Ở Mỹ không có trò dùng giấy báo gói xôi như ở ta. Tờ báo nào cũng thế, đã rời khỏi tay ai đó là vào thẳng thùng rác. Những nhà văn Việt Nam toe toét thêm vài tiếng rồi theo xe của công ty môi trường về nơi tái sinh, trong cái guồng máy hoàn hảo đầu này vào, đầu kia ra của nước Mỹ. Chả biết ở đầu phía kia chúng tôi thành vật gì? Một thứ bùn sền sệt mầu nước cống là cái chắc?

 

BI HÀI NGHỀ VIẾT

TẠ DUY ANH

Đã trót ôm lấy nghiệp chữ nghĩa, liệu có ai không muốn tên tuổi của mình vượt ra khỏi bờ cõi. Và tôi thành thật chúc mừng bất cứ nhà văn nào đã, đang và sẽ đạt được điều kỳ diệu đó. Bởi vì cách đây hơn 20 năm, khi mới bước chân vào văn đàn, tôi đã từng nóng hết cả mặt khi biết tin ai đó ở nước ngoài đang dịch tác phẩm của mình.

Một gã nhà quê, xét trên mọi tiêu chí đều thuộc diện thất học, vậy mà có tác phẩm ra được tận... nước ngoài! Có họa là đá mới không xúc động. Chỉ riêng cái việc họ không biết mình là ai, lại cứ ngồi cặm cụi ngày này sang ngày khác chuyển ngữ, giải mã những điều mình viết, tô đậm những địa danh Việt mà phần nhiều là địa danh làng mình - một cái làng hẻo lánh vào loại nhất thế giới vì nghèo và vì tăm tối - cũng đủ để thấy sáng tạo nghệ thuật sướng đến độ nào.

Và còn sướng gấp bội khi lúc nào cũng có thể thấy hiển hiện trước mắt hình ảnh của mình, dù tí xíu, đang chu du khắp thiên hạ, bay như đốm sáng nhỏ trên vũ trụ và đang góp phần làm cho thế giới mênh mông này thay đổi! (Chọn nghề viết, dù viết văn hay viết báo, không ảo tưởng một chút thật là khó sống). Có lẽ vì thế mà việc tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài chưa bao giờ là ít quan trọng với những người cầm bút, nhất lại là những người cầm bút ở cái xứ sở vẫn còn lép vế toàn diện với thế giới.

Đôi khi nhờ thế mình mới có cơ hội đến những nơi mà hồi bé ngay cả trong mơ cũng không thấy, được gặp gỡ, tiếp xúc, đàm đạo (chỉ cần bằng động tác như kiểu kịch câm) với những người thuộc đẳng cấp cao (cứ tin thế đi) về văn hóa, vị trí xã hội cho dù phải nói thật, ngay cả khi mình chường cái bản mặt ra thì cũng chả mấy ai định ghi nhớ xem mình là đứa nào. Đó là “căn bệnh” lành tính của nhân loại, không thể trách ai được.

Trước khi nhận giải Nobel, có lẽ Cao Hành Kiện cũng đã rất nổi tiếng tại nhiều nơi trên thế giới. Vậy mà hầu như không ai nhắc đến tên ông ở Việt Nam và có thể cả Trung Quốc.

Không rõ Đất Mẹ của ông biết những gì về ông, chứ Việt Nam thì tôi cam đoan hầu như không ai biết, hoặc có biết thì cũng rất qua loa. Hồi đó Internet còn chưa phổ biến tại xứ sở này, mạng xã hội còn là một thứ gì đó tưởng tượng cũng chưa hình dung ra, trong khi sách của ông thì chưa ai dịch.

Tôi còn nhớ, trong bản tin công bố nhà văn nhận giải Nobel năm ấy, phát thanh viên của VTV1 đọc là Cao Kiện Hành (dĩ nhiên cô phát thanh viên chỉ đọc lại bản dịch thôi). Nhiều ngày sau chính bản thân tôi vẫn cứ gọi ông là Cao Kiện Hành, cho đến khi hàng loạt báo đồng loạt viết là Cao Hành Kiện.

Nhưng Cao Hành Kiện không phải là cá biệt. Trường hợp tương tự là tác giả của "Tôi là Đỏ". Thành thật thì đến tận giờ này tôi vẫn không thể phát âm một lần là chuẩn ngay cái tên mang ngữ âm Thổ rắc rối và khó uốn lưỡi của ông, theo cách của người Việt dốt ngoại ngữ như tôi. Vậy mà ông là một Nhà văn lớn của thế giới từ đời tám hoánh nào rồi.

Nhưng hóa ra sự thật ấy không chỉ đúng với mình tôi. Tôi biết có người lớp tuổi tôi vẫn chưa hề đọc dòng nào của Doxtoiepski hay mới hơn là James Joyce... Và giờ đây, hiển nhiên nhất là cứ sau mỗi kỳ công bố giải Nobel văn chương, tôi (và nhiều người khác trong giới) mới lại biết có ông, bà nhà văn cỡ thế giới nào đó tồn tại và nổi tiếng suốt hàng nửa thế kỷ trên đời.

Nghĩ vậy mà thấy mủi lòng nhớ đến trường hợp của mình. Khoảng năm 1991, một nhà báo Ý (không biết ở Ý thì ông ta cỡ nào?) đến tìm hiểu về trường Viết văn Nguyễn Du qua Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến. Khi về nước, ông nhà báo nọ viết một bài theo kiểu phỏng vấn rồi đăng trên tờ tạp chí (cũng không rõ ở Ý thì tờ tạp chí ấy có uy tín cỡ nào?) rồi gửi sang cho giáo sư Hoàng Ngọc Hiến.

Trong bài trả lời của mình, Thầy Hiến nhắc đến tên vài học viên tiêu biểu trong cả bốn khóa, trung bình mỗi khóa một người. Khóa IV thì tôi được nêu tên. Nhưng chính thầy Hiến tìm mãi, tìm mãi cũng không thấy tên Anh Duy Ta (viết theo kiểu Âu ngữ) đâu để chỉ cho tôi.

“Rõ ràng là tôi có nhắc đến em mà" - thầy Hiến thanh minh. Thầy Hiến đành phải lần từ trên xuống, dịch cả một đoạn nội dung, nhất là đoạn nói về khóa IV, để khẳng định cái tên Tao Dinh Sing lạ lùng trong bài báo, chính là để chỉ trường hợp của tôi? Tức là nếu có ai ở Ý đọc bài báo ấy, thì họ được thông tin là có tay Tao Dinh Sing nào đó đang học ở cái trường viết văn nào đó bên Việt Nam. (Còn Việt Nam là xứ nào thì chưa chắc họ đã thông tỏ?)

Chả may gặp phải người cẩu thả - một gã thất nghiệp chán đời chẳng hạn - không thèm đọc cẩn thận, tưởng nhầm là tác giả đang viết về cái trại chăn nuôi, thì cái tên Tao Dinh Sing hoàn toàn có thể là tên một giống chó châu Á nào đó lắm? Chó Tây Tạng chẳng hạn. Được thế còn là may vì dù sao dân châu Âu cũng quý chó hơn giống vật bốn chân khác. Với lại sự đời còn nhiều thứ hài hước và bi thảm hơn thế cơ mà!

Cũng trong chuyến đi Hoa Kỳ mà tôi vừa lấy làm ví dụ, một tờ báo địa phương thấy hơn chục thằng nhà văn nhà báo như lũ nhà quê ra phố chúng tôi vừa từ Việt Nam sang, họ bèn cho người đến phỏng vấn, đại ý bản báo muốn biết chúng tôi thấy nước Mỹ của họ thế nào (so với phần còn lại của thế giới!). Người hướng dẫn đoàn bèn mời vài người, trong đó có tôi, đại diện trả lời.

Hôm sau trên tờ báo đó, phát miễn phí từng chồng ở siêu thị, ngã tư, nhà toa-let... có đăng hình mấy nhà văn Việt Nam trượt tuyết, cười toe toét và tôi được chú thích là “nhà văn trẻ nổi tiếng Tau Dong!” Làm sao Ta Duy Anh lại thành Tau Dong, thì chỉ có Chúa biết. Có thể Ngài cũng không phát âm chính xác được tên tôi. Cũng có thể Ngài chậc lưỡi, tên nào thì cũng có chó nó quan tâm, mặc kệ, như ngài đã mặc kệ thế gian đang mất dần ký ức và cảm xúc!

Mà đúng như thế. Bởi vì bạn có đi cả ngày trời thì cũng chẳng thấy ai ở cái vùng heo hút miền Trung nước Mỹ ấy cầm trên tay tờ báo đó để đọc. Ở Mỹ không có trò dùng giấy báo gói xôi như ở ta. Tờ báo nào cũng thế, đã rời khỏi tay ai đó là vào thẳng thùng rác. Những nhà văn Việt Nam toe toét thêm vài tiếng rồi theo xe của công ty môi trường về nơi tái sinh, trong cái guồng máy hoàn hảo đầu này vào, đầu kia ra của nước Mỹ. Chả biết ở đầu phía kia chúng tôi thành vật gì? Một thứ bùn sền sệt mầu nước cống là cái chắc?

Nhưng bi hài nhất là khi một dịch giả người Nhật dịch một cái truyện ngắn của tôi in vào tờ tạp chí Dân Chủ (là nghe chị giải thích thế chứ tôi đâu có biết một từ nào của tiếng Nhật). Nhân có công chuyện, chị sang Hà Nội và hẹn tôi gặp chị ở một khách sạn trên phố Mai Hắc Đế để chị biếu sách và trao nhuận bút. Khi cầm tờ tạp chí là lạ trên tay, tôi giả vờ lật lật, thực chất là tìm xem truyện của mình in ở trang bao nhiêu, hình hài khi thành tiếng Nhật thì nó thế nào.

Tất nhiên là cụ tổ 4 đời của tôi sống dậy cũng không thể giúp tôi thực hiện được việc đó. Bởi vì chữ Nhật là chữ tượng hình, chỉ toàn ô với gạch. Cuối cùng tôi đành phải nhờ chị dịch giả chỉ cho. Chị lật một lúc rồi chặn tay vào cái đầu đề, bảo đó là tên truyện của tôi. Tên tôi khi viết bằng tiếng Nhật, là ba cái ô vuông có gạch trong gạch ngoài, móc trên móc dưới và nó giống với hầu hết những tên tác giả khác. Tôi bèn bí mật dùng móng tay miết nhẹ một cái để đánh dấu rồi quay sang bắt chuyện với chị dịch giả. Trở về, thấy tôi cầm cuốn tạp chí có thứ chữ lạ, con gái tôi khi đó mới học lớp sáu, hỏi:

- Bố cầm sách nước nào thế?

- Nhật đấy con ạ. Có truyện ngắn của bố in trong đó đấy.

 

- Thế ạ - con bé áp má vào người tôi - bố giỏi thật.

Tất nhiên dưới mắt con bé lớp sáu thì bố nó phải cực kỳ oách. Đã có truyện được dạy trong nhà trường, nay còn có truyện dịch sang cả tiếng Nhật cơ mà. Không khéo bố sắp nổi tiếng thế giới rồi cũng nên. Nó bèn sán lại, cầm quyển tạp chí giở ra xem và cứ xuýt xoa vì lạ, vì giấy đẹp và vì có truyện ngắn của bố nó in trong đó. Cuối cùng nó ngước mắt hỏi tôi:

- Truyện của bố đâu?

Tôi nghĩ là mình đã đánh dấu, nên tự tin ngồi xuống lật giở. Con gái tôi hồi hộp dán mắt theo tay tôi. Tôi giở đi giở lại vẫn không tìm thấy vết móng tay đánh dấu ở trang nào. Rõ ràng tôi đã miết nhẹ vào chữ đầu của cái tít. Vậy mà giờ đây, tất cả những cái tít đều ít nhiều có vết, không biết đâu là vết do tôi tạo ra. Tôi bèn dùng phương pháp suy đoán. Tên tiếng Việt là bốn chữ, chắc tên Nhật cũng bốn chữ. Nhưng có tới ba bốn bài dài ngang nhau đầu đề đều bốn chữ.

Tôi bèn căn cứ vào nội dung để đoán hình minh họa. Nhưng hình minh hoạ gần với nội dung truyện của tôi nhất - theo suy đoán của tôi - thì lại của một đoạn văn ngắn, chỉ ngắn bằng một phần năm tác phẩm của mình. Không có bất cứ dấu hiệu nào đáng tin để có thể đọc ra tên tác giả, tên nhân vật trong truyện của mình. Cuối cùng tôi đành chỉ đại vào một truyện, bảo với con gái tôi:

- Hình như... đây con ạ!

Con gái tôi xem xong hỏi lại:

- Có đúng không hả bố? Bố chỉ tên bố bằng tiếng Nhật cho con đi.

Tôi đoán người Nhật cũng viết thứ tự như người Việt, nên chỉ đại vào chữ đầu bảo đó là chữ Tạ, chữ tiếp theo là chữ Duy, chữ cuối cùng là chữ Anh. Tưởng thế là con gái mãn nguyện, nào ngờ nó hỏi độp một câu:

- Con hỏi bố nhé, thế nếu bác dịch giả thêm vào truyện của bố vài câu thì bố có biết không?

- Ôi con, dịch giả, nhất lại là người Nhật, văn hóa cao ngút trời, không ai làm thế đâu?

- Nhưng nhỡ họ cứ làm thì bố có biết không, họ đùa thôi mà?

- Bố không biết, đương nhiên là bố không biết. Mà sao con lại hỏi bố như vậy.

- Vì ở lớp tiếng Anh, bọn con vẫn trêu những đứa dốt theo cách đó mà.

- Con không thể so sánh thế được...

Con gái tôi không hỏi gì thêm, nhưng rõ ràng nó không tin tôi đã chỉ đúng truyện của tôi cho nó. Vì thế nó tiếp tục lật giở, so sánh và bày tỏ thái độ hoài nghi không giấu giếm. Nhưng may mà có nhiều trò chơi hấp dẫn hơn một văn bản toàn ô với gạch, nên sau đó nó không hỏi thêm câu nào nữa.

Từ bấy đến nay, gần hai chục năm trôi qua, cuốn tạp chí Nhật có đăng truyện ngắn của tôi vẫn nằm yên trên giá sách và tôi cũng vẫn chưa biết truyện của mình ở trang nào. Nghĩ lại lời con gái mà thấy buồn cười.

Ngộ nhỡ vì lý do nào đó, do in sai, do dịch sai, do hiểu sai, do lỗi phông chữ... mà từ bấy đến nay những người Nhật từng đọc truyện ngắn của tôi, kèm cái tiểu sử tác giả, cứ đinh ninh Ta Duy Anh (hoặc biến thể thành cái tên khỉ gió nào đó như đã xảy ra), từng là gã cửu vạn, quét chợ, đòi nợ thuê, bồi bàn, chạy xe ôm... sau bỏ nghề đi viết văn, thì cũng đáng lắm!

Và ai có quyền ngăn họ nghĩ tiếp rằng cái tên đó là danh tính của một tên cướp khét tiếng? Mọi chuyện đều có thể xảy ra, nhất là trong thời buổi trí nhớ con người cứ ngày một suy tàn?

Nhưng chả lẽ tất cả những điều oái oăm đó không phải là điều thú vị với người cầm bút?

 

Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam