nhôm sơn tĩnh điện trắng. Ngoài ô cửa, ánh sáng trắng mờ mờ bởi không khí đặc hơi nước. Cô nhỏm dậy, ngó ra cửa, lấy tay di nhẹ trên những lấm tấm nước đọng trên kính.

- Không có trăng. Cô lẩm bẩm, khẽ đẩy hé cánh cửa kính ra. Rồi lại trở về giường nằm và chờ đợi.

Ở tầng cao nhất của khu căn hộ 18 tầng này, cô luôn luôn nghe thấy tiếng gió rít giữa các khu nhà cao tầng, khi thì u u buồn bã, khi dóng diết, khi thì ầm ào như có thác nước gần đó. Thành phố của cô đang ở giữa mùa xuân.

- Trời có lẽ đang mưa phùn. Cô nghĩ.

Chỉ ở thành phố của cô mới có thứ mưa như thế. Mưa phùn. Mưa mịn như rắc bụi lên mọi vật. Chẳng ai nghe được tiếng mưa phùn mùa xuân, cũng không nghe được những nhúc nhích bên dưới mặt đất. Không có tiếng động, không có hình thù rõ rệt, có mấy ai nhìn thấy được hạt mưa phùn bao giờ. Mới tối qua trước khi đi ngủ, cô ra đứng ngoài ban công nhìn cả thành phố của cô trong màn mưa. Mọi vật như đang bốc khói, một thứ khói lành lạnh, ướt và đầy mùi ẩm mốc.

- Mình cũng mọc rêu lên mất thôi nếu cứ nằm thế này mãi.

Cô đã nói thế với Hữu. Thằng bé đến từ lúc nào, đang ngồi bên bậu cửa sổ nhìn cô. Cô cảm nhận được sự xuất hiện của nó. Nó nhìn cô buồn bã.

- Bắt đầu chưa? Hữu hỏi.

- Bắt đầu đi. Cô gật đầu. Thở dài. Cô khẽ nhắm mắt. Nhưng cô lại ngồi dậy, nhìn Hữu, hỏi:

- Chúng mình sẽ mãi thế này sao? Mình cần tìm lối thoát. Cậu hứa giúp mình mà. Cô bắt đầu khóc.

Hữu lắc đầu, vẫn từ bậu cửa sổ. Đằng sau lưng Hữu là thành phố của cô đang mờ mịt trong màn mưa bụi. Từ giường nhìn ra, cô có thể thấy rất nhiều đèn từ các khu nhà, một hàng mờ tối sẫm của cây cối bên bờ sông. Dưới mưa, đèn thì giống những khoảng tối còn những khoảng cây tối lại như tự sáng lên. Mưa rơi xuống mặt sông, một cuộc hội ngộ buồn. Con sông uốn éo chảy qua thành phố của cô quanh năm đục ngầu phù sa. Một thứ đất mịn màng chảy qua tay trôi tuột đi mỗi khi cô định vốc nó lên. Mưa xuân cũng mịn như đất phù sa, cô nghĩ. Từ đây cô không thể nhìn thấy cây cầu sắt cho đường xe lửa chạy qua, cũng không thể nghe thấy tiếng còi tàu chợ, tầm này tàu từ miền ngược vào thành phố. Chẳng phải chỉ lúc này mới không nghe thấy tiếng còi tàu mà đã suốt nhiều năm qua cô không nghe thấy nó.

Tu tu tu tu tu tu tu tu tu tu tu…

Cô lại nằm xuống giường.

Tu tu tu tu tu tu tu tu…

Cô bảo Hữu:

- Mình bắt đầu đi.

Cô gọi Hữu là người của mùa xuân. Người chỉ đến với cô vào lúc 4 giờ kém 10 phút sáng. Hữu là mùa xuân với cô, là sự khởi đầu. Khởi đầu một ngày, một chu kỳ từ lúc 4 giờ kém 10 sáng, dẫu cho cô có thể ngủ và lạc đi đâu mất suốt từ lúc 4 giờ kém 10 sáng này đến lúc 4 giờ kém 10 sáng ngày tiếp theo. Mùa xuân trong khái niệm của cô là sự ẩm ướt từ bên trong. Một thứ nước ri rỉ ra từ một con lạch mùa xuân chạy dọc cơ thể. Nước nguồn trong và mát lạnh, có hương của hoa cỏ ngai ngái. Mỗi lần cô cựa mình trên tấm ga, mùi ngai ngái lại tỏa ra nặng hơn. Ngoài cửa mưa bụi vẫn rắc trên thành phố của cô mờ mịt. Hữu ngồi bên bậu cửa nhìn cô. Có những hôm cô sẽ bật Fuga của Bach. Nhưng hôm nay thì không cần.

Hai bàn chân trần của cô cọ vào nhau. Đó là cảm giác khô mát duy nhất cô cảm thấy lúc này. Còn lại, mọi thứ đều ướt và ẩm. Hơi thở cô nóng hổi phả lên trong không khí phòng. Gió lạnh và khô từ máy điều hòa phả ra không lại được với hơi ẩm ướt từ bên ngoài do Hữu mang vào. Cô tiếp tục cọ chân vào nhau, lần này là phần cẳng chân và đùi trong. Hông cô hơi nhấc lên khỏi giường cùng một tiếng bật rên khe khẽ. Tay cô bắt đầu luồn xuống bụng dưới, nơi lúc này đang tỏa hơi nóng như cái lò lửa. Cô khoan khoái để tay ở lại đó. Thật khoan khoái, dễ chịu.

Lần đầu tiên cô nhìn thấy Hữu cũng như thế, lúc cô đang để một bàn tay ở bụng dưới.

*

* *

Thị trấn nhỏ nằm giữa rất nhiều lau lách và tường đá. Con bé con được đi theo ông bà đến thị trấn này chơi vài ngày. Ông bà nó đi dự một đại hội báo cáo ngành gì đó, cả ông cả bà, và nó được đi theo, vì bố mẹ nó bảo đi đại hội không khác gì đi nghỉ dưỡng. Giống như ở bên Nga cán bộ cấp cao được đến khu nghỉ dưỡng bên bờ biển hoặc tắm khoáng vào mùa đông, được sống trong những căn nhà tường ốp đá, mỗi căn có ba tầng, ban công làm theo kiểu đua ra để tận hưởng hết gió biển hay ánh nắng trời. Bố mẹ nó chưa đi nghỉ dưỡng chế độ cao cấp bên Nga cũng như chưa đi Nga bao giờ. Nó thì biết được vì hay nhìn thấy trên ti vi những khu nghỉ dưỡng như thế. Với nó nghỉ dưỡng cao cấp là ban công to nhìn ra biển, những ngôi nhà ba tầng bên ngoài ốp đá. Kỳ nghỉ dưỡng dự đại hội của ông bà nó thì khác nhiều, nhưng mọi thứ đều chỉ cần gần đúng là đủ.

Với nó đó là một cái thị trấn toàn đá và mía lau.

Ông bà cùng nó đi tàu hỏa đến thị trấn này từ sáng sớm. Bố mẹ nói với nó sẽ được đi với ông bà từ chiều hôm trước. Nó không hào hứng vì nó không thích ông bà nó. Nó sợ ông, người ông lúc nào cũng tỏa ra mùi băng phiến. Ông hay rắc bột vào nách. Thứ bột mịn làm nó mới chỉ nhìn thấy là hắt hơi ngay. Ông nháy mắt bảo nó, thứ bột này là bột thần ảo, dùng để cưa gái. Bà liền nguýt ông. Bà hay cãi nhau với ông. Tất cả những gì ông nói bà đều tìm cách nói hoặc làm ngược lại. Bà bảo ông là trai lơ, làm cho nó hiểu trai lơ là một loại chai thủy tinh chuyên để đựng thứ bột mịn ảo để tung ra làm những điều ám muội với đám đàn bà. Đám đàn bà ấy không bao gồm bà nó. Ông là cán bộ cao cấp, mẹ nó bảo thế. Bà là con buôn đội lốt vợ cán bộ cao cấp, bố nó bảo thế. Ông bà không ưa nhau, nhưng luôn luôn xuất hiện cùng nhau trước mắt nó, không bao giờ chỉ có một mình ông hay chỉ có một mình bà.

Chiều hôm trước nó đi học về. Nó đi bộ một mình từ trường về nhà. Giống như các buổi chiều khác, nó lại lên cơn buồn thảm. Nó đang đi trên đường, mà đường từ trường về nhà nó thì gần lắm, từ đầu này có thể nhìn suốt đến đầu kia quãng đường. Hai bên đường là phố xá, người đi lại. Có những nhà nó quen biết cả người lớn lẫn trẻ con, theo đúng phép nó phải gật đầu chào. Có những nhà nó không quen, chỉ thấy gương mặt quen thuộc, động tác quen thuộc mà đúng giờ nó đi học về ngang qua, ai cũng sẽ đang làm đúng một việc nào đó. Đột nhiên giữa phố vui là thế, nó lại lên cơn buồn thảm. Nó bỗng thấy trời tối rầm đi, mọi thứ xám xịt lại. Chân nó nặng trịch không cất nổi bước đi nữa. Nó đứng chôn chân giữa phố. Nó nhìn ra xa, nhà nó ở phía cuối của đoạn đường, nơi có bố nó và mẹ nó cũng đang được đặt vào đúng chỗ đó để làm cái việc mà nó cần phải nhìn thấy vào giờ này khi đi học về. Nó buồn thảm và sụp xuống. Nhưng nó lại không khóc. Nó chỉ biết có gì đó đang đổ vỡ, đang sụp đổ. Giống như bức tranh của ông họa sĩ ở cùng xóm nó đang vẽ bỗng rơi xuống. Bức toan được căng ra trên khung to, cao bằng cả hình người lớn làm nó muốn xem phải đứng ra thật xa, nheo nheo mắt lại để nhìn ngắm các mảng màu bỗng dưng rơi xuống. Chỉ có một tiếng sột soạt nhẹ, rồi tất cả màu sắc bỗng rơi xuống, chẳng còn lại gì. Ông họa sĩ đang đứng trên thang để giữ tấm toan chắc là tuột tay. Ông quay lại nhìn thấy nó đang trố mắt nhìn vào khoảng không mà trước đó là màu sắc. Ông cau mày với nó.

Lúc này đang đi trên đường nó cũng cảm thấy y như thế, có một tấm toan màu sắc vừa rơi, để lại một thế giới xám xịt và sụp đổ trong nó. Nó ngơ ngác nhìn mọi vật. Lần đầu tiên nó hiểu rằng nó cô đơn và một mình trên cõi đời này, một mình. Đúng là một mình. Không có ai khác cả, không ai ngoài nó, đang nhìn ngắm và quan sát thế giới này. Không ai như nó, không ai nhìn giống nó, không ai nghĩ như nó. Nó thấy buồn thảm tận đáy lòng. Cơn buồn thảm sâu sắc nhất ập đến tấn công nó và ở lại luôn, không phải chỉ láng cháng phơn phớt đến trong đôi ba lúc như mọi khi nữa.

Nó về đến nhà, tắm rửa, ăn cơm cùng bố mẹ, trả lời những câu hỏi mà mọi ngày bố mẹ nó vẫn đặt ra, kể lể những gì mà nó nhìn thấy ở trong xóm, trên phố, ở trường xảy ra trong ngày, nhưng với sắc thái vô hồn. Mẹ sờ trán nó hỏi, “con ốm đấy à?” Nó lắc đầu, giá mà nó giải thích được. Một lần nữa, nó lại nhận thấy nó đang ở tận cùng của vực thẳm cô đơn. Bố bảo với nó sáng sớm mai ông bà sẽ qua nhà sớm và đón nó đi tàu hỏa. Sướng nhé, nó được đi tàu hỏa. Không phải ai ở tuổi nó cũng được đi tàu hỏa như thế đâu. Nó buồn rười rượi và thấp thỏm. Nó biết rằng từ giây phút đó, từ cái buổi chiều buồn thảm khi mọi thứ sụp đổ đó, nó chẳng còn phải đo đấu so bì với một đứa bạn nào nữa. Nó sẽ không thể đem khoe bọn bạn những thứ chỉ mình nó biết. Nó cũng sẽ không phải hậm hực vì số bi đất cất trong tủ của nó ít hơn những đứa khác. Nó không còn cuộc đua đấu trẻ con nào với ai nữa. Từ nay nó sẽ đứng ngoài, nằm ngoài tất cả, không thuộc về một hội nhóm nào trong cái đám trẻ con của xóm hay khu phố. Giá như nó kể được cho bố nó nghe về điều đó. Không mong bố nó giải thích, nhưng nó cần phải kể ra, cần phải nói ra được một cái gì đó, về thế giới này vừa sụp đổ, về tấm toan màu sắc bị rơi xuống, về tất cả mọi người quanh nó đang được đặt vào đúng chỗ, đúng việc cần phải làm.

Tối hôm ấy, nó đi ngủ trong tiếng u u còi tàu hỏa. Nhà nó ở gần ga xe lửa, hoặc ở đâu đó gần đường ray. Cứ tối tối trước khi rửa chân đi ngủ, nó vừa gối màn vừa đợi tiếng còi tàu. Chiếc màn ố màu vàng, góc màn có mùi rất đặc biệt, cái mùi ấy, cùng tiếng còi tàu sẽ là thứ đi cùng nó vào giấc ngủ. Tối hôm đó, trước khi ngủ, nó cố nhòm ra cái bãi đá phía sau nhà rồi mới nằm xuống. Nó bảo mẹ nó:

- Mai con ra ga tàu, con biết có đường từ đây ra ga tàu, đường đi qua bãi đá nghĩa địa kia mẹ kìa.

Mẹ cốc vào đầu nó, bảo nó đi ngủ ngay đừng nhiễu sự.

Tu tu tu tu tu tu tu tu… tiếng còi tàu hỏa vẫn vọng lại trong tâm trí.

*

* *

Cô sống một mình giữa thành phố của cô, như suốt bao nhiêu năm kể từ cái buổi chiều cô nhận ra là mình lạc lõng giữa thế gian này. Sự lạc lõng cũng có chiều dài và chiều rộng, sợ nhất là cũng có cả chiều sâu. Cô có những người tình, những người tình đến với cô, giữa những mùa yêu đương hư ảo. Và Hữu là mùa xuân. Có họ, cô không thấy bớt cô đơn hơn, mà qua họ, cô quan sát để tìm ra quy luật. Cô cần phải tìm ra quy luật để lý giải cho sự một mình của cô, và cô cũng cần phải tìm ra một con đường, một lối đi bắt đầu từ điểm đầu cho tới điểm cuối. Giờ cô lạc lõng giữa thành phố quen thuộc của cô, tìm điểm đầu, điểm cuối và lối đi nối chúng lại với nhau. Hằng ngày, cô đi quanh quanh để tìm điểm đầu, điểm cuối và lối đi ấy, cũng như cô đi xuyên qua thành phố của cô, xuyên qua bốn mùa. Hữu đã nói với cô như vậy, phải tìm ra quy luật, phải vẽ cho ra được sơ đồ.

Cô chưa bao giờ nói với ai về điều đó ngoài Hữu, cho đến lúc này.

Căn hộ của cô nằm trên tầng 18 của một khu chung cư. Đây là tòa nhà nằm trong một khu vực mới xây dựng của thành phố. Thành phố mở rộng không ngừng suốt bao nhiêu năm qua, phình to ra nhanh đến nỗi người ta lạc lối ở trong nó. Người ta không định vị thành phố từ dòng sông uốn mình chảy qua nó nữa, mà định vị bằng các tòa nhà cao ốc, hay tiếng Anh gọi là landmark - điểm đánh dấu. Tòa nhà cô ở cũng là một landmark. Nhưng cô chưa bao giờ hài lòng với điểm đánh dấu này. Cô luôn luôn lạc lối khi tìm về nhà mình. Có lần cô nói với ai đó, như một sự phàn nàn:

- Chúng ta có phải bay như chim được đâu mà lại lấy những tòa nhà cao tầng làm landmark. Chúng ta nhìn từ dưới lên mà. Làm sao di chuyển từ nơi này đến nơi khác mà lại cứ phải ngước nhìn lên. Những tòa nhà chưa đủ cao để thành dấu ấn không gian và lại cao quá với tầm nhìn của chúng ta mất rồi.

Chẳng ai hiểu cô đang nói gì. Chắc vậy. Và vì thế cô luôn luôn lạc đường ngay trong thành phố của mình.

Cô đi lại bằng ba hình thức: đi bộ, đi xe buýt và tự lái xe ô tô của cô. Trước đây cô cũng từng thử đi xe máy hoặc xe đạp, nhưng cô không cảm thấy an toàn với hai hình thức đó. Chúng mỏng mảnh quá, không đủ để bảo vệ cô nếu coi chúng là phương tiện. Có một khoảng cách tương đối giữa cô, vật thể di chuyển của cô, các vật thể di chuyển xung quanh, những người ở trong hoặc trên các vật thể đó. Cô thấy an toàn khi đi bộ, vì cô tự làm chủ được khoảng cách giữa cô và những đối tượng khác. Cô thấy an toàn khi ở trong một vật thể khác và có khoảng cách tương đối với những người khác trong khi di chuyển. Cô sợ gần quá với người, cũng như cô sợ những vật thể di chuyển có thể đụng độ, va chạm. Cô mắc bệnh sợ người và mắc bệnh sợ tiếp xúc. Ấy là cô nghĩ vậy, chứ cũng chưa thực sự tìm hiểu về chứng bệnh này có tên khoa học như thế nào, hay có thực sự tồn tại căn bệnh hay chứng bệnh đó không.

Thành phố của cô ngày càng chật hẹp mặc dù thành phố ngày càng phình ra không ngừng. Có lần Hữu bảo với cô, “có một con thú sống trong lòng đất, thành phố của cô nằm đúng trên sống lưng con thú đó. Trời mưa gió là con thú bị đau lưng vì sức nặng của cả thành phố đang đè lên lưng nó”. Cô tin ngay. Cứ tối tối, cô lại ra đứng ngoài ban công để lắng nghe xem con thú đang làm gì. Đôi lúc cô nghe thấy tiếng trở mình của nó. Đôi lúc cô nghe thấy tiếng nó thở nặng nhọc trong cơn ngủ đẫy. Đôi lúc cô thấy nó tỉnh giấc, gầm rống lên. Nơi cuối chân trời có ánh rạng hồng rực như ánh vảy ngũ sắc của con thú hắt lên nền trời. Nó đang giận dữ.

Bây giờ là mùa xuân, mọi thứ đang nhúc nhích nhú lên và lan rộng ra. Cả sự lạc lõng. Cô cảm nhận rất rõ điều đó khi mở tủ bếp, thấy một cây nấm to rủ xuống. Nó đâm ra từ khi nào giữa đường nứt của tủ, chỉ mới có vài hôm cô không mở đến ngăn tủ đó. Một cái nấm hình xám, như một cái ô ủ rũ treo ngược trên cánh tủ, đâm ra từ vết nứt của gỗ. Loài nấm mốc có thể sinh ra từ bất cứ đâu, bám vào mọi địa hình và lan ra cùng với hơi nước ẩm trong không khí. Chính chúng ta cũng đang hít thở hàng triệu triệu cái ô treo ngược trong không khí mà không biết. Hít vào thở ra, mắc lại một chút ở lông mũi hoặc khoang miệng thành những cục gỉ mũi đóng két đắng ngắt và chát, hoặc thành thứ rêu bám trong lưỡi chúng ta. Cô nghĩ. Cô đưa tay đặt lên ngực cố gắng điều hòa nhịp thở vốn đã rất nặng nề của mình mấy ngày qua. Cô bị hen. Hen suyễn. Bị hen có nghĩa là phế quản và khí quản của bạn có hình thù không thẳng và rộng rãi như người bình thường, cái hành lang cho ô xy đi qua để đến phổi ấy. Nó cong queo và bị xoắn lại, biến dạng. Khi ô xy đi qua nó, nó tạo thành những tiếng rít vì những ô hốc trống đầy rẫy ở đó. Tiếng rít như có mấy chục con mèo con thi nhau gào trong cổ họng và ngực. Đó là một cái hành lang bị lỗi. Ông bác sĩ già đã giải thích với cô như vậy. Với một cái hành lang tối tăm, cong queo và biến dạng như thế, giờ lại treo lủng lẳng những cái ô ủ rũ thũng nước xám xịt nữa thì thật là đáng báo động. Cô nghĩ thầm. Phải làm gì đó thôi. Phải làm gì đó để thổi bay cái đám ô treo ngược ấy đi.