Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh qua đời chiều 12/6 tại Hà Nội. Cuộc đời 88 năm trên nhân gian của ông đã để lại chân dung một tiểu thuyết gia bền bỉ sáng tạo. Ông viết cẩn trọng và tỉ mỉ, đào sâu khai thác yếu tố lịch sử và văn hóa dân tộc.

 

Sau vài truyện ngắn in lẻ lẻ trên báo, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh xuất hiện lần đầu với tư cách một tác giả bằng tác phẩm “Rừng sâu” xuất bản năm 1963. Lúc ấy, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh 30 tuổi. Nội dung của “Rừng sâu” nằm trong mạch tư tưởng phản ánh con người mới trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nhưng cách thể hiện của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã khác các cây bút cùng thời. Ông khước từ lối viết minh họa, ông đặt nhân vật vào hoàn cảnh sống của họ để bật ra phẩm giá, bật lên số phận.

Có thể nói, ngay từ tác phẩm “Rừng sâu”, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã có dấu hiệu của một tài năng tiểu thuyết. Đáng tiếc, định mệnh lại đẩy ông chới với một khúc quanh trớ trêu. Ông không kêu gào và ông cũng không sụp đổ, ông chọn đường lùi vào trang viết. Năm 40 tuổi, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chấp nhận nghỉ hưu non, thoát khỏi những ràng buộc thời cuộc, để tự tại sống và ung dung viết.

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh phải làm không ít công việc nhọc nhằn để mưu sinh, mà không chút oán than. Chất liệu đời thường được ông chưng cất thành tác phẩm. Ví dụ cụ thể nhất là những ngày tháng nuôi lợn cải thiện cơm áo, đã được ông viết thành tiểu thuyết “Trư cuồng” vào năm 1981. Có không ít cay đắng và cũng có không ít mỉa mai, nhưng tiểu thuyết “Trư cuồng” khiến độc giả phải suy ngẫm một cách nghiêm túc về sự biến động trong tâm can mỗi người.

Tiểu thuyết “Trư cuồng” nằm yên ở dạng bản thảo suốt 35 năm, mới được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành với tên gọi “Chuyện ngõ nghèo” vào năm 2016. Sự chấp nhận của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh với tiểu thuyết “Chuyện ngõ nghèo” cũng tương tự như với tiểu thuyết “Miền hoang tưởng”. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh từng dùng bút danh Đào Nguyễn để in tiểu thuyết “Miền hoang tưởng” ở Nhà xuất bản Đà Nẵng năm 1990, nhưng không được sự đồng thuận của nhiều cái nhìn hạn hẹp bấy giờ, nên lập tức bị cất vào kho. Phải đến 25 năm sau, tiểu thuyết “Miền hoang tưởng” mới được in trở lại, và làm say mê bạn đọc.

Đối với một nhà văn, đó là sự thiệt thòi. Thế nhưng, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh xem là điều bình thường. Bởi ông có sự kiêu hãnh của một tiểu thuyết gia bền bỉ sáng tạo. Trách nhiệm của ông là miệt mài viết ra tác phẩm, còn sự may rủi của tác phẩm trên con đường đến với công chúng thì không phải nỗi bận tâm.

Tên tuổi Nguyễn Xuân Khánh được hâm nóng vào đầu thế kỷ 21, khi tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” của ông nhận giải cao nhất cuộc thi tiểu thuyết 1998-2000. Nghĩa là gần 40 năm, ông nhẫn nại cầm bút trong bóng tối, không cầu danh cũng không cầu lợi. Căn nhà nhỏ của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trong ngõ Trần Khát Chân - Hà Nội luôn im lặng giữa dòng chảy đô thị ồn ả. Ông khép cửa để đọc sách, để dịch sách. Và từ cái không gian ngỡ chừng buồn tẻ và đơn điệu đó, văn đàn Việt Nam có được những tiểu thuyết công phu như “Mẫu thượng ngàn” hoặc “Đội gạo lên chùa”.

Không thể phủ nhận, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là tiểu thuyết gia quan trọng nhất của văn chương Việt Nam những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21. Ông viết cẩn trọng và tỉ mỉ, đào sâu khai thác yếu tố lịch sử và văn hóa dân tộc. Đọc tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, như bước vào một thế giới âm thầm nhiều cung bậc và nhiều màu sắc, mà đau đớn được hóa giải, chua chát được xoa dịu, bất hạnh được nâng đỡ.

Tầm vóc của một tiểu thuyết gia là giúp độc giả được mở rộng tri thức và cơi nới tâm hồn trên hành trình làm người lắm bon chen nhiều thương khó. Với sự nghiệp sáng tác để lại cho cuộc đời trước khi vẫy chào nhân gian, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã thể hiện trọn vẹn vai trò một tiểu thuyết gia. 

                              LÊ THIẾU NHƠN