Cứ mỗi lần nhìn thấy các nghệ sĩ trên màn hình, trên báo chí, trên mạng quảng cáo là lại thấy buồn cười. Có người bảo: Sao các nghệ sỹ dạo này lắm bệnh tật thế?! Ông thì vừa ôm bụng vừa chạy như “Tào Tháo đuổi” quảng cáo cho thuốc dạ dày, tá tràng. Bà thì mặt mũi nhăn nhó, rồi bỗng chốc cười rạng rỡ tươi rói vì vừa uống xong một loại thuốc chữa lòi tĩ lòi dom

 

HỖN LOẠN BÁT NHÁO CÁC LOẠI QUẢNG CÁO BẤT LƯƠNG

 

SƯƠNG NGUYỆT MINH

 

Nhà nhà quảng cáo. Người người quảng cáo. Ai cũng có thể làm quảng cáo. Quảng cáo bằng mọi cách, miễn là dụ dỗ được người mua, miễn là kiếm được nhiều tiền. Không cần biết đã đầu độc tâm hồn đồng loại thế nào?! Không thèm biết sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng ra sao? Chưa bao giờ hỗn loạn, bát nháo quảng cáo bất lương như hiện nay. Đã đến lúc phải quản lý, kiểm soát quảng cáo chặt chẽ, không thể cứ thả nổi “cha chung không ai khóc” như lâu nay?!

 

ĐẦU ĐỘC TÂM HỒN ĐỒNG BÀO.

Bán bỉm sữa, nội y, mỹ phẩm rẻ tiền. Bán thuốc “chồng uống, vợ khen”. Bán thuốc “cao đơn hoàn tán”…vv. Tất tần tật đề có thể rao bán trên mạng xã hội Facebook, YouTube, Tik Tok…. một cách tự phát. Mạnh ai người đó rao bán. Xem ra, người bán hàng cũng biết tâm lý con người là… tò mò. Họ dùng đủ các chiêu trò để người nào tò mò kích vào, để xem họ live stream, để mua. Người bán hàng còn chút lương tâm thì đoạn đầu clip để một cái ảnh phụ nữ khỏa thân nửa kín nửa hở, ai tò mò kích vào là cái ảnh trần trụi ấy biến mất, và bắt đầu các hình ảnh rao bán đồ hiện ra. Còn hầu hết clip đoạn đầu có thời lượng vài ba phút, năm phút, thậm chí mười phút là các hình ảnh gái trễ ngực, hở mông, các hình ảnh bắt tại trận bồ bịch ở khách sạn, nhà nghỉ hoặc các hình ảnh đánh ghen xé quần áo, cắt tóc tình địch, để bêu riếu… Sau đó mới là live stream bán hàng. Người nhẩn nha, chậm rãi, từ tốn bán hàng. Kẻ vỗi vã, gắt gỏng, đưa đẩy như máy khâu, thậm chí có mợ vừa bán hàng vừa văng tục. Văng tục không đếm xỉa gì đến người bình luận góp ý. Càng văng tục càng nhiều người thích thú vừa xem vừa rỏng tai nghe, đâm nghiện rồi mua đồ lót, mua nước hoa, quần áo, kính, túi xách… lúc nào chẳng hay.

Người bán hàng tham lam vô tình đầu độc người xem mà không hề biết. Nhưng hầu hết là biết đưa các hình ảnh lõa lồ, đánh ghen vô lối, tàn bạo hoặc lời nói tục tĩu… là làm vẫn đục môi trường kinh doanh, là đầu độc người xem, người mua hàng, nhất là các bạn trẻ, mà vẫn cứ làm. Một bộ phận người xem - người mua lại tò mò, dường như thích thú xem xem sao, rồi click chuột lại vô tình tăng like cho người bán hàng. Lại đến lượt người xem share nội dung vào trang mạng của mình, hay gửi đến bạn bè, vô tình tán phát độc hại cho đời sống tinh thần của người khác mà không hề biết. Đôi khi người ta đổ nghiệp do vô tình, do tự mình, do cố ý, chứ chẳng phải ai gánh đến đổ vào đầu mình đâu.

Có người quảng cáo bán hàng rất láu cá. Một nghệ sĩ ưu tú nổi tiếng được ghép vào hình ảnh quảng cáo bộ trang sức “đá pha lê mặt trăng”, kèm mời chào hấp dẫn: “H.L tri ân người hâm mộ đã ủng hộ trong nhiều năm qua. Chỉ 30 chị may mắn dùng thử bộ dây chuyên đá pha lê cao cấp với giá ưu đãi 299k VNĐ, giá bán dự kiến 2.999.000 VNĐ”. Cái kim trong giẻ lâu ngày cũng lòi ra, người nghệ sĩ kia cũng biết, và phẫn nộ: “Tại sao bán pha lê mà tâm các anh chị đục như “nước cống” vậy?” Dùng hình ảnh, uy tín nghệ sỹ để quảng cáo bán hàng khi không được phép cũng là một thủ đoạn kiếm tiền. Dĩ nhiên là kiếm tiền lừa đảo và bất lương.

Cái sự quảng cáo bán hàng của những người “buôn thúng bán mẹt”, cò con chụp giật, thì sức ảnh hưởng không nhiều, nhưng nhiều người cùng quảng cáo đến mức hỗn loạn không kiểm soát được, xen lẫn hình ảnh, hiện tượng phản cảm thì sẽ thành vấn nạn, thành hậu quả lớn không lường được.

ĐÁNH VÀO SỨC KHỎE ĐỒNG LOẠI.

Khác với người bán hàng quảng cáo cò con, thì các nghệ sỹ có tên tuổi trong làng giải trí quảng cáo cho các nhãn hàng sức ảnh hưởng của một người cũng vô cùng lớn. Dĩ nhiên, quảng cáo bát nháo, bất lương thì hậu quả cũng vô cùng lớn. Thời gian gần đây, dư luận xã hội tỏ ra bất bình với nhiều diễn viên, ca sĩ, nghệ sĩ làm quảng cáo bát nháo.

Nhiều nghệ sỹ hợp đồng quảng cáo mỹ phẩm, thuốc giảm cân, thuốc chưa ung thư dạ dày, thuốc chữa đại tràng, trĩ, gout… Khoảng hơn chục năm nay, thực phẩm chức năng của các hãng dược phương Tây tràn vào Việt Nam, bán rất đắt đỏ, bán tràn lan. Tác dụng một phần thôi, nhưng người Việt dùng thực phẩm chức năng như ăn cơm thường ngày còn do… quảng cáo. Đại diện các hãng ở nước ta tìm đến nhiều nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ gạo cội, là người của công chúng có sức ảnh hưởng lớn, lan tỏa rộng để đề nghị quảng cáo. Tiền ít có thể từ chối, tiền nhiều thì do dự nhưng tiền rất thì… khuất phục ngay.

Cứ mỗi lần nhìn thấy các nghệ sĩ trên màn hình, trên báo chí, trên mạng quảng cáo là lại thấy buồn cười. Có người bảo: Sao các nghệ sỹ dạo này lắm bệnh tật thế?! Ông thì vừa ôm bụng vừa chạy như “Tào Tháo đuổi” quảng cáo cho thuốc dạ dày, tá tràng. Bà thì mặt mũi nhăn nhó, rồi bỗng chốc cười rạng rỡ tươi rói vì vừa uống xong một loại thuốc chữa lòi tĩ lòi dom, quảng cáo mà. Anh thì bắp cơ cuồn cuộn như nâng bổng trái đất, hùng hục như trâu húc mả quảng cáo cho loại thuốc yếu sinh lý đàn ông. Chị thì chân thấp chân cao, thập thễnh quảng cáo cho thuốc chữa gout… vv. Không có bệnh mà cứ giả vờ có bệnh, rồi dùng thuốc mà khỏi thì đúng là thuốc tiên. Thôi thì, đóng phim quảng cáo mà, có thể chia sẻ được. Nhưng không thể chia sẻ và đồng cảm khi người nghệ sĩ “một tấc lên giời”, họ phóng đại, thổi phồng công dụng, tác dụng của sản phẩm. Công dụng sản phẩm được cấp giấy phép có một thì họ nói vống lên tốt đến hàng chục, hàng trăm lần.

Rất nhiều người Việt nhẹ dạ, cả tin. Trước đã là người hâm mộ của ngôi sao ca nhạc, của danh hài, của ông hoàng điện ảnh, thì sau khi nhìn thấy thần tượng của mình quảng cáo lại càng tin tưởng. Nghệ sĩ vô lương tâm, thả ngọc phun hoa, dùng những lờ lẽ có cánh tán dương, thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng như là thuốc điều trị bách phát bách khỏi. “… ngày 2.4, trên một trang Facebook đăng video nam ca sĩ H. nói về sản phẩm viên sủi Shami Xoan được cho là “triệt tận gốc viêm xoang” với những lời có cánh, như: ‘hai em bé thần tiên’, ‘vị cứu tinh của những ai đang bị xoang’… Trong video cũng kèm theo số điện thoại để liên hệ”.

Nam nghệ sĩ Q.T quảng cáo viên sủi Nano Fast như thần dược. “Khỏi là khỏi chứ không phải bị bệnh lại như thuốc tây. Uống viên sủi này thoải mái lắm, vì 100% từ thảo dược. Tôi uống một lộ trình thì thấy bệnh thuyên giảm hẳn đi”, rồi anh khẳng định: “Bây giờ uống rượu, uống bia thoải mái. Đi diễn mệt nghỉ không vấn đề gì, chân tay ngon lành rồi”. Trong khí đó, công dụng của loại này chỉ là “hỗ trợ giảm a xít uric máu, hỗ trợ hạn chế và hỗ trợ giảm nguy cơ viêm khớp do gout”. Cứ cái thói một tấc lên giời, chỉ khổ người bệnh nhẹ dạ cả tin.

Nghệ sỹ Quyền Linh xưng xưng nói về tác dụng của “sản phẩm hỗ trợ điều trị tận gốc tế bào ung thư; giúp tập trung điều trị vết loét, khỏe cho dạ dày và điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường”. Trong khi đó, “… giấy xác nhận quảng cáo được Cục An toàn Thực phẩm cấp, thực phẩm bảo vệ sức khỏe S chỉ có công dụng hỗ trợ chống oxy hóa, hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật, hỗ trợ giảm các triệu chứng của viêm loét dạ dày, tá tràng, hỗ trợ nhanh liền sẹo, làm đẹp da, tốt cho phụ nữ sau sinh”. Nghệ sy Quyền Linh là người của công chúng, anh đã từng thủ nhiều vai điện ảnh rất ấn tượng, người dẫn chương trình có duyên. Sức ảnh hưởng của anh đến người xem rất lớn. Thử hỏi, trong số hàng chục vạn người hâm mộ anh, có bao nhiêu người mua sản phẩm mà anh đã bốc nó lên tận trời, để rồi tiền mất tậ mang? Cũng may là anh đã nhận ra sai lầm của mình và có lời xin lỗi: “Tôi đã thiếu tiết chế khi giới thiệu sản phẩm điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường. Vụ việc quảng cáo vừa qua là bài học sâu sắc với tôi sau hơn 20 năm làm nghệ thuật". Rồi đến nghệ sy Hồng Vân cũng quảng cáo láo nháo, phải đến nông nỗi xin lỗi: “Những ngày qua, khán giả và người hâm mộ đã bày tỏ sự thất vọng với một số sản phẩm mà tôi quảng cáo. Trước hết, tôi xin lỗi đã phản hồi chậm trễ vì quá trình xác minh thông tin với đối tác, nhãn hàng.” Xin lỗi đâu phải đã xong, người tiêu dùng tin nghệ sỹ mua phải thứ sản phẩm không đáng đồng tiền bát gạo, tiền mất tật mang. Nhưng dù sao có xin lỗi, và xin lỗi muộn mặn cũng hơn là không. Còn bao nhiêu nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên nữa trong làng showbiz đã quảng cáo, và đang quảng cáo bát nháo mà “ngậm miệng ăn tiền”, không giật mình, ân hận từ bỏ món hời kim tiền, vẫn không dừng lại và nói lời xin lỗi? Cố ý hay vô tình thì cũng là đánh vào sức khỏe của đồng loại đấy, các vị ạ.

BÁO CHÍ CŨNG VÔ TÌNH TIẾP TAY.

Các nghệ sỹ quảng cáo có tội lỗi, thì truyền hình, báo chí cũng không vô can, làm nên tnhf trạng hỗn loạn, bát nháo hiện nay. Cơ quan báo chí nào mà không có quảng cáo? Bạn đọc đang đọc bài, bỗng dưng một quảng cáo chen vào. Vẫn biết cần phải quảng cáo thì báo mới sống, mới có tiền để làm báo hay. Nhưng chen quảng cáo chân chính, thực chất thì mới tôn trọng bạn đọc, và góp phần làm môi trường xã hội trong lành. Tôi tin là rất ít tờ báo duyệt nội dung quảng cáo để ngăn chặn các loại quảng cáo bất lương. Các vị sếp của các tờ báo in báo điện tử chắc cũng không biết minh đang đăng quảng cáo cái nào thật cái nào giả?

Thôi thì, người tiêu dùng trước hết hãy tự cứu mình đã. Không cái gì là dễ dàng, rẻ mạt cả. Càng không có thứ mỹ phẩm, hay dược phẩm thần tiên. Ung thư mà bị đánh bay thì đã được trao giải Nobel y học từ lâu rồi. Uống một liều “cải lão hoàn đồng”, con vịt xấu xí thành thiên nga, thì công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ đã kkhông phải mọc lên như nấm.