Nhà thơ Tế Hanh (1921-2009) dự kiến được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ tưởng niệm 100 năm vào đúng ngày sinh 20/6, nhưng phải hoãn vì dịch Covid-19. Khi nhà thơ Tế Hanh không còn trên dương gian nữa, thì tác phẩm của ông không chỉ chinh phục thế hệ sau bằng niềm riêng bản quán máu thịt, mà còn khiến người ta say đắm bởi những câu thơ tình

 

Nhà thơ Tế Hanh sinh ngày 20/6/1921 tại xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1936, nhà thơ Tế Hanh rời quê nhà ra học trung học ở Huế. Năm 1943, nhà thơ Tế Hanh ra Hà Nội học Luật nhưng hai năm bỏ học quay lại Huế tham gia lực lượng văn hóa cứu quốc và chiến đấu tại chiến trường Nam Trung bộ.

Năm 1954, nhà thơ Tế Hanh tập kết ra Bắc. Ông dự phần sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957 và là một trong những lãnh đạo uy tín của tổ chức văn chương này. Năm 1996, nhà thơ Tế Hanh được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: Ngay từ cuối năm 2020, lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi đã ra Hà Nội để bàn với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tế Hanh tại quê hương nhà thơ. Hội Nhà văn Việt Nam đã có công văn gửi Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân Quảng Ngãi xin phép tổ chức sự kiện văn hoá đặc biệt này. Thế nhưng giặc Covid-19 lại tràn đến, và kế hoạch của chúng tôi phá sản. Hội Nhà văn Việt Nam rất tiếc không thể tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tế Hanh đúng ngày ông ra đời. Tuy nhiên khi khống chế được đại dịch, chúng tôi sẽ thực hiện lễ tưởng niệm ông”.

Từ tập thơ “Nghẹn ngào” in năm 1939 đến khi qua đời ngày 16/7/2009, nhà thơ Tế Hanh mang đến cho công chúng 15 tập thơ. Trong đó, bài thơ “Nhớ con sông quê hương” viết năm 1956 không chỉ giống như một lời kinh kết nối người Việt thời đạn bom chia cắt “tình Bắc Nam chung chảy một dòng/ không ghềnh thác nào ngăn cản được”, mà tiếp tục nuôi cấy tình yêu xứ sở cho người Việt thời hội nhập “tôi dang tay ôm nước vào lòng/ sông mở nước ôm tôi vào dạ

Khi trân trọng giới thiệu nhà thơ Tế Hanh trong tuyển tập “Thi nhân Việt Nam 1932-1941”, Hoài Thanh - Hoài Chân đã đánh giá: “Tế Hanh là một người tinh lắm, Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy được cả những điều không hình sắc, không thanh âm như mảnh hồn làng, trên cánh buồm giương, như tiếng hát của hương đồng quyến rũ, con đường quê nho nhỏ. Thơ Tế Hanh đưa ta vào một thế giới rất gần gũi.

Thế nhưng, khi nhà thơ Tế Hanh không còn trên dương gian nữa, thì tác phẩm của ông không chỉ chinh phục thế hệ sau bằng niềm riêng bản quán máu thịt, mà còn khiến người ta say đắm bởi những câu thơ tình: “Mùa thu đã đi qua còn gửi lại/ Một ít vàng trong nắng trong cây/ Một ít buồn trong gió trong mây/ Một ít vui trên môi người thiếu nữ…”.

Nhà thơ Tế Hanh không viết nhiều thơ tình, nhưng mỗi bài thơ tình của ông đều có nét độc đáo nhờ sự chân thành và độc đáo nhờ sự đắm đuối: “Anh yêu em như hoa nở không nghĩ đến giờ tàn/ Anh yêu em như trăng tròn không nghĩ đến hồi khuyết/ Anh yêu em như người vào bữa tiệc/ Uống cốc rượu đầy không nghĩ đến khi tan.



Thơ tình Tế Hanh không ưa sự cầu kỳ và cũng không chuộng sự bi lụy. Thơ tình Tế Hanh luôn luôn nhỏ nhẹ như một lời nói thầm “Chắc gì mắt em như lá liễu/ Đã cắt lòng anh một nét dao” hoặc “Lá phong đỏ như tình yêu rực cháy/ Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa”. Chính những ngôn từ giản dị làm nên phẩm chất thơ tình Tế Hanh: “Biển một bên em một bên/ Ta đi trên bãi cát êm đềm/ Thân buông theo gió, hồn theo mộng/ Sóng biển vào anh với sóng em.

Ngay cả sự đổ vỡ và sự ly biệt của tình yêu, cũng được nhà thơ Tế Hanh viết bằng sự ân cần, không hề trách móc: “Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa/ Như mặt trăng mặt trời cách trở/ Như sao hôm sao mai không cùng ở/ Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa” và cũng không hề oán hận: “Em gần gũi, em xa xôi/ Sao em như thể chân trời trước anh/ Đưa tay tưởng với được tình/ Bước đi tới mãi mà mình vẫn xa”.

Đặc biệt, nhà thơ Tế Hanh có “Bão” là một bài thơ tình gây xao xuyến cho nhiều người vì sự đan cài giữa hư và thực, giữa tĩnh và động, để chuyển một khoảnh khắc thiên nhiên thịnh nộ và một trái tim run rẩy muôn trùng: “Cơn bão nghiêng đêm/ Cây gãy cành bay lá/ Ta nắm tay em cùng qua đường cho khỏi ngã/ Cơn bão tạnh lâu rồi/ Hàng cây xanh thm lại/ Nhưng em đã xa/ Và cơn bão trong lòng ta thổi mãi”.

Giáo sư - nhạc sĩ Thế Bảo, em ruột của nhà thơ Tế Hanh, không chỉ phổ nhạc hai bài thơ là “Vườn xưa” và “Cơn bão nghiêng đêm” thành ca khúc được công chúng yêu thích, mà còn thuộc rất nhiều thơ tình của anh trai mình. Theo Giáo sư - nhạc sĩ Thế Bảo tiết lộ thì ông từng được nhà thơ Tế Hanh đọc cho nghe nhiều bài thơ ngắn, trong đó có bài “Bên phải bên trái” rất ít người biết: “Nếu anh đi bên phải/ Trên đời chc gặp em/ Nhưng anh đi bên trái/ Mỗi ngày một xa thêm”.

                                                 LÊ THIẾU NHƠN