Trong suốt hai thập kỷ 1940-1950 tại Việt Nam, dù chỉ là một tác phẩm dịch từ ngoại quốc, cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng” của Hà Mai Anh, đã có một chỗ đứng xứng đáng trong tủ sách giáo khoa tại các trường học và gây những ấn tượng sâu xa trong tuổi niên thiếu của thời đó.

 

 

Hà Mai Anh (1905 - 1975), bút hiệu Mai Tuyết và Như Sơn, là một nhà giáo, là tác giả của nhiều sách giáo khoa về văn chương, toán học và cũng là dịch giả. Hà Mai Anh quê ở Thái Bình, từng làm hiệu trưởng ở các tỉnh ở Bắc Kỳ. Ông đóng góp nhiều bài vở cho các báo đương thời nhưng sự nghiệp văn học của ông chủ yếu là các tác phẩm mang tính cách giáo dục. Ngay từ năm 1938 cuốn “Công dân giáo dục” đã được xuất bản tại Nam Định và được chính phủ Bảo hộ chấp thuận dùng làm sách giáo khoa.

Sau đó là nhiều tác phẩm dịch, nổi tiếng nhất là cuốn “Tâm hồn cao thượng” (tiếng Ý: Cuore) đoạt giải Văn chương Alexandre de Rhodes 1948, dịch từ tiếng Pháp. Cuốn này nguyên thủy viết bằng tiếng Ý của Edmondo De Amicis và tại Việt Nam được xem như một cuốn "luân lý giáo khoa thư" của thế kỷ 20 và trở thành "kim chỉ nam" của một thế hệ thiếu niên.

Các tác phẩm khác do ông dịch lại từ tiếng Pháp: Vô gia đình (Sans Familles), Trong gia đình (En Famille) và Về với gia đình của Hector Malot; Guy-Li-Ve du ký (Gulliver's Travels) của Jonathan Swift; 80 ngày vòng quanh thế giới (Le Tour du monde en quatre-vingts jours) của Jules Verne cũng được nhiều người biết đến.

Sau năm 1954 ông di cư vào Nam, làm hiệu trưởng trường Trần Quý Cáp ở Sài Gòn rồi chuyển sang làm việc trong Ban Tu thư và Học liệu thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục của Việt Nam Cộng hòa.

Khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, ông sang Mỹ tỵ nạn và mất ngày 20 tháng 8 năm 1975.

Trong suốt hai thập kỷ 1940-1950 tại Việt Nam, dù chỉ là một tác phẩm dịch từ ngoại quốc, cuốn “Tâm Hồn Cao Thượng” đã có một chỗ đứng xứng đáng trong tủ sách giáo khoa tại các trường học và gây những ấn tượng sâu xa trong tuổi niên thiếu của thời đó. Nhà giáo Hà Mai Anh đã dịch cuốn sách này từ bản Pháp Ngữ “Grand Coeurs” nguyên bản bằng tiếng Ý của Edmondo de Amicis (triết gia 1846-1908) do nhà văn Piazzi dịch ra Pháp Văn.

Tác phẩm này, vì giá trị giáo dục của nó đã được dịch ra 14 thứ tiếng và rất phổ biến trong tuổi thanh thiếu niên. Ðây là một tác phẩm thuộc loại ký sự, nhưng câu chuyện kể ngắn được sắp xếp trong 10 tháng, mỗi tháng có vài câu chuyện kể những công việc và biến cố tại trong lớp học hay giữa bạn bè, cùng một câu chuyện hằng tháng.

Tất cả nội dung của từng mỗi câu chuyện đều khêu gợi lên những tình cảm tốt đẹp của con người, không phải qua những lời giáo huấn khô khan, phân tích hay lý luận mà là qua những câu chuyện kể xẩy ra trong cuộc đời thường, mô tả những con người bình thường từ trong lớp học, gia đình cho đến ra ngoài xã hội hay xa hơn là chuyện của quê hương tổ quốc. Ðây là tấm gương sáng của những nhân vật bình thường quanh các em bé học sinh, chuyện một người bán than, một vị thầy mới, một anh học trò nghèo, một cậu bé yêu nước, một người tù, một người lính chữa lửa…

Trong xã hội ấy, có cái xấu cái tốt, có cái gian, cái ngay và Tâm Hồn Cao Thượng dạy cho thiếu niên biết thế nào là lòng tự trọng, sự khoan dung, lòng yêu nước, tính thật thà... thế nào là nghĩa hiệp, thế nào là lòng từ thiện. Nội dung Tâm Hồn Cao Thượng đã dạy cho tuổi thiếu niên tấm lòng nhân ái, thương yêu, thông cảm với thế giới của những người thiệt thòi trong xã hội như những đứa trẻ mù. câm điếc, những người lao động lấm láp.

“Tâm Hồn Cao Thượng” là một bản văn xuôi, nhẹ nhàng đầy âm diệu, mà ngày xưa các thầy cô giáo vẫn dùng làm những bài “học thuộc lòng” cho học sinh. Ðó là những đoạn văn về ngày tựu trường, học đường, lòng ái quốc với những lời văn nhẹ nhàng, thiết tha mà chúng ta khó quên được.

Trong suốt ba mươi năm làm nghề giáo, ông đã dành thời gian để dịch thuật 13 tác phẩm, ngoài các tác phẩm đã kể trên còn có: “Về với Gia Ðình”, Roman Kabris của Hector Malot, “Hoàng Kim Ðảo”, L'ile Au Trésor của R. L. Stevenson, “Con Voi Chúa”, Po Lorn, L'éléphant của R. Campbell, “Chuyện Trẻ Em”, Contes de Perrault của Charles Perrauls, “Cầu Vồng Trong Ruộng Lúa”, Arc-En-Ciel dans Les Rizière của Rosy Chabbert, “Thuyền Trưởng 15 Tuổi”, Le Capitain de 15 Ans của Jules Verne, “Thuật Tàng Hình của Vi- Liêm”, Le Secret de Wilhelm Storitz của Jules Verne, “Dòng Sông Tráng Lệ”, Les Superbe Orénoque của Jules Vern, “Em Bé Bơ Vơ”, Oliver Twist của Charles Dickens. (chưa được xuất bản)

                                              HUY PHƯƠNG

 

 

Hai đoạn trích từ “TÂM HỒN CAO THƯỢNG” do Hà Mai Anh dịch

1.- Ngày khai trường

Tại thành Torino, thứ hai, ngày 17

Hôm nay là ngày khai trường. Mấy tháng hè đã thoáng qua như giấc mộng. Sáng nay, mẹ tôi đưa tôi vào trường Baretti để ghi tên lên lớp ba. Đi đường, óc tôi cứ vơ vẩn đến chốn thôn quê, lấy sự đi học làm ngại. Phố nào cũng thấy nhan nhản học trò. Hai hiệu sách lớn chật ních những phụ huynh vào mua sách vở, giấy, bút cặp da.

Cửa trường đông nghịt những người, cảnh binh và người gác cổng phải khó nhọc mới mở được một lối vào.Vừa bước qua cổng trường thấy một bàn tay vỗ vào vai, tôi giật mình ngoảnh lại thì ra thầy giáo lớp hai tôi học năm ngoái, mái tóc đỏ hoe vẫn để rối, nét mặt vẫn tươi, thầy bảo tôi:

 - Enricô ơi! Thầy trò ta từ nay chia tay nhau nhỉ?

Điều ấy, tôi đã nghĩ đến, nay thầy tôi lại nhắc, khiến tôi thêm chạnh lòng. Mẹ tôi và tôi phải chen chúc mãi mới vào được trong trường. Các ông, các bà sang trọng, các bà thường dân, thợ thuyền, sĩ quan, các cụ già, những đầy tớ, ai nấy đều một tay dắt trẻ, một tay cắp gói, đứng chặt phòng trú chân và ở trên thang gác. Cảnh tượng rất là náo nhiệt.

Hôm nay, lại được trông thấy 7 phòng học ở từng dưới là nơi ròng rã ba năm trường, ngày nào tôi cũng lui tới, lòng tôi sung sướng vô cùng! Trên thềm, các cô giáo đi lại tới tấp. Cô giáo lớp một đứng ở cửa lớp, thầy tôi liền bảo:

- Enricô ơi! Năm nay em học trên gác. Ít ra ta lại được nhìn em qua lại!

Mẹ tôi đỡ lời:

-Thưa cô, cháu sẽ đến thăm cô luôn.

Chúng tôi chào cô rồi đi. Ông Hiệu trưởng, râu tóc bạc hơn năm ngoái, có vẻ bận rộn vội vàng, đang bị vây trong đám các bà, một số người thất vọng vì không còn chỗ cho con. Bạn tôi đi học đông đủ. Nhiều người coi lớn vọt lên. Ở từng dưới, việc chia lớp đã xong. Mấy trò em mới đến trường là lần thứ nhất, không chịu vào lớp, giật lùi như những con ngựa bất kham; người ta phải dùng sức lôi vào. Có em đã ngồi vào ghế rồi lại trốn ra, có em thấy cha mẹ thì tru lên khóc.

Em trai tôi vào lớp cô Đencatri, còn tôi thì học thầy Perbôni ở trên gác. Đúng 10 giờ thì học trò lớp tôi đều vào cả; 54 người trong bọn, tôi nhận mãi mới thấy 15 hay 16 bạn lớp cũ. Trông thấy tôi, anh Đêrôtxi, người học trò bao giờ cũng chiếm phần thưởng thứ nhất, liền ra hiệu mừng rỡ. So với rừng rậm và non xanh là những nơi tôi đã qua chơi mấy tuần lễ trước thì trường học coi bé nhỏ và buồn tênh!

Hết nhớ cảnh lại nhớ người. Tôi nhớ thầy cũ tôi ở lớp hai, một ông thầy khoan từ và vui vẻ, bao giờ trông thấy tôi cũng mỉm cười. Tôi rất tiếc không được thấy thầy ở đây với bộ tóc hoe đỏ rối bù. Thầy giáo chúng tôi bây giờ, người to lớn, không có râu, tiếng nói sang sảng. Đứng trên bục cao, thầy nhìn xuống chòng chọc hết người này đến người khác hình như muốn coi thấu tâm tình chúng tôi. Thầy nghiêm quá, ít khi thấy nở một nụ cười. Tôi nghĩ bụng: "Hôm nay mới là ngày đầu, còn mười tháng nữa mới đến nghỉ hè. Trong mười tháng ấy sẽ có biết bao nhiêu là việc làm, bao nhiêu là bài làm và bao nhiêu là sự khó nhọc đang chờ ta!", nên lúc ra về tôi có vẻ chán nản. Mẹ tôi khuyên rằng:

- Enricô ơi! Hãy can đảm lên, con ạ! Mẹ sẽ cùng học bài với con...

Tôi yên tâm theo mẹ tôi về nhà, nhưng lòng vẫn nhớ tiếc một ông thầy vui tính và hiền từ, vẫn thấy trường học kém vui, không bằng năm ngoái.

 

2.- Thầy giáo mới

Thứ ba, ngày 18

Tưởng thế, chứ thầy giáo mới chúng tôi đã khéo làm xứng ý mọi người ngay sáng hôm nay. Giờ vào học, sau khi thầy đã ngồi vào bàn, chốc chốc lại thấy một người học trò cũ qua cửa cúi chào. Cũng có người vào bắt tay thầy và thăm hỏi một cách rất cung kính. Đủ biết học trò cũ cũng quyến luyến thầy biết dường nào và như muốn còn được ở gần thầy. Nhưng chào thì chào, bắt tay thì bắt, thầy không nhìn thẳng mắt ai, cứ lảng trông ra cửa sổ. Những dấu thân ái và biết ơn ấy tưởng đã làm cho thầy thoả ý nhưng trái lại đã khiến thầy mủi lòng.

Đến bài chính tả, thầy xuống bục, đi lại trong các hàng ghế đọc cho chúng tôi viết. Thấy một học trò mắt lấm tấm mụn đỏ, thầy ngừng đọc, lại gần tay sờ trán và hỏi: "Con làm sao?" Thừa lúc thầy quay lưng lại, một anh học trò bàn dưới leo lên ghế dun dẩy như người trượt băng. Bất đồ, thầy ngoảnh lại bắt gặp, anh chàng vội ngồi ngay xuống cúi đầu đợi phạt. Nhưng ông Perbôni sẽ đập vào vai anh học trò dại dột kia, bảo rằng: "Không được làm thế nữa".

Có thế thôi. Rồi thầy bình tĩnh về chỗ đọc nốt bài chính tả. Khi viết xong, thầy yên lặng nhìn chúng tôi một lúc rồi ôn tồn nói:

- Các con ơi! Hãy nghe ta! Chúng ta cùng nhau phải qua một năm học. Chúng ta nên hết sức làm việc để qua năm ấy cho được tốt đẹp. Phải chăm chỉ. Phải ngoan ngoãn. Ta không có gia đình. Các con là gia đình của ta. Năm ngoái, mẹ ta còn, bây giờ người đã khuất. Ta chỉ còn có một mình ta. Ngoài các con ra ở trên đời này, ta không còn có ai nữa; ngoài sự thương yêu các con, ta không còn thương yêu ai hơn nữa. Các con ví như con ta. Ta sẽ yêu dấu các con. Đáp lại, các con phải yêu dấu ta. Ta không muốn phạt một người nào cả. Các con phải tỏ ra là những trẻ có tâm hồn. Trường ta sẽ là một gia đình, các con sẽ là mối an ủi và mối tự hào của ta. Ta không cần phải hỏi lại các con vì ta tin rằng trong lòng các con, ai ai như cũng "vâng lời", nên ta có lời cảm ơn các con.

Thầy nói dứt lời thì người coi trường vào báo hết giờ học.