Nhà thơ Ngô Kim Đỉnh vừa có đơn “Thông báo từ bỏ trách nhiệm và quyền lợi hội viên” của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Phú Thọ. Nhà thơ Ngô Kim Đỉnh nhấn mạnh: “Trong tình trạng môi trường sống đang bị đe dọa bởi dịch virus, việc rút lui này còn là cách tôi "giãn cách xã hội" cho Con Người văn nghệ của mình”.

 

NHÀ THƠ TỪ BỎ HỘI VĂN NGHỆ ĐỂ NGỪA COVID- 19

NGUYỄN HỒNG LAM

 

Hồi trai trẻ, nhà thơ Ngô Kim Đỉnh, như tôi biết, rất máu đàn đúm hội hè để bàn chuyện Cách mạng văn chương thi phú. Có ông nhà văn, nhà thơ nào, dù tên tuổi lừng lững hay mới tập tễnh - như tôi chẳng hạn - không may có việc ra Bắc, thế nào lão Đỉnh cũng phi thẳng xe xuống Hà Nội đón lên Việt Trì đãi đằng cho bằng được.

Có lần, chớm Đông năm 2000, lão rủ tôi và nhà thơ Lương Ngọc An "chiều nay lên tôi uống rượu thịt chó". Đi thì đi. An giục hoắng củ tỏi nên cả hai thằng đều mặc độc mỗi áo thun, cứ thế mà đón thêm Thanh Hà báo Sài Gòn Tiếp Thị phóng lên Việt Trì bằng con Suzuki 125 cà cộ của An và con Yamaha cũng cà cộ của Hà. Chó chết chưa hết chuyện. Ngà ngà say, Đỉnh kêu ra ngã ba Bạch Hạc (Sông Thao - Sông Lô). "Xuống bè, quát thằng đệ kiếm con cá Anh Vũ tiến vua ta uống tiếp. Cho thằng Hồng Lam ngắm trăng non trôi sương trên đất Tổ". Đang say, tôi lại gật: "Sợ ông à?".

Nhưng uống hết thêm vài vò rượu, thằng đệ thổ địa cũng chỉ kiếm được mấy con cá lăng, cá leo gì đó, không thể tiến vua nên Đỉnh bãi triều. Giữ đạo quân tử, thi nhân thà lục cơm nguội chứ không phải cá tiến vua là dứt khoát không ăn. Con Mazda từ hồi Bảo Đại tắm truồng của Đỉnh dỗi, không chịu chạy về nhà mà chạy tót lên Yên Bái. Thị xã buồn hiu hắt, lại đang ngái ngủ không tiếp khách. Đỉnh bèn xách thêm chai rượu, đá con xe bay vèo sang Tuyên Quang, lôi gã nhà thơ kiêm nhiếp ảnh gia Đinh Công Thủy dậy. Quần đùi, dép lê, khoác áo Nato sùm sụp, Thủy lia đèn pin tứ tán, hét vợ dậy không rõ định bắt gà hay mổ lợn, còn mình thì lôi cái vò rượu "em ngâm ba chục năm rồi" ra. Năm đó Đinh Công Thủy chưa làm Chủ tịch Hội Văn Nghệ Tuyên Quang, được kết nạp vào Hội chưa thì tôi không rõ. Nhưng lập trường của hai nhà thơ Ngô Kim Đỉnh và Lương Ngọc An là rất rõ ràng: không thể uống rượu ngâm 30 năm của một thằng nhà thơ cơ nhỡ mới 28 tuổi được. Đỉnh quát: "Lên xe!".

Chất thêm gã nhà thơ hăm tám tuổi ngâm rượu ba chục năm, xe riu ríu chạy đến sáng thì cũng đến Trung Quốc. Thật ra thì mới Lào Cai thôi, còn cách thị trấn Hà Khẩu của Trung Quốc một cây cầu Cốc Lếu bắc qua sông Nậm Thi, nhưng hai đầu cầu vẫn đang tạm khóa. Những gì diễn ra sau đó thì không kể cũng biết. Là say chứ có gì khác đâu. Say sang Trung Quốc, say lộn lên Sapa, say xuống Bắc Hà, rồi về Sơn Dương (Tuyên Quang) say tiếp. Uống ở đâu thì say rượu của xứ đó. Nhưng về đến chân đền Hùng thì hũ rượu Đỉnh mang theo và can rượu Sán Lùng ngon nhất Đồng Dương bỏ trong cốp xe mang từ Lào Cai về cũng chẳng còn lấy một giọt.

Hết rượu, người vẫn say, nhưng hết xăng thì xe nhất quyết không chạy. Xe không chạy, ông tài xế chạy. Nhà Thơ Ngô Kim Đỉnh biến đi đâu một lúc rồi xách về một chai bia Vạn Lực đầy xăng, đổ cái ót vô ô tô và túc tắc từ đó bò về đến cửa nhà ở TP Việt Trì. Đến nhà, đương nhiên cơm rượu đã dọn sẵn, sau khi tắm rửa không tái say thì biết làm gì? À mà nói thêm, Đinh Công Thủy đã xuống nhà ở Tuyên Quang trước, có tắm với thay đồ hay không thì tôi không chắc, nhưng ba thằng Hà Nội lên thì chỉ tắm nhưng không thay đồ. Tôi, An và Hà đều tưởng chỉ đi ăn thịt chó rồi về. Trên đời làm gì có thằng khùng nào mang theo quần áo khi đi uống rượu? Bọn nhà thơ tất nhiên cũng không khùng. Hoặc giả tất nhiên rất khùng thì tôi cũng không chấp!

Về đến Hà Nội, tôi mới nhớ ra là là chuyến bay vào Sài Gòn mà mình đặt vé trước hình như đã cất cánh đúng lịch từ 2 ngày trước.

Rồi con Mazda trứ danh ấy cũng phải đổi. Có xe mới, Đỉnh chất cả vợ con, gia đình chị vợ nữa, đi từ Việt Trì vào Sài Gòn xem thằng Hồng Lam tỉnh rượu chưa, kêu nó nhậu tiếp. Tôi lại say. Tỉnh dây a lố a lồ, Đỉnh bảo đang ngồi với các đàn anh văn chương, xếp thứ tự từ Đỗ Trung Quân, Phan Hoàng, Trần Nhã Thụy, rồi Lê Thiếu Nhơn... Xong rồi thì gà gật bảo có mấy người bạn hẹn nhậu trên Đà Lạt. Tôi xúi: "Đi theo đường Dầu Giây - Bảo Lộc thì quá xoàng. Sẵn xe nhà, tôi chỉ cho ông cứ chạy thẳng ra Phan Thiết, qua cầu Cà Ty nửa cây số thì rẽ trái. Con đường đó băng qua rừng nguyên sinh tuyệt đẹp, rất hoang sơ, lại cách Đà Lạt chỉ chưa đầy 100 km". Đỉnh hồ hởi khoe với vợ và anh chị vợ: "Có thế chứ. Trong Nam này thằng Lam là thổ địa!".

Nguyên ngày hôm sau, tôi lo thắt ruột vì gọi điện cả ngày hỏi đến nơi chưa, Đỉnh vẫn tắt máy. Mãi quá trưa hôm sau nữa, gã mới gọi về: "Có sóng đâu mà gọi? Lần sau vào Sài Gòn, tôi giết ông! Làm gì có đường! Toàn đường mòn qua rừng, xung quanh chẳng có ma nào ở cả. Có mấy cây cầu treo dây văng bằng... mây, lót ván sơ sài, đi như đưa võng, ô tô qua kiểu gì? Chiều hôm qua cả nhà tôi xin được nửa gùi bắp của bà con dân tộc nướng lên trừ bữa. Tối qua thì ngủ trong rừng đấy ông ạ". Tôi cãi: "Nói sao ấy chứ, tôi đi đường đó bao nhiêu lần rồi. À.... Bỏ mẹ! Là tôi đi chỉ một mình, đi bằng xe máy nên quên mất!".


                        Thông báo của nhà thơ Ngô Kim Đỉnh


Sau chuyến đó, tôi ra Bắc, lên Việt Trì định bụng xin lỗi. Vợ Đỉnh dứt khoát không nhận: "Cảm ơn hết lời ấy chứ. Nhờ có bác nên nhà em lần đầu trong đời được ngủ giữa rừng già". Đỉnh bảo: "Đấy! Đi uống rượu là phải thế chứ!'. Thằng cu Đại con trai Đỉnh thì bảo: "Sài Gòn thích thật chú Lam ạ. Cơm tấm rất ngon!". Thằng cu ấy giờ đã có vợ, đã sinh con để tôn Ngô Kim Đỉnh lên hàng ông nội lâu rồi.

Một tuần trước, facebook của gã tràn ngập thơ to, thơ nhỏ, thơ cơ nhỡ. Cứ vài ngày, gã lại cắt một trang báo cũ có in thơ mình, thơ bạn bè từ đới tám hoánh nào đó đăng lên. Bao nhiêu nhà thơ, bạn văn nghệ từng chén chú chén anh, gã cũng kể tên lên trang nhà bằng hết. Rất say sưa. Rất tâm đắc. Thế là xong!

Một nhà thơ lãng mạn như Ngô Kim Đỉnh, một gã ham vui, ham bạn bè, ham đàn đúm, đến chết vẫn ăn chơi như gã, đùng một phát, tự tuyên bố bỏ hết ban bệ, hội hè. Hội to, hội nhỏ gì cũng bỏ. Nói bỏ là bỏ. Là vì gã sợ Covid. Trong tờ thông báo gửi Hội Văn nghệ tỉnh Phú Thọ, gã nói rõ: "Trong tình trạng môi trường sống đang bị đe dọa bởi dịch virus, việc rút lui này còn là cách tôi "giãn cách xã hội" cho Con Người văn nghệ của mình". Nói đến đó là ký tên, không thèm thêm một chữ.

Ông giãn cách với ai kệ ông, với tôi, ông đừng hòng. Hết dịch, tôi lại ra Việt Trì tìm ông uống rượu. Trăng non, trăng già, có sương hay có mưa gì cũng uống. Có trốn cũng không được đâu ông Đỉnh. Covid cũng chằng làm sao. Dòng rượu có nồng độ máu cao như chúng ta thì coi như đã chích ngừa online từ hồi chưa có Covid lận!