Một lần nữa, nhà- văn- không- thẻ Phan Khánh lại làm tôi bất ngờ. Ông sinh năm 1934, vị chi nay đã 87 tuổi, chuyên gia ngành thủy lợi, vậy mà 3 năm liền in 3 cuốn tiểu thuyết dày dặn: “Đỗ Thích kỳ án” (2018), “Làng quê buồn vui thương nhớ” (2019) và “Khu tập thể bờ sông” (2020). Không phải “bỗng dưng” ông nhảy từ đê đập sông nước sang văn chương.

 

 

BẤT NGỜ VỚI “KHU TẬP THỂ BỜ SÔNG” - MỘT THỜI HÀ NỘI ĐÃ XA…

(Đọc tiểu thuyết “Khu tập thể bờ sông” 2 tập của Phan Khánh – NXB Tổng hợp TPHCM, 2020)

NGUYỄN KHẮC PHÊ

 

Một lần nữa, nhà- văn- không- thẻ Phan Khánh lại làm tôi bất ngờ. Ông sinh năm 1934, vị chi nay đã 87 tuổi, chuyên gia ngành thủy lợi, vậy mà 3 năm liền in 3 cuốn tiểu thuyết dày dặn: “Đỗ Thích kỳ án” (2018), “Làng quê buồn vui thương nhớ” (2019) và “Khu tập thể bờ sông” (2020). Không phải “bỗng dưng” ông nhảy từ đê đập sông nước sang văn chương. Được biết, từ khi ông trở thành bạn thân với nhà văn Ma Văn Kháng - cũng là cái “duyên” thủy lợi, do nhà văn họ Ma phải tìm hiểu chuyện đê đập để viết tiểu thuyết “Mưa mùa hạ” - Phan Khánh đã dốc toàn bộ tâm sức, vốn liếng cuộc đời hơn 8 thập kỷ vào 3 cuốn tiểu thuyết - trong đó 2 cuốn gần đây có thể gọi là hồi ký hay tự truyện.

Có thể nói ngay rằng “Khu tập thể bờ sông” (KTTBS) về nghệ thuật, không “cao tay” bằng “Gánh gánh… Gồng gồng” của Nguyễn Thị Xuân Phượng (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2020), nhưng ôm chứa một thế giới hiện thực rộng lớn và phong phú, với vô vàn chi tiết độc đáo, bi hài của một giai đoạn lịch sử để lại nhiều bài học rất đáng suy ngẫm; mặt khác, trường hợp “cụ ông” Phan Khánh cũng như “cụ bà” Xuân Phượng chứng tỏ hiện thực đời sống Việt Nam còn là một mỏ quý giàu trữ lượng và khả năng sáng tác trong quần chúng rất phong phú, kể cả người cao tuổi. Vấn đề là các Hội, các tổ chức văn nghệ có “con mắt xanh” và biện pháp cụ thể để phát hiện, thúc đẩy những “cây cao bóng cả” nở hoa hay không?...

“… Hân - một anh chàng “quê choa” vì hoàn cảnh buộc phải trốn ra Hà Nội, được đất và người thủ đô cưu mang, rồi học thành tài… Tác giả phần nào phác họa được nhiều khía cạnh của đời sống đất nước từ những ngày mới tiếp quản thủ đô, xây dựng xã hội mới,… tới những năm tháng khó khăn trước Đổi mới và niềm hy vọng, tin tưởng khởi lên từ luồng gió mới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI…” (Trích “Lời Nhà xuất bản”)

Với bối cảnh không-thời gian của tác phẩm như thế, với trí nhớ có thể nói là siêu việt, lại nhờ khả năng quan sát, đo đếm chính xác của một kỹ sư cao cấp, KTTBS đã làm sống lại rất nhiều đời sống xã hội của cả Hà Nội, chứ không chỉ ở KTTBS. Bên cạnh dòng “tự truyện” của Hân, số phận hàng loạt nhân vật đủ các tầng lớp cùng diện mạo phố xá, trường học, đền chùa, các làng ngọai ô, cho đến mộ Garnier và bãi tha ma cạnh phố Khâm Thiên đã biến động như thế nào từ sau ngày “Giải phóng Thủ đô” qua đôi mắt Hân, có thể làm thỏa mãn những ai muốn tìm lại vết tích xưa mà Hà Nội to đùng, hiện đại mà cũng rất xô bồ hôm nay đã trùm lấp tất cả.

Có quá nhiều điều đáng bình luận và suy ngẫm qua KTTBS. Tôi đọc cuốn sách trước thềm ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), lại là cuốn sách về một khu nhà, nên xin “điểm” trước hết một chi tiết gần cuối Tập I, khi KTTBS đã… “bung ra” (như Hà Nội đã và đang “bung ra”, hình như chẳng theo quy hoạch nào, nên mới liên tục ngập nước và phải báo động không khí nhiễm độc!) Ông Tham Ngự, người thiết kế KTTBS kể rằng, kiến trúc sư nổi tiếng Nguyễn Cao Luyện khi kiểm tra thiết kế nhà xí, thấy “Tham ngự phì cười, cụ đã nghiêm mặt: “Nhà ăn tập thể tính sai, gặp quá tải có thể bưng ra sân hoặc ăn trước ăn sau. Nhưng nhà xí quá tải không thể “nhịn” để đi sau, càng không thể đi ra ngoài! Các anh phải nhớ kỹ…”

Chi tiết nhỏ, lại không được “tế nhị” cho lắm, nhưng theo tôi là không tầm thường. Chuyện cụ Luyện, khiến chúng ta phải thốt lên một cách hối tiếc: Nếu như thế hệ kiến trúc sư tiếp nối có tài, có tâm như cụ Luyện, biết nghĩ đến mọi nhu cầu của con người thì Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác hẳn không có tình trạng chen chúc, phá vỡ cảnh quan, môi trường, khiến người dân “khó thở” như hiện nay! Thực ra, đây lại là một mơ ước “lãng mạn”, là ảo tưởng, vì ngay từ năm 1960 thế kỷ trước, KTTBS tuy đã tính toán an toàn tối đa như vậy, nhưng thiết kế cho 150 người đã bung ra thành 600 nhân mạng! Và chính cụ Luyện từ ngày đó, cũng đã dự báo: “Một khi vì lý do nào đó mà phát triển anarchy totalement (vô chính phủ hoàn toàn) thì đừng nói Cao Luyện, đến “Siêu Cao Luyện” cũng bó tay.”

Các “lý do” dẫn đến sự “bung ra vô chính phủ” từ đó cho đến nay có lẽ lẽ là “phi văn chương”, dành cho các giáo sư chính trị - xã hội học. Trở lại với KTTBS, thì do một Bộ tách thành ba, rồi lập thêm Cục, Vụ, dân nhập cư tăng đột biến… “Mọi cái trên đời tuân theo ý chí lãnh đạo, riêng sự phát triển sinh học lại vô cùng quái gở, dường như trêu ngươi… Lớp “Đại táo” trong chiến tranh không hề có nhu cầu vợ chồng, nhưng trong hòa bình không phải đánh đấm thì ra chúng cũng có nhu cầu lấy vợ, sinh con đẻ cái như cái đám Trung táo, Tiểu táo…” Với giọng điệu có phần giễu nhại, tác giả phân tích nhu cầu tự nhiên của lớp “Đại táo” - tức cán bộ loại mới vào cơ quan như Hân, khiến KTTBS phải bung ra. Ban đầu thì đẻ con ra, “ôm con ngủ chung với mẹ trong buồng tập thể… chẳng nhẽ quẳng bé ra ngoài… Để đỡ phiền cho chị em, mẹ cháu mua vải hoa làm riđô… lúc mưa xối xả suốt đêm, đành chấp nhận cho bố ở lại… Một ông bố ở lại được thì các ông bố khác cũng ở lại… Nếu cứ nằm im thin thít, thở nhẹ, không trở mình thì còn được. Đằng này giường chật chỉ 80 phân… Đây là sàn gác gỗ, mà không phải một tổ - ba, bốn tổ cùng trở mình, độ rung cộng hưởng không phải là nhỏ…”

Tôi hình dung ông già gần chín chục xuân xanh, hẳn là vừa viết, vừa cười nụ vì nghĩ đến các cô độc thân nằm cạnh các “phòng riđô” đang “rung cộng hưởng”. Thế là để “giải tán” khung cảnh vui vẻ bất đắc dĩ này, đành phải cho cơi nới làm buồng hạnh phúc và KTTBS bung ra…

Do cái nhan đề cuốn sách, tôi “ưu tiên” bàn chuyện xây dựng và ăn ngủ tại KTTBS, chứ “trường đoạn” sẽ được nhiều người chú ý nhất trong tác phẩm này có khi lại là những câu chuyện anh chàng Hân “quê choa” cùng nhiều bạn cùng cảnh ngộ trong thời kỳ sau ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Các chàng tốt nghiệp trung học thời đó, hầu hết con nhà hữu sản, chưa đến ngày nhập trường, cũng chạy mau cho thoát không khí “đấu tố” đang nóng rực trên đất Xô Viết. Dù tác giả không viết về “Cải cách”, Hân chỉ là con ông lý trưởng, bản thân từng đi bộ đội, nhưng bạn bè anh gặp nhau là nhắc chuyện bi thảm ở quê; nào là Ất con ông Hào bị xử bắn trong đợt 4, đang học Văn khoa; rồi chuyện hai chị em đứa bạn thân, con tri huyện Hồng, tự trói mình nhảy xuống giếng; cả thầy Đ., thầy T. dạy văn, dạy toán, cũng âm thầm chết đói ở xó quê!... Chuyện thầy Cử Tuy dạy toán cấp 3 giỏi nổi tiếng trốn thoát ra Hà Nội mới ly kỳ: xã cử du kích đón bắt khắp nơi, sau nghe tin có tên địa chủ mang bằng cử nhân thời Pháp chết đói ở khe Nước Lạnh giáp Thanh Hóa, nên không truy tìm nữa. Ai ngờ Cử Tuy đã thoát ra Hà Nội (thiên hạ đoán thầy đã mượn cái xác bên đường thế mạng, bằng cách bỏ giấy tùy thân của mình vào …); đi bán kem, rồi được mời trở lại ngôi trường Tây nổi tiếng Albert Sarraut với lương 400.000 đồng/tháng (nơi thầy đã dạy trước năm 1945) nhưng chỉ được mấy tháng thì trường bị cơ quan khác chiếm chỗ… Nói theo lối Truyện Kiều là “Bây giờ chẳng biết vân mòng làm sao…” …Thôi, “nhắc chi ngày xưa đó..”

Có điều thoát khỏi cái không khí nóng rực, luôn luôn cảnh giác đó, khi lên tàu điện đi thăm Thủ Đô, Hân “trố mắt” trước người lái tàu quá tử tế, bảo: “Sinh viên tương lai thì miễn phí…Cậu xuống tàu ở đây, đi lùi trở lại vài chục bước là vườn hoa Bách Thảo”. Không hề có chuyện “kỳ thị” dân nói “trọ trẹ”, chứ quê Hân “giọng nói khác miền mà cứ hỏi đường sá kiểu này thì đã bị bắt nhốt từ lâu!”

Mà không chỉ người lái tàu mới tử tế, lịch thiệp như thế. Ở một quán ăn, “Hân chọn chỗ ngồi gần một bà trạc năm mươi, khăn nhung thả đuôi gà rất kiểu cách … áo dạ nhung the và quần lĩnh đen, cổ đeo chuỗi hạt trai, nơi cổ tay lại có một vòng ngọc bích…”. Bà biết ngay Hân mới ra Hà Nội lần đầu, hướng dẫn anh gọi món ăn, rồi vui vẻ kể chuyện nhà bà đã nhường phòng trên gác cho 5 cậu Nghệ Tĩnh ở tạm chờ vào trường… Một “pha” tiếp theo cũng rất “ngon”, khi một chiếc xe máy Solex trờ tới, “trên xe là một cô gái chừng đôi mươi… Áo dài trắng, quần trắng, đi guốc cao gót, ngoài bận áo len, trông như cánh trong của con ve sầu…” Cô ra đón mẹ, nghe lời mẹ cất tiếng chào ngọt lịm “Em chào anh!”…

Hân còn gặp lại mẹ con “dễ thương” này ở phố Mã Mây, khi tìm Thứ, bạn cùng làng đang trọ ở đây. Nhưng không còn cảnh giao tiếp lịch thiệp và tình yêu thương con người rộng mở của người Hà Nội nữa. Những biến động thời cuộc đã dần dà tràn vào mỗi căn nhà, góc phố. Hân đến đúng số nhà, suýt quay về vì người ra tiếp “ khăn rằn quấn cổ, giơ hai tay ra xua: “Nhè đe véng cổ! Ra bè hàu hốt! (Nhà đi vắng cả, ra bờ hồ hết).” May sao, từ cổng bên cạnh, cô em hôm nọ quần trắng, áo len “ve sầu” dắt xe đi đâu đó. Thì ra căn nhà đã phải chia đôi cho vợ chồng một cán bộ tập kết, tiêu chuẩn có nhà riêng...


                                  Tác giả Phan Khánh sinh năm 1934 tại Hương Sơn - Hà Tĩnh.

Bao nhiêu là chuyện vui buồn chỉ qua một buổi trò chuyện với ông Ký-xe-lửa và Thứ. Ông Ký từng tốt nghiệp Trường Kỹ nghệ Đông Dương, còn may mắn vì được “hưởng lương lưu dung, ba trăm nghìn một tháng, nên không di cư vào Nam”, chứ nhà ông Tham Đạt, mà Hân vừa gặp khi đến ghi tên vào Trường, từng tốt nghiệp khoa kiến trúc Trường Công chính Đông Dương, sau Cách mạng Tháng 8, làm ở Nha Kiến trúc Đô thị thì coi như “mất hết!”. “Bất ngờ, đêm 19 (12/1946), khi còi hụ lên, pháo đài Láng có bao nhiêu đạn 75 ly trút hết về cột cờ và nhà đèn, cả thành phố tối thui, Đạt theo cơ quan chạy về Hà Đông… cuối cùng lên An toàn khu Việt Bắc làm việc…” Vợ và đứa con trai kẹt lại Hà Nội, “sống chung” với một chàng kiến trúc sư. Sau ngày 10/10/1954, “cô ả muốn ở lại vì cái nhà 3 tầng ở mặt phố chính…”, nào ngờ “ai đó” quá sợ “đạn bọc đường” của tư sản, ra chỉ thị “cắm trại” hoàn toàn, sau hơn tuần lễ, Đạt được về nhà thì cô vợ quá sợ vì có “kẻ xấu dọa là Việt Minh sẽ về bắt giam tra tấn những người phản bội Nhà nước, phản bội chồng con…nên đã xuôi Hải Phòng lên tàu Ba Lan vào Nam…”

Lại phải “Thôi, nhắc chi ngày xưa đó…” ! Nhưng “ngày xưa” ấy với lớp sinh viên đầu tiên ở Hà Nội sau ngày 10/10/1954, cũng có không ít chuyện vui. Như 5 chàng “quê choa” ở trọ nhà ông Ký, tối 28 Tết, nghe bảo xuống gặp cán bộ khu phố, tưởng họ đến xét giấy tờ, ai ngờ, được tặng mứt, kẹo, trà tàu và 25.000 đồng tiền mặt… “Chao ôi! Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, tuy mang tiếng là “róc xương hút tủy nông dân”,… bóc 2 cái bánh chưng ra, mùi thơm chưa bao giờ được ngửi thấy…” Rồi đến ngày Quốc Khánh 2/9 năm 1956, được diễu hành qua Ba Đình, được thấy Bác Hồ, ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng trên lễ đài… Cả chuyện rất nghiêm chỉnh với cái tuổi “ngựa non háu đá” cũng thành khôi hài. Ấy là khi chỉnh huấn học chính trị theo “bài Trung Quốc”, thầy giảng “học thuyết Mác-Lênin là đỉnh cao tận cùng của trí tuệ nhân loại…Chủ nghĩa xã hội dân chủ gấp ngàn lần chủ nghĩa tư bản… Chủ nghĩa tư bản không có một tý dân chủ nào, là zéro…” thì Hân nhớ thằng bạn từ hồi học cấp 3 đã dám nói: “Thế thì cộng sản cũng không dân chủ vì một nghìn nhân với zéro và là zéro!” Cơn rúng động “Nhân văn-Giai phẩm” đến nay chưa dứt, nhưng ngày đó vọng vào các trường kỹ thuật cũng chỉ khiến mấy chàng mau miệng tán cho vui sau giờ học toán căng thẳng. Có cậu còn chê Trần Dần “láo khoét” vì mưa gió không thấy phố thấy nhà, sao thấy được lá cờ bé xíu…Cũng có bạn khen Phùng Quán chửi bọn tham nhũng “Xây đài xem lễ” như thế mới được …Vậy mà cũng có kẻ “ghi sổ”, gây hệ lụy cho mấy anh chàng đến suốt đời!...

Anh chàng Hân từng là bộ đội, khi ở KTTBS gặp được những người đi trước chân tình giúp đỡ, nên ít vấp váp, ra trường được Văn phòng Bộ tiếp nhận, khi về địa phương xây công trình, được Chủ tịch huyện xe duyên với kỹ thuật viên Hiền đẹp người, tốt nết…Định không “trích yếu” gì thêm nữa, để các bạn còn tìm mua sách đọc toàn văn; nhưng có chi tiết này vui quá, không… nhịn được, nên dẫn thêm đây. Mấy ngày trước khi Hiền đi khám thì bà mẹ thấy quá lạ: Nó nhịn uống, chỉ ăn đồ khô, “trước khi đi khám, chúng còn kéo nhau vào giường, thằng Hân cầm bát, con Hiền tự vặn vào cặp vú…” khiến bà quát lên: “Chúng mày làm cái trò gì vậy?” Thì ra làm thế để bác sĩ ghi là thiếu sữa sẽ được cấp phiếu mua 8 hộp! Khám về, Hiền cho con bú, bà ngoại nhìn cặp vú đỏ mọng như bị xoắn vắt ghê gớm, đã kêu lên: “Trời ơi! Ai làm còn tôi thế này?”. Nghe Hiền kể rằng sau khi họ bắt uống nửa lít nước đường, chờ cho thấm xuống, rồi “hai bà hộ lý lực lưỡng, mỗi người một bên vặn đến phát khóc lên”, mặc kệ con gái hí hửng ra mặt, miệng lẩm bẩm: “Những 6 hộp! 6 hộp!”, bà ngồi thừ ra và nói: “Thế thì khác gì tra Cộng sản thời xưa!”

Tôi tin các bạn có thêm “một cụ cười bằng 10 thang thuốc bổ”. Nhân đây nói thêm một thủ pháp của cụ Phan Khánh là dùng rất nhiều câu chữ “dân gian” - thành ngữ, thơ ca và khẩu ngữ - như câu mẹ Hiền thốt ra khi xót xa thấy cặp vú con gái bị xoắn vặn, hay như Hân khi được bác Tùng, phó trưởng phòng, quê Bình Định, cựu tù Buôn Mê Thuột giúp đỡ vô tư, rồi nhớ các đảng viên kỳ cựu mà anh từng gặp đã suy ngẫm “Sao lớp đảng viên ấy trong sáng đến thế. Lớp dảng viên đang phấn đấu, phấn thì ít mà đấu thì nhiều…”

Những câu chữ loại này ít có trong sách vở, nhưng thực sự là tiếng nói của nhân dân. KTTBS viết về nhiều “ông Tham”, tác giả cũng có phần “tham” tư liệu, nhưng đầy ắp chi tiết tinh nguyên sự sống, nên con người, khung cảnh Hà Nội một thời đã xa hiện lại rõ mồn một trước mắt chúng ta…