Trong văn chương Nguyễn Một, quá khứ là mạch văn mạnh nhất, mãnh liệt thẳm sâu nhức nhối nhất. Đó cũng là điểm tựa, là đường dây dù nhiều lúc bị tác giả làm cho rối nhùi, lúc thì cố tình rời rạc nhưng cũng lại dẻo dai bền bỉ, từ tiểu thuyết tới truyện ngắn. Đọc ông, thường cứ gai người về những trường đoạn ký ức.
NGUYỄN MỘT
TRẦN TUẤN
Ấn tượng lần đầu gặp Nguyễn Một từ hơn hai chục năm trước khi còn là đồng nghiệp ở báo Tiền Phong, với tôi đó là gương mặt. Vì sao nhỉ? Cảm giác nó được đẽo tạc từ một gốc cổ mộc mồ côi nào đó sót lại giữa rừng núi miền Trung. Gồ ghề to lớn mà không thô ráp, nâu sậm trầm tích lại vừa lộ thiên. Vừa hoạt vừa tĩnh, lại nhiều lúc đột ngột mơ hồ... “Cây cối miền Trung cũng oằn lại, gồ ghề và run rẩy như những giấc mơ không có hình thù của con người một thời vụng dại. Mỗi lần đi đốn củi tôi lại say sưa ngồi ngắm những gốc cây cằn cỗi nằm trong kẹt đá. Những gốc cây già ấy luôn cho tôi những cảm xúc rất mơ hồ về sự mênh mông của vũ trụ...”. Như là Nguyễn Một đang tự mô tả gương mặt tinh thần chính mình?
Một phần cũng bởi nhiều thứ Nguyễn Một viết ra khiến tôi ám ảnh quá. Như cái chi tiết này trong bản thảo cuốn tự truyện “Mây đen bay qua” sắp xuất bản của ông mà đoạn trích trên vừa dẫn. Đó là ngày nhỏ dại cậu bé mồ côi cha mẹ Nguyễn Một theo ông ngoại lên vùng gò nỗng quanh núi Chúa Thánh địa Mỹ Sơn phát cỏ làm rẫy. Nhưng cậu bé toàn “lựa cây không có bông mới cắt, cái bông bù xít trắng đục mong manh tôi thấy thương quá không nỡ bỏ xuống cho trâu dậm lên. Ngoại thở dài “Đời con sẽ khổ lắm, sau này lớn lên con cũng làm nông như ông bà, ai đời người nông dân mà đi thương cây cỏ dại!”.
*
Trong văn chương Nguyễn Một, quá khứ là mạch văn mạnh nhất, mãnh liệt thẳm sâu nhức nhối nhất. Đó cũng là điểm tựa, là đường dây dù nhiều lúc bị tác giả làm cho rối nhùi, lúc thì cố tình rời rạc nhưng cũng lại dẻo dai bền bỉ, từ tiểu thuyết tới truyện ngắn. Đọc ông, thường cứ gai người về những trường đoạn ký ức. Ký ức của kẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ tha hương trắng tay mang theo hình bóng quê nhà suốt đời khắc khoải kiếm tìm...
…Một đứa trẻ đang còn trong bụng mẹ, một đêm người cha nông dân hiền lành bị trói tay lôi ra khỏi nhà, bị bắn chết ngay bụi chuối vườn nhà. Rồi cũng một đêm nọ, cậu bé 4 tuổi đang ngủ trong vòng tay của mẹ trên giường, chợt một loạt đạn vu vơ xuyên qua vách nhà tranh xuyên qua đầu của Người mẹ góa bụa máu và óc mẹ phủ trên người cậu bé trong ánh trăng sáng lạnh của đêm rằm tháng Mười... Sau này, khi sớm phải dấn thân vào cuộc đời bất định, cái choàng tay chở che của mẹ trước khi chết, cái choàng tay cưu mang của họ hàng quê hương, đất tổ cứ đằng đẵng theo đứa bé ấy suốt gần một đời người tha hương.
Cố hương trong Nguyễn Một nung nấu đến mức trở thành siêu thực.
Là ngôi làng Chạc Chìu thân thương "vây bọc bởi những ngọn núi, từ ngọn núi Chúa cao ngất là đầu nguồn chảy qua thung lũng bọc quanh làng" đột ngột biến mất bí ẩn không tăm tích, mà chàng nghệ sĩ Nguyễn Chạc suốt đời "không bao giờ có thể tìm lại được" (Ngược mặt trời).
Là vương quốc Hoa Sứ Trắng hư mà thực. Là đan viện Hòa Bình với những đan sĩ vừa rõ nét vừa ảo mờ đi đứng, trò chuyện, là trận hồng thủy và dịch bệnh xuyên qua thời gian hai trăm năm như mặc khải trừng phạt. "Đó là sự cảnh báo về thân phận yếu hèn của con người, để con người biết sợ cái chết, biết dọn mình cho ngày về mà sống tốt hơn với đồng loại của mình".
Là những lớp kịch hư ảo hiện về giữa khu tháp hoang cổ xưa, như một thứ bi kịch cổ đại đẫm máu và nước mắt, và thật nhiều cái chết bởi những tham vọng con người. Xuyên biên giới, phi thời gian. Là những nhân vật kỳ dị như Chín Toàn ở cái làng Chạc Chìu bị một trận lốc cuốn tít lên trời, khi rơi xuống đôi mắt không còn nhìn thấy gì, nhưng lại có khả năng kỳ bí là "nhìn thấy sự cô đơn của những linh hồn và toàn bộ sự thật đáng buồn của người sống". Để chợt phải than thầm "sao đất nước này quá nhiều những linh hồn lạc lối như vậy!?" (Ngược mặt trời).
Là cái thế giới song song trong "Đất trời vần vũ" khiến chàng thi sĩ Miên Trường lạc vào đó với năng lượng ranaga bí ẩn. Nhưng rồi cuối cùng thi sĩ nhận ra, rằng "thế giới vật chất này có quy luật của riêng nó không lệ thuộc vào thế giới song song".
Nguyễn Một dắt chúng ta vào cuộc săn đuổi lướt qua những tầng ký ức hư thực và siêu thực, chạm tới cả ký ức của tương lai, và những thực thể phi vật chất. Qua những tôn giáo, mà khi ngoái lại chợt thấy Công giáo phảng phất cả gương mặt Hindu giáo, Chăm giáo, Phật giáo.
Ngôi làng Chạc Chìu, như cái thị trấn Taxham trong tiểu thuyết "Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình" của Peter Handke. Hay ngôi làng sương mù trong "Người khổng lồ ngủ quên" của Kazuo Ishiguro. Những cái giếng cạn trong cuộc tìm kiếm bất tận của Murakami... Các nhà văn hiện đại trên thế giới này đã và sẽ còn “gặp nhau” nhiều nữa, trong cuộc tìm kiếm bản thể. Cuộc tìm kiếm vĩ đại, và dai dẳng và cũng sâu thẳm nhất của con người đến thời đại này, không phải tìm thêm những phát kiến khoa học, sinh học mới để có nhiều tiền hơn, để tiện nghi hơn, để có một cơ thể chạm tới sự bất tử. Mà chính là Cội rễ của mình. Cội rễ ấy, triết lý lớn nhất, mạch lạc nhất ấy mà ta có thể nhớ lại sau những giấc mơ buồn rời rạc, đó là lòng trung thực, là đức tin, là tình yêu,...
Nếu có một so sánh, tôi thích “Ngược mặt trời” xuất hiện sau này hơn, dù "Đất trời vần vũ" đã được giải tiểu thuyết của Hội Nhà văn trước đó. Không gian và thời gian nghệ thuật trong “Ngược mặt trời” đa diện, đa chiều vừa nhiễu loạn lại mê đắm hoang vu. Với những bước nhảy, bước chuyển đột ngột khiến ta, người đọc phải bước theo những bước chóng mặt, nhiều lúc phải gấp sách lại để định thần. Đó là cảm giác “rã rời” một cách thú vị mà văn chương hiện đại có thể đem lại.
*
Nhớ một năm nào đó, tôi cùng Nguyễn Một về lại quê xứ của ông. Một ngôi làng có thật hẳn hoi: làng A Đông, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Xứ trung du này suốt mấy chục năm lang thang chữ nghĩa cũng từng cho tôi mang giữ bao nhiêu kỷ niệm. Đời người có những nơi chốn không bao giờ cũ. Từ người đến cảnh lúc nào cũng ngời ngợi thân thương trong tâm trí, như chỉ cần với tay là chạm ngay được. Dẫu giữa cái chạm tay đó là những tháng ngày xa ngút.
Nơi chốn này nhiều lúc bước chân đưa tôi bước đi một cách hoang mang trên mặt đất mà lòng không khỏi rộn một nỗi gì khó tả khi tưởng nghĩ những dấu chân trần tục của mình đang “phạm” lên vòm cao của Kinh thành Sư tử Simhapura từ gần một ngàn bảy trăm năm trước, từng rộn ràng vương tôn quý tộc, tao nhân mặc khách, đạo sĩ với những ngựa xe nêm chảy, với ánh sáng và đàn ca, với điêu khắc và những vũ điệu mê đắm trong cung nhạc bí huyền, nay đã khuất lấp trọn vẹn dưới biển dâu kia. Rồi những mùa lụt ngầu đỏ Thu Bồn, con thuyền cũ đưa tôi duềnh doàng vượt đỉnh xoáy trên dải tang điền bên Trà Kiệu. Những buổi chiều đứng từ đỉnh đèo Le ngó sang Hòn Đền, ngọn án sơn của khu đền tháp Mỹ Sơn ấy nghiêng theo hình trăng khuyết trông như ngọn Méru thần thánh. Lối hành hương của người xưa như sợi chỉ giăng mắc đâu đó dưới chân núi, giờ có lẽ đã hoá thành tơ nhện...
Lan man vậy, để hiểu vì sao văn chương và cuộc truy tìm bản thể của Nguyễn Một nó ám ảnh pha nỗi nhọc nhằn đến vậy, bởi chữ nghĩa và tâm hồn ấy đã gieo những hạt mầm đầu tiên lên một Thung lũng thần linh. Mới hiểu “ngôi làng có thật”, mà sao nhà văn vẫn mải miết đi tìm dưới ảo chìm bóng dáng Chạc Chìu, xứ đạo Hòa Bình, đan viện,... Chừng như mọi chứng dấu của cuộc truy tìm ấy được dõi theo bởi Kala thần Thời gian ẩn hiện dưới mỗi chân tháp cổ xưa.
Tôi cũng tin, như Nguyễn Một đã “tin một cách chắc chắn rằng vùng đất nghèo nhất chính là vùng đất không có một manh huyền thoại, chứ không phải vì thiếu lúa gạo”. Nhà văn tâm sự ông đang viết cuốn tiểu thuyết trực diện về mảnh đất huyền thoại này, tạm đặt tên là "Thung lũng thần linh". Cuốn sách tôi đồ rằng sẽ dành những trường đoạn quan trọng bằng thứ năng lượng ranaga để kể về chuyện các cụ thời tiền hiền từ Bắc di dân vào lập ấp nơi kinh đô Champa dưới chân núi Chúa này. Như từng hiện lên sống động và huyền bí một cù lao Dao trong “Đất trời vần vũ” nơi đất mới Đồng Nai chân chất hào sảng đã cưu mang ông gần suốt đời người.
Nhưng đọc Nguyễn Một, tôi hiểu “huyền thoại” thực sự không phải là những đền tháp, những bí tích, phép mầu nhiệm, hay khả năng siêu phàm có thể đi lại chuyện trò xuyên cõi âm dương. Mà là con người sống với nhau thế nào giữa trần gian này, cho dù rất nhiều khi nó chỉ là những “huyền thoại đạm bạc” (tên truyện ngắn của Hoa Ngõ Hạnh một người bạn của chúng tôi).
Như tô mì Quảng kèm thân cây chuối vườn nhà xắt mỏng tang chị Ba Sắt đãi chúng tôi buổi trưa hè hôm ấy bên cái bàn tre chái bếp, giữa những cơn gió nóng thổi rào rạo xung quanh. Bám trụ giữa quê hương đạn bom nhiều như bão giông, mưa nắng, tưởng không còn nỗi khổ cực nguy nan nào trên đời không tìm đến người đàn bà tảo tần thương khó ấy. Nhưng chừng như mọi sức lực của cơ thể mảnh mai gầy gò ấy đều đã rút hết dồn hết thành một thứ năng lượng của tình yêu thương. Chị Ba Sắt hiện lên trong những trang văn của Nguyễn Một như là một “huyền thoại” đầy ám ảnh. “Chị Ba của tôi, mẹ chị và mẹ tôi là chị em bạn dì, nhưng chị thương chúng tôi lắm, chị thương những đứa em mồ côi mồ cút, những đứa em đã bị bom đạn cướp mất cha mẹ. Cứ dăm bữa nửa tháng là chị xuống, dáng gầy xiêu xiêu trên bãi cát, thúng quà quê nặng trĩu trên đầu, mái tóc dài bới khéo lộ cổ cao thanh mảnh. Chúng tôi reo lên: “Chị Ba Sét, chị Ba Sét”. Đúng ra tên chị là Sắt, tức sắt son, chung thủy, nhưng dân Quảng Nam gọi thành Sét. Để vội thúng quà xuống, chị dang tay ôm cả ba đứa vào lòng và chị khóc... Trong những ngày tha phương tôi nhớ chị Ba Sắt. Chị tôi không chỉ xinh đẹp mà còn bao dung, chị dạy tôi yêu thương tất cả mọi người như yêu chính mình”.
Con người sống với nhau như thế nào? Tôi cứ hình dung một thời ông thầy giáo trường làng Nguyễn Một gầy gò đen sạm cao lòng khòng sáng lên lớp dạy học chiều đạp xe chở thùng cà rem đi bán dạo mưu sinh dưới chân núi Chứa Chan ở Xuân Lộc, Đồng Nai ấy. Rồi đêm đêm lại xách đèn bão xuống nhà dân để xóa mù chữ, dạy kèm cho những đứa trò nghèo học kém. Gần 15 năm đi dạy nhất quyết không dạy thêm, không cầm đồng tiền từ tay học trò, phụ huynh cho tới lúc không trụ nổi mới đành bỏ nghề, đi theo nghiệp viết. Nhưng vẫn nuôi tâm niệm, rằng “người nông dân – những con người phải chịu một nắng hai sương để làm ra sản phẩm chính là lúa gạo nuôi sống chúng ta nhưng họ chẳng cần tiếng tăm gì cả, mình viết vài cuốn sách thì báu gì!”.
Để chợt nhận ra trần gian đạm bạc này có những ngọn núi tên rất lạ, mà có thật, như ngọn núi Chứa Chan...
Xứ Quảng, 5.2021
Nguồn: Nhân Dân hằng tháng