Nhà nghiên cứu Khổng Đức, một trong ba trưởng lão trong lĩnh vực khoa học xã hội tại TPHCM, đã khép lại cuộc đời 97 năm trên dương gian vào lúc 19h30 ngày 22/6. Bên cạnh việc biên soạn “Từ điển Việt - Hoa thông dụng” hoặc “Từ điển Hán - Việt hiện đại”, nhà nghiên cứu Khổng Đức còn biên soạn nhiều cuốn sách chuyên sâu như “Từ Tống”, “Hí khúc Trung Quốc”, “Ngũ thiên tự”…

 

 

Nhà nghiên cứu Khổng Đức tên thật Đinh Tấn Dung, sinh năm 1925 tại Hành Phước, Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Nhà nghiên cứu Khổng Đức từng giảng dạy triết học và văn học trước năm 1975. Nhà nghiên cứu Khổng Đức cùng với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (sinh năm 1920) và nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư (sinh năm 1922) là ba trưởng lão uy tín trong đời sống học thuật tại TPHCM.

Nhà nghiên cứu Khổng Đức thông thạo 3 ngoại ngữ Trung, Anh Pháp. Vì vậy, ông là dịch giả của nhiều cuốn sách có giá trị như “Thăng trầm quyền lực”, “Tâm lý văn nghệ”, “Hậu Tây Du ký”.

Bên cạnh việc biên soạn “Từ điển Việt - Hoa thông dụng” hoặc “Từ điển Hán - Việt hiện đại”, nhà nghiên cứu Khổng Đức còn biên soạn nhiều cuốn sách chuyên sâu như “Từ Tống”, “Hí khúc Trung Quốc”, “Ngũ thiên tự”…

 Cuộc đời nhiều thăng trầm của nhà nghiên cứu Khổng Đức đã khiến ông trở thành một pho sử sống về những khúc quanh xã hội. Trong hồi ký, nhà nghiên cứu Khổng Đức đã phản ánh đời sống Sài Gòn vào những ngày Cách mạng Tháng 8-1945 khá sinh động: “Sài Gòn mấy năm liền điêu đứng, nhưng giờ đây tôi đang gặp lại một Sài Gòn chuyển mình, chuẩn bị một cuộc vùng dậy hiên ngang. Nhân dân Sài Gòn không còn co rút tiêu cực trong những dáng đi lom khom, cuối đầu lặng lẽ hay bơ phờ héo hắt, nhựơng bộ ngượng  ngùng  trước kẻ ngoại bang Tây Nhật. Mà tất cả đều như nhìn thẳng, ngng lên, mắt sáng, môi cười, mặt tươi như bình minh vừa ló dạng; lồng ngực đang hít thở một không khí mới trong lành, và trông lúc nào cũng như đang cầm nắm một thứ vũ khí sắc bén.

Nhà nghiên cứu Khổng Đức tận tụy với công việc khi đã tuổi cao sức yếu. Bằng tri thức và trải nghiệm, ông đã đưa ra nhiều gợi ý cho giới cầm bút: “Trong quá trình sáng tác, tất cả những tác phẩm nghệ thuật chân chính, tất nhiên nghệ thuật gia phải trải qua giai đoạn của trạng thái linh cảm. Một tác phẩm được chế tác mà không trải qua giai đoạn linh cảm thì không đáng nói đến, vì chất nghệ thuật chẳng có là bao. Linh cảm là khoen quan trọng  trong quá trình sáng tác.

Không chỉ lặn ngụp trong những tác phẩm kinh điển, nhà nghiên cứu Khổng Đức cũng rất chịu khó đọc và viết về tác phẩm của những cây bút cùng thời như Yến Lan, Chế Lan Viên, Quách Tấn và cả những cây bút trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất.

Đặc biệt, những tiểu luận về thi ca của nhà nghiên cứu Khổng Đức rất được công chúng đón nhận. Nhà nghiên cứu Khổng Đức kiến giải: “Bài thơ là một trang của ngôn ngữ, nó biết những ham muốn và  khuyết điểm của chúng ta. Nó nói với cây cỏ, nhà cửa, nước non… với tất cả sức lực của nó làm cho sự vật đó trở nên thành hiện hữu; nhưng thực tế nó luôn luôn không thoát khỏi sự lo âu là nó không hiện hữu. Bài thơ là cái nhìn nhấn mạnh về sự tiếp tục hướng về nơi không thấy cái gì cả. Nó là con mắt mở to về cái  không thể thấy được cũng như những sinh vật, những đối tượng của thế giới gần gũi. Cái nhìn đó là hành động của bản năng trời cho”.

  

Nguồn: Nông Nghiệp Việt Nam