Không chỉ vùng hát chèo mà trong cả nền văn hóa nước ta, cái trống là hình ảnh rất quen thuộc, ai cũng biết, đơn giản nhất là thời học trò rất ghét và rất thích nghe tiếng trống. Làm bài thi chưa xong mà “trống thu bài” thì ghét ơi là ghét. Thầy chuẩn bị “phát vấn”, may quá “hết giờ”... Lúc ấy tiếng trống như là sự giải thoát.

 

NHỮNG ÂM THANH VĂN HÓA

 

NGUYỄN THANH

 

Một lần giảng về chuyên đề “Mối quan hệ giữa cuộc sống và nghệ thuật”, tôi đưa ra ví dụ yêu cầu sinh viên phân tích thành ngữ nào đúng/sai, tại sao: “Vụng chèo khéo chống” và “Vụng chèo khéo trống”. Chỉ khác nhau phụ âm “ch” và “tr”, hầu hết mọi người đều nói câu sau viết sai lỗi chính tả từ “ch” thành “tr”.

Một học viên đứng lên phát biểu cả hai đều đúng, thành ngữ đầu ra đời trong vùng sông nước ý nói người vụng chèo thuyền nhưng khéo dùng con sào để đưa thuyền đi đúng hướng. Câu sau ra đời trong vùng nghệ thuật hát chèo nói về gánh hát vụng chèo (hát) nhưng dùng trống giỏi... Vì nước ta thuộc văn minh sông nước nên thành ngữ đầu quen thuộc với mọi người, sinh ra ở Thái Bình vừa miền sông nước cũng là cái nôi của chèo nên “tôi” (sinh viên) hiểu... Cả lớp thấy anh ta nói có lý!

Thì ra “sống đã rồi hãy viết” không chỉ bên sáng tác mà có ở cả bên giảng dạy, nghiên cứu phê bình!

Cũng ở vùng Thái Bình, cách nay ba, bốn chục năm, các bà hay nói về người phụ nữ có chửa là “ôm/đeo trống”, người ta thân tình hỏi thăm nhau “đeo trống mấy tháng rồi?”. Trong khi đó vùng Hà Nam, Phủ Lý thì thay “trống” bằng “chum” (“sắp vỡ chum chưa” là “sắp đẻ chưa”!)... “Ôm/đeo trống” là sự liên tưởng tới người “cầm chầu”, tức “cầm trống chầu” trong hát chèo. Cái trống tròn gần gũi với cái bụng tròn...!!! 

Cách nói này có lẽ gần gũi với tín ngưỡng phồn thực qua cặp đôi “dùi trống - mặt trống” được biểu hiện rất sinh động trong thơ “Bà chúa thơ Nôm”: “Của em bưng bít vẫn bùi ngùi/ Nó thủng vì chưng kẻ nặng dùi/ Ngày vắng đập tung dăm bảy chiếc/ Đêm thanh tỏm cắc một đôi hồi/ Khi giang thẳng cánh bù khi cúi/ Chiến đứng không thôi lại chiến ngồi/ Nhắn nhủ ai về thương lấy với/Thịt da ai cũng thế mà thôi” (“Trống thủng”). 

Phong cách ỡm ờ lửng lơ mang tính “biểu tượng hai mặt” tả hành động này để “miêu tả” hành động kia của thiên tài Xuân Hương còn thể hiện qua bài “Kẽm Trống”, chỉ khác bài này tả vật: “Hai bên là núi, giữa là sông/ Có phải đây là Kẽm Trống không?/ Gió dập cành cây khua lắc cắc/ Sóng dồn mặt nước vỗ long bong/ Ở trong hang núi cong hơi hẹp/ Ra khỏi đầu non đã rộng thùng/ Qua cửa mình ơi nên ngoái lại/ Nào ai có biết nỗi bưng bồng?”. Kẽm Trống là một địa danh nổi tiếng (Thanh Liêm, Hà Nam) còn nổi tiếng hơn nhờ phong cách thơ Xuân Hương!

Vấn đề cần bàn thêm ở đây là, với văn hóa Việt, hình tượng “trống” là biểu tượng cho tín ngưỡng phồn thực, liệu có phải là độc đáo, là đặc sản? Với kiến văn mỏng hẹp của mình, tôi chưa thấy điều ấy ở văn hóa một nước nào khác. Xin nhờ bạn đọc chỉ giáo thêm!

Câu ca dao: “Ăn no rồi lại nằm khoèo/ Nghe tiếng trống chèo bế bụng đi xem”, có thể ra đời ở vùng văn hóa mê hát/ nghe chèo! Nhưng câu “Trống tháng bảy chẳng hội thì chay/ Tháng sáu heo may chẳng mưa thì bão”, theo kết quả điền dã của nhiều nghiên cứu thì hầu như có ở mọi nơi gắn liền với tục thờ cô hồn rất nhân văn là vào ngày rằm tháng bảy, người ta cúng cháo các linh hồn lang thang cơ nhỡ. Lễ cúng này có ở mọi nhà, nhà chùa cũng cúng, “cúng chay”. Tiếng trống vốn là linh hồn của lễ hội, “cúng chay” cũng có tiếng trống để mời các cô hồn...

Không chỉ vùng hát chèo mà trong cả nền văn hóa nước ta, cái trống là hình ảnh rất quen thuộc, ai cũng biết, đơn giản nhất là thời học trò rất ghét và rất thích nghe tiếng trống. Làm bài thi chưa xong mà “trống thu bài” thì ghét ơi là ghét. Thầy chuẩn bị “phát vấn”, may quá “hết giờ”... Lúc ấy tiếng trống như là sự giải thoát... 

Trong lịch sử, cái trống, tiếng trống là một biểu tượng văn hóa, như câu “Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ” có nét nghĩa phê phán sự cục bộ địa phương “trâu ta ăn cỏ đồng ta”; nhắc mọi người phải biết giữ gìn tài sản (cả vật chất và tinh thần” chung của tập thể, có câu “Trống thủng tang cả làng phải chịu”. 

Lại có câu giáo dục người ta trong ứng xử phải biết mình biết người, “thiên hạ nhân thiên hạ tài”, có nhiều người tài giỏi hơn mình đừng “Đánh trống qua cửa nhà sấm”. “Sấm” là của giời, tiếng kêu vang giời, mình có cố đánh tiếng trống to cũng không bằng “sấm” được. 

Lại có thành ngữ “Đánh trống lảng” nói về một người dùng thái độ hoặc câu chuyện...để lái vấn đề hội thoại sang hướng khác. Câu này có lẽ có nguồn gốc thực ngoài đời là khi tan hội người ta dùng tiếng trống như chào, như nhắc mọi người hết cuộc vui rồi, phải về thôi, hẹn gặp lại!!! Khác với tiếng trống vào hội giục giã, mời gọi, tiếng trống này chậm, thong thả, đúng là “lảng”!!!. Khuyên người ta không nên tham lam, ôm đồm mà phải biết tập trung vào việc cần thiết có câu “Trống bưng da bò không đánh hai mặt/ Cá dưới nước không bắt hai tay”. 

Nhắc người ta làm việc gì cũng phải thận trọng vì mình phải chịu trách nhiệm với chính mình: “Trống bỏi vật vào mình”. “Trống bỏi” là đồ chơi trẻ con, như trống thật nhưng bé tí xíu có hai sợi dây buộc vào tang trống, hai đầu mút của dây là hai mẩu nhựa/ gỗ tròn. Khi chơi, chỉ cần lắc thân trống (nối vào tang trống), hai mẩu gỗ sẽ tự đánh vào mặt trống...Thế nên có câu “Già còn chơi trống bỏi”, ý nghĩa của nó thì ai cũng hiểu... Diễn tả cảnh ô hợp, tréo ngoe có lẽ không câu nào nói sinh động hơn tục ngữ “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”!

Tạo ra âm thanh nên trống không thể thiếu trong nghệ thuật âm nhạc, cả xưa, cả nay, truyền thống, hiện đại, phương Đông, phương Tây. Tất nhiên có rất nhiều loại trống phù hợp với từng thể loại, từng dàn nhạc... Xin nói tới loại rất đặc biệt của ta, được coi là “ông tổ” của trống là trống đất. 

Tương truyền, sau khi thắng giặc, trên đường về Vua Hùng cho quân sĩ hạ trại nghỉ ngơi. Trong lúc nằm nghỉ áp tai xuống đất nghe tiếng đào đất cắm lều là những thanh âm dội lên vừa quen vừa lạ, Vua bèn nghĩ việc tạo ra trò vui... Manh nha từ đấy đến tận đời Trần thì hình thành hát Trống quân. Thể loại này gần gũi với hát đối dân gian, chia làm hai nhóm (ban đầu là quân lính) giữa là cái trống, tức trống đất. Chăng một sợi dây (mây) ngang miệng hố rồi tác động lực vào dây sẽ tạo âm thanh. Phải chăng đây là hình thức khởi nguyên của đàn bầu (!?) có trước hết ở nước ta cùng với sự chứng minh cội nguồn thuyết phục!

Trống ra đời từ bao giờ? Rất khó xác định nhưng nhiều nghiên cứu khẳng định khởi thủy trống (âm thanh) là cầu nối các thế lực siêu nhiên thánh thần thượng đế với con người. Điều này lý giải vì sao các tôn giáo lớn đều dùng trống. Truyện thần thoại/ cổ tích “Cóc kiện trời” của ta cũng có chi tiết nhân vật Cóc (đại diện cho người dân thấp cổ bé họng) đánh trống để gặp Ngọc Hoàng (lực lượng siêu nhiên)! Dần dần tiếng trống trở thành một ký hiệu, một sợi dây liên lạc người với người. 

Về sau các triều đình phong kiến phương Đông có lệ đặt trống ở sân chầu, ai có oan khuất gì muốn xin vua xử thì đến đó đánh 3 hồi trống... Các lễ hội lớn ở hầu khắp mọi quốc gia đều có tiếng trống. Nếu tiếng nói là sứ giả gắn nối và gắn kết người với người, quốc gia này với quốc gia kia thì tiếng trống là sự khai mở một quá trình. Khai mạc hội hè người ta dùng trống. Ngày khai giảng mở đầu một năm học mới, người có trách nhiệm cao nhất sẽ đánh trống... 

Tế lễ phải có tiếng trống thỉnh các chư vị thần linh. Tiếng trống vang lên mới bắt đầu cho một đám ma để đưa một linh hồn về nơi cực lạc. Như vậy tiếng trống cực kỳ phong phú về nghĩa. Có tiếng trống vui (như hội) nhưng cũng có tiếng trống làm người ta bạc tóc như trong câu thơ diễn tả thời dân ta nô lệ: “Nửa đêm thuế thúc trống dồn”, hay tiếng trống giục sưu trong “Tắt đèn” của cụ Ngô Tất Tố!

Trống rất quan trọng trong lĩnh vực quân sự cổ xưa, để ra hiệu lệnh xuất quân hay thu quân, để chỉ hướng hành quân, để cổ vũ tinh thần quân sĩ, để làm giảm nhuệ khí đối phương... Thế nên, trống là một thứ “vũ khí tinh thần” rất lợi hại. Ở thời chế độ phong kiến phản động đi lính là đi vào chỗ chết với việc tàn sát nông dân khởi nghĩa và có khi chính mình phải bỏ mạng nên tiếng trống đầy ai oán, định mệnh: “Thùng thùng trống đánh ngũ liên/ Chân bước xuống thuyền nước mắt như mưa!”. Trong chiến tranh vệ quốc chính nghĩa tiếng trống là đồng chí. 

Ở ta, thời kỳ đầu kháng Pháp, bộ đội vẫn dùng trống như là một vũ khí đuổi giặc. Nhà văn Nguyễn Tuân kể lại từng trực tiếp đánh trống trong một trận công đồn. Bàn về văn hóa Việt không thể không nói đến trống đồng, một biểu tượng rực rỡ cho nền văn hóa nhân ái, trí tuệ, rất mực yêu chuộng hòa bình. Nhưng xin bàn vào một dịp khác!

 

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An